Hôm qua, 07/11/2011 theo lịch chính thống giáo là ngày mà cách nay 94 năm, phong trào cộng sản Nga đã lật đổ chế độ Nga Hoàng, mở đầu một thời kỳ «vàng son» cho đến khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.
Hiện nay, đảng Cộng sản Nga vẫn tồn tại nhưng người dân không còn mơ hồ về cuộc cách mạng gọi là «vô sản» này mà thực chất là một cuộc «đảo chính». Các tài liệu mật, các nhân chứng sống đã phô bày tội ác của Lê-nin.
Audio phỏng vấn ông Nguyễn Minh Cần
Hiện nay, đảng Cộng sản Nga vẫn tồn tại nhưng người dân không còn mơ hồ về cuộc cách mạng gọi là «vô sản» này mà thực chất là một cuộc «đảo chính». Các tài liệu mật, các nhân chứng sống đã phô bày tội ác của Lê-nin.
Còn rất ít người ở Nga nhớ về ngày kỷ niệm cuộc Cách mạng tháng 10.
REUTERS/Denis Sinyakov
Audio phỏng vấn ông Nguyễn Minh Cần
Từ thủ đô nước Nga, nhà báo Nguyễn Minh Cần * phân tích :
PV: Thân chào nhà báo Nguyễn Minh Cần! Thưa anh, theo luật chính thống giáo, thứ Hai hôm qua là đúng 94 năm ngày Cách mạng tháng Mười thành công lật đổ Nga hoàng. Một cái cuộc cách mạng được mô tả là “long trời lở đất”, một “thành công vĩ đại của giai cấp vô sản”. Thưa anh, từ khi Liên Xô sụp đổ thì cái ngày kỷ niệm này không còn được tổ chức một cách trọng thể nữa nhưng điều quan trọng hơn hết có lẽ là thực chất của nó. Xin anh cho thính giả RFI được biết thêm là từ khi chế độ cộng sản sụp đổ thì thực chất của cuộc Cách mạng tháng Mười này đã được giới sử gia thẩm định như thế nào qua các tài liệu mà người ta có được thưa anh?
Nhà báo Nguyễn Minh Cần (NB NMC): Thưa anh, sau khi Liên Xô bị sụp đổ thì các nhà sử học họ được một thời gian dài đi vào các viện lưu trữ bí mật, hầm chứa bí mật nhất của Đảng cộng sản, của KGB v.v.. thì họ đi đến kết luận như thế này:
Trước cuộc Cách mạng tháng Mười năm 1917 đã có một cuộc cách mạng dân chủ ở Nga vào tháng 2 năm 1917. Cái cuộc cách mạng dân chủ đó đã bắt đầu tiến hành cải cách dân chủ thậm chí mở rộng quyền được bỏ phiếu mà chính những người Bônsêvích cũng đã tham gia vào các cuộc đó. Mà cuộc bỏ phiếu quan trọng nhất là họ đã bầu lên được Quốc hội lập hiến và Quốc hội lập hiến đó đang dự thảo một Hiến pháp mới. Trong Quốc hội lập hiến đó thì Đảng Bônsêvích có rất ít người, là vì lúc bấy giờ cái ảnh hưởng của Bônsêvích còn ít. Thì khi mà cuộc cách mạng dân chủ bùng nổ ở Nga tháng 2 năm 1917 thì ông Lênin và các lãnh tụ Bônsêvích khác đang còn ở bên Thuỵ Sĩ, họ nóng lòng muốn đi về nước Nga lắm nhưng mà bấy giờ không có máy bay, chỉ có thể đi bằng tàu lửa thôi. Mà tàu lửa thì phải vượt qua nước Đức mà nước Đức lúc bấy giờ đang chiến tranh với nước Nga.
PV: Đệ nhất thế chiến, dạ.
NB NMC: Thế thì qua cái sự vận động của những người Bônsêvích ở các nước khác, nhất là ở Thuỵ Điển thì cuối cùng nước Đức họ nhận thấy rằng ông Lênin là người chủ trương làm thất bại cuộc chiến tranh của Chính phủ mình, tức là cái cơ hội cho người Đức dùng bàn tay của Đảng Bônsêvích mà phá hại cuộc chiến tranh chống Đức của Chính phủ Nga lúc bấy giờ. Cho nên Đức đồng ý cho ông Lênin qua nước mình và trước khi cho phép đi qua là họ đã có một cuộc thương thảo với nhau về những điều kiện sau này. Và chính vì vậy cho nên khi mà ông Lênin về được Nga thì ông vận động chống lại cuộc chiến tranh của Chính phủ. Ông coi những người nào mà đứng ra chiến đấu với nước Đức là bọn, ông gọi là bọn Vệ quốc và ông tìm mọi cách để phá hoại cái cuộc chiến tranh đó bằng những khẩu hiệu đại khái như “hoà bình”. Và ông biết rằng ở trong quân đội phần lớn là nông dân cho nên ông sử dụng một cái khẩu hiệu không phải đảng của ông mà là đảng khác là “ruộng đất cho dân cày”. Với hai khẩu hiệu đó ông vận động và đi đến cuộc đảo chính. Và chính ông trong nhiều văn kiện ông vẫn gọi đó là cuộc đảo chính. Nhưng mà sau này thấy cái chữ “đảo chính” không tiện người ta chuyển thành “cách mạng XHCN ở nước Nga”. Chính quyền dân chủ Kêrenxki lúc bấy giờ họ tổ chức một cuộc nghiên cứu điều tra về cái đó và biết rằng Lênin như là một gián điệp của Đức và họ tìm cách truy tố thì ông chạy ra khỏi biên giới và ở Phần Lan, đi qua đi lại dễ dàng với nước Nga. Người Bônsêvích vẫn sống ở trong nước Nga lợi dụng cái tình trạng dân chủ và cuối cùng gây cái cuộc đảo chính như vậy. Cái kết luận của những nhà sử học là như vậy.
