Tuesday, August 5, 2014

Ai nghe lén ai? Hay: Hài kịch “chống nghe lén” của đảng ta

Ai ra chế tài chặn nghe lén?

Gần đây báo lề đảng ầm ĩ vụ trên 14,000 thuê bao dùng smartphone Tàu bị ai đó nghe lén bằng phần mềm Tàu chạy trên các máy dùng hệ điều hành Android. Thậm chí hôm nay trên Vietnamnet còn có tin bộ trưởng 4T Nguyễn Bắc Sơn nói “Phải có chế tài để chặn nghe lén!...” Thấy lạ và tò mò (vì sao lại chưa có chế tài?) nên tôi vào xem kỹ hơn, và đây:

"Các văn bản quản lý phải hạn chế được tối đa việc cài đặt, sử dụng và kinh doanh phần mềm nghe lén, vì hiện tượng này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của ngành CNTT - Viễn thông", Bộ trưởng chỉ đạo. (Vietnamnet, 4/8/2014).

Chúng ta thấy gì qua một câu “chỉ đạo” của bộ trưởng 4T hay các chỉ đạo liên miên khác như thế của các bộ trưởng CSVN hiện nay?

Thứ nhất, chức năng của một bộ trưởng là lo hành pháp trong lĩnh vực của mình cho tốt trên cơ sở luật pháp hiện hành, nhưng ở đây ông Sơn lại lo chỉ đạo lập pháp phải thế này thế kia? Quản lý là quản trị bằng pháp lý, văn bản quản lý là văn bản pháp lý, là triển khai từ Hiến pháp/luật pháp mà ra, mục tiêu của luật pháp là gì thì mục tiêu của văn bản quản lý chỉ là và phải là thực hiện điều đó, làm sao người có nhiệm vụ hành pháp như một bộ trưởng lại có thể “chỉ đạo” cho văn bản quản lý phải thế nào được? Dù có là nơi cho ra các văn bản quản lý/pháp lý đó (vốn cũng đã sai chức năng) thì các bộ cũng không có quyền bắt các văn bản pháp lý (chế tài) phải thế này, thế khác, ngoài việc nó phải thực hiện mục đích của pháp luật. Nếu những cái “phải thế này, phải thế kia” đó của các bộ mà khác tinh thần Hiến pháp, luật pháp là các bộ đã phạm pháp đầu tiên, nguy hại nhất, khiến cả xã hội sẽ được điều hành theo các văn bản phạm pháp đó, theo cách làm phạm pháp đó!

Nếu câu “chỉ đạo” trên không phải của ông Sơn mà là của Quốc hội trước khi ra luật liên quan để chế tài việc nghe lén, thì mới đúng người, đúng việc. Như vậy, đầu tiên là bộ trưởng Sơn đã “đá nhầm sân”, đã đá ở sân trên - sân lập pháp - trong khi mình phải “đá” cho tốt ở sân dưới cơ - sân hành pháp.

Thứ hai, hiện nay luật về các hoạt động cho bộ 4T của ông Sơn có rồi (ví dụ, trong Hiến pháp đó là quyền bảo mật/bất xâm phạm thông tin cá nhân công dân trong nhóm các quyền công dân...), chỉ là phải hiểu nó, phải có văn bản quản lý/pháp lý cụ thể - tức phải diễn giải nó ra trong thực tế để áp dụng, thì đó không phải là việc của cả các cơ quan lập pháp và hành pháp nữa, mà là của tư pháp. Như vậy là ông Sơn đã “đá nhầm” sang sân tư pháp. Và đây là tình hình chung trong mọi lĩnh vực pháp lý, quản lý xã hội của chính quyền hiện nay. Nói cách khác, ngành tư pháp đã không làm việc của mình - không lo diễn giải cho đúng Hiến pháp và cả “rừng” pháp luật đang có và chỉ giám sát việc thực hiện theo diễn giải đúng của mình đó. Thế nên, ngày nay nước ta mới có một rừng luật như thế, có tất, nhưng chỉ “chơi” theo luật rừng, vì không có văn bản tư pháp diễn giải cụ thể chúng ra. Tại sao đơn giản thế mà đảng không làm được nhỉ? Có phải vì nếu diễn giải chi tiết ra hết các luật đã có để áp dụng thì đảng ta còn đâu chỗ để “chỉ đạo” nữa, vì chỉ đạo đó sẽ phải là: “Cứ theo pháp luật mà làm!”, và như thế điều 4HP mất thiêng ư? Không được!

