Wednesday, July 1, 2015

VIỆT TÂN LÀ GÌ?

BBT.- Tác giả Phạm Văn Thành, nguyên là đảng viên cao cấp của Mặt Trận Thống Nhứt Giải Phóng VN của Hoàng Cơ Minh. Sau năm 1975, ông cùng vài người trong nhón từ Paris trở về VN hoạt dộng và đã bị VC bắt cầm tù. Ông và 2 người khác trong nhóm đã đựoc tha, cho trở về Pháp sinh sống. Bài viết nầy giúp độc giả thấy rõ thêm chân tướng lường gạt của số người đang bám víu vào hơi thở sau cùng của đảng VT.


VIỆT TÂN LÀ GÌ?

-Phạm Văn Thành
8, Quai de la Marne
77450 Conde St Libiaire, France

Việt Tân sau 30 năm, người tài thi nhau ngã bổ ngửa: Từ Phạm Văn Liễu, Trần Minh Công, Phạm Ngọc Lũy đến Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Trường Lưu! Từ Nam Dao/Phan Văn Hưng đến Trần Xuân Ninh và rồi đến Ðặng Thanh Chi, Huỳnh Ngọc Phước, Nguyễn Trọng Việt… Giờ điểm lại, lôm côm những Nguyễn Ngọc Bảo, Nguyễn Ngọc Ðức…"

Lời tác giả: Bài viết này được viết lại sau khi có những status trao đổi trong một nhóm kín về hoạt động công tác Nhân quyền, liên quan đến tổ chức chính trị Việt Tân.  Xét thấy cần cho sự tìm hiểu của nhiều anh chị em đang hoạt động cho nhân quyền trong và ngoài nước, tôi hiệu chỉnh lại từ các bình luận của tôi và chuyển lên trang fB công khai. Vừa là một sự chia sẻ thông tin, vừa là để tránh những ngộ nhận rằng tôi lôi kéo một số anh chị em vào group riêng để… đánh phá Việt Tân!

Việt Tân là một tổ chức chính trị có tham vọng giải phóng /chuyển đổi đất nước.  Trong vị trí ấy, đương nhiên phải chịu những sự nghị luận của công chúng.  Gọi sự nghị luận ấy là hành vi đánh phá, ít nhiều, đã là việc tự hạ thấp đi nhân cách chính mình.

Tổng quan: Việt Tân, Anh là ai?
Việt Tân là một tổ chức chính trị lớn tại hải ngoai, nhiều nhân sự và nhiều tài lực do truyền thừa vốn liếng của tổ chức Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam giai đoạn 1982/1986. Thành lập tại căn cứ Ubon, một tỉnh biên giới giữa Thái Lan và Cam Bốt năm 1982.

Danh xưng đảng Việt Tân từ 12/1982 chỉ lưu hành trong các căn cứ phục quốc ở biên giới Thái, mãi 1984 mới ra hải ngoai (Pháp) qua một nhân lực tình nguyện xâm nhập nội địa để khai mở con đường kết nối hải ngoại quốc nội. Nhân lực đặc biệt ấy là thuyền nhân đến Pháp từ trại tỵ nạn Palawan Phi luật tân mang bí danh Cao Văn, ông phải lộn trở lại Pháp vì bản thân là thương phế binh sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, chiếc chân gỗ của ông đã không được đón nhận tại rừng núi Ubon.  Ông đã có mặt tại vùng núi rừng chiến khu ấy cùng với đoàn người đặc biệt được dẫn đầu bởi cụ Phạm Ngọc Lũy, chủ tịch Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến. Trở lại Pháp, ông chịu trách nhiệm một ủy ban đặc biệt bí mật của tổ chức, Ủy Ban Ðông Tiến Âu Châu.

Danh xưng đảng Việt Tân đến 1992 mới tràn lan hải ngoai sau khi đồng hóa toàn bộ tất cả các đoàn viên Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam thành đảng viên Việt Tân không qua nghi thức tuyên thệ lại.

Năm 1984, tháng 10 xảy ra những xung đột trầm trọng ở thượng tầng lãnh đạo. Nguyên do xung đột đến từ nguyên nhân tài chánh là chủ yếu. Ðồng bào hải ngoại giai đoạn 1982/1984 góp quỹ đông đảo. Các chiến dịch Yểm Trợ Kháng Chiến lan cực nhanh tại Tây âu và Mỹ Úc.

Người chủ xướng Phong Trào Yểm Trợ Kháng Chiến là ông Phạm Ngọc Lũy, thuyền trưởng tàu Trường Xuân. Con Tàu ông điều khiển thoát khỏi Việt Nam ở những giờ phút cực kỳ sóng gió tháng Tư 1975. Nhiều ngàn người chen chúc trên con tàu định mệnh ấy, sáu năm sau trở thành những nhân tố đầu tiên để xây dựng nên cơ cấu Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến loang khắp các quốc gia có người Việt sinh sống, do đích thân chính cụ Phạm Ngọc Lũy chống gậy đi vận động.  Các Ủy ban yểm trợ mọc lên như nấm.  Việc này nằm ngoài cả trù liệu của ông Hoàng Cơ Minh và ban tham mưu. Chúng ta nhận rõ được sự lúng túng choáng ngợp của lãnh đạo Việt Tân lúc bấy giờ qua buổi đón tiếp ông Minh về Hoa Kỳ từ Thái/Nhật tháng 4 năm 1983.

Sự tiếp đón diễn ra như một thứ Hội Nghị Diên Hồng hải ngoại với hội trường đặc nghẹt từ trong ra ngoài khoảng 14 ngàn người về từ khắp các quốc gia, với tiếng cười tiếng khóc, với hân hoan và khát vọng cùng tâm thức hiến dâng.  Ông Minh đã mất bình tĩnh trong không khí này và đã buột miệng trong một phát ngôn ở phần diễn văn (do ông Nguyễn Xuân Nghĩa viết, nhưng ông Minh đã chỉ đọc chừng 60%, những phần trăm còn lại là phát ngôn tự do) rằng lực lượng xâm nhập của Mặt Trận/Việt Tân đã VÀO ÐƯỢC ÐẤT MẸ VÀ BẮT TAY THỐNG HỢP ÐƯỢC 36 TỔ  CHỨC TRONG NƯỚC VỚI HƠN 10.000 TAY SÚNG. Ðây là câu phát ngôn đã đánh sập sự vững chãi của MTQGTNGPVN hai năm sau đó.

