Chuyến thăm lịch sử đầu tiên đến nước Mỹ và gặp Tổng thống Barack
Obama tại phòng Bầu dục tòa nhà Trắng của Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt
Nam Nguyễn Phú Trọng từ ngày 7 đến 10 tháng 7 (2015) đã khép lại, nhưng
dư âm và kỳ vọng vào chuyến đi này vẫn chưa lùi vào dĩ vãng ở hai bên
bờ Thái Bình Dương.
Một không khi cởi mở, phấn khởi và tin tưởng đã rộ lên giữa các viên chức hoạch định chính sách của hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam.
Những lời nói đầy tự tin vào hợp tác trong tương lai sau 20 năm thiết
lập quan hệ ngoại giao đã được Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, Ted Osius và
Phạm Quang Vinh của Việt Nam tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn đưa ra ngày
28/7/2015.
Về phần ông Vinh thì nội dung cuộc phỏng vấn của báo An ninh Thế giới
của Bộ Cộng An chứa đựng nhiều tâm tư của một cán bộ ngoại giao thâm
niên đã đóng góp thành công trong vai trò con thoi giữa Hoa Thịnh Đốn và
Hà Nội.
Ông Trọng đã được phía Mỹ tiếp đón “vượt mức yêu cầu” như chính ông đã phấn khởi nói với cử tri Hà Nội ngày 18/07/2015.
Ông kể: “Tôi được nhiều đồng chí anh em gọi điện chúc mừng, vì chuyến
thăm thành công. Đây là vấn đề lịch sử, lần đầu xảy ra. Một Tổng bí thư
đối thoại ở Phòng Bầu Dục Nhà Trắng, mà hai bên lại là cựu thù thì chưa
bao giờ có”.
Khẳng định quá khứ không bao giờ thay đổi, nhưng vì sự phát triển chung, lãnh đạo hai nước đã thống nhất “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.
“Báo chí chụp cảnh cả tôi và Tổng thống Mỹ xem đồng hồ, sau đó Phó
tổng thống chiêu đãi, mới đầu dự kiến 3 chục người thôi, sau lên đến 230
người, và ông ấy còn lẩy Kiều: “Trời còn để có hôm nay /Tan sương đầu
ngõ vén mây giữa trời”.
Tôi nói là, gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng,
hướng tới tương lai. Gác lại quá khứ, chứ không nói là khép lại, quá
khứ không bao giờ thay đổi, chúng tôi không quên, nhưng vì lợi ích của
hai nước, hai dân tộc, vì hòa bình ổn định, thì ta gác lại. Đối đầu với
nhau chả hay ho gì”.
Về phần mình, Đại sứ Phạm Quang Vinh nói với Phóng viên Trường Sơn của Anh ninh Thế giới: “Nếu
chúng ta nhìn tổng thể cả chuyến thăm cũng đã thấy nó đã tạo ra lịch sử
và một bức tranh rất ấn tượng. Nhưng cảm nhận của cá nhân tôi, thì có
lẽ tôi thích nhất là khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau ở phòng Bầu dục. Vào
lúc hội đàm, họ đã ngồi đối diện với nhau, với sự ung dung, thoải mái,
tự tin, thực chất, thẳng thắn, cởi mở về tất cả các vấn đề: Từ quan hệ
hai nước, đến hợp tác vì hòa bình ổn định và phát triển ở khu vực và cả
về sự khác biệt giữa hai nước.”
Ông Vinh kể tiếp như có ngụ ý đây là cuộc tâm sự giữa hai người bạn thâm giao mà lâu ngày gặp nhau: “Nếu
như TBT Nguyễn Phú Trọng không ngần ngại chia sẻ về nạn quan liêu đã và
đang ảnh hưởng nhất định đến việc chăm lo cho đời sống người dân trong
nước, thì Tổng thống Mỹ Barack Obama lại tâm sự rằng 7 năm qua, trong
suốt thời gian cầm quyền, ông ấy đã cố gắng điều chỉnh quan hệ của Mỹ
với các nước, do trước đó Mỹ đã bị chỉ trích vì can thiệp vào công việc
nội bộ của các quốc gia.”
