Thấy Gì? Làm Gì? Trước Sự Xâm Nhập của Nghị Quyết 36?
Đỗ Văn Phúc
Nhìn qua những diễn biến chính trị trong sinh hoạt cộng đồng Việt tị nạn tại Hoa Kỳ và các nước tự do khác, chúng ta không thể không nhìn thấy một sự tiệm tiến trong việc thưc thi Nghị quyết 36 do bọn ngụy quyền Cộng Sản Việt Nam khởi xướng nhằm xâm nhập, tìm cách khống chế ảnh hưởng vào tập thể người Việt tị nạn chúng ta.
Tại sao Nghị quyết 36 lại quan trọng đối với bọn Việt Cộng?
Sau hàng chục năm dài ngoắc ngoải mà vẫn cứ lẹt đẹt về phát triển, dẫn đất nước đến mức lạc hậu, xếp vào hàng kém cỏi nhất trong các nước trên thế giới; Việt Cộng đã nhìn ra tiềm lực để giúp chúng không ai khác hơn là gần ba triệu người Việt hải ngoại.
Nghị quyết 36 đã xác nhận:
"Hiện nay có khoảng 2,7 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở gần 90 nước và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% ở các nước công nghiệp phát triển, phần đông bà con ngày càng ổn định cuộc sống và hòa nhập vào xã hội nơi cư trú, có vị trí nhất định trong đời sống kinh tế, chính trị - xã hội ở nước sở tại, có tác động ở mức độ khác nhau tới mối quan hệ giữa các nước đó với Việt Nam. "…
"Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có tiềm lực kinh tế nhất định, có mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nước ngoài và quốc tế, có khả năng tìm kiếm đối tác và làm cầu nối với các doanh nghiệp, tổ chức trong nước. Nhiều trí thức có trình độ học vấn và chuyên môn cao; một số người giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan, cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các công ty và tổ chức quốc tế, có khả năng tạo dựng quan hệ với các cơ sở kinh tế, khoa học ở nước sở tại."
Vì thế, bằng bất cứ giá nào, Việt Cộng cũng phải tìm cách nắm lấy cộng đồng người Việt hải ngoại để khai thác. Âm mưu xâm nhập vào cộng đồng Việt được thực hiện trên nhiều mặt trận chính trị, kinh tế, và văn hoá; mà trong đó, văn hoá văn nghệ là dễ dàng nhất do khai thác sự dễ dãi, nhẹ dạ, hời hợt, nông cạn về chính trị của một số người Việt trẻ.
Muốn đánh giá đúng, chúng ta phải kết hợp tất cả những diễn biến vào một bức tranh toàn cảnh; thay vì cứ nhìn riêng rẻ từng mảnh puzzle để rồi nhận định lầm lạc phiếm diện như kiểu người mù sờ voi. Cần nhất là khi nhận định hay phê phán, chúng ta phải tự xác định vị trí của mình; là người Quốc Gia Tị Nạn, chống Cộng Sản độc tài; và không để xen vào chút mảy may nào các yếu tố khác biệt về tôn giáo, địa phương, bè phái vân vân.
Về mặt trận chính trị, trong mấy năm gần đây, bọn chóp bu Việt Cộng thay nhau liên tục đến Hoa Kỳ để vận động. Chúng tổ chức những buổi họp mặt với bọn gian thương, trí thức Việt Gian tại Bắc California, Texas, vùng DC. Trong nuớc, chúng tổ chức Đại hội Việt Kiều quy tụ hàng trăm những tên Việt gian từ Âu, Mỹ về xun xoe kiếm danh kiếm lợi. Về văn hoá, chúng không ngừng đưa ra nước ngoài khi thì rầm rộ những đoàn văn công, khi thì đơn lẻ vài ca sĩ có đảng tịch và đang nhận nhiệm vụ tình báo, dân vận. Đồng thời chúng tìm mọi cách mua chuộc những thành phần háo danh, hám lợi trong các tổ chức hải ngoại bằng cách tạo cho chúng các điều kiện làm ăn, mua bán dễ dàng tại Việt Nam trong khi vẫn bám chặt vào các chức vụ then chốt trong các đoàn thể tổ chức chính trị cộng đồng, hay có tính chất văn hoá lịch sử tại hải ngoại.
