Wednesday, November 30, 2011

Con Ông Cháu Cha

Con Cháu Cách Mạng

By Jeremy Page – PBD dịch

Giới ‘thái tử đảng’(*) của Trung Cộng, tức là con cái của giới tai to mặt lớn trong đảng cộng sản, đang ngụp lặn trong của cải và đặc ân đặc quyền—khiến mọi người phải đặt vấn đề gây nhột nhạt cho cha ông của thành phần này.


Bác Hy Lai, cùng với con trai, tại một buổi giỗ cha ông ta ở Bắc Kinh vào năm 2007.

Ông nội, Bác Nhất Ba — Giúp lãnh đạo các lực lượng của Mao chiến thắng, rồi bị thất sủng trong Cuộc Cách Mạng Văn Hóa 1966-76. Sau đó được phục hồi.
Cha, Bác Hy Lai — Bí thư đảng tại Trùng Khánh và là ủy viên Bộ Chính Trị, có thể được thăng chức vào ủy ban thường vụ Bộ Chính Trị trong năm 2012.
Con trai, Bác Qua Qua — Sinh viên cấp hậu cử nhân tại Kennedy School of Government của Đại Học Harvard.

Vào một buổi tối hồi đầu năm, một chiếc Ferrari đỏ chạy tới đậu lại trước cửa tư gia đại sứ Hoa Kỳ ở Bắc Kinh, và con trai của một trong các lãnh tụ chóp bu của Trung Cộng bước ra khỏi xe trong bộ tuxedo.

Bác Qua Qua, 23 tuổi, có hẹn đến dự bữa ăn tối với con gái của đại sứ Hoa Kỳ lúc đó là Jon Huntsman.

Nhưng chiếc xe này là điểm đáng chú ý. Cha của thanh niên lái xe này là Bác Hy Lai, người đang mở một chiến dịch gây nhiều tranh cãi nhằm khôi phục tinh thần Mao Trạch Đông bằng cách quảng bá nhiều bài hát cách mạng cũ, được gọi là “hồng ca.” Ông ta đã ra lệnh cho học sinh và các viên chức phải đi lao động một thời gian ở các nông trường để làm quen lại với miền quê. Trong khi đó thì con trai ông ta lại lái chiếc xe trị giá hàng trăm ngàn đô la có màu đỏ như màu cờ Trung Cộng, trong một nước mà lợi tức trung bình của mỗi nhà trong năm ngoái là khoảng 3.300$.

Câu chuyện này, được nhiều người biết chuyện kể lại, cho thấy được khó khăn mà Đảng Cộng Sản Trung Hoa đang gặp phải trong lúc họ cố duy trì tính cách chính danh của họ trong một xã hội càng ngày càng đa dạng, hiểu biết hơn và khó tính hơn. Con cái của các lãnh tụ đảng, thường được gọi là “thái tử đảng,” trở nên lố lăng hơn qua các quyền lợi thương mại càng ngày càng to lớn hơn và rõ ràng tỏ ra ham muốn xa xỉ, vào lúc mà người dân càng căm giận hơn về các nguồn tin tiết lộ chuyện tham nhũng và lạm quyền của các viên chức.

Các cơ quan truyền thông báo chí dưới quyền kiểm soát của nhà nước vẫn tuyên truyền là các lãnh tụ của Trung Cộng sống theo các tiêu chuẩn và giá trị khắc khổ của Cộng Sản mà họ thường tán dương công khai. Nhưng khi con cháu của tầng lớp nắm quyền chính trị này chiếm đoạt các vai trò sinh lợi lắm của nhiều tiền trong lãnh vực kinh doanh và tận hưởng của cải, thì tình trạng càng ngày càng nổi bật những cảnh lố lăng này đã gây ra các vấn đề gai góc cho một đảng mà từ trước đến giờ vẫn biện minh cho vấn đề độc quyền cai trị của mình bằng cách rêu rao về nguồn gốc của họ là một phong trào của công nhân và nông dân.