Bầu không khí thân mật ấy được ông Vinh họa ra một cảnh đặc biệt: “Hình
ảnh cả hai nhà lãnh đạo cùng nhìn đồng hồ và cùng nhận ra rằng cuộc gặp
đã kéo dài hơn 30 phút so với dự kiến ban đầu, nhưng vẫn cười vui, thản
nhiên, không vội vàng và cùng chuẩn bị trả lời báo chí, dành thời gian
khá thoải mái, có lẽ là hình ảnh đẹp nhất sau cuộc gặp này.”
Với niềm tự hào đã góp phần quan trọng trong chuyến công du Hoa Kỳ thành
công cho người đứng đấu đảng cầm quyền, ông Phạm Quang Vinh nói thật
lòng mình: “Điều khiến tôi xúc động nhất là nó đã thành công ngoài
sức tưởng tượng. Có lẽ những người làm ngoại giao như tôi, hơn ba thập
kỷ trong ngành, có lẽ đều chỉ mong chờ một khoảnh khắc này trong đời
cũng đủ để hạnh phúc và tự hào.”
Đồng thuận mà chưa đồng lòng
Tuy rằng “hai bên tôn trọng sự khác biệt, đối thoại, hợp tác và làm việc với nhau”, nhưng “đều
nhận ra sự cần nhau, vị trí của nước này trong chính sách đối ngoại của
nước kia làm cho những nội dung hợp tác giữa hai nước được tăng cường”, ông Vinh nói.
Nhưng không phải ai cũng tin, nhất là đối với Cộng đồng gần 3 triệu
“người Việt tị nạn” ở Hoa Kỳ, rằng cộng sản Việt Nam sẽ đáp lại nhanh
chóng yêu cầu của Mỹ về sửa đổi thể chế chính trị, dân chủ, tôn trọng
nhân quyền và các quyền tự do ở Việt Nam. Phía Mỹ coi đây là những vấn
đề mà Việt Nam cần phải chứng minh trong thời gian tới nếu muốn được
Quốc hội Mỹ đồng ý cho Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, Trans-Pacific Partnership).
Mặc dù Quốc hội Mỹ đã thông qua Luật được gọi là Đàm Phán Nhanh, dành
quyền cho Tổng thống, nhưng điều này không có nghĩa Quốc hội đã mất
quyền xem xét tỷ mỉ các điều khoản của TPP, nếu quyền lợi của công nhân
Mỹ bị thiệt thòi.
Trong cuộc họp với Tổng thống Obama, ông Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Hoa
Kỳ “linh hoạt” những điều kiện để Việt Nam có thể gia nhập TPP. Nhưng
không rõ “linh hoạt” gồm có những “dễ dãi” nào.
Nếu Việt Nam gia nhập thi trường với 11 nước khác trong TPP thì hàng hóa
Việt Nam sẽ dễ dàng xuất khẩu sang các nước thành viên, và ngược lại
hàng hoá, nhất là các loại hàng có khả năng kỹ thuật cao sẽ vào Việt Nam
với giá có thể giúp cho nhu cầu phát triển.
Tuy nhiên, chuyện “linh hoạt” theo yêu cầu của ông Trọng còn phải được
sự đồng ý của 10 thành viên khác gồm Brunei, Chí Lơi (Chile), Tân Tây
Lan (New Zealand), Tân Gia Ba (Singapore), Úc Đại Lợi (Australia), Peru,
Mã Lai Á (Malaysia), Mexico, Gia Nã Đại (Canada) và Nhật Bản (Japan)
cho nên cũng còn nhiều chuyện phải bàn từ nay đến cuối năm.
Về vấn đề này, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nói rõ thêm trong cuộc họp với báo chí Việt Nam tại Hà Nội ngày 28/7 (2015):
“Hôm thứ 6 vừa qua, đại diện thương mại Mỹ Michael Froman đã có
chuyến thăm Việt Nam. Hiện tại các nhóm đàm phán của các nước cũng đang
gặp tại Hawaii. Đàm phán TPP đã diễn ra được 6 năm, mỗi khi bước vào
giai đoạn cuối của việc đàm phán một Hiệp định lớn như TPP thì có những
vấn đề phức tạp mà các bên bám vào đó đến cùng, không muốn nhượng bộ.
12 nước tham gia đàm phán TPP đều có những quyết định khó khăn và họ
phải tự đưa ra. Về vấn đề lao động, như Tổng thống Obama đề cập hồi
tháng 5 thì đây là vấn đề được quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Mỹ.
