Friday, August 1, 2014

Chu Vĩnh Khang, bài học cho những ai cản đường Tập Cận Bình


Báo chí chính thức Trung Quốc đồng loạt khen ngợi quyết định "nhốt hổ vào chuồng" (Tiger Caged) - REUTERS /Jason Lee Báo chí chính thức Trung Quốc đồng loạt khen ngợi quyết định “nhốt hổ vào chuồng” (Tiger Caged) – REUTERS /Jason Lee
Lê Vy
Thời sự tại Trung Quốc được các nhật báo ra ngày hôm nay quan tâm khá nhiều, từ thông báo của đảng Cộng sản Trung Quốc điều tra về Chu Vĩnh Khang vì những nghi vấn tham nhũng, đến cuộc tập trận chung đầu tiên với Mỹ (RIMPAC) và bạo động tại Tân Cương.
Báo chí Pháp bình luận sôi nổi về chiến dịch bài trừ tham nhũng của Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Thông qua vụ án về Chu Vĩnh Khang, nhật báo Le Monde nhận định, đây là một thành công cá nhân của Chủ tịch Tập Cận Bình, một bài học cho những ai có thể cản đường lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.
Nhật báo Le Monde nhắc lại tiểu sử của Chu Vĩnh Khang. Sinh năm 1942 tại nông thôn phía bắc Thượng Hải, ông Chu đậu vào học viện dầu hỏa Bắc Kinh vào năm 1961. Sau đó nổ ra cuộc Cách mạng Văn hóa và các trường đại học đóng cửa, nên ông được phân bổ làm kỹ thuật viên tại một khu vực khai thác dầu mỏ tại phía đông bắc Trung Quốc.
Chính tại đây, ông đã từng bước thăng tiến đến chức vụ giám đốc tập đoàn dầu hỏa Petrochina. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng tài nguyên vào năm 1998. Tiếp đến, ông lãnh đạo tỉnh Sơn Đông và chính tại đây, ông đã thành lập lãnh địa chính trị của mình, trước khi nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền trung ương Bắc Kinh.
Trong bài viết đề tựa : « Trung Quốc : thất bại nặng nề của con hổ Chu » trên nhật báo Le Figaro, tờ báo nhận định, khi triệt hạ cựu lãnh đạo ngành an ninh Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đang phô trương quyền lực của mình và khẳng định, quyền lực từ nay không bị phân tán, mà tập trung trong tay ông.
Ông Chu Vĩnh khang bị cáo buộc “vi phạm kỷ luật đảng nghiêm trọng”. Hồ sơ điều tra về ông Chu như một cú sấm sét, đến mức phá vỡ điều kiêng kỵ của chế độ Cộng sản Trung Quốc, đó là các cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc không bao giờ bị triệt hạ.
Một đòn cảnh cáo
Le Figaro nhận thấy, chính nhờ vào tài xử sự và các biện pháp mạnh tay đã đưa ông Chu lên nắm chức lãnh đạo ngành an ninh với sự tiến cử của ông Giang Trạch Dân. Đây là một chức vụ quan trọng, do ông Chu nắm trong tay các nguồn thông tin, các phương tiện trấn áp và chính điều đó đã trở thành mối đe dọa cho Chủ tịch Tập Cận Bình. Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi ông Chu Vĩnh Khang lại thân cận với ông Bạc Hy Lai, hoàng tử đỏ cũng đã bị hạ bệ vào năm ngoái và lãnh án chung thân vì tội tham nhũng. Do đó, kết cuộc của họ Bạc phần nào cũng ảnh hưởng đến số phận của « con hổ » Chu Vĩnh Khang.
Đồng thời theo La Croix, chiến dịch chống tham nhũng được xem là có mục đích chính trị. Việc tập trung mọi quyền lực trong tay Chủ tịch gây lo ngại cho giới trí thức trong nội bộ đảng vì nó « ngăn cản mọi viễn cảnh cải tổ chính trị ». Theo Jean-Luc Domenach, nghiên cứu gia tại Ceri (trung tâm nghiên cứu quốc tế), công chúng Trung Quốc đang lên án sự tàn bạo của cảnh sát. Để đáp lại yêu cầu của dân chúng, ông Tập đã làm suy yếu sức mạnh của ngành cảnh sát bằng cách hứa đóng các trại lao cải. Hạ bệ ông Chu cũng là cách làm hài lòng dân chúng.
Như đã biết, ông Chu Vĩnh Khang vốn là ông chủ trong ngành công nghiệp dầu hỏa. Vụ triệt hạ ông Chu đưa ra một thông điệp cảnh cáo với các nhóm lợi ích đang điều hành lãnh vực rằng ngành công nghiệp này vẫn phải nằm dưới sự quản lý của nhà nước.
Le Figaro cho biết, thất bại của ông Chu đang gây hoang mang, hoảng hốt cho các cán bộ quan chức Trung Quốc. Jean-Philippe Béja, giám đốc trung tâm nghiên cứu CNRS nhận định : « Ông Tập Cận Bình muốn cho thấy cả hỗ cũng không thoát. Vấn đề đặt ra là có những tên tuổi đầy quyền lực nào sắp tới sẽ cùng chung số phận như ông Chu ». Từ nhiều tháng nay, nhiều quan chức cấp cao đang lo sợ mình sẽ là nạn nhân của chiến dịch « bàn tay sạch ».
Le Figaro phân tích, chiến dịch diệt trừ « cả ruồi lẫn hỗ » của Chủ tịch Tập Cận Bình, một cụm từ mà ông mượn ý của Mao Trạch Đông, là một công cụ để lấy lòng dân, đồng thời làm suy yếu đối thủ tiềm tàng. Tuy nhiên, vụ hạ bệ ông Chu chỉ là một đòn cảnh cáo. Le Figaro nhấn mạnh, chiến dịch của ông Tập cũng đầy rủi ro. Giáo sư Joseph Cheng thuộc đại học Hồng Kông, dự đoán : « từ nay, ông Tập Cận Bình sẽ làm dịu tình hình, vì nếu ông đi quá xa, các đối thủ của ông có nguy cơ hợp lực với nhau để chống lại ông ». Là con trai của bạn Mao Trạch Đông, cho tới lúc này, ông Tập Cận Bình chưa động đến các hoàng tử đỏ. Ông Chu Vĩnh Khang là người có quyền lực, tham nhũng, không được lòng dân và không phải là hoàng tử đỏ.

0 comments:

Powered By Blogger