(Chia sẻ bài viết này với các bác nông dân Văn Giang)
MIT (Danlambao) - Cha tôi và Bác tôi theo cách mạng đánh Pháp. Bác tôi bị Pháp bắn chết trong một trận càn. Cha tôi may mắn hơn còn nguyên vẹn đến tận ngày Việt Nam toàn thắng (1954). Ông là một trong những người may mắn được tham dự đầy đủ các trận đánh lớn: Chiến dịch Thượng lào, chiến dịch Biên giới và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ. Hòa bình lập lại Cha tôi được chuyển công tác cho tới năm 1980 thì nhà nước cho về nghỉ hưu. Về hưu nhưng Cha tôi vẫn tham gia lao động như một nông dân thực thụ. Những khi rảnh rỗi Người hay nói chuyện quá khứ mà khi bắt đầu câu chuyện thế nào cũng có tiếp đầu ngữ: ngày xưa...
Tôi lớn lên trong gia đình mà có Cha như vậy cũng lấy làm tự hào và hãnh diện lắm. Không tự hào và hãnh diện sao được khi mà một thời cả xã hội mang lý lịch ra để làm thước đo về giá trị. Xung quanh câu chuyện lý lịch có cả đống chuyện cười ra nước mắt, nhưng thôi tôi chỉ kể ra đây một chi tiết nhỏ mà lão nông gần 90 tuổi đầu như Cha tôi hình như có một cuộc cách mạng lớn trong nhận thức và khi có lần về thăm nhà Cha tôi đã bộc bạch tâm sự với thằng con trai út là tôi.
Quê tôi là một làng nhỏ thuộc phía tây Hà Nội (tức Hà Tây cũ), làng tôi là làng thuần nông. Nét sinh hoạt của làng đến giờ vẫn đậm chất thôn quê mang đặc trưng của các làng quê Bắc Bộ. Thế rồi làng tôi đã xảy ra một biến cố lớn đó là năm 2005, nhà nước thu hồi ruộng đất của nông dân để phát triển khu đô thị và phát triển khu công nghiệp. Nông dân bị thu hồi phương tiện sản xuất còn nhà nước thì đền bù thiệt hại cho nông dân bằng tiền mà tính ra được khoảng 2 chiếc xe máy tàu cho một sào ruộng ở thời điểm đó. Nhiều gia đình nhận tiền đền bù rồi tiến hành xây nhà, mua xe máy,… song cũng nhiều gia đình không muốn nhận tiền đền bù mà chỉ muốn được giữ nguyên mảnh đất để canh tác. Chính vì vậy mà nhà nước đã tiến hành cưỡng chế. Vụ cưỡng chế này báo chí im re nhưng hậu quả thì vô cùng lớn: nông dân quê tôi trong cơn quá khích đã đốt trụ sở UBND xã, Chính quyền huyện, tỉnh (Hà Tây cũ) đã huy động một lực lượng lớn công an trấn áp dẹp loạn và bắt đi khoảng gần chục nông dân. Sau này những lần về thăm nhà tôi được biết tội đốt trụ sở UBND xã, các nông dân quê tôi bị tòa kết án tổng cộng hơn 100 năm tù.
Biến cố này có tác động sâu sắc tới toàn thể người dân làng tôi mà đặc biệt là Cha tôi. Nhà tôi có mấy sào ruộng cũng được đền bù tại thời điểm đó, tôi nhớ khoảng 90 triệu gì đó. Có tiền người ta thì vui vẻ nhưng Cha tôi nhận tiền nhưng lòng không được vui. Anh em chúng tôi thì luôn động viên Cha là có tiền thì có thêm khoản bồi dưỡng tuổi già. Mà Cha đã vi phạm luật lao động, nhà nước đã cho nghỉ hưu rồi thì phải nghỉ chứ già rồi mà vẫn cứ làm đồng là chúng con không muốn đâu. Nói dại nhỡ Cha có làm sao thì con cái biết ăn nói sao với bà con hàng xóm?