Nhưng tôi cho rằng Việt Nam sẽ phải đưa ra các quyết định khó khăn nếu
như Việt Nam muốn có được những lợi ích từ TPP. Điểm cốt lõi là Việt Nam
phải chấp nhận tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế, trong đó có
việc cho phép tự do thành lập các nghiệp đoàn độc lập, tự do hội họp.”
Ông Osius đã nói như thế để trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ online rằng: “Trong
một bài phát biểu hồi tháng 5.2015, Tổng thống Obama đã khẳng định nếu
các quốc gia không đạt các tiêu chuẩn về lao động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì sẽ không thể tham gia hiệp định này. Điều gì sẽ xảy ra nếu như Việt Nam không đạt được các tiêu chuẩn cao như vậy?”
Ông Osius cũng đã nói với báo chí Việt Nam ở Orange County, California
trước khi trở lại Việt Nam rằng người lao động còn phải được tự do sử
dụng Internet để thông tin và nhận thông tin theo như tiêu chuẩn của
ILO.
Vì vậy, nếu muốn được gia nhập TPP, Việt Nam phải sửa đổi nhiều đạo luật
cho phù hợp với thị trường lao động và kinh doanh tự do như các nước có
nền kinh tế Tư bản.
Trong Tuyên bố Tầm Nhìn Chung Mỹ - Việt Nam, phổ biến ngay sau cuộc họp
Barack Obama-Nguyễn Phú Trọng ngày 7/7/2015 đã viết về chuyện TPP rằng: “Việt
Nam và Hoa Kỳ mong đợi phối hợp chặt chẽ với các bên tham gia đàm phán
khác để hoàn tất sớm nhất có thể Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương
(TPP) toàn diện, nhiều kỳ vọng và tiến hành những cải cách mà thấy có
thể cần thiết nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cao của Hiệp định TPP, kể cả khi
cần thiết đối với các cam kết liên quan tới Tuyên bố của ILO
(International Labor Organization) năm 1998 về Nguyên tắc cơ bản và
Quyền tại nơi làm việc. Hai nước quyết tâm thực hiện một Hiệp định TPP
có chất lượng cao, cân bằng, đáp ứng lợi ích của tất cả các bên và tạo
nên một khuôn khổ mới, lâu dài và cùng có lợi cho hợp tác kinh tế và
thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đồng thời tạo xung lực mới cho hợp
tác kinh tế khu vực và đóng góp vào hợp tác và thịnh vượng trong khu vực
châu Á – Thái Bình Dương. Hoa Kỳ hoan nghênh tiến bộ của Việt Nam trong
cải cách kinh tế và tái khẳng định tiếp tục ủng hộ và tăng cường hợp
tác mang tính xây dựng với Việt Nam, và Hoa Kỳ ghi nhận sự quan tâm của
Việt Nam đạt được quy chế kinh tế thị trường.”
Hai chữ “quan tâm” của Việt Nam được hiểu là lời yêu cầu, được lập lại
bởi chính ông Trọng mong muốn Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam có nền kinh
tế thị trường, theo đúng nghĩa là tự do, bình đặng, tuân thủ pháp luật
và những điếu kiện kinh doanh, thương mại của Quốc tế, trong đó có việc
phải tôn trọng và bảo đảm quyền làm việc, không bị kỳ thị, phân biệt đối
xử, hoạt động tự do của người lao động.
Cho đến nay, Việt Nam chưa hội đủ các điều kiện này vì nền kinh tế vẫn do Điều 51 của Hiến pháp 2013 quy định: “Nền
kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước
giữ vai trò chủ đạo.”
Đối với Đại sứ Phạm Quang Vinh của Việt Nam ở Hoa Thịnh Đốn, thì dù vẫn
còn những điều chưa đạt được trong chuyến thăm Mỹ của ông Nguyễn Phú
Trọng, phía Việt Nam vẫn tin hai nước sẽ hướng về phía trước.
