Quốc kỳ Mỹ - Phi (DR)
Ngày 10/5/2012 vừa qua báo chí Philippines đăng lại văn bản
hiệp ước phòng thủ hỗ tương Mỹ-Phi ký kết ngày 30/08/1951 kèm theo lời
tuyên bố của bộ ngoại giao. Mục đích của chính phủ Manila là làm sáng tỏ
nghi vấn Hoa Kỳ có thật sự chuẩn bị bảo vệ đồng minh theo lời cam kết
cách nay 61 năm, trước hành động leo thang đe dọa của Bắc Kinh hay
không ?
Theo điều 5 của hiệp ước phòng thủ hỗ tương Mỹ-Philippines, nếu
một trong hai nước bị tấn công quân sự « vào chính quốc, hải đảo, lực
lượng quân sự, hải thuyền và phi cơ », thì nước kia phải ra tay tham
chiến bên cạnh đồng minh của mình.
Phải nhìn nhận rằng từ nhiều tháng nay, Trung Quốc càng ngày càng
hung hăng đe dọa các nước láng giềng phương nam. Động thái mới nhất là
điều 5 tàu quân sự của hạm đội Bắc Hải vào vùng biển Đông để tăng cường
hạm đội Nam Hải, ra lệnh cấm đánh cá tại Biển Đông như mỗi năm từ ngày
16/5 đến đầu tháng 8. Nhưng đây là lần đầu tiên từ năm 1999, chính quyền
Bắc Kinh nhấn mạnh lệnh cấm này cũng có liên quan đến đảo Scarborough
của Philippines, mà Trung Quốc đặt tên là Hoàng Nham.
Bài xã luận của Global Times, ấn bản Anh ngữ do cơ quan tuyên truyền
của đảng Cộng sản Trung Quốc phát hành, khẳng định Hoàng Nham là của
Trung Quốc và cần phải đánh cho Philippines một trận.
Tuy là nước nhỏ, nhưng chính phủ Philippines đã phản ứng theo lối ăn
miếng trả miếng : dàn tàu chiến trong vùng tranh chấp và đe dọa cũng sẽ
ban hành lệnh cấm đánh cá để bảo vệ hải sản quý hiếm đang bị « ngư dân »
Trung Quốc đánh bắt. Manila tỏ ra năng động trên mọi lãnh vực từ pháp
lý, vận động ngoại giao đến tăng cường quân lực với sự trợ giúp của Mỹ,
để chống lại âm mưu lấn chiếm biển đảo của Trung Quốc.
« Thần ưng nhập cuộc »
Hoa Kỳ càng ngày càng quan tâm hơn đến xung khắc tại vùng châu Á -
Thái Bình Dương, nơi mà hầu như mọi quốc gia ven biển đều có « kinh
nghiệm » va chạm với Trung Quốc, từ ngư trường cho đến dầu khí và biên
cương biển đảo.
Riêng đối với Philippines, thì Washington có những quan hệ truyền
thống chặt chẽ. Chiến lược « tái định vị » tại Châu Á - Thái Bình Dương
của Mỹ diễn ra đúng vào lúc Manila cần một đối trọng với Bắc Kinh. Hệ
quả là từ một năm nay, hai bên đã gia tăng hợp tác ngoại giao, văn hóa
và quân sự.
Hôm qua 16/05/2012, đúng vào ngày « lệnh cấm đánh cá » của Trung Quốc
có hiệu lực, phát ngôn viên quân sự Philippines thông báo tàu ngầm
nguyên tử tấn công của Mỹ, USS North Carolina, đã cặp bến cảng vịnh
Subic từ hai hôm trước.
Để tìm hiểu thêm là Philippines tận dụng điểm tựa hiệp ước quốc
phòng chung với Hoa Kỳ như thế nào để không bị Trung Quốc lấn áp và
liệu tinh thần đề kháng của Manila có thể là tấm gương sáng cho những
quốc gia Đông Nam Á khác, đang là nạn nhân của chính sách gậm nhấm của
Bắc Kinh hay không ?
RFI đặt câu hỏi với nhà báo Lưu Tường Quang từ Sydney :
« Sở dĩ Philippines có chính sách tương đối mạnh và dám ăn miếng
trả miếng là tại vì đằng sau Philippines có đồng minh qua Hiệp ước hỗ
tương quốc phòng 1951. Nhờ ủng hộ của Mỹ mà Philippines an tâm hơn
trong vấn đề đối kháng với Trung Quốc... Hiệp ước này có giá trị nào hay
không ?
Muốn biết, chúng ta nhìn vào Trung Quốc để xem Trung Quốc đánh
giá như thế nào ? Trong tuần này, tại Bắc Kinh, ngoại trưởng ngoại giao
Úc Bob Carr đã có cuộc găp gỡ với cấp lãnh đạo Trung Quốc và ngoại
trưởng Dương Khiết Trì. Ngoại trưởng Trung Quốc nêu lên mối quan ngại
của Trung Quốc về Hiệp ước hỗ tương quốc phòng Mỹ-Úc cũng ký vào năm
1951 … Điều này cho thấy nhờ hiệp ước hỗ tương này đã cho Philippines
một cái thế mà Việt Nam không có ...
Việt Nam phải làm gì để có thể có được một chính sách ngoại giao
tích cực và rõ rệt như Philippines ? Vì nằm trong quỹ đạo của Trung
Quốc, nên Việt Nam chưa dám có hành động cụ thể tiến tới quan hệ ở mức
độ chiến lược với các cường quốc khác như Hoa Kỳ hay ngay cả với Nhật
Bản và Úc Đại lợi để đối trọng với Trung Quốc. Mà muốn có hợp tác chiến
lược với Mỹ, thì Việt Nam cần phải cải tổ chính trị, nhân quyền những
điều kiện mà Hoa Kỳ đặt ra cho mọi nước. Tức là Việt Nam phải dân chủ đa
đảng , phải bỏ điều 4 hiến pháp … »
0 comments:
Post a Comment