Ðồng bào nô nức góp tài lực qua các chiến dịch "Ký gạo cho Kháng Chiến Quân" (Âu Châu, do Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam phát ý qua sự điều hợp của các ông Nguyễn Ngọc Giáp, Nguyễn Ngọc Danh, Nguyễn Ngọc Vũ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng (cựu thiếu tướng Việt Nam Cộng Hòa), Nguyễn Ngọc Bảo... trong vai trò Ủy Ban Ðiều Hợp Phong Trào Yểm Trợ Kháng Chiến Âu Châu.

Việt Tân có tầm hoạt động lớn ở Âu Châu lúc bấy giờ là do lực hỗ trợ ban đầu của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris, dùng tờ Nhân Bản làm tờ báo hỗ trợ.  Nhưng tới sau 1984 thì tổ chức Tổng Hội phân làm hai,phần đông là chống lại Việt Tân kịch liệt vì đã nhìn thấy những sự bất tường bất minh của Việt Tân, đặc biệt là sau khi vụ án ông Trần văn Bá tháng 12/1984 xảy ra tại Việt Nam (anh Trần văn Bá, lãnh đạo Tổng Hội Sinh Viên Paris 1975/1980 cùng ông Hồ Thái Bạch và ông Lê quốc Quân bị xử tử hình ngày 6 tháng 1/1985 tại sân bắn Thủ Ðức).

Ở Mỹ, các tổ chức yểm trợ hình thành khắp mọi nơi.  Những tiệm phở Hòa ban đầu (dựng lên do tiền mượn học đại học của đông đảo đoàn viên là sinh viên) được chiếu cố tận tình.  Người ta sẵn sàng đứng hàng giờ chờ ăn Phở.  Nhiều hàng Phở khách vào tận bếp mang phở ra bàn ăn rồi tự trả tiền, bao giờ cũng hơn số tiền bát phở đã ăn. Phong trào như hoa nở thơm ngan ngát!  Lòng ai cũng hừng hực nghĩ về lực lượng phục quốc. Các chiến dịch "Lon Kháng Chiến" được đặt hầu như khắp mọi nhà. Không khí đưa đẩy hầu như ai ai cũng đặt "lon kháng chiến " tại gia đình và tại các cửa tiệm, vừa là để chứng minh tấm lòng với đất nước, vừa là để tránh lập dị.  Các chi bộ Mặt Trận và Phong Trào Yểm Trợ phát triển rộng khắp, áo nâu như một thứ mode của người Việt ở Mỹ.  Những tờ báo nào chống lại Việt Tân đều dẫn đến bị đốt hoặc thảm tử (ký giả độc lập Ðạm Phong, hoặc như ký giả Lê Triết của tờ Tiền Phong phải lom khom đi mò giun trong lúc tuổi còn đầy sung mãn và kiêu mạn...). Ðoàn viên Mặt Trận lý luận và tổ chức yếu nhưng rất đông đảo, dẫn đến sự tan rã ngay tức khắc, khi xảy ra lủng củng ở thượng tầng giai đoạn cuối 1984.

Diễn biến chi tiết
Đảng Việt Tân thành lập khoảng tháng 12 năm 1982 nhưng người đứng đầu hải ngoại của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất không nắm vững chi tiết hoạt động! Các hoạt động kháng chiến được loan báo trên tờ báo Kháng Chiến ở hải ngoại hầu hết chỉ là thông báo cho Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoai là ông Phạm Văn Liễu/Trần Trung Sơn biết khi đã đăng tin trên mặt báo.

Mọi chi tiết mật về chi thu tài chánh, xây dựng lực lượng khu chiến… đều nằm trong vòng quản lý bảo mật của ông Hoàng Cơ Minh và ông Hoàng Cơ Định, em ruột ông Minh.

Người đứng đầu Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến là cụ Phạm Ngọc Lũy cũng không biết được những chi thu của quỹ, vì các quỹ ngay từ khi hình thành đã được khuyến khích làm việc trực tiếp với Vụ Tài Chánh của tổ chức Mặt Trận/Việt Tân do ông Phan Vụ Quang (một bí danh của ông Hoàng Cơ Định) điều hành. Yếu tố xây dựng cơ cấu nhân sự ban đầu dựa trên lòng tin đã dần bị nhìn nhận là đang có sự đánh tráo! Vực thẳm tan vỡ xuất hiện.

Cơ cấu ban đầu
Năm 1980/81, màu đỏ cộng sản loang mạnh mẽ ở Cam Bốt, đe dọa cả những đồng minh chiến lược của Mỹ. Ngân sách phòng chống làn sóng đỏ của khối phòng thủ ASEAN tăng vọt.  Làn sóng vượt biên gây khiếp hãi cho toàn bộ các quốc gia Đông Nam Á.  Mỹ quyết định phải tìm biện pháp ngăn chặn bằng các giải pháp vũ lực. Các đơn vị quân đội "gọi là tinh nhuệ" của Thái Lan được bổ xung dọc biên giới Việt Miên Lào.  Những tổ chức kháng Cộng của người Việt đươc âm thầm giúp đỡ qua trung gian Thái và Nhật. Những toán đi tắt vào thẳng Thái đều bị tan vỡ hoặc dậm chân tại chỗ (Lực lượng ông Võ đại Tôn, lực lượng ông Thái Quang Trung…) lý do vì hầu hết các tướng lãnh Thái hoặc những nhân lực trung gian nói tiếng Thái Việt… đều nhận ân sủng lớn của an ninh cộng sản Việt Nam.

Năm 1981 đảng cầm quyền Nhật nhúng tay vào cuộc.  Giáo sư Tonoka, đảng Tự do Nhật nhận nhiệm vụ thuyết phục và xây dựng một tổ chức chống cộng chuyên nghiệp người Việt tại biên giới Thái nhằm mục đích xâm nhập Việt Nam. Lực lượng sinh viên Việt Nam ở Nhật đươc tiếp xúc qua những nhân lực có liên hệ với phong trào Đông Du/Cường Đễ còn sót lại từ 1930.

Tập hợp đầu tiên do ông Đỗ Thông Minh lãnh đạo, phụ tá đắc lực là Hoàng Nhật/Ngô Chí Dũng với những tình nguyện viên quyết tử như Lâm Bích Sơn, Lâm Thao, Phùng Tấn Hiệp, Nguyễn Hải Quốc Phục, Trương Bổn Tài, Huỳnh Lương Thiện, Đẩu, Hưng…

Khoảng 20 người tình nguyện rời Nhật để tìm đất lập chiến khu trên đất Thái. Truyền thống làm việc của tướng lĩnh quân đội Thái là chỉ nói chuyện với tướng (hoặc cựu tướng) quân đội, từ chối nói chuyện với người đại diện nhóm lúc bấy giờ là cựu Trung Tá Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa Trần văn Sơn/Trần Bình Nam (bút danh cho tới hiện nay, cựu lãnh đạo tổ chức Phục Hưng, cựu dân biểu Việt Nam Cộng Hòa).

