Ngay cả Luật Đất Đai sửa đổi, dù đã được Quốc Hội tân trang vào đầu năm
2014, vẫn mang nguyên vẹn trên mình nó món nợ lịch sử khi chưa chịu và
chưa hề thừa nhận quyền sở hữu đất đai riêng tư của người dân, mà do vậy
vẫn phục vụ vô số cơ hội cho những kẻ chỉ biết cưỡng đoạt đất của lớp
nông dân bị bần cùng hóa - Phạm Chí Dũng
Sau tháng 4 năm 1975, tôi bị gửi đi học tập một thời gian ngăn
ngắn - chừng vài ba năm chi đó - vì đã lỡ “cầm súng theo
Mỹ/Ngụy chống lại nhân dân và chính quyền Cách Mạng.” Nói
ngắn là so với hàng chục năm trường của nhiều vị huynh trưởng
đồng cảnh khác, chớ thiệt ra thì tôi thấy (nó) cũng hơi dài
vì “chương trình học” đâu có gì nhiều.
Tổng cộng chỉ cỡ 10 bài, học 10 ngày là hết. Thêm phần phần
“thảo luận” và “tiếp thu” vài ba tuần nữa là rồỉ.
Tôi học tập tốt, tiếp thu cũng tốt tất cả mọi thứ, trừ cái “cơ
chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ để bảo đảm mở
rộng và thực thi có hiệu quả nền dân chủ XHCN, làm cho mọi quyền lực xã
hội đều thuộc về nhân dân” là cứ bị ngắc ngứ, nuốt (sống)
không vô. Hỏi cán bộ quản giáo “sao nhân dân làm chủ đủ thứ mà
Nhà Nước lại thống nhất quản lý hết trơn hết trọi vậy cà”
thì được trả lời là “với thời gian, với kinh nghiệm sống tích
lũy dần dần trong xã hộ chủ nghĩa ưu việt của ta, rồi từ từ
các anh sẽ hiểu rõ hơn.”
Mà đúng vậy. Ít nhất thì cũng đúng ở “khâu thống nhất.” Cách
quản lý đất đai của Nhà Nước ở mọi địa phương đều xuyên suốt
y như nhau thật. Hãy lấy thành phố Đà Nẵng, nơi vừa xẩy ra
việc cấp đất làm râm ran dư luận, làm thí dụ trước tiên.
- Đà Nẵng: “Việc cấp đất cho con Bí thư Thành ủy không sai”. Báo Người Lao Động - 1/17/15.
- Ông Trần Thọ: Bố trí đất cho con gái không khuất tất. Báo Đất Việt - 1/17/15.
- Việc bố trí đất cho con gái Bí thư thành ủy Đà Nẵng: Có ưu ái nhưng không bất thường. Báo Mới - 18/7/2015.
Khẩn trương cấp sổ đỏ theo Luật Đất đai 2013. Ảnh chú thích: anculand
Mọi quan chức ở Đà Nẵng, cũng như báo giới, đều nhất trí là
“việc cấp đất cho con Bí thư Thành ủy không sai,” “không khuất tất,”
và cũng “không bất thường.” Chỉ có đám thường dân, những kẻ
sở hữu quyền làm chủ tập thể đất đai, là có ý kiến khác
thôi. Blogger Phước Béo cằn nhằn:
Làm gì mà sai được khi cấp dưới muốn nhận định về cấp trên, làm gì mà
sai được khi mà "kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đó" không bao giờ nhận mình
là sai...
Vì thế nó rất bình thường, nó bình thường như câu phát ngôn của vị
lãnh đạo kia, cái bình thường mà trong cái thành phố gần triệu dân này
chỉ có vài người như cô con rượu của ông mới làm được. Nó bình thường
đến nổi chỉ vài cái đơn, một "vật ngang giá" vài trăm triệu đã được "hợp
thức hóa" thành "vật ngang giá" gần chục tỉ đồng.
Đúng vậy! Chính vì cái cảm giác rất bình thường kia mà mấy chục năm
nay, hàng hàng lớp người kéo nhau lăn lê bò lết từ địa phương ra đến
trung ương khiếu kiến, mất nhà cửa, mất công ăn việc làm, mất cả tương
lai...