Cảnh các thái tử đảng nhởn nhơ lộ liễu này lại càng khiến mọi người đặc biệt để ý hơn nữa khi mà nước này sắp tới kỳ thay đổi giới lãnh đạo mười năm một lần vào năm tới, theo dự liệu thì có nhiều thái tử đảng lớn tuổi hơn sẽ nắm giữ các chức vụ chóp bu của Đảng Cộng Sản. Viễn ảnh đó đã khiến cho một số người trong giới kinh doanh và chính trị tại Trung Cộng phải tự hỏi là liệu đảng cộng sản trong mười năm tới có sẽ thuộc quyền thống trị của một nhóm gia đình quyền thế vốn đã kiểm soát nhiều phần đáng kể trong nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới và có ảnh hưởng đáng kể trong quân đội hay không.

“Không còn gì mơ hồ nữa cả—khuynh hướng này đã quá rõ,” Lý Thành, một chuyên gia về giới cầm quyền chính trị của Trung Cộng tại Viện Brookings ở Washington nói như thế. “Thái tử đảng không bao giờ được ai ưa thích, nhưng nay số này đã nắm giữ quá nhiều quyền lực chính trị nên gây ra phần nào lo ngại nghiêm trọng về tính cách chính danh của giới “Quý Tộc Đỏ.” Người dân Trung Cộng rất phẫn uất về việc các thái tử đảng này kiểm soát cả quyền lực chính trị lẫn của cải kinh tế.”

Giới lãnh đạo hiện nay có một số thái tử đảng, nhưng được quân bình bằng một nhóm cạnh tranh không phải thừa kế từ cha ông mà trong đó gồm cả Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào, cũng là chủ tịch đảng, và Thủ Tướng Ôn Gia Bảo. Tuy nhiên, theo dự liệu thì người thay thế họ Hồ sẽ là Tập Cận Bình, đương kim phó chủ tịch, con trai của một anh hùng cách mạng và sẽ là thái tử đảng đầu tiên nắm giữ các chức vụ chóp bu. Nhiều chuyên gia về nền chính trị Trung Cộng tin rằng ông này đã liên kết bán chính thức với nhiều thái tử đảng khác đang được cứu xét thăng chức.

Trong số những nhân vật đó có ông Bác cha, vốn cũng là con trai của một lãnh tụ cách mạng. Theo lời hai người hay gặp ông ta cho biết thì ông ta cũng thường nói về mối thâm giao giữa ông ta với gia đình họ Tập. Con gái ông Tập hiện đang theo học cấp cử nhân tại Đại Học Harvard, cũng là trường mà con trai ông Bác đang theo học cấp hậu cử nhân tại Kennedy School of Government.

Đã có chân trong Bộ Chính Trị gồm 25 ủy viên, Bác Hy Lai là người có nhiều triển vọng nhất được thăng chức vào bộ phận quyết định cao nhất, Ủy Ban Thường Vụ. Ông ta không trả lời yêu cầu nhận định qua văn phòng của ông ta, và con trai ông ta cũng không trả lời các yêu cầu qua email và bạn hữu.

Những hành vi lố lăng của một số con ông cháu cha đã trở thành đề tài sôi nổi trên Internet ở Trung Cộng, nhất là trong số những người sử dụng các micro-blogs như Twitter, khiến các cơ quan kiểm duyệt Web khó theo dõi và ngăn chặn hơn vì các tin này truyền tải quá nhanh. Hồi Tháng Chín, những người sử dụng Internet loan tin có hai thanh niên trên một chiếc xe BMW đụng vào một chiếc xe khác tại Bắc Kinh rồi nhảy xuống hành hung những người trên xe kia và đồng thời còn cảnh cáo những người qua đường là chớ có gọi công an. Một trong hai thanh niên đó là đứa con trai 15 tuổi của một tướng lãnh.