Việc tìm mướn đất nơi các tỉnh biên giới bế tắc. Giáo sư Tonoka cùng ông Đỗ Thông Minh (đại diện Tổ chức Người Việt Tự Do tại Nhật) cùng sang Mỹ và Âu Châu để tìm nhân lực cấp tướng của Việt Nam Cộng Hòa về Thái lập căn cứ phục quốc.

Tại Âu Châu, ông Lâm Bích Sơn và đại diện nhóm vận động có gặp Tổng hội Sinh Viên Paris (thời anh Thanh, tác giả ca khúc “Bên Kia Sông Đuống”) làm chủ tịch.  Ở Mỹ, nhóm vận động nhắm vào tổ chức Lực Lượng Quân Dân Hải Ngoai Phục Quốc (đồng phục áo nâu quần vàng kaki, là đồng phục truyền thống của Mặt Trận/Việt Tân cho tới 2000, mất hẳn sau khi cuộc tình duyên lỡ làng giữa Tổng vụ Phó Tổng Vụ Hải Ngoai Trần Xuân Ninh với Vụ trưởng Vụ Tổ chức Hoàng Cơ Định xảy ra 2004).

Lực lượng Quân Dân Hải Ngoại sau cuộc vận động của giáo sư Tonoka đã chia ra làm hai.  Thủ lĩnh là tướng Nguyễn Chánh Thi không hợp tác.  Người được mời thứ hai là tướng Ngô Quang Trưởng và người thứ ba là tướng… Nguyễn Cao Kỳ.  Cả ba đều không hưởng ứng.

Chuẩn tướng (phó đề đốc) Hoàng Cơ Minh đã tình nguyện, có sự đồng tình sát cánh của Trung Tá Lê Hồng(Nhảy Dù, chỉ huy tiểu đoàn 5) và sự hỗ trợ đắc lực của cựu đại tá Biệt Đông Quân/Cảnh sát Quốc Gia Phạm Văn Liễu, cựu đại tá Học viện Cảnh sát Quốc Gia Trần Minh Công cùng thuyền trưởng tàu Trường Xuân Phạm Ngọc Lũy.

Nhân sự ban đầu được công nhiên xác định:

A: Hoàng Cơ Minh đặc trách thành lập Chiến Khu tại Thái Lan, tức tiền phương, mục đích xâm nhập móc nối với các nhóm kháng cự trong nội địa Việt Nam.

B: Phạm Văn Liễu đặc trách địa bàn hải ngoại, trách vụ Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoai. Nhiệm vụ xây dựng đoàn viên cán bộ khắp các quốc gia có người Việt Nam sinh sống để hỗ trợ trực tiếp các công tác xâm nhập của bộ phận chiến khu, vận dụng mọi quan hệ nơi các nước sở tại để hình thành mặt trận quốc tế vận, cô lập cộng sản Việt Nam về mặt ngoai giao, đồng thời vận dụng sự đồng lòng của các chính đảng có khuynh hướng chống cộng trên thế giới vào mục tiêu lật đổ chế đổ chế độ cộng sản tại Việt Nam bằng TẤT CẢ MỌI HÌNH THỨC.

C: Thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy đặc trách Vận động Yểm Trợ Tiếp vận (các ông Cao Thế Dung, Trần Minh Công giữ vai trò cố vấn và phát ngôn).

Cuối năm 1981, các ông Hoàng Cơ Minh, Lê Hồng (Trung tá Nhảy Dù), Nguyễn Kim Hườn (Không Quân thiếu tá), Nguyễn Văn Lộc, Trần Thiện Khải (Trung Úy Hải quân), Trương Ngọc Ny (Ðại Úy Nhảy Dù), Huỳnh Trọng (Hải Quân,Thụy sĩ)… đáp máy bay sang Tokyo khởi đầu chuyến di hành bất định về cố hương đầy lãng mạn và không ít sự… liêu trai.  Với tôi, đây là những người hùng, không thua kém gì ông Võ Đại Tôn. Những con người kiệt hiệt này nay không còn ai ngoài một Nguyễn Văn Lộc ẩn cư đâu đó và nghe đâu ông Huỳnh Trọng đã nhắm mắt với rất nhiều buồn phiền ở Thuy Sĩ, sau chuyến trở ra hải ngoai 1983 và ở luôn lại Thụy Sĩ làm người mai danh ẩn tích!

Tình hình ban đầu như vậy là quá đẹp. Khối tình ấy sẽ đẹp hơn nhiều nếu như không có sự xuất hiện đăc biệt của ông Hoàng Cơ Định, một chuyên gia thương mại tốt nghiệp tại Pháp, mà như ông Trần Đức Tường, Xứ bộ trưởng Pháp quyền lãnh đạo Âu Châu, tháng 12/1984 từng nói trước mặt chúng tôi: "Là cái yết hầu ung thư trên cơ thể tổ chức!"

Chia lìa lần thứ nhất
Ông Trần Văn Sơn (Trần Bình Nam) đại diện tổ chức Phục Hưng đã lặng lẽ rời khỏi mô hình tập hợp ban đầu dưới tên Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam gồm:
1. Tổ chức Người Việt Tự Do (Nhật).
2. Tổ chức Phục Hưng (Hoa Kỳ).
3. Tổ chức Dân Quân Việt Nam Hải Ngoại (Hoa Kỳ, một phần).

Năm 1982, tại Thái Lan, sau khi Mặt Trận mướn được khu rừng Ubon làm căn cứ, ông Trần Văn Sơn có cảm giác bị loại ra khỏi nhóm đầu lãnh MTQGTNGPVN, mặc dù ông là người sát cánh với anh em Tổ Chức Người Việt tại Nhật ngay từ những nỗ lực đầu tiên. Sự nhẫn nhịn của ông đã vượt giới hạn và tổ chức do ông lãnh đạo chọn thái độ rời tập hợp, không lên tiếng thanh minh thanh nga bất kỳ một lời nào với công luận. Với tôi, đây là thái độ đáng kính phục. Mãi đến khi sự lộn xộn của tổ chức Việt Tân đã gây hỗn loạn môi trường hải ngoai giai đoạn 1992, tổ chức Phục Hưng mới lên tiếng xác nhận đã rời mô hình Mặt Trận/Việt Tân từ 1982.