Đất không chân mà đất cũng biết đi "nhầm". Đất rõ ràng như vậy mà
cũng bị ém, mà "ém" toàn đất vàng, và cuối cùng "ém" để... bố trí cho
ai, để "bán" cho ai?
Một sự bình thường mang màu trơ trẽn!
Phước Béo làm tôi nhớ đến một trường hợp “trơ trẽn” không kém
(“Chị Hai Thủ Tướng”) cách đây chưa lâu, qua lời tường thuật của
Huy Đức:
Sáng 17.4.2009, một người thân của đương kim Thủ tướng cũng đã bị “áp
giải ra khỏi hiện trường” khi chính quyền huyện Bến Cát, tỉnh Bình
Dương tiến hành cưỡng chế thu hồi hơn 280ha cao su còn lại ở xã An Tây
để làm khu công nghiệp (KCN). Anh Huỳnh Ngọc Sang, người tự giới thiệu
đang quản lý vườn cao su (185ha) cho bà Hai Tâm, người chị ruột của Thủ
tướng, kể: Lực lượng cưỡng chế với khoảng 150 người, đã “đưa đi” ít nhất
3 người trong đó có “ông Hai”, chồng bà Tâm.
Vườn cao su kể trên thuộc 642ha đất cao su vốn của công ty quốc doanh
Sobexco. Trước đây, do làm ăn thua lỗ, Sobexco đã được tỉnh Bình Dương
cho phép “bán vườn cây không gồm quyền sử dụng đất” để trả nợ, với giá
bình quân 50 triệu/ha. Tiến trình mua bán kéo dài tới năm 2001, thì có
những thay đổi, giấy tờ mua bán được ghi là “bên A (Sobexco) chuyển
nhượng vườn cây cao su gắn liền với quyền sử dụng đất”. Hơn 40 người mua
vườn cây cao su ở đây về sau được cấp sổ đỏ.
Tháng 6-2006, Thanh tra tỉnh Bình Dương cho rằng việc cấp “sổ đỏ”cho
40 hộ này là trái luật. Cuộc tranh cãi chưa ngã ngũ nhưng tỉnh vẫn cho
phép công ty XNK Bình Dương thực hiện dự án xây dựng KCN An Tây trên khu
đất này. Số đất mà 6 năm trước đó tỉnh “bán” với giá 50 triệu đồng/ha,
nay để làm KCN, XNK Bình Dương, một công ty quốc doanh, đền bù với giá
1tỷ/ha. Chỉ trong vòng từ tháng 7 đến tháng 10-2007, công ty XNK Bình
Dương đã chi ra hơn 500 tỷ để đền bù cho chủ của những vườn cao su ấy.
Từ năm 2006, một số bài báo đã coi đây là “tham nhũng”; gần đây, một
số bài báo đề nghị nhà nước cũng nên giữ chữ tín, nhà nước sai thì nhà
nước chịu không nên thu lại tiền đền bù đã chi hay thu hồi sổ đỏ. Nhưng,
vấn đề là trong số 40 người “dân” đứng tên trong các sổ đỏ ấy, có một
số là người nhà của quan chức địa phương; và, tới cuối năm 2008, tuy
không đứng tên quyền sử dụng đất ở An Tây, có người thân của Thủ tướng
cũng lên gặp chính quyền địa phương khiếu nại.
Một quan chức địa phương xin giấu tên nói rằng họ biết trong số những
người phản đối sáng 17-4 có vợ chồng người chị ruột của Thủ tướng nhưng
chính quyền vẫn tiến hành cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật và
điều đáng nói là lực lượng cưỡng chế đã không gặp phải bất cứ sự can
thiệp nào.
Chuyện mua bán, đền bù rừng cao su đúng sai rồi sẽ còn phải làm rõ,
nhưng sự ngay thẳng trong thực thi công vụ của chính quyền huyện Bến Cát
là một thái độ hành xử đáng ghi nhận.