Ông Vinh nói với An Ninh Thế Giới: “Dù có thể vẫn còn những khác biệt
về quan điểm, về thể chế, về vấn đề này khác đang diễn ra trong nước,
nhưng những người thực sự yêu dân tộc này, yêu đất nước này từ tận đáy
lòng, có lẽ đều tự hào, đều mừng cho chuyến thăm, cho bước tiến lịch sử
này và hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất sẽ đến cho quốc gia, cho dân
tộc trong tương lai. Và tôi cho rằng chuyến thăm này sẽ còn tác động lâu
dài đến quan hệ hai nước, đến các giới khác nhau ở đây, kể cả Chính phủ
và Quốc hội, những cộng đồng học giả hay những cộng đồng người Việt còn
khác biệt, khi họ hiểu rằng chúng ta luôn sẵn sàng đối thoại với những
sự khác biệt ấy.”
Ted Osius cũng lạc quan theo
Đồng nghiệp của ông Vinh là Đại sứ Mỹ Ted Osius ở Hà Nội cũng mở cuộc
họp báo vào ngày 28/7/015 để kiểm điểm thành công chuyến đi của ông
Trọng.
Báo chí Việt Nam mô tả ông Osius rất thoải mái và tự tin khi nói rằng: “Hai
nhà lãnh đạo đã khẳng định họ tôn trọng hệ thống chính trị của nhau và
đã thảo luận về tương lai mối quan hệ hai nước, vấn đề Biển Đông
và tự do hàng hải, quan hệ an ninh, bao gồm cả hợp tác gìn giữ hòa
bình, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, nhân quyền... và vai trò
của người Mỹ gốc Việt.” (Thanh Niên online, 28/07/015)
Vẫn theo báo này thì: “Theo Đại sứ Osius, quan hệ Việt - Mỹ hiện đang
tốt nhất từ trước đến nay. “Và tôi tin rằng thông qua làm việc tích cực
không ngừng và sự hợp tác có hiệu quả ở tất cả các cấp, chúng ta sẽ
tiếp tục đà phát triển hiện tại trong thời gian tới”.
Cũng phấn khởi và hồi hộp như Đại sứ Vinh, ông Osius nói: “Cảm giác
của tôi khi chứng kiến 2 bên ngồi ở phòng bầu dục với sự hiện diện của
Tổng Bí thư Đảng CSVN, có Tổng thống Mỹ, có các vị trong Bộ Chính trị ở
đó, có Phó Tổng thống Mỹ, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ ở đó thì tôi đã
phải cấu bản thân mình.
Tại sao tôi phải cấu bản thân mình? Theo cách của người Mỹ thì điều
này thể hiện rằng mình không thể tin nổi một điều gì đó đang diễn ra
trước mắt mình nhưng… lại rất vui mừng về điều đó.” (theo báo Một Thế Giới, 28/07/015)
Trong câu chuyện trao đổi của hai Đại sứ với báo chí, cũng như phát biểu
của ông Trọng với cử tri Hà Nội thì vấn đề quan trọng nhất mà ông Trọng
đạt được với Tổng thống Obama là hai nước đã tuyên bố “tôn trọng hệ thống chính trị của nhau”.
Vậy sự kiện này có ý nghĩa gì mà đã được nêu lên hàng đầu trong câu chuyện của các viên chức lãnh đạo và cả báo chí ở Việt Nam?
Bởi vì từ xưa đến nay Việt Nam vẫn lo ngại “diễn biến hòa bình” và “các
thế lực thù địch” do Mỹ ủng hộ sẽ tìm cách gây xáo trộn, bạo động để lật
đổ đảng cầm quyền Cộng sản Việt Nam.
Vì vậy, sau khi được Mỹ công khai tuyên bố tôn trọng thế chế chính trị
theo chủ nghĩa Cộng sản của Việt Nam thì cũng đồng nghĩa với tôn trọng
độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ trong khi người láng giềng
được gọi là “vừa là đồng chí vừa là anh em” Trung Quốc lại luôn luôn lăm
le xâm chiếm Việt Nam bất kỳ lúc nào.
Chính vì lẽ này mà Việt Nam đã “nghiêng đầu” về phiá Mỹ rõ nét hơn sau chuyến thăm Mỹ thành công của ông Nguyễn Phú Trọng.
Tầm quan trọng này đã được Đại sứ Ted Osius nói với các nhà báo Việt Nam tại Ha Nội:
“Khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama thống nhất việc
đưa quan hệ Việt - Mỹ trở thành đối tác toàn diện vào năm 2013, hai bên
bày tỏ tôn trọng hệ thống chính trị của nhau. Điều này đã được nhắc lại
trong cuộc hội đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống
Obama, cũng như trong Tuyên bố chung giữa hai bên vừa qua. Điều này vượt
quá việc nó chỉ có tính chất biểu tượng mà cho thấy, hai bên mặc dù có
hệ thống chính trị khác nhau nhưng vẫn có thể trở thành đối tác, cộng
tác với nhau, thảo luận về những vấn đề khó khăn như nhân quyền...