Tiền bạc ban đầu để chi phí cho chiến khu đến từ một nguồn quỹ có tên là quỹ MIA. Chính phủ Mỹ có yêu cầu phải tìm kiếm những người Mỹ mất tích (còn sống hay đã chết tại Đông Nam Á), quỹ này chi cho Việt Tân những ngân khoản chủ yếu ban đầu.  Mặt khác, đảng Tự do của Nhật cũng giúp nhiều phần.  Phần còn lại là sự đóng góp của đồng bào và đoàn viên (lúc bấy giờ, trước 4/1982 nguồn kinh phí này chưa dồi dào).

Một số người Mỹ đã cố vấn để Việt Tân làm cuốn băng video "Đường Về Khu Chiến".  Cuốn phim của đài SBS thực hiện có sự vỗ tay phụ họa kèm theo của loạt bài nhiều kỳ đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong do ký giả Hoàng Xuyên (Hoàng Xuân Yến) thực hiện.

Sau này (khoảng năm 2000) ông Yến có một bài trả lời phòng vấn tố cáo Mặt Trận/Việt Tân nặng nề.  Với tôi, những tình tiết ông nêu ra trong bài phỏng vấn, sau khi đối chiếu kiểm chứng với những tiết lộ của những người sống sót trong đoàn quân phục quốc lúc bấy giờ, tôi nhận thấy là bản thân ông Yến không biết được nhiều, nên những chi tiết nhận định nhiều phần là đã chỉ là do luận đoán.  Thứ hai, thời điểm cần ông lên tiếng đã trôi qua rất lâu… nên sự lên tiếng của ông Yến chỉ còn có một nửa giá trị về những tình tiết lúc diễn ra hoạt cảnh làm cuộn phim.  Giá trị nhân cách của nhân chứng gần như không còn hiện hữu.

Cuốn phim ấy có nhiều tình tiết không thực, lực lượng có mặt trong cuốn phim 1/3 là lực lượng người Lào kháng chiến H’Mong của tướng Vàng Pao. Phim làm tại rừng Ubon nhưng được thổi phồng là nội địa Việt Nam.  Ðây là đoạn phim ghi hình Lễ Công Bố Cương Lĩnh Chính Trị của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, thời gian ghi hình là cuối năm 1982.

Cuốn phim với sự trình chiếu của SBS Hoa Kỳ đã được nhân bản rất nhiều và ghép với video Ðại Hội Ðồng tâm 30/4/1983 tại Nam Cali qui hội trên 10 ngàn người đón ông Minh về từ chiến khu… làm thành tài liệu tuyên vận gây thành hiệu ứng náo nức mong muốn yểm trợ của hầu hết đồng bào thuyền nhân tỵ nạn cộng sản đang ở những năm đầu lưu vong.  Hiện nay, Việt Tân hầu như không muốn nhắc về cuộn phim ấy nữa, nếu không muốn nói là phủ nhận để cố gắng chứng minh lòng chân thành của mình về chủ trương "Tuyệt đối tiến hành đấu tranh bất bạo động để… chuyển hóa đất nước".

Tan tác 2
Suốt từ những tháng 7 đến tháng 11/1984 là sự sóng gió bão bùng cho tổ chức Mặt Trận/Việt Tân.
Ông Phạm Văn Liễu quyền, Tổng vụ Trưởng Tổng vụ hải ngoại, yêu cầu phải minh bạch về thu chi của Mặt Trận/Việt Tân, đây là yêu cầu hợp lý vì ông là người trực tiếp chịu trách nhiệm với đồng bào hải ngoại về những khoản tiền đóng góp to lớn mà đồng bào đã nhiệt thành yểm trợ, nhưng ôngHoàng Cơ Định, vụ tài chánh không đáp ứng!

Ông Trần Minh Công (đại tá Việt Nam Cộng Hòa) Phát ngôn nhân Mặt Trận/Việt Tân tuyên bố nếu không minh bạch, tổ chức có nguy cơ chia hai.

Ông Hoàng Cơ Minh thành lập ra cơ cấu Hội Đồng Kháng Chiến Toàn Quốc, một Hội Đồng gây bất ngờ hoàn toàn cho cánh ông Liễu. Hội đồng ấy ông Minh là chủ tịch và phong ông Lê Hồng thành Tổng Vụ trưởng Tổng vụ quốc nội (thực chất là quốc nội… chưa hề có).  Như vậy, hợp đồng nhân sự ban đầu đã bị vỡ. Ông Phạm văn Liễu, ông Phạm Ngọc Lũy đương nhiên… "sụt hạng quyền bính", xuống đứng ngang hàng với ông Lê Hồng, sẽ bắt buộc phải ngước lên để nhìn ông Minh những khi muốn nói chuyện!

Bác sĩ Nguyễn Chương là người duy nhất được ra vào chiến khu từ Hoa Kỳ, làm con thoi để hòa giải. Yêu cầu của cánh ông Phạm Văn Liễu là những yêu cầu xét ra rất hợp lý, vì dù không nắm chi tiết chuyện tiền bạc, nhưng các Uỷ ban Yểm Trợ trên toàn thế giới báo sơ lược cũng đủ thấy là sức yểm trợ tài chánh khó tưởng tượng nổi. Đồng tiền ấy thay vì trực tiếp lo mục tiêu xâm nhập thì lại phát triển thành rất nhiều các tiệm ăn mang tên chuỗi kinh doanh Phở Hòa, các gara và thậm chí cả bất động sản. (Những vụ án của Mặt Trận Việt Tân với các ông Cao Thế Dung và Nguyễn Xuân Nghĩa giai đoạn 1985 đã là những tư liệu vững chắc để xác định sự lường định về lượng tiền quỹ của cánh ông Cao Thế Dung, Phạm Văn Liễu, Phạm Ngọc Lũy là hoàn toàn có cơ sở.  Số tiền công khai công bố tại tòa đã trên 20 triệu, trong khi tiền nhập quỹ đến 70% là tiền quỹ đen không qua qui trình khai báo sở thuế…)

Ông Minh nhất định giữ em mình ở vai trò điều phối tiền bạc và đồng ý sự im lặng bất hợp tác với Tổng Vụ trưởng Phạm Văn Liễu của ông Hoàng cơ Định.

Tháng 12/1984 mọi sự hòa giải đều thất bại, ông Minh từ Nhật về Mỹ, công bố quyết định cách chức ông Phạm Văn Liễu, đưa ông cựu thiếu tá phi công Nguyễn Kim Hườn từ khu chiến Ubon về Mỹ nhận vai trò Tổng Vụ Trưởng dưới sự dìu dắt của ông Ðồng Sơn Nguyễn Xuân Nghĩa (chuyên gia kinh tế xuất thân từ Tổng Hội Sinh Viên Paris, từng bỏ Pháp về nước giúp cho Bộ Kinh Tế Việt Nam Cộng Hòa dưới quyền ông Nguyễn Văn Hảo). Tổ chức Mặt Trận/Việt Tân tan rã lần hai, kéo theo 2/3 nhân lực lặn vào im lặng trường kỳ.