Bài viết của Huy Đức còn được “diễn giảng” thêm, theo kiểu đổ dầu vô lửa, bởi một bài viết khác (“Chị ruột của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “chê” tiền bồi thường hơn 10 triệu đô la khi bị thu hồi đất vườn cao su”) xuất hiện trên báo Người Việt , phát hành từ California, số ra ngày 27 tháng 4 năm 2009:
Nếu bỏ qua những chi tiết về vụ “cưỡng chế” mà tác giả Huy Đức cho
rằng đó là sự “ngay thẳng trong thực thi công vụ của chính quyền huyện
Bến Cát”, người ta nhận thấy, trong số 280 héc ta đất trồng cao su bị
thu hồi thì bà Hai Tâm có đến 185 héc ta.
Vậy nguồn gốc 185 hec ta đất cao su này có từ đâu và trị giá của nó là bao nhiêu?
...
Tóm tắt những thông tin trên cho thấy, năm 2001, do có “ai” đó mách
bảo, bà Hai Tâm cùng với 40 người khác đã “mua” mỗi héc ta đất với giá
50 triệu đồng Việt Nam . Năm 2006, mỗi hec ta đất này được “đền bù” 1 tỷ
đồng Việt Nam (tức hơn 60,000 đô la). Bà Hai Tâm hiện có 185 héc ta do
đó sẽ được bồi thường 185 tỷ đồng Việt Nam (tức hơn 10 triệu đô la), tuy
nhiên gia đình bà vẫn chưa đồng ý với giá đền bù đó, nên bị “cưỡng
chế”.
Lợi dụng chức quyền biết trước qui hoạch vùng đất nào sẽ được nhà
nước xây dựng cái gì, hay thông đồng với chính quyền để mua đất của nông
dân hoặc đất công của nhà nước với giá rẻ mạt sau đó chờ “dự án” mở ra
để được “đền bù” với số tiền gấp 10 -1000 lần giá mua, là thủ đoạn làm
giàu bất chính rất phổ biến ở Việt Nam, như tác giả Huy Đức cho biết:
“Trong số 40 người “dân” đứng tên trong các sổ đỏ ấy, có một số là
người nhà của quan chức địa phương; và, tới cuối năm 2008, tuy không
đứng tên quyền sử dụng đất ở An Tây, có người thân của Thủ tướng cũng
lên gặp chính quyền địa phương khiếu nại.
Dù bài báo của Huy Đức có ý khen chính quyền huyện Bến Cát, tỉnh Bình
Dương đã hành xử “ngay thẳng” trong việc “cưỡng chế” cả người thân của
Nguyễn Tấn Dũng, nhưng đây là một trong số rất ít tờ báo đã dám đưa ra
ánh sáng một phần tài sản của những người thân trong giới lãnh đạo chóp
bu ở Việt Nam, cũng như cách làm giàu bất chính của họ.
So với chị Hai Thủ Tướng thì con gái Bí Thư, rõ ràng, chỉ là
loại mèo nhỏ bắt chuột con. Chả bõ bèn gì, đâu có chi mà dư
luận mà phải râm ran hay rầm rĩ. Chính quyền địa phương, ở
khắp mọi nơi, đã nhất trí cách quản lý đất đai do nhân dân làm
chủ thế tự lâu rồi rồi - theo như cách tóm gọn của một công
dân Việt Nam trẻ tuổi, sinh viên Đỗ Thúy Hường:
Luật ngày càng rườm, dài. Nhưng “tim đen” của luật lại rất đơn giản. Nó
nằm ở nội hàm của từ “quản lý”... Chỉ bằng một câu viết trên giấy “Đất
đai (về hình thức) là sở hữu toàn dân, (nhưng thực chất) do nhà nước
toàn quyền quản lý”... Thế là, lập tức 50-60 triệu nông dân đang có
ruộng, phút chốc biến ngay thành tá điền của đảng.
Làm tá điền của Đảng (kính yêu) thì đã sao mà cả nước lại cứ rẫy nẩy lên, như đỉa phải vôi, như thế?
0 comments:
Post a Comment