Một hôm tôi thấy Cha tôi gọi điện bảo chủ nhật cho cả nhà về Bố nhớ thằng cu Tít quá. Chủ nhật đó tôi đưa cả nhà về và hỏi Cha có chuyện gì hay chỉ là Cha nhớ cháu nội? Cha tôi không nói và dắt tôi xuống bếp. Bếp nhà tôi trước đây đun nấu bằng rơm, từ khi nhà nước thu mất ruộng thì chuyển sang đun bếp gaz, tuy nhiên Cha tôi vẫn có thói quen dùng bếp tro (đun nấu bằng rơm rạ) và dường như không muốn phá căn bếp đun rơm nên người hay giải thích với con cháu là nếu phá căn bếp này đến tết chúng mày đun bánh chưng ở đâu? Tôi thấy Cha tôi mang từ gác bếp đầy bụi một đống công cụ, dụng cụ sản xuất nông nghiệp như liềm, lưỡi cuốc,…
Tay cầm chiếc liềm cũ bất giác Cha hỏi tôi: Anh đi đây đi đó nhiều anh thử nói cho Bố biết cái vụ nhà nước thu hồi ruộng của nông dân quê mình anh nói tôi xem là đúng hay là sai? Tôi hết sức ngạc nhiên tại sao Cha lại hỏi thế nhỉ? Mà đúng hay sai thì can hệ gì cơ chứ? Con cái trưởng thành cả rồi công ăn việc làm đề huề. Cha thì già sắp xuống lỗ rồi có vấn đề gì mà lại hỏi như vậy? Kinh tế nhà tôi không khá giả tuy nhiên Cha tôi có lương hưu, anh em chúng tôi cũng hết sức có trách nhiệm với Cha. Vậy thì sao Cha lại hỏi vậy? Tôi còn đắn đo chưa biết trả lời ra sao mà Cha tôi hỏi vậy chứ hình như người không có ý định nghe câu trả lời từ tôi.
Hai Cha con lên nhà uống nước, lúc này Cha tôi mới nói: Con ạ, sắp xuống lỗ rồi bây giờ Bố mới biết là mình bị lừa, cả làng này, cả huyện này và cả nước mình nữa cũng bị lừa rồi con ạ. Tôi còn đang chưa biết Cha đang nói cái gì thì Cha tôi tiếp: Là Bố đang nói nhà nước này đang lừa tất cả.
Tôi bất ngờ đến choáng váng hết sức vì câu nói của Cha. Từ trước đến nay Cha tôi một cựu Đảng viên, một cựu chiến binh, đã từng nhận nhiều huân huy chương trong đó có huy hiệu 60 năm tuổi Đảng chưa bao giờ nói như vậy cả. Có thể nói từ trước đến nay bản lĩnh chính trị ở đẳng cấp thượng thừa như Cha vậy mà tại sao lại có nhận xét như vậy? Hay có thế lực thù địch nào đã vào làng tôi? Ngồi uống nước chè với Cha tôi? Rồi tuyên truyền phản động cho Cha tôi? Trước đây Cha tôi luôn tin tưởng tuyệt đối vào Đảng như niềm tin của con chiên ngoan đạo tin vào Chúa bỗng chốc niềm tin mất hết thế này là thế nào?
Chiêu ngụm nước chè Cha tôi nói tiếp: Anh có biết không làng mình bây giờ mà cũng có mại dâm, ma túy đấy,… Khi xưa theo Đảng với tiêu chí: người cày có ruộng niềm tin đó được hiện thực xác quyết. Đành rằng thời thế thay đổi chủ trương chính sách cũng phải điều chỉnh để phù hợp với từng thời kỳ nhưng mà theo quan sát của Bố và Bố cũng đã thống kê các hiện tượng nói một đằng làm một nẻo là cực kỳ phổ biến. Bây giờ Bố không nói đâu xa như làng mình đây các doanh nghiệp ào ào về chiếm đất bà con ít chữ chưa biết đầu cua tai nheo ra sao thì hệ thống chính trị rồi truyền thông (đài xã, đài huyện) nhảy vào ra sức tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước. Rồi thì vận động, Bố cũng được chi bộ quán triệt và vận động bà con giao đất. Có doanh nghiệp còn đăng đàn tại hội trường UBND xã vẽ cái dự án mà doanh nghiệp ấy sẽ thực hiện và nếu thực hiện được dự án này thì thu hút một nửa số lao động làng mình làm cho doanh nghiệp ấy. Nghe mà cứ tưởng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và rất nhiều cái hóa nữa đến nơi rồi. Nông dân mình chả mấy chốc thành công nhân hết, tương lai vô cùng tốt đẹp. Cơ mà đấy anh xem đất thì cũng hết rồi doanh nghiệp thì cũng về làng làm ăn rồi nhưng chúng nó tuyển được đứa nào vào làm cho nó đâu? Nó bảo dây chuyền sản xuất hiện đại đòi hỏi công nhân phải có tay nghề vậy các em, các cháu muốn vào doanh nghiệp phải được đào tạo mới nhận vào làm. Nói thế khác nào nó lừa dân mình? Nó lừa đã đành cả một hệ thống chính trị cả cố tình lẫn vô ý đi lừa dân mình cái này mới đau anh ạ.
