Nam Nguyên, phóng viên RFA 2015-07-24
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong lễ khánh thành cột mốc biên giới 314 hồi 8/9/2014. Courtesy photo
Trong
bối cảnh giới lãnh đạo Việt Nam thể hiện việc xích lại gần hơn với Hoa
Kỳ, tình hình tranh chấp biên giới giữa Campuchia và Việt Nam bất ngờ
được khuấy động từ phía Phnom Penh.
Những động thái đáng ngạc nhiên
Những
việc này không những xuất phát từ phía các đảng đối lập mà cả những
động thái đáng ngạc nhiên từ Thủ tướng Campuchia. Ông Hun Sen đã đề nghị
mượn các bản đồ gốc của Liên Hiệp Quốc và các nước Pháp, Anh, Mỹ. Một
hành động hàm ý cần xem xét lại đường biên giới mà Phnom Penh và Hà Nội
đã thỏa thuận qua Hiệp định 1985 và bổ sung năm 2005. Toàn cảnh tranh
chấp biên giới Tây Nam mang những ý nghĩa gì và một cuộc chiến tranh
biên giới mang tính hạn chế có thể xảy ra hay không?
Các
học giả Việt Nam thể hiện lập luận cho rằng, Trung Quốc là kẻ dấu mặt
kích động giới chính trị đối lập Campuchia, sử dụng lá bài lãnh thổ và
tinh thần dân tộc để gây áp lực chính trị với Việt Nam. Trả lời phỏng
vấn của Nam Nguyên hôm 22/7, TS Trần Công Trục nguyên Trưởng Ban Biên
giới chính phủ từ Hà Nội nhận định:
“Trung Quốc làm mọi cách để dùng Campuchia gây ra những bất ổn trong
khu vực, cả vấn đề biển Đông mọi người đã biết rồi. Qua lịch sử phải
biết chuyện Pôn Pốt đã gây ra cuộc chiến tranh biên giới tàn sát nhân
dân năm 1979, chính là có bàn tay của một số người trong đảng cầm quyền
của Trung Quốc. Rõ ràng chúng ta biết cả và hiện nay tôi nghĩ rằng người
chống lưng cho các lực lượng đó chính là Trung Quốc.”
Không
phải ngẫu nhiên mà gần 2.000 người Campuchia hôm 19/7/2015 đã từ Phnom
Penh tập trung tại đường biên giới chia cắt tỉnh Svay Rieng và tỉnh Long
An, để biểu tình với các khẩu hiệu Việt Nam cướp đất của người
Campuchia. Trước đó ngày 28/6, khoảng 250 người Campuchia với sự có mặt
của các chính khách đối lập thuộc đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia, đã
tiến sâu vào khu vực mốc 203 trên địa phận Việt Nam thuộc tỉnh Long An.
Khi bị ngăn chặn những người này đã tấn công làm 7 người Việt Nam bị
thương.
Theo
báo chí Việt Nam đại diện chính phủ Campuchia hôm 16/7 đã cam kết với
Việt Nam sẽ không để tình trạng tương tự xảy ra. Tuy nhiên họ đã không
ngăn chặn việc 1.800 người di chuyển từ Phnom Penh đến sát đường biên
giới Svay Rieng-Long An để biểu tình; nhà chức trách Việt Nam phải thỏa
thuận để cho 100 người trong số đó được vào cột mốc 203 do Việt Nam quản
lý để quan sát, miễn là những người này giữ trật tự và không được tiến
sâu hơn vào lãnh thổ Việt Nam.
Câu
chuyện dường như chưa dừng lại, vì đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia
(CNRP) lại tiếp tục kêu gọi người dân nước họ tụ tập tại cột mốc biên
giới với Việt Nam ở An Giang vào ngày 26/7/2015. Đảng Cứu nguy Dân tộc
Campuchia cho là một số cột mốc biên giới bị đặt lùi sâu vào lãnh thổ
Campuchia.