Nhiều nước mắt của các đoàn viên đã ngỡ ngàng lăn trên các đôi gò má nhăn nheo, chưa phai màu nắng gió biển mặn. Tôi là một trong những người ấy.

Thay vì tan hàng, tôi cố gắng bám lực lượng chiến khu và tình nguyện xâm nhập Việt Nam mở đường liên lạc nội địa. Quan điểm của tôi lúc bấy giờ là anh em đang chiến đấu luôn là ưu tiên quan trọng nhất.  Phải tập trung hết lực cho các anh ấy.

Tôi đã sai lầm vì đã trở thành một nhân tố đắc lực tiếp diễn tấn tuồng lường gạt của tổ chức Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất/Việt Tân.

Sang ngang 3
Bắt đầu giai đoạn tháng 1 năm 1985, sự xuất hiện của ông Ðồng Sơn/Nguyễn Xuân Nghĩa (Vụ Trưởng Vụ Tuyên vận, nay là bình luận gia về Kinh tế trên Người Việt TV) trở thành thường xuyên trên khắp các cuộc vận động của Mặt Trận/Việt Tân ở hải ngoại. Ở Mỹ, cơ sở Mặt Trận/Việt Tân gần như tê liệt; tờ báo Kháng Chiến ông Huỳnh Lương Thiện không còn giữ nhiệm vụ chủ biên.  Các anh chị em thuộc tổ chức Người Việt Tự Do rời bỏ Việt Tân hầu hết.  Ông Ðỗ Thông Minh giữ im lặng gần như hoàn toàn.  Ông Huỳnh Lương Thiện đi lập trang báo độc lập khác.  Nhân vật tương đối đình đám của tổ chức Người Việt Tự Do tại Nhật còn sót lại là ông Bùi Minh Ðoàn/Lý Thái Hùng, gắn bó mật thiết với ông Phan Vụ Quang/Hoàng Cơ Ðịnh (fB Dinh Hoang) trong mô hình bếp kiềng hai chân.

Ông Phạm Văn Liễu và Trần Minh Công thành lập tổ chức mới. Ông Cao Thế Dung bắt tay với các ông Nguyễn Hữu Chánh, Nguyễn Văn Chức ở biên thùy Đông Dương.  Ông Ðồng Sơn Nguyễn Xuân Nghĩa và ông Trần Xuân Ninh tập trung ổn cố tối đa địa bàn Âu Châu qua vị trí chiến lược là cơ sở Pháp.  Cơ sở Pháp là đầu tầu của Âu Châu đã diễn ra một phiên bầu phiếu "bất tín nhiệm Hoàng Cơ Minh hay không ?" vào đầu năm 1985. Số phiếu được bầu gồm các trưởng cơ sở cấp Xứ, (Hà Lan, Ðan Mạch, Na Uy, Bỉ, Pháp, Ý). Nếu chỉ dựa trên số phiếu của các cấp trưởng của các Xứ, thì đương nhiên ông Minh bị loại vì Hà Lan là cơ sở cực thân với cụ Phạm Ngọc Lũy, cơ sở Ý Đại Lợi luôn sát cánh với ông Phạm Văn Liễu. Cơ sở Na Uy trưởng cơ sở có quan hệ thân thiết với ông Phạm Văn Liễu từ Phi Luật Tân lúc mới chân ướt chân ráo từ thuyền lên bờ làm người thuyền nhân bạt xứ. Cơ sở Pháp ông Trần Đức Tường nắm, là người rất khéo câu thời vận, gió chiều nào ngả chiều nấy. Ông Nguyễn Kim và ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã đưa đẩy đến kết luận là thành viên ban chấp hành cấp Khu (tức trách nhiệm ban chấp hành Mặt Trận/Việt Tân Âu Châu) cũng có quyền bỏ phiếu! Thế tương quan thành nghiêng ngửa vì lớp trí thức đều có quan hệ từ thời sinh viên với ông Nguyễn Xuân Nghĩa như ông Lê Triệu Ðào, Nguyễn Ngọc Danh, Nguyễn Ngọc Bảo… vốn đang giữ một số trọng trách của Ban chấp Hành Khu Bộ Âu Châu sẽ đương nhiên đi theo tinh thần ông Nguyễn Xuân Nghĩa, nghĩa là ủng hộ ông Hoàng Cơ Minh, loại trừ ông Phạm Văn Liễu.Phiên bầu trở thành nảy lửa dẫn đến suýt ẩu đả nhau trong phòng bầu.  Phòng bầu phiếu văng tục lan ra cả bên ngoài cơ sở bí mật của tổ chức trụ đóng ở Antony, ngoai ô nam Paris. Kết quả là chỉ chênh nhau một phiếu. Ông Hoàng Cơ Minh không bị "bất tín nhiêm" như đại đa phần các khu, xứ bộ tại Hoa Kỳ!

Cơ sở Âu Châu sau đó lập tức có sự tách rời của Xứ bộ Ý Đại Lợi.  Xứ bộ Ý Đại Lợi đem hết quan hệ ngoại vận của mình xây dựng cho Lực Lượng Biên Thùy Ðông Dương qua trung gian ông Cao Thế Dung và sau này là Nguyễn Hữu Chánh.  Xứ bộ Hà Lan đóng băng, duy nhất còn hai đoàn viên là Ðinh Hiền và Ðặng Thành.  Xứ bộ Ðức cũng chia hai.  Phong trào Yểm trợ Kháng chiến toàn Âu Châu khựng lại như cỗ xe lửa vỡ buồng than. Bắt đầu kéo theo sự lao dốc, phá sản niềm tin của cộng đồng người Việt hải ngoai.  Không còn bất kỳ Tổ Tiếp Vận hay Ủy Ban Yểm Trợ nào còn hoạt động!

Từ đây, Mặt Trận/Việt Tân chỉ còn là chống chỏi để tự sinh tồn.  Mục tiêu đấu tranh giải phóng được coi như vô phương hiện hữu, có chăng, chỉ là tự đánh lừa nhau, cố giữ cho nhau khỏi qụy ngã.