Nổi bật nhất là vụ các đoàn văn công xuất hiện tại Úc, Bỉ, Dallas, Nam, Bắc California… như Duyên Dáng Việt Nam, chương trình ca nhạc Thảm Đỏ.ca sĩ đỏ Đàm Vĩnh Hưng; vụ các giám đốc đài Việt Nam Hải Ngoại giao tiếp với cán bộ VC; vũ rải rác khắp nơi các vụ kiện nhằm đe doạ, bịt miệng người Quốc gia tại Portland (Oregon), Austin, Dallas (Texas), Washington DC, Virginia, mà bọn Việt Gian đòi bồi thường con số hàng triệu đô la. Dù biết rằng sự thắng kiện là khó xảy ra, nhưng bọn Việt Gian này chỉ cần gây hoang mang, lo âu cho người bị kiện vì phải tốn tiền luật sư, mất rất nhiều thì giờ ảnh hưởng công ăn việc làm. Trong khi bọn chúng thì có thể dùng tiền của VC tuồn vào để đánh phá.
Chúng ta không thể không nói đến hình thức xâm nhập văn hoá, xem ra có vẻ nhẹ nhàng, như các băng đĩa CD, DVD các ca khúc cho thiếu nhi, các tuồng cải lương, kịch, phim, phóng sự, các màn hài hước rẻ tiền mà không thiếu những kẻ bình dân,nông cạn sẵn sàng rước về nhà. Ngay cả trên mặt trận truyền thông, Việt Cộng cũng đang lấn sân do những tài khoản hết sức lớn để in ra những tờ báo rất đẹp, bài vở về phim kịch, thể thao, truyện ướt át rất hợp thị hiếu của đa số đồng bào tị nạn. Từ các nội dung vô thưởng vô phạt, chúng sẽ từ từ đưa vào những bài mang tính xã hội cho độc giả, thính giả làm quen với văn chương từ ngữ thấp kém của chúng trước khi chuyển hẳn qua các đề tài chính trị. Và khi đó, thì sự xâm nhập đã quá sâu để có thể hoá giải. Trong vụ Cộng Đồng Dallas Fort Worth chống văn công Đàm Vĩnh Hưng, đã thấy có vài tờ báo trước đây đứng hàng hai, nay quay phắt phản bội Cộng Đồng cũng chỉ vì đồng tiền máu của CS.
Song song với những việc trên, chúng ta thấy diễn ra hàng ngày những bài báo, điện thư tấn công nhắm vào những người chống Cộng tích cực. Bọn bồi bút CS, Việt Gian đã xuyên tạc, bóp méo sự việc để chống chế cho các việc phản nghịch, sai trái trong cộng đồng (như vụ Đài Viet Nam Hải Ngoại, vụ đốt quốc kỳ ở Virginia). Chúng lôi chuyện cá nhân, gia đình hay dựng đứng chuyện nhằm bôi nhọ người Quốc gia. Chúng xúi bẩy các hội đoàn Quốc gia tranh chấp nhau, mạ lị nhau thậm tệ trên báo, diễn đàn để rồi mất lòng tin nơi đồng bào mình, tan vỡ khối đoàn kết của cộng đồng. Chúng gây chia rẽ giữa người Phật Giáo và Công Giáo; giữa các thành viên bênh và chống những vị lãnh tụ ngày xưa. Đó cũng là ngón đòn thâm độc để lôi kéo cộng đồng đi ra xa những nan đề chính trị nóng hổi Quốc Cộng.
Tìm những phương thức để đối phó với sự xâm lăng chính trị, văn hoá,này của CS không phải dễ; nhưng cũng không thể gọi là vô phương.
Là con người bình thường, rất nhiều kẻ đã không thoát khỏi sự cám dỗ của tiền tài, danh vọng, và nhan sắc. Vì thế, nên mới có những tên phản bội từ ngấm ngầm cho đến công khai. Đại Hội Việt Kiều tại Hà Nội năm ngoái đã lôi kéo được hàng trăm tên mò về tung hô, nịnh bợ CS một cách khả ố. Nhiều nhà văn, nhà thơ, y bác sĩ cũng đã về Việt Nam in sách, ra mắt sách để kiếm tiền và danh. Nhiều nghệ sĩ từng được ấp ủ trong tình thương cộng đồng cũng chạy về VN ca hát. Đầu tư kinh tế thì cũng có nhiều, cho dù đã có nhiều đứa ôm đầu máu bỏ của chạy lấy người hay kết thúc bi thảm trong các trại tù CS vì những tội danh bịa đặt.