Sau đó công chúng đã lên tiếng phẫn nộ và con trai của viên tướng đó nay đã bị giam vào một cơ sở cải huấn của công an trong một năm, theo tin của cơ quan truyền thông nhà nước.

Các lãnh tụ chóp bu của Trung Cộng theo lẽ phải không có của cải thừa kế hoặc sự nghiệp kinh doanh để bổ túc lương bổng khiêm nhượng của họ, được nghĩ là khoảng 140.000 đồng nguyên (22.000$) một năm cho một bộ trưởng. Thân nhân của họ được phép kinh doanh miễn là không hưởng lợi từ những đường dây móc nối chính trị. Trên thực tế thì thường không thể nào biết được nguồn gốc tiền bạc của cải của các gia đình này là từ đâu ra.

Hồi năm ngoái, người dân tại Trung Cộng nhờ Internet mới biết là con trai của một cựu phó chủ tịch nước, và cũng là cháu của một cựu tư lệnh Hồng Quân, đã mua một tòa lâu đài trị giá 32,4 triệu đô la ngay trước mặt biển ở Úc. Nhân vật này đã xin giấy phép để đập bỏ tòa lâu đài cả trăm năm nay này mà xây một ngôi villa mới có hai hồ bơi nối với nhau bằng một thác nước.


Bác Hy Lai phất cờ Trung Cộng trong một buổi trình diễn những bài hát cách mạng tại Trùng Khánh ngày 29 Tháng Sáu.

Nhiều thái tử đảng có cơ sở kinh doanh chính đáng và hợp lệ nhưng tại Trung Cộng ai ai cũng thấy rằng họ có lợi thế bất công trong một hệ thống kinh tế mà, dù nước này có theo đuổi chủ nghĩa tư bản đi nữa, vẫn thuộc quyền kiểm soát của nhà nước và người dân không có thực quyền theo dõi tiến trình quyết định của nhà cầm quyền.

Nhà nước làm chủ tất cả đất đai trong thành phố và các ngành kỹ nghệ chiến lược, cũng như các ngân hàng, mà các ngân hàng này chỉ dành tiền cho đại đa số các công ty của nhà nước vay mượn. Do đó, những khoản tiền bạc hay bổng lộc bất chính khổng lồ đều lọt vào các thành phần chính trị tay trong có móc nối cá nhân và thế lực gia đình để thu lấy các nguồn tài nguyên rồi huy động các đường dây đó để bảo vệ họ.

Tờ Nhân Dân Nhật Báo, loa phóng thanh của đảng, đã nhìn nhận vấn đề này hồi năm ngoái, bằng một cuộc thăm dò công luận cho thấy 91% số người trả lời tin rằng tất cả các gia đình giàu có ở Trung Cộng đều có quá trình chính trị. Một cựu tổng thanh tra của Trung Cộng, Lý Kim Hoa, viết trên một diễn đàn trên mạng nói rằng của cải của những người trong gia đình các viên chức “là điều khiến cho người dân cảm thấy bất mãn nhất.”

Một thái tử đảng bất đồng với ý kiến cho rằng bà ta và các thái tử đảng khác hưởng lợi từ quá trình “đỏ” của họ. Diệp Danh Tử, một nhà vẽ kiểu thời trang 32 tuổi và cũng là cháu gái của một nhân vật sáng lập Hồng Quân(**), cho biết trong một email là “Có gốc gác từ một gia đình có tiếng của nhà cầm quyền không giúp tôi thuê nhà được rẻ hơn hoặc được tài trợ gì đặc biệt của ngân hàng hoặc bất cứ hợp đồng nào của chính quyền,” Bà ta nói, “Trên thực tế, con cái của các gia đình có tiếng của chính quyền bị mọi người xăm soi rất kỹ. Đa số đều hết sức thận trọng để tránh ngay cả vẻ được thiên vị không đúng đắn.”