PV: Vâng, thưa anh Nguyễn Minh Cần nói tóm lại là ông Lênin và những người cộng sản lúc đó xem những người dân Nga nào mà chiến đấu và bảo vệ đất nước của mình chống xâm lăng của Đức là những người phản bội, phải không thưa anh?
NB NMC: Dạ đúng. Theo đúng khẩu hiệu của ông là làm thất bại cuộc chiến tranh của chính phủ đối với người cộng sản. Lênin và Bônsêvích họ không coi trọng đất nước dân tộc tổ quốc của họ, mà cái điều quan trọng là cướp được chính quyền, giữ cho được chính quyền. Mà cái điểm này là cái điểm mà nhân dân Việt Nam, những người dân chủ Việt Nam cũng nên suy nghĩ để đối chiếu lại. Chính là những người cộng sản họ không có một cái tấm lòng đối với đất nước thật sự. Mà cái tấm lòng chủ yếu của họ là với cái chính quyền cộng sản, với cái chuyên chính vô sản, với cái mục đích mà họ cho là cao cả nhất là chủ nghĩa cộng sản.
PV: Thưa anh Nguyễn Minh Cần, anh vừa trình bày những kết quả nghiên cứu của giới sử gia sau khi chế độ Liên Xô sụp đổ về cuộc Cách mạng tháng Mười năm 1917. Bây giờ riêng đối với người dân Nga thì thưa anh hiện nay ở năm 2011 này, họ có những suy nghĩ như thế nào về cuộc Cách mạng tháng Mười thưa anh?
NB NMC: Phải nói rằng phần lớn họ thấy rằng cái gọi là cuộc Cách mạng tháng Mười là một cái điều sai lầm, một cái điều gây ra biết bao nhiêu đau thương. Cái điều này không phải là những người chống cộng sản nói đâu. Đây là những người gốc là cộng sản mà họ giác ngộ. Ngày 7 tháng 8 năm 1995 thì ông Dmitri Vônkagôn [Dmitry Volkogonov?]là ông Chủ tịch Uỷ ban trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga phụ trách về tù binh, về những người giam giữ, về những cái án xử trong thời kỳ Lênin, Stalin. Ông nói rõ thế này, từ năm 1939 tức là bắt đầu tập thể hoá nông nghiệp cho đến gần 1953, tức là cái năm mà Stalin chết, đã có 21 triệu rưỡi người bị đàn áp và khủng bố. Trong số đó bị xử bắn là một phần ba, một phần ba nữa là bị chết trong các trại tù và số còn lại được minh oan sau cái Đại hội của Đảng cộng sản Liên Xô. Vônkagôn [Dmitry Volkogonov?] là một đảng viên cộng sản kỳ cựu mà ông phải tuyên bố như vậy. Người thứ hai là ông Alesanđe Yakolev [Aleksander Yakovlev?], Uỷ viên Bộ Chính trị dưới thời của ông Goócbachóp, ông cũng phụ trách việc minh oan cho những người cộng sản và cho tất cả những cái người mà đã bị giết oan và bị kết án oan, là ông nói câu như thế này … Tôi đọc nguyên văn: “Chủ nghĩa Bônsêvích không thể nào thoát được trách nhiệm trước nhân dân vì đã thiết lập nên một nền kiên chế thù ghét con người do những hành động tội ác của nền chuyên chế đó đã có trên 60 triệu người đã phải bỏ mạng ở Liên Xô”.
Nói thật với anh không phải chỉ ở Liên Xô, do cái cuộc Cách mạng tháng Mười 1917 mà Liên Xô lại giúp cho Trung Quốc, giúp cho Việt Nam, giúp đỡ cho Bắc Triều Tiên, giúp đỡ cho Cuba, Campucchia v.v… Thì đảng cộng sản cầm quyền ở các nước đó họ cũng giết không biết bao nhiêu người nữa. Sau khi nghiên cứu và thống kê của giới sử gia thì ước tính rằng để xây dựng cái gọi là xã hội XHCN đấy, thì các lãnh tụ cộng sản của các chính quyền ở Liên Xô, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Việt Nam, Đông Âu, Cuba, Campuchia v.v.. từ năm 1917 đến hết thế kỷ thứ 20 thì đã tước sinh mạng của chừng một trăm triệu người. Cái giới nghiên cứu thì họ thấy con số đó họ hiểu ngay rằng cái kết quả của cuộc Cách mạng tháng Mười nên đánh giá như thế nào!