Đã đến lúc chúng ta phải mạnh dạn, đồng loạt lôi cổ bọn phản bội này ra công luận. Nhất hô phải có bá ứng. Hãy tẩy chay bọn này, không cho chúng ngồi chung với người Quốc Gia. Xin hãy cương quyết và dứt khoát như việc Luật Sư Lê Duy San đã yêu cầu Ban Tổ Chức Đại Hội Luật Sư tại Cali tống cổ tên Nguyễn Hữu Liêm ra khỏi phòng tiệc. Điều quan trọng khi nói đến hành tung của chúng, chúng ta phải có bằng chứng cụ thể để trình ra cho công luận và khi cần trình cho quan toà. Các tổ chức Cộng Đồng, hội đoàn Quân Đội nên đứng hẳn về phía chiến hữu, đồng chí của mình trong các vụ kiện, thay vì chỉ viết những câu ủng hộ có tính cách cá nhân của các vị lãnh đạo.
Làm chính trị là phải chấp nhận hy sinh, chấp nhận sự phê phán từ mọi phía. Nếu chúng ta tự tin rằng mình có chính nghĩa, không làm điều gì sai với lương tâm, không phản bội lý tưởng, thì xin hãy đứng vững không để sự đe doạ làm khuất phục, không để mãnh lực đồng tiền làm mờ lương tri. Nếu có bị kiện cáo, xin coi như sự thử thách. Cho dù vài anh em chúng ta có phạm vào khe hở luật pháp Mỹ mà thua cuộc, thì chúng ta vẫn thắng trong công luận người Việt Tị Nạn. Những người hoạt động chính trị, báo chí thường là nghèo, không có tài sản gì đáng kể, nên sẽ không có gì để mất cả. Chỉ sợ những vụ bị gán cho rằng hình sự thì sẽ mất đi chút tự do. Nhưng sá gì, mạng sống còn dám hy sinh cho Tổ Quốc kia mà, biết bao người con yêu dấu Việt Nam đang bị cầm tù tại Việt Nam cũng vì hai chữ Tự Do và Nhân Quyền.
Hiện nay, đang có những nỗ lực của vài luật gia và những nhà báo, nhà hoạt động Quốc Gia bị kiện để thu thập nội dung các vụ kiện, đúc kết kinh nghiệm đối phó để phổ biến cho quần chúng. Đây là việc làm rất cần thiết để chứng tỏ cho CS thấy rằng thứ vũ khí của chúng sẽ không có hiệu quả gì.
Chúng ta phải quan niệm dứt khoát rằng kẻ nào xu nịnh, làm ăn, giúp đỡ kẻ thù thì cũng chắng khác gì kẻ thù của chúng ta (dĩ nhiên chúng ta không tính đến các ngoại nhân, vì họ cũng chỉ vun xới cho quyền lợi nước họ)
Nhưng ngược lại, đối với kẻ thù của kẻ thù, chúng ta cần có cách nhìn sâu sắc nhưng cởi mở hơn. Họ có thể chưa là bạn của chúng ta, nhưng không nên xô đẩy họ về phía kẻ thù. Họ có thể là con bài của CS để lừa bịp, len lỏi vào hàng ngũ chúng ta mà phá hoại công cuộc đấu tranh. Nhưng cũng có thể họ là những người thực sự chống lại chế độ CS hiện hành; nhưng do tầm nhìn và kinh nghiệm, hiểu biết quá khứ mà họ có nhiều điều bất đồng với chúng ta. Nên coi họ là đồng hành thì hơn là bày tỏ sự nghi kỵ, chống đối. Ngày xưa trong kháng chiến chống Pháp, chính bè lũ Hồ Chí Minh cũng đã đồng hành với các đảng phái Quốc Gia cho đến khi chúng cướp được chính quyền vào ngày 19 tháng 8, 1945