Trong vài thập niên đầu sau cuộc cách mạng 1949 của Mao, con cái của các lãnh tụ Cộng Sản phần lớn sống biệt lập, lớn lên trong những khu nhà kín cổng cao tường và theo học tại các trường nổi tiếng như Trường Nam Trung Học Số 4 tại Bắc Kinh, nơi ông Bác cha và nhiều lãnh tụ khác hiện nay đã từng theo học.

Trong các thập niên 1980 và 1990, nhiều thái tử đảng xuất ngoại du học cấp hậu cử nhân, rồi sau đó thường gia nhập các công ty nhà nước Trung Cộng, cơ quan chính quyền hoặc các ngân hàng đầu tư ngoại quốc. Nhưng phần lớn thì thành phần này vẫn chỉ âm thầm chứ không ồn ào.

Ngày nay, gia đình các lãnh tụ Trung Cộng cho con cái đi ngoại quốc từ thưở nhỏ, thường là đi học tại các trường tư hàng đầu tại Hoa Kỳ, Anh Quốc và Thụy Sĩ, để bảo đảm là sau này có thể nhập học các trường đại học nổi tiếng nhất của Tây Phương. Các thái tử đảng trong lớp tuổi 20, 30, và 40 càng ngày càng giữ các chức vụ quan trọng trong thương mại, nhất là tài sản tư, và nhờ đó họ thu thêm được tối đa lợi nhuận của họ và liên lạc thường xuyên với giới kinh doanh hạng gộc của Trung Cộng và quốc tế.


Vào năm 2008, Bác Qua Qua mời tài tử Thành Long đến hướng dẫn tại Oxford—và có lúc cùng hát với tài tử này trên sân khấu.

Các thái tử đảng nhỏ tuổi hơn thường giao du với giới người mẫu, minh tinh màn bạc và thể thao và hay tụ tập tại các hộp đêm bênh cạnh Vận Động Trường Công Nhân ở Bắc Kinh để khoe xe như những chiếc Ferraris, Lamborghinis và Maseratis. Các thái tử đảng khác thì lại thấy ngồi nói chuyện làm ăn vừa phì phà xì gà và uống rượu Tàu cất lâu năm ở những quán dành riêng cho thân chủ đặc biệt như Câu Lạc Bộ Mao Đài nằm trong một tòa nhà lịch sử gần Cấm Thành.

Vào một buổi chiều mới đây tại một câu lạc bộ polo do một người cháu của một cựu phó thủ tướng mới mở ở vùng ngoại ô Bắc Kinh, các cầu thủ Argentine cỡi ngựa nhập cảng từ ngoại quốc vào để đấu một trận biểu diễn cho những người có thể gia nhập làm hội viên.

“Chúng tôi giới thiệu môn polo này với công chúng. À, không hẳn là công chúng,” một nhân viên câu lạc bộ này cho biết tiếp: “Người đàn ông đàng kia là con trai của một tướng lãnh lục quân. Còn ông nội của người kia thì trước đây là đô trưởng Bắc Kinh.”

Các thái tử đảng càng ngày cũng càng thấy có mặt rầm rộ nhiều hơn ở ngoại quốc. Cô Diệp, nhà vẽ kiểu thời trang, được giới thiệu trong một ấn bản mới đây của tạp chí Vogue bên cạnh Vạn Bao Bao, một nhà vẽ kiểu nữ trang và cũng là cháu gái của một cựu phó thủ tướng(***).

Nhưng Bác Qua Qua là người nổi bật hơn hết trong số các thái tử đảng trẻ tuổi này. Không có con cái nào của một ủy viên Bộ Chính Trị hiện nay lại được nhiều người biết tới như vậy, cả ở quốc nội lẫn quốc ngoại.