PV: Theo anh thì đằng sau xác chết của 100 triệu người trên thế giới do các Đảng cộng sản cai trị đó thì vai trò của Lênin như thế nào thưa anh?
NB NMC: Vâng, ông Lênin trước đây những Đảng cộng sản đều tôn sùng là lãnh tụ cao nhất phát huy Chủ nghĩa Mác, là người đã sáng tạo chủ nghĩa Mác, người đã cho họ cây gậy giành được chính quyền. Nhưng mà sự thật ra đấy, khi mà sưu tầm các tài liệu lịch sử nhất là ở trong cái kho hầm bí mật thì thấy rõ đó là một người coi thường sinh mạng của con người, rất là độc ác. Cái câu trong một mệnh lệnh bí mật mà người ta tìm ra và công bố như thế này: “Hãy treo cổ ít nhất là một trăm tên Kulak (Kulak có thể gọi là phú nông ở nông thôn đấy) … Hãy bắn chết hết bọn con tin”. Tôi xin giải thích từ “con tin”. Ở dưới thời của ông Lênin, những người mà đi theo quân gọi là bạch vệ thời trước thì trong gia đình của họ phải có một số người bị bắt làm con tin. Thì ông ra lệnh “hãy bắn trước hết bọn con tin, hãy làm sao để cho những người đứng xa cách hàng trăm dặm đều thấy và run sợ”. Đấy là một câu ngắn như vậy trong một cái mệnh lệnh. Để thấy con người của ông ý là như thế nào.
PV: RFI Việt ngữ xin cám ơn nhà báo Nguyễn Minh Cần!
-Bài do Ba Sàm chuyển từ phần âm thanh ra văn bản.
* Mời xem cuốn hồi ký khét tiếng của Nhà văn Vũ Thư Hiên, như một “bản án chế độ”:Đêm giữa ban ngày – (VN thư quán), trong đó Nguyễn Minh Cần cũng là một nhân vật “cộm cán”.
* Ghi chú: (theo Wikipedia/ảnh-RFA):
Nguyễn Minh Cần nhà hoạt động chính trị, nhà báo, nhân vật trong Vụ án Xét lại Chống Đảng.
Nguyễn Minh Cần sinh năm 1928 tại Huế, tham gia Cách mạng tháng 8, tổ chức và lãnh đạo khởi nghĩa ở Huế và các vùng phụ cận Huế, vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1946, làm Uỷ viên Thường vụ Thành uỷ Huế. Năm 1947 – 1951 là bí thư Huyện uỷ Hương Trà, sau đó là tỉnh uỷ viên và uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ Thừa Thiên. Năm 1951 – 1962 làm bí thư Quận uỷ Ngoại Thành, sau là Thành uỷ viên và Uỷ viên Thường vụ Thành uỷ Hà Nội, kiêm phó chủ tịch Uỷ ban Hành chính thành phố Hà Nội. Năm 1962, đi học ở Trường đảng Cao cấp của Liên Xô. Bị cáo buộc theo Chủ nghĩa Xét lại, năm 1964, Nguyễn Minh Cần ly khai khỏi Đảng Lao động Việt Nam, xin cư trú chính trị ở Liên Xô, làm nghề phiên dịch và biên tập viên viết báo.
Các sách đã xuất bản: – Công Lý Đòi Hỏi, NXB Văn Nghệ 1998; – Chuyện Nước Non, NXB Văn Nghệ 1999; – Đảng Cộng Sản Việt Nam Qua Những Biến Động Trong Phong Trào Cộng Sản Quốc Tế, NXB Tuổi Xanh 2001; – The Vietnamese Communist Party Through Vicissitudes Of The Communist Internationals, NXB Tuổi Xanh 2004; – Từ điển Nga-Việt(đồng tác giả), NXB Tiếng Nga, năm 1977, 1979, 1987; – Từ điển Nga-Việt Mới (đồng tác giả), NXB Vostok – Zapad (Moskva) và NXB Thế Giới (Hà Nội), năm 2007.
* Mời đọc thêm thông tin trên Wikipedia về “Cách mạng tháng Mười” và “Cách mạng tháng Hai“, tuy nhiên có một số mâu thuẫn về lực lượng lãnh đạo Cách mạng tháng Hai khi chỉ kể công Lenin và đảng Bolshevik, không thấy nói tới “chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản” ở đâu ra, thành phần, vai trò, v.v..
http://anhbasam.wordpress.com/2011/11/09/474-tai-nga-cach-mang-thang-10-duoc-xem-la-dong-nghia-voi-toi-ac/#more-34088
0 comments:
Post a Comment