Cũng đã quá trễ - nhưng còn hơn không- để chúng ta nhìn lại nhau, hoà đồng với nhau giữa các đoàn thể tổ chức Quốc Gia. Chúng ta thừa biết không xã hội nào không có những kẻ bịp, những tổ chức bịp. Có những kẻ không có khả năng, tư cách hay có quá khứ không đẹp cũng nhảy ra múa may, đòi làm lãnh tụ. Rất đau lòng khi những tổ chức bịp này đã làm xói mòn niềm tin của đồng bào. Cũng rất đau lòng và xấu hổ khi thấy vài ông, bà lãnh đạo các tổ chức trong cộng đồng cứ lời qua tiếng lại, chì chiết nhau năm này tháng nọ mà quên đi công việc chính là góp phần trong sinh hoạt chung. Chẳng lẽ sau 35 năm tị nạn trên mảnh đất tự do dân chủ này, họ không học được bài học nào để ngồi lại với nhau? Những ai tự thấy mình đã thấm mệt, không còn nhiệt huyết thì xin hãy âm thầm đứng ra một bên mà không làm cản trở công việc chung bằng những nhận định tiêu cực đầu hàng. Một thí dụ rất gần, tối ngày Chủ Nhật 18 tháng 7 vừa qua, Lý Tống giả dạng xâm nhập vào xem văn nghệ ở San Jose để xịt chất cay vào mặt tên ca sĩ cán bộ VC Đàm Vĩnh Hưng. Song song với những lời hoan nghênh, cổ vũ, khoan khoái của tuyệt đại đa số người tị nạn, thì cũng đã có lác đác những phê bình không đẹp mà theo chúng tôi, phát xuất từ tình cảm thì hơn là lý trí. Đối với chúng tôi, Lý Tống làm một việc mà ai cũng muốn làm, nhưng không dám hy sinh tự do cá nhân để làm. Ít nhất Lý Tống đã đánh trực tiếp vào một mắt xích quan trọng của Nghị Quyết 36, làm bọn Việt Gian bầu sô chắc còn lâu mới dám tiếp tục mời văn công VC hoặc phải tốn kém gấp bội để lo giữ an ninh; làm cho bọn ca nô VC từ nay cũng phải lo sợ, nếu có hát vì ham tiền, thì cũng vừa hát vừa run.
Trong phạm vi hạn hẹp của trang báo, chúng ta không thể bàn hết mọi chuyện. Chỉ xin nhấn mạnh hai điểm chính mà chúng tôi coi là quan trọng nhất:
- Giữ vững lập trường, phân định rõ ràng lằn ranh Quốc Cộng. Từ đó, chúng ta mới dễ đoàn kết, hợp tác với nhau trong sự nghiệp chung. Nhân nhượng với bạn, nhưng kiên quyết với thù
- Chấp nhận sự hy sinh trong cuộc đấu tranh. Hy sinh những sở thích, du lịch, giải trí không cần thiết để không làm lợi cho địch. Hy sinh chút thì giờ để đóng góp. Thậm chí có khi cần phải hy sinh tự do, hạnh phúc và sinh mạng. Thẳng tay vạch mặt bọn thù trong phạm vi pháp luật cho phép mà không e ngại những hệ lụy do VC sẽ tìm cách áp đặt lên chúng ta.
Đỗ Văn Phúc
July 25, 2010.
Thấy Gì? Làm Gì? Để Đối Phó Với Nghị Quyết 36 (bài 2)
Định Luật Cung Cầu Trong Thưởng Ngoạn Âm Nhạc
Đỗ Văn Phúc
Vụ tấn công văn công VC Đàm Vĩnh Hưng đã gây ra nhiều tranh luận sôi nổi. Đại đa số người Việt tị nạn hoan nghênh hành động của Lý Tống, chửi mắng bọn Việt Gian ham tiền và lên án người đi xem. Người ta đưa ra nhiều tấm hình các cô gái đi vào hí trường mà phải che mặt bằng chiếc ví tay. Bản thân tác giả cũng rất khoái chí trong một thời gian dài sau những màn đánh đấm ngoạn mục nhắm vào sự xâm nhập văn nghệ của bọn CS.
Nhưng
Nói đi thì cũng phải nói lại.
Hơn 35 năm qua, hình như người Việt chống Cộng chúng ta trách người thì nhiều, mà tự trách mình thì ít. Hình như mình chỉ thấy lỗi người mà không nhìn ra điều thiếu sót của chính mình.
Chúng ta đã thấm nhuần văn minh Tây Phương trong đó ngoài tinh thần dân chủ tự do về chính trị, thì về kinh tế có quan niệm trọng thương, chủ nghĩa tư bản là những động lực thúc đẩy xã hội đến giàu mạnh.