Trong hoàn cảnh rối bời ấy mới thấy tài cán của Nguyễn Xuân Nghĩa.  Ông có cái đầu cực giỏi và một ý chí rất lỳ đòn.  Trước bao nhiêu thách thức, ông đã vực dậy các cơ sở từ Âu Châu bật ngược lại Mỹ. Ròng rã suốt bốn năm, ông đã định hình lại tổ chức Việt Tân đứng vững lại sau cơn phong ba bão táp, dù rằng, số đoàn viên đã mất đến hai phần ba trên toàn thế giới.

Nhưng đúng như ông Trần Đức Tường đã nói: "Hoàng Cơ Ðịnh là một cái yết hầu ung thư của cơ thể tổ chức". Dù bản thân ông Trần Đức Tường đã quay mặt với "kẻ nâng đỡ " mình là ông Phạm Văn Liễu, nhận những ân sủng của ông Hoàng Cơ Ðịnh để giữ được vai trò lãnh đạo Âu Châu, Ủy viên Trung Ương đảng với đồng lương yên ấm, câu nói ở "buổi giao thời" của ông vẫn nguyên giá trị. Ông Hoàng Cơ Ðịnh có thể mua bán được ông Trần Đức Tường hay ông Nguyễn Kim Hườn… chứ không cách gì có thể mua bán được ông Nguyễn Xuân Nghĩa hay ông Nguyễn Trường Lưu.

Cuối năm 1988 Tổng Vụ Hải Ngoại MTQGTNGPVN/Việt Tân xuất hiện một vụ mới, đó là Vụ Kế Hoạch. Người nắm Vụ Kế Hoạch là ông Nguyễn Xuân Nghĩa và đương nhiên người bổ nhiệm là ông Nguyễn Kim Hườn/Tổng Vụ trưởng. Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt.  Ông Kim Hườn không bao giờ đủ khả năng để điều hành Tổng Vụ nếu không có quân sư là Ðồng Sơn Nguyễn Xuân Nghĩa hao tâm tổn trí. Việc lập ra vụ Kế Hoạch, anh em Việt Tân trung cấp Âu Châu hình dung ngay đến một vụ đảo chánh nội bộ sắp diễn ra, hoặc ông Nguyễn Xuân Nghĩa sụp hầm hoặc ông Hoàng Cơ Ðịnh ra chầu rìa!

Cuối năm 1988, hơn ai hết, ông Nghĩa phải biết là ông Minh đã… sinh thì ở Lào! Một người có trí năng cao như ông Nghĩa, sẽ không thể chịu bịt mắt bởi ông Hoàng Cơ Ðịnh, rằng ông Hoàng Cơ Minh "vẩn sống vẫn lãnh đạo".  Ở vị trí Vụ Kế Hoạch, gần như ngang quyền Vụ Tổ Chức do ông Ðịnh nắm, cho phép ông Nguyễn Xuân Nghĩa có quyền đòi vào căn cứ chiến khu để lượng định sự việc, dù rằng điều này, ông Hoàng Cơ Ðịnh không bao giờ muốn!

Giữa 1989 ông và Trường Lưu, vụ Tuyên Vận, hai cái đầu giỏi nhất của Việt Tân giai đoạn 1985/1989 lặng lẽ rời tổ chức sau chuyến thị sát chiến khu Ubon. Trong chuyến đi có Trần Đức Tường, một thiếu tá Quân Y Dù kẹt lại Việt Nam 1975 nhưng chỉ phải cải tạo có vài ba năm rồi ra mở phòng mạch ở vùng Bảy Hiền, một người rất khéo nói và giỏi ngậm hột thị khi cần, để ấm thân trong mọi hoàn cảnh.

Biệt ly 4
1990/95, Bộ phận chiến khu Ubon đã hoàn toàn tan nát sau ba cuộc xâm nhập vũ trang hết sức ngớ ngẩn.

Ðông Tiến 1 năm 1986 thất bại, chết gần chục người và hầu hết là bị bắt tại Pleiku!

Ðông Tiến 2 tháng 8 năm 1987 gần hai trăm đảng viên xâm nhập cùng ông Minh theo kế hoạch của Lê Phú Sơn. Ông Minh tự sát tại đường 9 Nam Lào sau hơn tháng trời bị vây đuổi đòi bắt sống bởi lực lượng quân đội cộng sản Quân khu 9.  Tử thương vài chục người, hơn trăm đảng viên sống sót bị bắt cầm tù từ 6 đến 18 năm!

Ðông Tiến 3 (1989) tung gần trăm quân vào biên giới Lào/Thanh Hóa bị bắt sạch.  Ðợt Ðông Tiến này phải đưọc hiểu là đợt thí quân.  Quân đi mơ hồ mục tiêu !!! Phải chăng, đoàn quân này đưọc quyết định phải chết, thay vì để tồn tại trở ra hải ngoại, sợ sẽ làm lộ các bí mật của cái gọi là chiến khu Việt Tân?!

Tại hải ngoại, vai trò lý thuyết của Việt Tân chủ yếu đặt trên vai vị bác sĩ mổ xẻ nổi tiếng của Chicago. Phó Tổng vụ trưởng Trần Xuân Ninh với những cái đầu đặc biệt nổi lên từ miệt thấp của quả đất. Nam Dao từ Úc Châu và nhóm khôn lỏi ở Paris đứng đầu bởi Lý Quảng/Nguyễn Ngọc Ðức (phù thủy của tổ chức Liên Minh Việt Nam Tự Do, nhân lực dắt mũi của Hội Chuyên Gia).

Tiến đến 1996/1997, Nguyễn Ngọc Ðức từ một chi bộ Orsay/Paris đã phăng phăng trèo vào Trung Ương đảng. Một khuôn mặt mà hầu hết những thành phần trí thức sinh viên của Tổng Hội Sinh Viên Paris đều coi thường ra mặt.

Tổ chức Việt Tân với sự sát cánh của ông Trần Xuân Ninh, ông Nguyễn Ngọc Ðức và bà Nam Dao, ông Ðỗ Ðăng Liêu (cựu sinh viên Tổng Hội Paris) cố gắng phát triển cật lực trong giới trẻ ở Úc châu, xoay quanh trục nhân lực Nguyễn Hoàng Thanh Tâm (cháu Hoàng Cơ Ðịnh), mong dùng các cơ sở này để vận động ngược lại cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ. Khối u tình này duy trì được đến sau năm 2000 và xảy ra tan tác sau lần va động "chệch hướng hay chuẩn hướng" 2003/2004.

Ðây là giai đoạn đấu tranh nội bộ gay gắt giữa cánh ông Hoàng Cơ Ðịnh, Nguyễn Ngọc Ðức với cánh ông Trần Xuân Ninh về quan điểm rất mới của Việt Tân, "hợp tác, đối thoại để chuyển đổi hòa bình"!  Bà Nam Dao cùng gần trăm đoàn viên rời tổ chức theo với bước chân rã rời "không chệch hướng" của ông Trần Xuân Ninh.  Việt Tân còn trơ lại vài hàng binh tôm tướng cá với Lý Quảng Nguyễn Ngọc Ðức gần như làm chủ tế.