Thứ ba, câu chỉ đạo trên thể hiện não trạng và phong cách “tao là luật” của các cán bộ ta hiện nay, và thể hiện cách chơi “chỉ theo luật rừng” của họ, bởi vì “tao viết luật” theo ý mình là tao “chơi theo ý mình”! Cuối cùng tác phong đặc thù đó của các cán bộ đảng, của toàn đảng đã vô hiệu hóa toàn bộ luật pháp, kê cao cái ghế Điều 4 HP để đảng ngồi trên pháp luật.

Thứ tư, nếu (giả sử thôi) bộ Tư pháp đã ra các chế tài chặn nghe lén trên cơ sở Hiến pháp (hoặc đã thông qua các chế tài đó do bộ 4T soạn thảo vì nó đúng tinh thần Hiến pháp và pháp luật hiện hành) thì mới biết chế tài đó cấm hay cho phép hành vi nghe lén trên điện thoại cá nhân công dân ở mức độ nào chứ, sao ông Sơn lại nói ngay là nó chỉ “hạn chế” hành vi đó thôi, trong khi có thể là cấm hoàn toàn? Cho nên, việc chỉ đạo nó phải “hạn chế tối đa” hành vi nghe lén thôi, tức là về nguyên tắc, “văn bản quản lý” mà ông Sơn chỉ đạo phải đưa ra đó là sai luật, cho phép được nghe lén cho một số trường hợp “tối thiểu” khác? Ông Sơn đâu có quyền đó, đó cũng là việc thuộc thẩm quyền Quốc hội mà thôi? Tâm lý “tao viết luật” nên “tao là luật”, “tao đẻ ra luật”, “tao định hướng luật” đó của bộ trưởng 4T và các bộ trưởng khác như vậy thể hiện quá rõ trong “chỉ đạo” trên, và nó là phạm pháp nghiêm trọng!

Thứ năm, ý cuối, chỉ đạo trên của ông bộ trưởng 4T về việc ra văn bản quản lý phải thế này, thế kia để quản lý hiện tượng nghe lén trên 14,000 công dân cũng chỉ là vì để “không ảnh hưởng đến uy tín của bộ 4T” như chính ông Sơn giải thích, chứng tỏ ông Sơn không quan tâm việc bảo vệ quyền lợi công dân bị xâm phạm hay tinh thần Hiến pháp, luật pháp bị bẻ cong, mà chỉ vì uy tín của bộ 4T của ông. Nói điều đó, dù ông Sơn không phạm pháp thô thiển khi bảo vệ uy tín của bộ mình như bốn ý trên, nhưng ông cũng đã vi phạm quy chế thành lập bộ 4T vì ông không lo cho mục tiêu của nó là phục vụ nhà nước, xã hội và nhân dân - các công dân, mà chỉ lo phục vụ... mình/nhóm mình. Rất tiếc, điều này cũng là đặc thù cho tất cả các cán bộ, các ngành khác của chế độ này - họ luôn đặt và chỉ đặt quyền lợi cá nhân và nhóm mình lên trên tất cả quyền lợi của đất nước, nhân dân mà quyền công dân không bị nghe lén là thiêng liêng và cơ bản.

Chỉ trong một câu ngắn của một kẻ đứng đầu một ngành quan trọng hàng đầu của nhà nước này mà đã thấy bao điều phạm pháp, rất hệ trọng nguy khốn cho đất nước trên, thì chúng ta đủ thấy chính quyền này chỉ ngồi trên pháp luật và làm tất cả chỉ vì bản thân nhóm cầm quyền, bất chấp pháp luật thế nào!

Nói thế, chỉ để chúng ta biết dù bộ 4T của ông Sơn có đưa ra chế tài chặn nghe lén (không đúng chức năng và phạm luật) thì vì những lý do trên, việc chặn nghe lén như thế cũng sẽ chẳng có tác dụng gì đâu, chỉ là trò diễn hài vụng về thô thiển của đảng thôi. Tôi tin, sắp tới sẽ không phải chỉ hơn 14,000 người mà cả triệu người VN vẫn sẽ bị nghe lén công khai, mà “uy tín” của bộ 4T vẫn vẹn toàn - vì với dân nó vốn đã là con số O tròn trĩnh, còn sứt mẻ vào đâu?