Một trong những chìa khoá của chủ nghĩa tư bản là luật cung cầu. Đời sống con người càng ngày càng phức tạp, đẻ ra nhiều nhu cầu để làm cuộc sống thoải mái về vật chất, thăng hoa về tinh thần. Không những chạy theo kịp nhu cầu, mà tư bản Mỹ còn chịu khó suy nghĩ tiên liệu và hướng dẫn những nhu cầu của người tiêu thụ trong tương lai. Vì vậy, khi những sản phẩm mới được tung ra, là được chiếu cố nồng nhiệt ngay. Cứ xem trong một chiếc xe hơi thì thấy rõ. Nào là chỗ đựng ly, chỗ đựng băng CD, chỗ đựng kính mát, ghế ngồi có thể điều chỉnh nhiều vị thế khác nhau, các bộ phận điện tử để điều khiển …
Vậy mà chúng ta từng quen biết với văn minh Mỹ từ thập niên 50 của thế kỷ trước, cộng với hơn 35 năm sống ngay trên đất Mỹ; chúng ta vẫn không chịu nhìn thấy định luật cung cầu này trong các lãnh vực văn hoá văn nghệ. Chúng ta mãi cứng ngắt đứng trên quan điểm/nhu cầu của mình mà phê phán người khác vì họ có quan điểm/nhu cầu khác chúng ta.
Thử làm một bài tính đơn giản. Trong gần 3 triệu người Việt hải ngoại, con số người tị nạn thuộc thế hệ 1 nay còn lại bao nhiêu? Sau 35 năm, còn lại bao nhiêu? Lấy gia đình mình ra làm mẫu, thì chúng ta biết rằng có ít nhất trên 80 phần trăm là thuộc thế hệ hai và ba, và bốn… Cộng với hàng trăm ngàn người Việt đến Mỹ trong các chương trình đoàn tụ,hôn nhân, du học, làm việc rồi xin/trốn ở lại … Thì con số những người khác biệt quan điểm. trình độ thưởng ngoạn với chúng ta phải là một con số đáng cho chúng ta lưu ý.
Đặc biệt, rất nhiều người trẻ đến Hoa Kỳ sau này không hề có ý thức chính trị giống chúng ta. Họ sinh ra, lớn lên trong lòng chế độ CS; họ không hề biết đến một chế độ Cộng Hoà, với nền văn nghệ phong phú nhân bản tiền 1975. Hàng chục năm qua, chỉ biết có một thứ văn nghệ nô dịch trong nước, chỉ biết đến các “thần tượng” Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng….
Mỗi người, tuỳ hoàn cảnh sống, trình độ, mà có những sở thích thưởng ngoạn khác nhau. Ngày xưa, có những người mê thích các bản nhạc tiền chiến, chuộng các ca sĩ Thái Thanh, Thái Hằng, Sĩ Phú,… thì cũng có những người chỉ nghe Giang Tử, Phương Hoài Tâm, Thanh Tuyền; những người gốc miền Nam thì chỉ biết Hùng Cường, Phượng Liên, Út Trà Ôn… Sở thích văn nghệ, thị hiếu rất khó thuyết phục và chắc chắn là không ai có thể cấm đoán được.
Ngày nay cũng thế thôi. Những vị từng cầm súng chiến đầu, quý bà lớn tuổi thì vẫn còn tha thiết đến nền văn nghệ xưa, với “anh tiền tuyến, em hậu phương”; Người Ở Lại Charlie, Chiều Mưa Biên Giới… Còn con em chúng ta thì sao? Họ còn trẻ, họ phải tìm loại nhạc thích hợp với lứa tuổi, tâm tình của họ chứ? Đặc biệt, những người trẻ mới từ VN qua, họ cũng không thể nào thấm nổi những giai điệu tiền 75, và cũng nhưa tiêu hoá được các loại nhạc mới theo âm điệu Tây Phương.
Các nhạc sĩ, ca sĩ, nhà làm băng nhạc đã vì quá chiều sở thích của thế hệ 1, mà có phần lơ là đối với thế hệ 2, 3. Phải nói thẳng ra là họ cũng sợ bị phê phán nặng nề nếu có chút lệch lạc khi tổ chức các nhạc hội. Các ca sĩ thế hệ chúng ta thì ngày nay đã tròm trèm 60, 70. Có bơm nhiều botox vào mà lên sân khấu thì cũng không che được dấu vết uá tàn của thời gian, nhìn sao sao ấy. Nhất là giọng hát đã không còn trong trẻo, lên các nốt cao đã thấy bể tiếng. Các ca sĩ trẻ hơn thì cứ bắt họ đóng lên người bộ quân phục để hát thay cho tâm tình chúng ta mà họ không thể đem được vào trong lời ca tiếng hát và cách diễn đạt. Đã qua thập niên thứ hai thiên niên kỷ thứ 3, mà cứ bắt họ hát, nghe nhạc của 40, 50 năm trước là sao?