Nếu đi ngược về những đời trước trong gia đình anh ta thì phải kể đến Bác Nhất Ba, người đã giúp lãnh đạo các lực lượng của Mao chiến thắng, rồi bị thất sủng trong Cuộc Cách Mạng Văn Hóa 1966-76. Bác Nhất Ba cuối cùng rồi lại được phục hồi, và con trai ông ta, Bác Hy Lai, là một nhân vật sáng giá đang lên của đảng tính đến năm 1987, là năm sinh Bác Qua Qua.

Theo lời những người bạn thì đứa bé trai này lớn lên trong một môi trường phú quý đặc biệt thật kín cổng cao tường được bảo vệ cẩn mật, di chuyển bằng nhiều xe có tài xế, và được giáo dục một phần với những giáo viên kèm riêng và một phần tại trường Kinh San đầy thanh thế ở Bắc Kinh.

Vào năm 2000, cha anh ta, lúc đó là thị trưởng thành phố Đại Liên ở đông bắc, gửi đứa con trai 12 tuổi của ông ta đi du học tại một trường trung học của Anh có tên là Papplewick, mà theo website của trường này thì hiện nay học phí là 22.425 bảng Anh (khoảng $35.000$) một năm.

Sau đó khoảng một năm, thiếu niên này là người đầu tiên từ Trung Hoa lục địa theo học tại trường Harrow, một trong các trường tư dành cho giới thượng lưu của Anh, mà theo website của trường này thì hiện nay học phí là 30.930 bảng Anh mỗi năm.

Vào năm 2006, lúc này cha anh ta là bộ trưởng thương mại của Trung Cộng, thanh niên họ Bác này vào Viện Đại Học Oxford để học triết, chính trị và kinh tế. Học phí hiện nay là khoảng 26.000 bảng Anh một năm. Học phí tại Kennedy School của Đại Học Harvard, nơi anh ta đang theo học, là khoảng 70.000$ một năm.

Một thắc mắc được nêu ra khi xét đến vấn đề giáo dục tại các trường danh tiếng ở ngoại quốc này, trị giá tổng cộng gần 600.000$ tính theo thời giá hiện nay, là lấy tiền đâu ra để trả. Giới bạn hữu nói rằng họ không biết, nhưng có một người gợi ý là chính mẹ của anh Bác đã trả bằng tiền kiếm được bằng nghề luật sư của bà ta. Hãng luật của bà ta không trả lời.

Giới truyền thông báo chí của Trung Cộng nói rằng Bác Qua Qua được cấp học bổng toàn phần từ năm 16 tuổi trở đi. Harrow, Oxford và Kennedy School nói rằng họ không thể nói gì về cá nhân từng học sinh.

Phí tổn giáo dục là một đề tài đặc biệt sôi động trong giới trung lưu của Trung Cộng, mà nhiều người trong giới này không hài lòng về phẩm chất giáo dục tại Trung Cộng. Nhưng chỉ có giới tương đối giàu có mới có thể cho con đi du học ngoại quốc.

Đối với những người khác, chính lối sống buông thả vô trách nhiệm của Bác Qua Qua mới gây ra nhiều tranh cãi. Hình ảnh anh ta tại những buổi tiệc tùng lễ lạc tại Oxford, mà có khi chụp hình anh ta cởi trần, những lúc khác thì mặc tuxedo hoặc y phục bảnh bao, đã lan tràn trên mạng.

Vào năm 2008, giới bạn hữu cho biết anh Bác đã giúp tổ chức một Buổi Triển Lãm và Dạ Tiệc Ti Trù Chi Lộ (Con Đường Tơ Lụa), có cả phần trình diễn võ thuật của các nhà sư từ Thiếu Lâm Tự. Anh ta cũng mời cả Thành Long, một minh tinh công phu võ thuật màn bạc của Trung Hoa, đến hướng dẫn tại Oxford, và có lúc cùng hát với anh ta trên sân khấu.