Nói đến đây tôi thấy khóe mắt Cha tôi ngấn nước. Đến đây tôi đã lờ mờ hiểu ra câu chuyện mà Cha tôi muốn tâm sự, lờ mờ hiểu được tại sao niềm tin với Đảng của Cha tôi đang lung lay và sụp đổ. Bố ít đi đây đi đó thông tin mà Bố nhận được chỉ từ ti vi, đài báo thôi nhưng Bố cứ băn khoăn tại sao sai phạm lại phổ biến và tràn lan như vậy mà cứ ngang nhiên tồn tại? tại sao những vấn đề lớn của quốc gia thời Bố người ta làm khác mà thời nay người ta cứ làm ngược lại? Bố đã chứng kiến quá nhiều các biến cố mà đất nước mình đã trải qua nhưng Bố quả quyết rằng thời kỳ mà Bố con mình đang sống là thời kỳ khủng hoảng nhất của niềm tin. Trước đây các con hễ có trao đổi, phê bình một hiện tượng tiêu cực, một vấn đề gì bức xúc mà liên quan đến chế độ là Bố phản đối. Nay Bố thấy những việc làm đó thật không phải với các con. Giá như cứ còn mấy sào ruộng hàng ngày ra đồng chăm lúa tối về xem tivi đi ngủ chắc Bố cũng không đến nỗi bức xúc như bây giờ, chết cái rảnh rỗi quá thành ra có nhiều thì giờ mới nghiên cứu tìm tòi để đọc các tài liệu để tìm các câu trả lời mà Bố cả đời theo Đảng thấy nó cứ tréo ngoe.
Bố nhận thức thế này, Cha tôi lại nói tiếp, bất kể công việc gì không có sự giám sát đều sinh ra tiêu cực. Hai anh bán muối thì tốt hơn một anh bán muối. Bản thân sự cạnh tranh đã tồn tại cơ chế giám sát rồi không cần phải đẻ thêm ra hệ thống giám sát nữa. Người mua chắc chắn không phải ăn muối sạn do sự độc quyền tạo ra. Cũng vậy hệ thống chính trị mà Đảng và nhà nước ta đang xây dựng vô cùng cồng kềnh và kém hiệu quả bởi nó được xây dựng mà không khách quan như cơ chế thị trường nó vốn có. Anh làm tốt thì anh có người tiêu dùng ngược lại anh bán cho ma. Vì thế Bố nghĩ đã đến lúc phải đa đảng, chỉ có đa đảng thi đua nhau hay bây giờ nói theo cơ chế thị trường là cạnh tranh nhau thì dân mới sướng được chứ nhất mẹ nhì con như hiện nay dân chỉ có khổ mà thôi. Hơn nữa mục đích lý tưởng mà Đảng đang theo đuổi nó quá đẹp đi: phấn đấu một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh nhưng nó chung chung quá không định lượng được, thế thì Bố hỏi bằng cách nào đạt được nó hay nói khác đi làm thế nào để đạt được mục đích đó? Công bằng mà thời Bố làm là đánh đổ chế độ cầm quyền (phong kiến đế quốc) lập lên chế độ mới mà giờ đây công bằng cũng còn không có. Bố nghĩ đổi mục tiêu công bằng sang minh bạch nó khả dĩ hơn nhiều.
Thế rồi cái anh xã hội chủ nghĩa nữa, trước đây Bố chẳng để ý nó là cái gì, gần đây nghiên cứu đọc lại tài liệu cũ có, mới có, cố hình dung xem nó ra làm sao Bố chịu không hình dung nổi. Bố đã từng nghe có những vị thuộc loại rường cột quốc gia khi trao đổi về con đường đi lên CNXH của nước ta phải trải qua thời kỳ quá độ. Bao nhiêu năm quá độ? Không biết! Ta đang xây dựng một chế độ mà chưa có nước nào trên thế giới có vì vậy vừa làm vừa mò mẫm. Cha mẹ ơi, thời gian đó Bố nghe chỉ để nghe thôi vì nghĩ mình ít học đâu đến lượt mình nghiên cứu, nhưng nay nhớ lại mới thấy cách làm mà Đảng và nhà nước mình “mò mẫm” là đẩy dân tộc này vào sự rủi ro vô cùng. Anh không biết mô hình anh hướng đến, không biết tương lai của dân tộc này đi về đâu thế thì anh đang biến toàn thể dân tộc này thành những con chuột bạch rồi còn gì? Thế rõ là lừa đảo chứ còn gì? Bố quả quyết là do từ trước đến nay dân trí của Bố thấp, dân trí cả làng mình, cả huyện thậm chí cả nước thấp thành ra cứ chấp nhận chế độ chính trị như hiện tại. Một khi dân trí được chấn hưng, thông tin đầy đủ không bưng bít được đến với người dân, Bố nghĩ dân tộc mình nó sẽ khác chứ không yếu hèn như tình trạng ngày nay…
Tạm biệt Cha, tôi trở về thành phố mà câu chuyện Cha tôi tâm sự cứ đeo đuổi tôi hoài. Hình ảnh người Cha với chiếc liềm cũ trên tay ngắm nghía như hoài niệm về cái nghề nông quê tôi đã chấm hết, chiếc liềm như dấu hỏi lớn không lời đáp… Dân trí đó là nhận thức của lão nông 90 tuổi là Cha tôi về tương lai tiền đồ đất nước này, mới hay cơm no, áo ấm ư? chưa đủ, dân tộc này còn thiếu một niềm tin.
0 comments:
Post a Comment