Ðể mở đường bế tắc, ông Nguyễn Ngọc Ðức và người tình là bà Nguyễn Thanh Vân tận dụng quan hệ với RSF (Reporters Sans Frontières) vác đả cẩu bổng sang Thái Miên. Binh đội tại Thái Miên những năm 2006/2007 có lúc lên đến những 5 ông bà ủy viên Trung ương đảng, thậm chí có lúc cả bốn ông Trung ương đảng đều xâm nhập vào nam Việt Nam cho một phi vụ "rải vài ngàn tờ truyền đơn"! Bốn bị bắt ba! Cãi nhau, đổ tội… ì xèo trong tòa nhà B34 Sài Gòn.  Vài tháng thả trắng sau những biên bản khó hiểu !

Tống biệt 5
Truyền thông mở như một cơn lốc quét, phủ lên bối cảnh sinh hoạt truyền thông ở Việt Nam một màu sắc lấp lánh nhiều tích cực. Phong trào viết blog tự phát bùng lên ở Việt Nam. Việt Tân đã nắm bắt rất nhanh tình hình và làm ngay những cuộc liên đới với các anh chị em này. Cả hai bên đều là những con cá đang khát nước. Anh em nội địạ ráp lại với những người hoạt động dân chủ ở Thái đã hoàn toàn tin tưởng những người cộng tác. Công sức của RSF trong mục tiêu thiết lập những nhóm truyền thông độc lập đã được đánh tháo sang hết cho một tổ chức có tên là Việt Tân.  Các khóa học về nhân quyền, dân sự… đã được an ninh cộng sản Việt Nam theo dõi và bắt gọn dưới danh nghĩa "hoạt động khủng bố với Việt Tân". Cả Trần Huỳnh Duy Thức cũng sập bẫy. Cả Tiến Trung, cả Lê Công Ðịnh… những đứa con kiệt xuất chưa đánh được đòn phép nào vào mặt chế độ... đã bị sập hầm !

Trong cái họa nẩy ra cái phước. Một nhóm nhỏ trong những thành phần lãnh đạo Việt Tân chung công tác ở Thái Miên đã sáng suốt nhận ra vấn đề bế tắc nằm ở đâu.  Cuộc chia tay thứ 5 đã diễn ra và trang Dân Làm Báo đĩnh đạc trưởng thành trong cay đắng, từ những con người đã đặt cược cả cuộc đời mình vào với vận mệnh Việt Tân, sự bẽ bàng nhận ra chân tướng nhau đã làm nảy sinh ra một tập hợp mới, ly khai dứt khoát với cái tên đầy màu sắc tương lai nhưng lại chất chứa nhiều hầm chông bẫy độc. Khối kỳ vọng của RSF vào Việt Nam cũng từ đây sinh thành hai dòng chảy.

Lìa xa 6
Vận dụng sự mở cửa của mạng truyền thông internet.  Những người đặc trách phát triển quốc nội của Việt Tân hải ngoại đã liên kết với những nhân lực có tiếng nói mang tinh thần phản kháng ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội. Một nhóm nhân lực được móc nối và hoạt động khá rộng ở Hà Nội nói riêng, miền Bắc nói chung.  Bà Trần Khải Thanh Thủy là một nhân lực tiêu biểu.  Tính khí ngang tàng của bà đưa bà đến cửa nhà tù và phải vào tận Trại 5. Một trại Trung Ương khét tiếng từ thời còn mang tên quần thể nhà giam Ðầm Ðùn Lý Bá Sơ 1954.  Giết bà không được, nhốt chẳng ích gì mà thả ra ở Việt Nam thì càng to chuyện! Tương kế tựu kế an ninh cộng sản tống xuất bà sang Mỹ, gây thêm thanh thế cho Việt Tân, vốn là một tổ chức chính trị hải ngoai mà an ninh cs Việt Nam biết tỏng tòng tong là hữu danh vô thực.  Ðiều bất ngờ là tính cách ương ngạnh dàng trời của bà Trần Khải Thanh Thủy đã tạo ra rất nhiều khó xử cho trung ương Việt Tân để sau hai năm, ngựa Hồ tung vó lên hướng bắc, chim Việt soải cánh về đàng nam.  Từ mặt nhau với những nỗi đau cay cào xé gan mật. Sự chia tay này cũng ảnh hưởng đến việc "dứt áo ra đi" của vị bác sĩ được coi là giỏi giang nhất, còn sót lại của trung ương Việt Tân: Nguyễn Trọng Việt.

Việt Tân sau 30 năm, người tài thi nhau ngã bổ ngửa. Từ Phạm Văn Liễu, Trần Minh Công, Phạm Ngọc Lũy đến Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Trường Lưu! Từ Nam Dao/Phan Văn Hưng đến Trần Xuân Ninh và rồi đến Ðặng Thanh Chi, Huỳnh Ngọc Phước, Nguyễn Trọng Việt… Giờ điểm lại, lôm côm những Nguyễn Ngọc Bảo, Nguyễn Ngọc Ðức, Trần Đức Tường, Nguyễn Thanh Vân, Nguyễn Quốc Quân… với con em gia đình dòng họ Hoàng Cơ, cắm cúi điều hành tổ chức gần giống như một công ty hàng quán thương mại!

Thế trận Nhân quyền!
Cuối năm 1998, khi vừa bị trục xuất về Pháp, trong những lần điện đàm với ông Nguyễn Kim Hườn, tôi có đề cập đến một sự cần thiết về việc hình thành một thế trận nhân quyền ở hải ngoai.  Lúc ấy, tổ chức Việt Tân, nếu tập trung thực lòng cho công tác nhân quyền, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quê hương đất nước. Tiếc rằng, ông Kim đã tỏ ý rất coi thường, ông nói

"…giờ này, chúng ta sắp thành công, tập trung vào công tác nhân quyền làm gì!".

Giờ đây, 15 năm đã trôi qua, chữ "sắp thành công" của ông không biết phải định nghĩa thế nào, nhưng hành động lấn sân từ sinh hoạt chính trị tràn sang lãnh vực nhân quyền lại phơi bày quá sống sượng trong những tháng vừa qua.

