Thursday, April 28, 2011

NGƯỜI VIỆT NAM GÌ CŨNG SỢ

“Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi, tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người…”. Những ca từ của nhạc sỹ họ Trịnh đã chấm phá nên một kiếp nhân sinh.

Không ai trong chúng ta khi chào đời không bằng tiếng khóc, nếu không khóc được thì bà mụ hoặc bà mẹ phải phát vào đít để đứa bé bật ra tiếng khóc đầu đời , cho dù sự có mặt của đứa bé đó được chào đón bằng sự hân hoan hay ruồng bỏ của bậc sinh thành, để bắt đầu một vòng tử sinh của “sinh bịnh lão tử” của một kiếp người.

Nhưng người Việt Nam, ngay từ trong bụng mẹ đã phải đối diện với những sự sợ hãi: đối diện với những nguy cơ tiềm ẩn sự bất hạnh ngay trong giờ phút để được góp mặt trên cuộc đời này, nếu như cả hai mẹ con rơi vào tay những lương y như ác mẫu như những trường hợp sau:

04/03/2009 hai mẹ con sản phụ Phạm Thị Quyên đã chết tại bệnh viện phụ sản Hà Nôi với hồ sơ bệnh án có dấu hiệu bị tẩy xóa làm sai lệch từ “sức khỏe bình thường” trở thành “bất bình thường”. Ban Giám Đốc bệnh viện phụ sản Hà Nội đã quyết định hổ trợ hai mạng người với cái giá rẻ mạt 10 triệu đồng và gia đình chị đã không nhận tấm lòng quá tốt ấy.(Dân Trí. Com)30/11/2009 chị Nhung, thôn Đình Phùng xã Đông Hưng, TP Thanh Hóa tử vong 5 tiếng sau khi sinh tại khoa sản 3 Bệnh viện phụ sản Thanh Hóa. Trước đó 25/11/2009 chị Hoàng Thị Thương Huyền 28t, phường Ba Đình, thị xã Bĩm Sơn tỉnh Thanh Hóa cũng tử vong tại bệnh viện này(Đất Việt.com). 26/04/2010 sản phụ Nguyễn Thị Hoàng Oanh 28t trú tại Thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị đã nhập viện Bệnh viện khu vực Triệu Hải lúc 3h chiều. Đến 10h30’ thì vỡ ối, hai y tá đã phải lôi đầu đứa bé sau khi bỏ mặc sản phụ gần 3 tiếng và phải 1 tiếng sau Bác sỹ trực mới xuất hiện để chứng tử cho cả hai mẹ con(N. Uyên, Báo SGGP) Trong tất cả các trường hợp trên kíp trực chỉ bị đình chỉ công tác và sau đó có trời mới biết họ có đi làm lại hay không?.

Nếu may mắn thoát khỏi cửa ải này thì suốt trong giai đoạn trưởng thành đứa bé luôn luôn đối mặt với sự sợ hãi: sợ uống phải sữa có Melamine, ngộ độc thực phẩm, sợ mặc phải quần áo có chất độc, sợ phải uống bằng những cái ly có chứa chì cao gấp ngàn lần tiêu chuẩn cho phép và sợ phải “bị là người tiêu dùng thông minh trẻ tuổi” để nhận biết đâu là sản phẩm có chất độc, đâu là bánh phở, hủ tíu, mì sợi có chất formol, đâu là cá có tẩm ure, đâu là giò lụa, chả quế có hàn the hay không?.

Lớn lên tí nữa thì sợ không có nhà trẻ hoặc rơi vào tay những bảo mẫu đánh trẻ như đánh Mỹ ngụy. Vào cấp một thì cũng không khá hơn nếu gặp những ông thầy giáo Dâm tặc như tên thầy giáo Phạm Văn Toản xâm phạm tình dục 5 em học sinh nữ lớp…4/3 trường tiểu học Cầu xéo, Long Thành, Đồng Nai, yêu râu xanh Nguyễn văn Bắc tại trường cấp 1,2 Kim Đồng (xã Thanh Lương, thị xã Bình Long)…. Hay như bà chằng Phạm Thị Kim Loan bắt 36 em học sinh lớp 4A2 trường tiểu học Tấn Mỹ B Chợ Mới, An Giang ăn bao nylon vì không biết ai vứt trong lớp(Dân Trí. Com) Hoặc bị bóp dế như trong trường hợp bà ráo Khổng Thị Phương Mai, giáo viên dạy Thể dục thể thao trường Marie Curie, Q3(10/2009) (Báo Mới.com). Hết chạy trường, đến chạy điểm đôi khi không chỉ bằng tiền mà còn bằng cả … tình như cô sinh viên trương Cao đẳng phát thanh truyền hình Trung Ương (Thị xã Phủ Lý, Hà Nam)(…).