Theo
báo chí do nhà nước quản lý, ngày 23/7/2015, tại cuộc họp báo chính
thức tại Hà Nội, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói rằng, Việt
Nam khẳng định phân giới với Campuchia phù hợp luật quốc tế. Ông Bình
lên án các hoạt động gây rối của các thành phần quá khích bên Campuchia
tại khu vực biên giới hai nước.
Đoàn ngừơi Việt (bên trái) dàn hàng ngang ngăn cản đoàn kiểm tra biên giới của Campuchia (bên phải) không cho vào phần đất ranh giới của hai nước. |
Đáp
câu hỏi của chúng tôi về khả năng xảy ra chiến tranh hạn chế vì vấn đề
biên giới Tây Nam, TS Trần Công Trục nguyên trưởng Ban Biên giới Chính
phủ nhận định rằng, vấn đề giữa Việt Nam và Campuchia liên quan đến các
xung đột, những tranh chấp trên biên giới, là có bàn tay, có thế lực
đang tìm cách gây ra căng thẳng. Họ muốn làm cho Việt Nam phải căng ra
để đối phó với nhiều mặt trận khác nhau và họ đang làm rất mạnh mẽ. TS
Trần Công Trục tiếp lời:
“Vấn đề có thể xảy ra xung đột hay không, đây chính là câu hỏi mà rất
nhiều người quan tâm. Theo tôi, nếu như tình hình này không kiểm soát
được và không có giải pháp thực sự có hiệu quả thì có thể có những xung
đột. Bởi vì trong quan hệ hai nước đã từng có những chuyện như vậy.”
Sẽ dừng ở mức độ tranh chấp?
Trong
câu chuyện với chúng tôi, TS Phạm Chí Dũng, một nhà nghiên cứu độc lập ở
Sài Gòn, người từng có thời gian là nhà phân tích thông tin tình báo
nói rằng, vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Campuchia sẽ chỉ dừng ở mức
độ tranh chấp. Theo lời ông, nhiều ý kiến cho là Trung Quốc đứng sau các
rắc rối ở biên giới Việt Nam-Campuchia. Nhưng ông cho rằng, Trung Quốc
vẫn đủ tự tin là vẫn có thể kềm chế Việt Nam mà chưa phải sử dụng lá bài
quân sự. Trung Quốc có nhiều mối lợi trong quan hệ kinh tế thương mại
với Việt Nam và mỗi năm xuất siêu tới 30 tỷ đô la. Theo lời TS Phạm Chí
Dũng giới lãnh đạo Việt Nam chưa thể hiện rõ ràng vấn đề thoát Trung, mà
chỉ có biểu hiện giảm bớt lệ thuộc Trung Quốc và xích lại gần Mỹ hơn,
trong bối cảnh Washington xoay trục về châu Á và sẵn sàng với mọi tình
huống bất ngở trên Biển Đông.
TS Phạm Chí Dũng tiếp lời:
“Tôi không cho là có thể xảy ra một cuộc chiến tranh lớn giữa Việt Nam
và Campuchia, đặc biệt tình hình Campuchia cũng đang phải đối phòng với
vấn đề nội bộ của họ, tranh chấp giữa hai đảng dẫn đầu chính quyền và
đảng đối lập Sam Rainsy. Nhưng ngay cả trong trường hợp xảy ra chiến
tranh thực sự giữa Việt Nam và Campuchia thì tất nhiên sẽ khác rất nhiều
với thời điểm 1979. Sẽ không có sự qui tụ lòng dân và lòng quân đối với
cuộc chiến tranh này và Việt nam có thể gặp nhiều thất lợi trong việc
tổ chức phòng ngự và phản công, chưa nói tới việc chủ động tấn công. Về
lực lượng quân sự Việt Nam vẫn trội hơn hẳn Campuchia, nhưng vấn đề là
tinh thần quyết tâm của bộ đội liệu có đủ lớn để có thể chống trả những
đợt gây rối hoặc là tấn công ở cấp độ chiến dịch cấp sư đoàn hoặc quân
đoàn của Campuchia hay không? Nếu xảy ra chiến tranh tôi không cho là
phần thắng lợi sẽ nghiêng hẳn về quân đội Việt Nam như thời điểm 1979,
mà sẽ là một cuộc chiến tranh biên giới giằng co và kéo dài.”