Và tôi xin chứng minh ý trên (về vở hài kịch “chống nghe lén” của đảng) ở phần sau.

Điểm qua lịch sử “nghe lén” ở nước Việt Nam cộng sản

Từ bé tôi ra đường luôn tập đọc, vì nhà thì thiếu sách, mà ngoài đường thì đầy ắp các câu khẩu hiệu. Tôi học thuộc hầu hết và vẫn nhớ câu này được viết sơn đỏ trên vách tường (trát bằng rơm trộn đất sét lên các ô tre nứa buộc lạt) khu nhà ở tập thể của chúng tôi: “Ở đây tai vách, mắt rừng...” Tôi đã rất tò mò tại sao vách có tai, rừng có mắt... Lớn lên chút nữa tôi mới hiểu vì ba tôi giải thích: “tai vách” là tai nghe rình mò của người khác sau bức vách, và “mắt rừng” là mắt của người khác đang nấp kín trong rừng theo dõi con đó, cho nên con phải hết sức cảnh giác không sẽ bị những tai-mắt xấu đó hại con...

Thế nên, tôi rất ghét và sợ những tai mắt luôn rình mò mọi người như thế. Nhưng trong đội thiếu niên, ở nhà trường, rồi sau là đoàn, là cả xã hội... luôn dậy dỗ và ép buộc chúng tôi làm những “tai-mắt” như thế đối với nhau, đối với người khác. Xã hội luôn khuyến khích và khen thưởng những đứa nào trong đám trẻ chúng tôi nghe lỏm hay nhìn thấy việc gì “bí mật” của người lớn và báo cáo lại cho chính quyền, cán bộ, thầy cô trong các cuộc họp, các cuộc tự kiểm điểm hàng tuần, hay báo cáo riêng càng tốt... Buồn cười và đau xót nhất là có thằng không nghe lỏm, nhìn trộm được ai, ra cuộc họp kiểm điểm “sinh hoạt đội” hàng tuần toàn “báo cáo” những gì nó nghe/nhìn trộm được về cha mẹ nó...

Nạn nghe lén, theo dõi, đọc thư trộm... ở mức độ có tổ chức “đoàn thể”, công khai và bắt buộc trên phạm vi toàn xã hội như thế đã thành đặc trưng quan trọng nhất của xã hội miền Bắc CS từ 1954 và cả nước từ 1975 (đỡ rùng rợn hơn, vì dân Nam không theo CS điên cuồng như dân Bắc).

Một ví dụ thật 100% về “tai-mắt” đó của đảng. Sau 1975, khi tôi đang là sinh viên ở Đông Âu rồi, một hôm cán bộ đại sứ xuống thành phố tôi có mấy chục sinh viên và nghiên cứu sinh, tổ chức họp “đơn vị”, tuyên bố kỷ luật đuổi về nước một anh đang làm luận án phó tiến sĩ (nay là TS) vì lý do: Sứ quán đã mở đọc thư vợ anh ấy gửi (qua đường sứ quán, vì anh mới về thành phố “đơn vị” chúng tôi) và Sứ quán biết được khi đang giảng dạy ở một trường đại học trong nước anh ấy đã cùng bạn bè khai gian để ăn gian chế độ bồi dưỡng trong nghiên cứu giảng dạy gì đó (vì họ đói quá) và nay vợ anh báo tin người bạn đã mang phần ăn gian được chia đó cho vợ anh để thêm chút vào nuôi con nhỏ, mẹ già. Sứ quán đã báo/gửi bức thư vợ anh gửi anh đó về lại trường anh, và họ đã đem vợ anh ra kỷ luật khai trừ đảng và cho “mất dạy” luôn (vì chị đã “đồng lõa, nhận tiền, đảng viên mà không tố chồng”) Nay đến lượt anh bị kỷ luật cũng với chứng cớ đó - lá thư của vợ mà anh chưa được nhận, nhưng “tai vách-mắt rừng” của đảng đã biết, lại quay sang... Vì anh ấy rất giỏi nên trường đó sau khi đuổi vợ còn tha chồng khỏi bị mất dạy, vì anh đã bị đuổi về nước không được làm tiến sĩ rồi, nhưng anh không dạy nữa, anh gửi con về quê rồi đưa vợ nhân vụ người Hoa chạy trốn sang Hồng Kông, rồi vài năm sau anh chị được nhập cư Canada. Cuối năm ngoái, anh về nước có vào Sài Gòn thăm tôi (chỉ vì tôi là thằng bé duy nhất năm xưa đã đứng lên phản đối vô vọng án kỷ luật đuổi anh về nước - lúc đó tôi là bí thư đoàn của “đơn vị” và việc bảo vệ anh đó đã khiến tôi phải nhận một án kỷ luật khác). Nhưng nhờ có “tai vách-mắt rừng” man rợ thế của đảng CSVN, Canada nhận được ba công dân xuất sắc và mẫu mực là anh chị và cháu bé mà anh chị đón sang hơn chục năm sau.

