Nguyễn Dư (Danlambao) - Nhớ lại Sài Gòn vào những thập niên sáu mươi, bảy mươi, ở những sạp báo hay nhà sách, người ta dễ dàng tìm đủ các loại nhạc in trên hai mảnh bìa ghép; rồi nào là sách tự học nhạc, thổi sáo, đàn Tây ban cầm, đàn Piano...; có cả những cuốn vọng cổ nho nhỏ xinh xắn có thể bỏ túi dành cho những người nghiền ca vọng cổ nữa...
Những thanh niên ở tuổi sắp đi quân dịch đêm đêm thường tụ tập trai gái lại đầu xóm đờn ca cho tới khua; chuyền tay trao nhau những bài nhạc in sẵn cho những ai không có, chép lại thành tập. Có đứa thì sưu tầm những bản nhạc in, đóng lại thành cuốn dày cộm. Đến những năm của thập niên bảy mươi trở đi, cộng sản đánh phá khắp miền Nam, bạn bè tản lạc khắp nơi. Nhớ lại cái tuổi thanh niên đã qua thời đó sao rất dễ thương mà sau này không thể tìm lại được.
Sau này, có lần gặp lại thằng bạn đi lính Địa Phương Quân đóng ở Hậu Nghĩa về phép, tôi vô tình hỏi nó một câu không có duyên chút nào: Người ta lấy nhạc của mày sửa lời, mày có giận không? Nó cười cười, trả lời: giận gì mậy! Người ta có thích, thuộc nhạc của mình, những ca từ ăn sâu vào lòng họ, hứng chí thì đem ra sửa lời lại, có sao đâu, nhiều khi nghe còn hay hay, càng khoái. Tôi nói nó, trên những bản nhạc in sẵn, cuối bài, người ta đề: "Cấm trích dịch hoặc in lại dưới mọi hình thức" tức là không ai được tùy tiện sử dụng mà. Nó giải thích rằng câu này trên bản nhạc nào cũng có, nó chỉ để xác định là bản quyền, đề phòng khi người ta lấy nhạc của mình đem kinh doanh, sang băng hoặc hát những nơi đại nhạc hội lớn mà không trả bản quyền, không xin phép thì mình có cớ để kiện. Có khi họ hát ở phòng trà, không đáng gì thì cũng chả sao.
Năm bảy mươi lăm, tháng tư đen đến, tôi cùng gia đình vợ con thằng bạn đi lãnh xác nó ở Tổng Y Viện Cộng Hòa. Suốt mấy ngày liền, bệnh viện bị cúp điện, người ta đem xác lính các loại binh chủng ra bỏ dọc hành lang bốc mùi hôi rất khó chịu, thân nhân phải đi tìm từng thẻ bài, có khi lật xác ra nhận dạng, nhìn mặt từng người. Thật tội nghiệp, khuôn mặt thằng bạn nó biến dạng nhìn không ra!
Từ khi cộng sản cướp được miền Nam thì những bản nhạc cũ gọi là nhạc vàng bị cấm hoàn toàn, bạn bè tôi còn cất giấu, giữ lại được khá nhiều. Nhưng họ cấm chỉ được một thời gian không lâu. Người ta đi tìm lại những băng dĩa cũ chuyền tay nhau. Lúc đầu thì còn hát lén lút, sau này thì công khai không còn sợ ai nữa.
Nói ra cái chuyện này để thấy cộng sản từ xưa nay toàn làm cái chuyện tào lao, bá láp. Nhạc của người khác sáng tác mà họ lại có quyền quyết định cho bản quyền (!) Có dễ dàng, đơn giản như thế không?