Năm sau đó, anh Bác được một nhóm có tên là Hội Thanh Niên Trung Hoa tại Anh mệnh danh anh ta là một trong “Mười Thanh Niên Trung Hoa Xuất Sắc.” Anh ta cũng giữ vai trò cố vấn cho hãng Oxford Emerging Markets (Các Thị Trường Đang Lên Oxford), do các sinh viên tốt nghiệp cấp cử nhân tại Oxford thành lập để thăm dò “các triển vọng đầu tư và nghề nghiệp tại các thị trường đang lên,” theo tin tức công bố trên website của hãng này.

Năm nay, hình ảnh lan truyền trên mạng cho thấy thanh niên họ Bác đi nghỉ hè tại Tây Tạng với một thái tử đảng khác tên là Trần Hiểu Đan, một thiếu nữ có cha là tổng giám đốc Ngân Hàng Phát Triển Trung Hoa và ông nội của cô cũng là một nhân vật cách mạng nổi tiếng. Kết quả là trên Internet xôn xao tin đồn đoán cũng như chỉ trích về việc hai người này rõ ràng khi đi du lịch mà cũng có cả công an hộ tống. Cô Trần không trả lời yêu cầu qua email và Facebook.

Khi được hỏi về chuyện xem chừng như là chuyện tình của con trai ông ta tại một buổi họp báo trong kỳ họp quốc hội năm nay, Bác Hy Lai đã trả lời một cách bí ẩn rằng: “Tôi nghĩ chuyện của thế hệ thứ ba—không phải nay chúng ta đang nói về dân chủ hay sao?”

Giới bạn hữu nói rằng mới đây anh Bác đã nghĩ đến việc rời Harvard để dồn nỗ lực thành lập một công ty Internet có tên là guagua.com nhưng rồi cuối cùng lại quyết định không làm. Tên miền được ghi danh cho một địa chỉ tại Bắc Kinh. Nhân viên tại đó không tiết lộ điều gì về thương nghiệp này. Một thanh niên ra mở cửa đã trả lời: “Đây là chuyện bí mật.”

Giới bạn hữu nói rằng không rõ là anh Bác sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp và liệu anh ta có vẫn duy trì lối sống ồn ào nổi bật như vậy nếu cha anh ta được thăng chức hay không. Theo một tờ báo tiếng Hoa, tờ Nam Phương Chu Mạt, thì trong một bài nói chuyện tại Đại Học Bắc Kinh vào năm 2009 anh ta có nói là muốn “phục vụ người dân” trong lãnh vực văn hóa và giáo dục.

Theo tờ báo này thì anh ta cho biết sẽ không tham gia chính trường nhưng đã biểu lộ một số đặc điểm như cha anh ta về sức thu hút quần chúng và những điều mâu thuẫn khi trả lời các câu hỏi của sinh viên. Khi được hỏi về hình ảnh của anh ta ăn chơi tại Oxford thì anh ta trích lời Chủ Tịch Mao nói rằng “mỗi người phải có một mặt nghiêm chỉnh và một mặt vui đùa,” rồi chuyển đề tài mà nói về ý nghĩa của vai trò một tân nhân sĩ của Trung Cộng.

“Những việc như lái một chiếc xe thể thao, tôi biết giới quý tộc Anh không kiêu căng như thế,” anh ta nói tiếp: “Giới quý tộc thực sự tuyệt đối không làm chuyện đó, mà sống khá bình lặng.”

—Dinny McMahon đóng góp cho bài viết này.

Source: The Wall Street Journal
_______________
Chú thích của người dịch:

(*) Còn gọi là ‘con ông cháu cha’
(**) Ông nội là tướng Diệp Kiếm Anh, trước đây là Chủ Tịch Ủy Ban Thường Vụ Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc (quốc hội)
(***) Ông nội là Vạn Lý, trước đây là Chủ Tịch Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc

0 comments:

Powered By Blogger