Đường
biên giới giữa Việt Nam và Campuchia có chiều dài 1.137 km, trải dài
qua lãnh thổ 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia. VnExpress
ngày 22/7/2015 trích lời TS Nguyễn Thành Văn, Trưởng phòng Nghiên cứu
Đông Nam Á thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định rằng,
bản chính tấm bản đồ bonne 26 mảnh do Sở Địa dư Đông Dương phát hành từ
1927-1953, mà cố quốc vương Norodom Sihanouk đăng ký và lưu chiểu tại
Liên Hiệp Quốc sẽ giúp bác bỏ luận điệu về biên giới của phe đối lập
Campuchia.
Điều
này có thể có tác dụng không thuận lợi như nhận định của TS Nguyễn
Thành Văn, nó có thể là con dao hai lưỡi và đặt ra vấn đề xác thực của
các tài liệu bản đồ mà Phnom Penh và Hà Nội sử dụng để đàm phán trong
thập niên 1980. Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa qua đã xin mượn Liên
Hiệp Quốc tài liệu bản đồ gốc được lưu giữ và Liên Hiệp Quốc đã đáp ứng
một phần, nhưng không rõ ông Hun Sen nhận được những tài liệu nào. Về
vấn đề này, trong cuộc họp báo ngày 23/7/2015 tại Hà Nội, Phát ngôn viên
Lê Hải Bình cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam không có bình luận gì về
động thái này của phía Campuchia.
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, TS Trần Công Trục nguyên trưởng Ban biên giới Chính phủ nhận định:
“Hiện nay có một số người Campuchia, một số chính khách cũng như dư
luận Campuchia nói rằng là, nếu dựa vào bản đồ đó thì vấn đề phân giới
cắm mốc và các thỏa thuận của hai bên có những sự không đúng. Nó có câu
chuyện thế này, khi mà xem xét 26 bản đồ gốc đó thì có một số của hai
bên đưa ra không phải là bản gốc. Thứ hai là có một số dường như bị cạo
sửa, điều này cần lưu ý. Về nguyên tắc đã thông qua bản đồ thì không ai
có thể chối bỏ được, nói như vậy vì chính Campuchia chính vua Sihanouk
đã gởi lên Liên Hiệp Quốc để xin đăng ký lưu chiểu 26 tấm bản đồ phân
định đường biên giới với Việt Nam. Vấn đề quan trọng khi xem xét nó là
xem xét các tấm bản đồ đó có bị thay đổi cạo sửa hay không.
Tôi cho rằng phía Campuchia hiện nay đã có sự nhìn nhận về chuyện đưa
ra các bản đồ mà dường như đã bị cạo sửa, mà hai bên đã phát hiện ra. Họ
dùng chuyện đó để nói rằng vấn đề giải quyết đường biên giới giữa hai
bên có sự bất công, không công bằng giữa Việt Nam và Campuchia.”
Có
những thông tin cho rằng, Thủ tướng Hun Sen mượn lại tài liệu bản đồ
Bonne lưu chiểu tại Liên Hiệp Quốc và các tài liệu bản đồ của Anh, Pháp,
Mỹ, là do phía Campuchia giờ đây muốn chứng minh có sự sai lệch giữa
tài liệu bản đồ mà hai nước dùng làm cơ sở đàm phán, trước khi ký kết
các Hiệp định 1983, 1985, 2005 và bản đồ gốc.
Tranh
chấp biên giới Việt-Nam Campuchia hy vọng sẽ dừng lại ở những vụ ẩu đả
xô xát giữa người dân hai bên, không tiến xa hơn nữa, giữa khi Việt Nam
vẫn đang ngậm đắng nuốt cay với người bạn láng giềng phương Bắc.