Những loại người không có chính nghĩa thì lúc nào cũng nơm nớp lo sợ những gì có thể làm cho người ta gợi nhớ, luyến tiếc một thời về chính thể Việt Nam Cộng Hòa - một chế độ đáng sống mà họ đi cướp phá tan hoang. Họ muốn tận diệt những gì còn sót lại "nhổ cỏ thì phải nhổ cho tận gốc"
Một thời gian dài, người ta dần lãng quên nhạc đỏ; nhạc vàng lên ngôi. Đối với dân miền Bắc thì lại càng yêu nhạc vàng... phải biết! Người ta lãng quên, hát tự do những bản nhạc vàng "nguy hiểm" bị cấm trong một thời gian dài. Không còn ai phân loại nhạc, chỉ khi nào ở những tụ điểm ca nhạc, thu băng, thu hình thì thì phải chịu dưới sự quản lý của nhà cầm quyền và phải để cho họ duyệt mà thôi.
Nhưng mấy ngày qua người ta lại xôn xao về chuyện cấm các loại nhạc mà nhà cầm quyền gọi là nhạy cảm. Cấm bằng văn bản từng tên của các bản nhạc được liệt kê ra, những bản nào mà họ sợ nhất. Bốn mươi hai năm cướp chính quyền rồi, mà họ còn sợ cái gì những ca từ của những bản nhạc đó?
Những năm gần đây nội bộ cộng đảng lủng củng và lòng dân lung lay đến tận gốc rễ, không biết chế độ tan ra từng mãnh từ lúc nào. Nguyễn Phú Trọng cứ lo nỗ lực, quyết tâm chỉnh đốn, chống suy thoái, chống chuyển hóa, chống tham nhũng nhưng chả thấy được chút kết quả nào khả quan. Đùng một cái, thảm họa miền Trung ập đến cộng với một thời gian dài người dân khốn khổ vì bị bồi thường đất đai không thỏa đáng. Chống Tàu cộng bị đi tù; chống Formosa bị đi tù; chống cướp đất bị đi tù. Lá cờ vàng ba sọc đỏ xuất hiện. Lòng dân bất mãn chế độ thối nát đến tột cùng. Cái mà cộng sản sợ nhất là mất quyền kiểm soát. Có thể họ còn quản lý được quân đội và công an, nhưng những phương tiện truyền thông thì cũng khá nguy hiểm mà không dễ kiểm soát; và những gì thuộc về văn hóa của thời VNCH còn xót lại, họ lo sợ gợi trong trí nhớ của người dân một thời vàng son sống tự do, sự căm thù với chế độ hiện hành càng mãnh liệt rồi sẽ đốt cháy chế độ bất cứ lúc nào.
Bằng chứng hiện ra trong lòng dân căm hận chế độ là những bản nhạc gọi là "nhạy cảm" bị người dân sửa lời châm biếm, chửi bới đến thậm tệ. Nhà cầm quyền lấy cái cớ những nhạc phẩm bị sửa lời gây phản cảm nên cấm; đó chỉ mới là một nửa của sự thật. Châm biếm chửi chế độ, là một nửa của sự thật còn lại, điều làm cho cộng đảng đáng sợ và đáng quan tâm mà không dám nói ra.
Chúng ta thấy bộ văn hóa, thể thao và du lịch; bộ thông tin, truyền thông trong thời gian gần đây, hai bộ này lúng túng về việc ngăn chặn Internet và xử lý trong việc cấm hát những bản nhạc mà họ đã quy định thì đủ biết bộ chính trị lo sợ lòng dân chuyển hướng sẽ giật sập chế độ bất cứ lúc nào.
Cộng sản có thể cấm được những gì do họ quản lý, kiểm duyệt trực tiếp dưới tay chứ không thể cấm được lòng dân; những bản nhạc "cấm" do những người Việt ở nước ngoài thu âm, ghi hình; rồi Internet "vượt biên giới" vào Việt Nam thì chắc chắn họ bó tay.
Mấy ông cán bộ đầu ngành này làm là làm, nhưng hành động lúng túng theo sự chỉ đạo của lệnh trên từ bộ chính trị, chứ không nghĩ rằng đó chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Bốn mươi hai năm rồi mà mấy ông không khôn ra thêm được chút nào!
15.04.2017
0 comments:
Post a Comment