Nếu cứ tạm chấp nhận những show như thế cho thế hệ 1, thì thế hệ 2, 3 cũng có quyền đòi hỏi thoả mãn nhu cầu của họ. Ví như một hố trống, nếu chúng ta không nhanh tay đổ nước thanh khiết của chúng ta vào, thì bọn đỏ sẽ cho tràn vào thứ nước ô nhiễm của chúng.
Tôi đã đến thăm nhiều gia đình cựu tù nhân Chính trị, cựu quân nhân QLVNCH, và thấy ngay chính họ (hay ít ra thì con cái họ) thưởng thức say mê những dĩa nhạc CD, DVD nhập cảng hay sang lậu từ VN, cháu họ thì hàng ngày được giải trí bằng những chương trình thiếu nhi do bên VN quay và bán ra. Vậy thì khi các vị đội nắng dầm mưa đi biểu tình phản kháng Thảm Đỏ, Duyên Dáng VN, Đàm Vĩnh Hưng, Trần Thu Hà… quý vị có thấy cần thiết phải làm sạch trong nhà mình trước không?
Chúng ta chống những ca sĩ VC, chửi mắng bọn bầu sô, cai thầu văn nghệ, lên án những khán giả đi xem. Nhưng chúng ta quên rằng chính chúng ta đã không đáp ứng được nhu cầu văn hoá văn nghệ của quần chúng, nên họ phải đi vuột ra khỏi tầm tay chúng ta.
Chờ cho văn công VC đến ca hát rồi mới phản đối là hạ sách. Tìm phương kế để ngăn chúng đến là trung sách. Tạo ra điều kiện để lôi kéo khán giả về với mình mới là thượng sách.
Lãnh vực thông tín báo chí cũng không tránh khỏi tình trạng trên. Ngày nay, đa số người làm báo vì mục đích phục vụ lý tưởng thường là những người cao tuổi mà việc làm báo là nghề tay trái có rất nhiều hạn chế về thời giờ và vốn liếng. Do đó, các tờ báo này khó vươn lên tầm vóc báo chí chuyên nghiệp, phục vụ nhu cầu đọc và tìm hiểu giải trí của hết mọi giới, mọi lứa tuổi. Trong khi đó, với ngân sách dành cho tuyên truyền kiều vận cao, Cộng Sản VN sẵn sàng tuôn hàng trăm ngàn đô la cho những tay sai của chúng làm những tờ báo rất đẹp, in digital sáng sủa, và có nội dung rất thích hợp với giới trẻ. Trong khi báo của ta cố bán vớt vát chút chi phí thì báo tay sai VC lại cho không. Người đọc bây giờ không như ngày xưa, thời của chúng tôi mà đa số học sinh sinh viên thường mua năm các tờ báo ưa thích. Ngay giới bình dân ngày trước cũng không tiếc hai, ba đồng để mua các nhật báo theo dõi tin tức. Ngày nay, người ta ăn nhậu hàng chục bạc, nhưng quay lưng đi khi thấy các báo nhà đề giá 2, 3, 5 đô la. Họ chỉ lấy báo chùa thôi. Và như thế, là nọc độc của CSVN được tiêm vào một cách dễ dàng.
Nhiều tờ báo đã chuyển qua online. Có thể thu hút thêm nhiều độc giả trẻ - còn đọc được tiếng Việt - nếu biết trình bày đẹp mắt và có bài vở súc tích. Nhưng vấn đề vận động đến các em, các cháu mà Anh ngữ là ngôn ngữ chính thì chưa thấy phát triển.