Bất chấp việc có hệ thống chính trị khác nhau, chúng ta vẫn có thể
làm sâu sắc thêm quan hệ về chính trị, an ninh, kinh tế, quan hệ nhân
dân hai nước. Chúng ta không cần phải có hệ thống chính trị giống hệt
nhau để hợp tác đẩy mạnh quan hệ.”
Vai trò của người Mỹ gốc Việt
Nhưng ông Osius đã không cho biết nội dung thảo luận về vai trò của
người Mỹ gốc Việt giữa Tổng thống Obama và ông Trọng trong quan hệ ngọai
giao giữa hai nước.
Ông chi nói: “Tôi muốn chia sẻ thêm một câu chuyện, khi tôi đến
California (cuộc tiếp xúc của Đại sứ Osius với cộng đồng người Mỹ gốc
Việt tại Nam và Bắc California trong 3 ngày 12, 13 và 14/07/2015), tôi
đã nhận được câu hỏi Mỹ sẽ có chương trình gì để thay đổi hệ thống chính
trị, chính quyền Việt Nam, tôi trả lời đó không phải là chính sách của
Mỹ. Chính sách của Mỹ là tôn trọng sự khác biệt trong hệ thống chính trị
của các quốc gia khác. Đây là một điều rất thực tế.
Nếu chúng tôi muốn xây dựng quan hệ với một quốc gia khác, chúng tôi
không thể không tôn trọng hệ thống chính trị của nước đó. Câu trả lời
của tôi là điều mà những người hỏi họ không muốn nghe, nhưng tôi phải
nói rất rõ điều đó. Lợi ích của Mỹ là chúng tôi muốn thấy một nước Việt
Nam vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng dân chủ, nhân quyền và
pháp quyền. Việt Nam thành công thì điều đó cũng nằm trong lợi ích của
Mỹ.”
Tất nhiên, khi người Mỹ gốc Việt muốn Hoa Kỳ có kế họach hữu hiệu và
thực tế trong nỗ lực bảo đảm các quyền con người và quyền tự do đã được
quy định trong Hiến pháp của nhà nước CSVN phải được chính phủ Việt Nam
tôn trọng thì không có nghĩa là nhằm lật đổ chế độ.
Từ xưa tới nay, chưa bao giờ có cộng đồng người Mỹ gốc Việt nào đã chính
thức yêu cầu Chính phủ Mỹ đưa ra kế họach “thay đổi hệ thống chính trị,
chính quyền Việt Nam” mà có thể chỉ có những cá nhân đã hỏi ông Ted
Osius như thế.
Do đó, không thể hiểu câu hỏi của ai đó với ông Osius là lập trường
chung của tập thể người Mỹ gốc Việt. Ông Đại sứ Mỹ đã trả lời đúng,
nhưng người Mỹ gốc Việt cũng có quyền đòi hỏi chính phủ Mỹ phải kiên
quyết bênh vực cho quyền làm người của bà con, dòng họ và đồng bào Việt
Nam của họ không bị chà đạp ở Việt Nam như đã và đang xảy ra.
Quốc hội Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Mỹ và các Tổ chức Nhân quyền và Tôn giáo
trên thế giới biết rất rõ người dân Việt Nam đang được hưởng bao nhiêu
quyền tự do và đã mất dân chủ như thế nào cho nên dù ông Nguyễn Phú
Trọng có thành công vượt bực trong chuyến đi Mỹ mà nhân dân vẫn còn bị
tước bỏ các quyền hiến định thì ông mới chỉ thành công với người Mỹ.
Đại sứ Osius phản ảnh tâm tư của người Mỹ gốc Việt: “Tôi nhớ khi đến
quận Cam ở San Jose, California, có những người không thích chuyến thăm
này. Không phải khía cạnh nào của chuyến thăm, mà chính thực tế rằng hai
nước đang xích lại gần nhau khiến họ khó chấp nhận. Vì vậy, trong những
bước tiến xa hơn để hòa giải, chúng ta cần kéo vào cả những người vẫn
còn tổn thương vì cuộc chiến...”