Trong sinh hoạt đời thường thì sợ bị điện giật, sợ lọt cống, lọt mương, lọt… ổ voi, lọt hố tử thần có thể xuất hiện đột ngột và có thể nuốt gọn một chiếc xe container như trường hợp anh Lê Mạnh Hưởng tài xế xe container 57M-2542 tại ngã tư Kha Vạn Cân-Hoàng Diệu 2, Thủ Đức (Dân Trí.com). Còn những nỗi lo sợ cơm áo gạo tiền, sợ buổi sáng thức dậy bị nhà nước đánh úp bằng những thông báo tăng giá điện, tăng giá nước, tăng giá xăng, tăng tỷ giá USD, thông báo quản lý vàng miếng, quản lý ngoại tệ v.v… Và sợ …. đổi tiền.

Sợ cả những thông báo đã được thông báo trước cả nữa năm như thông báo lên lương cơ bản. Dù chỉ được lên có 10% nhưng vật giá đã chạy qua mặt trước cỡ 20-30% chừng vài tháng.

Sợ cả mụ tổ trưởng dân phố mang cuốn sổ ủng hộ bão lụt, dân phòng , an ninh quốc phòng, quỹ khuyến học… đi khắp xóm nhát dân trong khu phố, sợ quyển sổ vàng của nhà trường, tiền cơ sở vật chất, tiền thầy cô ăn tết…. Bao nhiêu là quyển sổ đè lên quyển sổ lương chết đói???

Khi bệnh hoạn vào bệnh viện càng phải biết sợ: sợ chen lấn, sợ mất thời gian, phải đi từ sớm tinh mơ cỡ 4h sáng để lấy số và sợ nhất là khám bệnh bằng Bảo hiểm y tế… Nhập viện thì phải biết sợ từ bà Tạp vụ, cô Y tá, chị Điều dưỡng đến ông, bà Bác sỹ … Nếu có điếc không sợ súng thì vào đây cũng phải làm quyen với cái sự sợ hãi, nếu không xì tiền ra sẽ được mặc những bộ đồ nhàu nát, tấm drap dơ bẩn, những mũi tiêm đâu thấy ông bà ông vãi, những bông băng, gạc, thâm chí cả kéo quyên trong ổ bụng hoặc vết thương sẽ nhiễm trùng phải mổ đi mổ lại. Nếu có xui rủi như trường hợp các sản phụ đã kể trên thì chừng chục chai hổ trợ là xong nhưng sẽ gỡ lại nhanh chóng nhờ những bệnh nhân sau, thấy đó mà biết sợ…

Ra đường sợ công an núp lùm núp bụi… và sợ nhất…là phải vào đồn ca vì trước khi vào khỏe mạnh nhưng khi ra thì đôi khi bằng băng ca hoặc về nằm trong áo quan. Nguyên nhân có thể là do bị đột quỵ, hay “tự té ngã” va đập đầu nên bị chấn thương sọ não hay có thể vì cảm thấy xấu hổ quá nên thắt cổ tự tử bằng dây điện thoại, dây giầy, dây nịt hoặc dây kẽm… không chừng? Ai biết được???

Đến khi chết rồi vẫn sợ… nghĩa trang bị giải tỏa nếu là địa táng, còn hỏa táng thì giữa chừng sợ bị cúp điện.

Tóm lại người Việt Nam từ lúc cha sanh mẹ đẻ cho đến lúc về với ông bà ông vãi, lúc nào cũng sống chung với sợ hãi. Sợ quá hóa hèn chăng???

Viết đến đây tôi đã nổi da gà da vịt vì… sợ.!!!

Các bạn s…ợ chư…a???

Sài Gòn 27/04/2011

Oanh Yến Thị Phạm

0 comments:

Powered By Blogger