Bản chất sức lực của hoạt động đấu tranh nhân quyền là độc lập phi đảng phái. Càng dính líu đến các tổ chức chính trị, đảng phái… hoạt động đấu tranh nhân quyền càng giảm ý nghĩa trước dư luận thế giới tự do. Ðáng ra, việc các nhân sĩ từ Việt Nam sang điều trần về Nhân quyền ở các quốc hội hay ở trụ sở Liên Hiệp Quốc, dù có là đảng Việt Tân giúp sức, cũng nên phải giấu đi cái gốc gác là đảng chính trị Việt Tân chi phối. Ðàng này các ông các bà kéo đến ba bốn ông Trung Ương đảng để chụp hình chung ở Genève! Cũng vậy, làm điều trần cho các blogger từ Việt Nam sang, nhưng các ông đặt ghế chủ tịch đảng Việt Tân ngồi ngang với một nghị sĩ Mỹ, cả hai đều cùng vắt vẻo kiểu chân số 5 quyền lực, đối diện là tội nghiệp bốn năm ông bà blogger đến từ Việt Nam, xúm xít ngồi ở một băng ghế chung! Hơn hai mươi năm lăn lóc trong sinh hoạt đấu tranh từ thượng vàng đến hạ cám, từ lên voi xuống lưng bò, tôi chưa từng bao giờ nhìn thấy cảnh điểu trần như vậy!

Ðiều trần ấy là điều trần cho ai?  Ðiều trần với ai?  Ðiều trần vì quyền lợi gì? Quyền lợi "credit" của Việt Tân hay quyền lợi của anh chị em truyền thông tự do ở Việt Nam?  An ninh cộng sản Việt Nam có ý gì khi để các anh chị em ấy thong dong sang Mỹ với mỗi người vừa tròn một phút đề… làm điều trần! Ðiều trần 1 phút thì điều trần việc gì? Ðó là lời mời của Quốc hội Mỹ to đùng hay chỉ là trò chơi chính trị bơm thổi credit cho một bà dân biểu Mễ cùng tổ chức Việt Tân?  Anh em trong nước chấp nhận thật nhiều thử thách để chỉ được nói 1 phút trước rừng ngôn từ của hàng mấy trăm quân bài do hàng trăm nghị sĩ tranh giật lợi quyền?  Ai sẽ trả cái giá khắc nghiệt cho họ sau cuộc phiêu lưu vì tấm "paneaux vĩ đại quốc hội Mỹ"?  Tại sao an ninh cộng sản ưu ái cho những người Việt Tân tổ chức mời đi, trong khi lại nghiêm khắc truất quyền xuất cảnh của facebooker Anh Chí chỉ vài tuần sau đó, bất chấp lời mời của Bộ Ngoai Giao một quốc gia cực kỳ thân thiện với Việt Nam Cộng Sản là Thụy Ðiển dành cho Anh Chí?

Liệu có cần phải viện dẫn những cuộc xâm nhập 1986/1987/1989 từ Thái Lào và sau 1991 từ Ðông Âu để dẫn chứng "khả năng siêu việt" của đảng Việt Tân… cùng sự ma mãnh thổi phồng "kẻ thù ảo" của đối phương cộng sản hay không?

Với đồng tiền dồi dào của tổ chức ban đầu để lại, việc các ông bà Việt Tân chia sẽ cho anh em hoạt động đấu tranh nội địa là việc hết sức tự nhiên, nếu không muốn nói là việc bắt buộc.  Chỉ mong rằng các ông bà hãy đặt quyền lợi của tổ chức thành thứ yếu, sau quyền lợi của cuộc đấu tranh chung.  Ðược vậy, chẳng ai trách giận các ông bà làm gì.  Cuộc đời này, ai là người nắm chặt tay được cả cuộc sống mình?  Mở lòng ra sẽ thấy tình người cao rộng và thật sự có ý nghĩa.

Lịch sử: Mục tiêu và Trách Nhiệm
Một quá trình ba mươi năm. Tháng 12 năm 1982 lễ tuyên thệ đảng Việt Tân cho ông Dương Văn Tư cùng mấy chục đảng viên khác đã xác định trách nhiệm của một tổ chức chính trị đối với lịch sử nói chung, đối với những thành viên tuyên thệ nói riêng. Tổ chức ấy ngày nay vẫn y xì tên gọi và nguyên bản lá cờ hoa mai.  Ðồng tiền đồng bào đóng góp đại đa phần đã thành các quán ăn sầm uất suốt gần 30 năm.  Sự liên tục ấy không cách gì có thể phủ nhận. Chỉ có những con người vô văn hóa mới cố chối bỏ lịch sử ấy, trong khi vẫn dùng đồng lương có từ lịch sử ấy mà ung dung vung vẩy giữa đời.

Vật đổi sao dời, có thể các ông thay đổi phương lược chiến đấu, nhưng việc phủ nhận công lao máu xương của lớp khai phá là hành vi bất nghĩa. Việc không hề đoái hoài đến những kẻ đã vì Việt Tân ban đầu mà phải chết thảm trên đường xâm nhập, phải tù tội từ hàng 6 năm đến 18 năm… là hành vi gì nếu không là hành vi bất nhân bất nghĩa?

Khi chưa đủ can đảm để rạch ròi ân nghĩa với anh em mình và với đồng bào hải ngoại, thì việc ồn ào đấu tranh của các ông bà chỉ mang được một nửa phần ý nghĩa mà thôi.

Khả năng phán đoán, tư duy chiến lược… không là những món hàng cợt đùa vô trách nhiệm. Trong môi trường đấu tranh nhân quyền, các ông bà đã có những lúc cực lực sỉ vả những người đấu tranh, gọi họ là cộng sản, bủa vây tất cả các bước đi của họ.  Anh em họ trong nhà tù A20 Phú Yên làm cuộc nổi dậy, tin tức đến tận tay các ông bà nhưng các ông bà lặng thinh.Hàng trăm người tù thét gào ấy, chỉ duy có tổ chức ông Võ Văn Ái lăn xả trên truyền thông quốc tế để bảo vệ họ. Còn các ông bà thì đứng cười, ra chỉ thị tất cả các mạng báo chí của Việt Tân (vốn bao trùm hải ngoại lúc ấy (1994/1995) hoàn toàn im lặng!

Tôi là nhân chứng trực tiếp của sự vụ ấy, nay xin hỏi giữa công luận rằng các ông bà là ai, và liệu sẽ có một cuộc nổi dậy đấu tranh nhân quyền ở Việt Nam sẽ bị các ông bà tận lực bưng bít nữa không ?
 
Ðó là lý do chúng tôi chủ trương thành lập và hỗ trợ các mô hình đấu tranh nhân quyền phi đảng phái, đặc biệt, phi Việt Tân.
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" < pwillay@orange.fr>

0 comments:

Powered By Blogger