“...Xét cho cùng, quan hệ giữa hai nước đâu phải chỉ là giữa hai lãnh
đạo, hai chính phủ, mà là giữa nhân dân hai nước. Cộng đồng người Mỹ
gốc Việt có thể đóng góp rất lớn, nhưng lòng tin vẫn là điều còn thiếu.
Tôi sẽ làm mọi điều có thể, và tôi cũng biết lãnh đạo cả hai bên đều
muốn làm nhiều hơn để thúc đẩy hòa giải và tăng cường quan hệ giữa nhân
dân hai nước.” (ViệtnamNet, 28/07/015)
Lòng tin mà ông Osius nói ở đây nên hiểu từ phiá người Việt ở nước
ngoài, từng là nạn nhân của cuộc chiến do đảng CSVN chủ động đem quân
xâm lăng Việt Nam Cộng hòa và trong 40 năm qua từ sau khi chiến tranh
chấm dứt tháng 4/1975.
Dưới mắt đa số người Việt ra đi từ miền Nam thì nhà nước CSVN chưa bao giờ thật lòng muốn hòa giải hay hòa hợp với họ.
Trong suốt 40 năm qua, chưa bao giờ lãnh đạo Cộng sản có một hành động
tích cực và thật lòng muốn nói chuyện với người Việt Nam ở nước ngoài.
Chính sách của nhà nước, phản ảnh qua Nghị quết 36 năm 2004 (về công tác
đối với người Việt Nam ở nước ngoài) không thuyết phục được ai vì chỉ
nhằm kêu gọi người Việt ở ngoài đem tài năng và tiền bạc quay về “phục
vụ” đất nước!
Đó là lý do tại sao ông Nguyễn Thanh Sơn, khi còn là Thứ trưởng Ngọai
giao, Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài đã thất bại trong
nhiều chuyến sang Hoa Kỳ không được ai muốn gặp, ngọai trừ một nhúm
người thân Hà Nội hay tình nguyện phục vụ chế độ.
Nguyên do vì trong nhiều năm, đảng CSVN chì dùng chữ “hòa hợp”, muốn
người Việt ở nước ngoài phải nhập vào dòng người được cai trị bởi đảng
mà không có quyền họat động chính trị với đảng cầm quyền. Bằng chứng
thất bại của ông Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hoà
là trường hợp điển hình.
Chỉ mới vài năm gần đây mới thấy có tờ báo hay viên chức đảng sử dụng từ
“hòa giải” khi bàn về công tác kêu gọi trên 300,000 trí thức, chuyên
viên và thương gia “Việt kiều” về đâu tư giúp nước.
Tuy vậy, người ở nước ngoài vẫn hàng năm gửi về Việt Nam từ 20 đến 12 tỷ
dollars để giúp bà con, dòng họ hay đâu tư vào các dịch vụ du lịch và
địa ốc.
Ông Trọng và các lãnh đạo khác của Việt Nam sang Hoa Kỳ từ năm 2005,
đánh dấu từ chuyến đi của Thủ tướng Phan Văn Khải, chưa hòa giải được
với Cộng đồng người Việt ở Mỹ. Các lãnh đạo này vẫn bị tẩy chay và phản
đối vì đảng Cộng sản Việt Nam, sau 40 năm cai trị cả nước sau 1975, chưa
thật lòng với ngay đồng bào trong nước, vẫn thẳng tay chà đạp nhân
quyền và hạn chế các quyền tự do khác và bỏ tù những người đòi dân chủ,
tự do thì làm sao hòa hợp được với người Việt Nam ở nước ngoài?
Nếu có người Việt Nam nào tham dự các buổi tiếp đón hay chiêu đãi các
Lãnh đạo Việt Nam ra nước ngòai thì đó chỉ là nhóm người của nhà nước
hay thân với đảng mà thôi. Họ không phải là những người mà báo chí Nhà
nước gọi là “đại diện cho cộng đồng”, hay “thay mặt cho bà con kiều
bào”.
Sự khác biệt này đã chứng minh tại cuộc tiếp xúc giữa ông Nguyễn Phú
Trọng và khoảng 200 người Việt Nam tại New York chiều ngày 09/07/2015.
31.07.2015
0 comments:
Post a Comment