Để dành lại sự quan tâm cuả giới trẻ, các tổ chức Cộng Đồng chúng ta nên khuyến khích các nhà hoạt động văn nghệ, văn hoá nhắm vào đối tượng trẻ mà sáng tác, phục vụ. Nên có những cuộc thi sáng tác, tuyển lựa ca sĩ mới với những bản nhạc trẻ trung thích hợp với lứa tuổi của họ. Báo chí nên tìm thêm các bài vở nhẹ nhàng, tươi mát và thêm các mục về thời trang, thể thao, âm nhạc, phim ảnh. Nhưng phải rất cẩn trọng không sao chép nguyên văn các bài vở về các đề tài này từ báo trong nước mà không có sự chọn lọc và chuyển hoá qua ngôn ngữ chúng ta. Đặc biệt Tổ chức Cộng Đồng toàn quốc, các hội đoàn lớn phải thêm một ban thanh niên vận nhắm vào các em các cháu chỉ đọc và viết Anh ngữ; đồng thời rất thận trọng cảnh giác với hành tung, thái độ chính trị của những kẻ hoạt đầu đang nắm giữ vai trò lãnh đạo các hội đoàn nhằm hướng dẫn văn hoá lịch sử cho thanh niên sinh viên.
Tại chúng ta chưa làm hay làm chưa tới, chứ không phải không làm được.
Nói đến việc vun bồi cho thế hệ hai, thiết tưởng đây là vấn đề đã được rất nhiều người lên tiếng từ bao năm qua. Nhưng nhìn lại, xem thử chúng ta đã làm được gì, hay vẫn chỉ là tiếng kêu tuyệt vọng giữa sa mạc?
Thế hệ hai của chúng ta hiện đang ở độ tuổi 40, 50 cả rồi. Họ đã rất thành công trên đường đời, có học vấn cao, có địa vị khá trong xã hội Mỹ. Nhưng ngoài việc đảm trách các lễ nghi chào kính như nhóm Young Marines, Hậu Duệ Tập Thể Cựu Chiến Sĩ, Hậu Duệ Võ Bị…, họ đã góp được bao nhiêu cho sự nghiệp chống Cộng về các lãnh vực khác như văn hoá văn nghệ, tuyên huấn… ? Hay là đã có nhiều người dùng hoạt động Cộng Đồng đề làm bàn đạp tham gia dòng chính rồi vì quyền lợi, danh vọng cá nhân mà càng ngày càng xa rời chính nghĩa của cha anh? Hay vì được giáo dục trong môi trường mới mà họ có những cách nhìn rất khác với chúng ta, và vì thiếu kinh nghiện đối đầu với CS, họ sẽ có những việc làm phương hại đến sự nghiệp chung?
Đó là do chính chúng ta từng ý thức về vai trò của thế hệ nối tiếp. Chúng ta từng đề ra, lập ra những chương trình hậu duệ, nhưng không ai để tâm sức vun bồi cho họ. Có phải chúng ta lại đi vào bánh xe “đầu voi đuôi chuột”? Hay chính vì thế hệ cha anh mãi lo tranh chấp, xung đột, làm cho con em đâm ra mất sự tin tưởng và tự đi tìm phương hướng cho chính họ? Thế là cái bẫy của Nghị Quyết 36 giương ra, sẵn sàng nuốt vội những con mồi háo danh, hám lợi như trường hợp Brian Đoàn, Danny Đoàn Nguyễn, Frank Vũ, Lisa Lê, Dũng Taylor; và gần đây nhất có những báo động về vài dân cử thuộc thế hệ hai đã có toan tính bắt tay với kẻ thù nhưng vẫn giảo hoạt che đậy bằng những ngụy biện khó chấp nhận.
Thế hệ thứ ba thì đã Mỹ lắm rồi, chúng ta không lo chúng bị ảnh hưởng bởi văn hoá CS nữa. Nhưng vẫn phải canh chừng để các em không vì những quan điểm dân chủ tự do phóng khoáng và nhiệt tình hoạt động thiện nguyện mà bị CS lợi dụng qua những chiêu bài nhân đạo, phát triển…
Thế hệ 1 chỉ còn 10, tối đa 20 năm nữa là xong, thanh thản từ giã cỏi đời ô trọc này. Xin chấm dứt những đố kỵ, xung khắc mà bắt tay ngay vào những việc làm thiết thực để giữ cho thế hệ hai đi đúng con đường của mình mong muốn.
Đỗ Văn Phúc
Aug.5, 2010.
Nguồn : http://www.michaelpdo.com/NghiQuyet36.htm
http://www.michaelpdo.com/NghiQuyet36%282%29.htm
0 comments:
Post a Comment