Nghe lén hôm nay ở Việt Nam (kết)

Nhân vụ “chế tài nghe lén” của 4T này, tôi mới nhớ một chuyện “nghe lén” khác nữa. Dăm năm trước, trong một cuộc gặp bạn bè, một thằng bạn tôi loại “rất phổi bò” đang là TGĐ một công ty NN lớn, chả thân thiết gì lắm nhưng nó luôn có nhu cầu chứng tỏ mình hơn tôi (vì khi cơ hàn nó “xách cặp” cho tôi?) hay hơn người đối diện, khoe: “Hôm nọ thằng em trai tôi làm bên an ninh chạy đến mắng tôi: “Anh ăn nói bỗ bã bạt mạng vừa vừa thôi, hôm nọ anh nói thế này... thế kia... đúng không? Tôi bảo: Sao mày biết? Nó nói, nó nghe lén được và nhận ra tôi! Nó nói, bọn an ninh chúng nó mới nhập rất nhiều thiết bị nghe lén ngon lắm, có thể nghe lén mọi âm thanh, nhất là điện thoại của bất kỳ ai trong phạm vi bán kính mấy cây số, mà thiết bị đó chỉ gọn nhẹ như cái va li, mang đi bất kỳ đâu rất tiện và kín đáo. An ninh tỉnh nào cũng có cả, Tp. HCM có hàng chục đơn vị có thiết bị này rồi. Anh phải cẩn thận khi nói chuyện điện thoại đấy! Chết oan như chơi!” Thằng “phổi bò” kể xong thì tự hào lắm, nốc khà khà mấy ly coniac, còn tôi giật mình: “Chết mẹ! Chúng nó có “chết oan” bao giờ đâu, nhưng dân thì chết thẳng cẳng rồi! Chẳng cần hệ thống “tai vách-mắt rừng” của đảng ngày xưa nữa!”

Hôm nay, lại thấy bộ trưởng 4T để ngỏ cái ngay cái cửa nghe lén của đảng bằng chỉ đạo văn bản pháp lý chỉ cần “hạn chế tối đa” nghe lén thôi, thì tôi thấy cái “tai vách-mắt rừng” của đảng CS mà ba tôi đã dặn phải cảnh giác cao độ đó, đã lên đến cấp độ siêu cao, siêu hiện đại và siêu hiệu quả, cũng là siêu vi phạm nhân quyền rồi! Đúng là hơn 14,000 thuê bao bị nghe lén có là cái chi, chỉ là trò trẻ con. Sự thực là cả 90 triệu người Việt đều đang bị đảng nghe lén có hệ thống, hay có thể bị đảng nghe lén bất cứ lúc nào, ở đâu đảng muốn, mới là cái dân ta cần đối diện.

Sao lại cả 90 triệu nhỉ? Phải trừ ra hơn 3 triệu đảng viên chứ? Không, hơn 3 triệu đảng viên cũng là đối tượng hàng đầu đảng muốn nghe lén đó, chả kém gì các bác “thế lực thù địch” đâu nhé! Bởi “thù địch” thì hé ra bắt liền có chế tài pháp lý 79, 88, 258... phủ kín rồi, hay thậm chí đảng dùng nghe lén để tạo lý do bắt khó gì, và họ đâu có nghe lén đảng được! Nhưng các đồng chí đảng viên thì... họ cũng có máy nghe lén ngon như ta cả, họ cũng nghe lén ta thì sao? Chế tài nào bắt đảng va đảng viên nghe lén? Nên phải nghe lén đảng viên kỹ càng hơn, để còn... thương lượng ăn chia với nhau!

Ăn chia cái gì nhỉ? Ăn chia cái số phận nô lệ kép trong hiện tại và tương lai của dân tộc, đất nước Việt Nam?!

0 comments:

Powered By Blogger