Thursday, May 15, 2014

Hãy nên là những cuộc biểu tình ôn hòa

Trong tinh thần chống đối những hành động ngang ngược của Bắc Kinh, những cuộc biểu tình đã và đang dồn dập diễn ra trước và sau đó kể khi lời kêu gọi xuống đường “ôn hòa” của 20 tổ chức dân sự khơi mào và lan rộng.

Kinh nghiệm lịch sử qua những cuộc đấu tranh cho thấy là không phải chỉ nhờ vào vũ lực, bạo động mới đạt được thắng lợi. Tất cả còn tùy thuộc vào tình hình, hoàn cảnh, thời đại, và xã hội. Như trường hợp của nhà đấu tranh bất động Mohandas Karamchand Gandhi, chính là người đã giải thoát dân Ấn Độ khỏi sức mạnh Anh Quốc vốn đã cai trị họ từ lâu.

Những hình ảnh biểu tình ôn hòa chống đối nhà cầm quyền Anh Quốc trên đất nước Ấn Độ, khiến cho một số người bất bình cho là nhu nhược khi đoàn kỵ sĩ Anh Quốc phóng vào, chà đạp những người biểu tình đang ngồi bất động, chịu đòn. Tuy thế, những hình ảnh đó đã là những sức mạnh tiềm ẩn, đánh mạnh vào lương tâm của những nhà lãnh đạo thế giới, ngay cả những phe tả và hữu trong Quốc hội Vương Quốc Anh. Kết quả là, dân Ấn Độ đã giành được độc lập, quyền tự chủ, và một đất nước không bị sứt mẻ vì những cuộc bạo động tàn phá những công trình, dinh thự, hãng xưởng của những người Anh Quốc phải để lại. Đây cũng là những hy sinh vì lòng yêu nước của toàn dân Ấn Độ trong những cuộc biểu tình ôn hòa trước sức mạnh dễ dàng áp đảo của Anh Quốc. Nhưng điều sẽ xảy ra nếu những người dân Ấn Độ quyết chống đối bằng những cuộc biểu tình bạo động? Chắc chắn là sẽ có hàng vạn thây người trên những vũng máu, và nhất là cuộc đấu tranh đó sẽ mau chóng bị tiêu diệt. Và chính quyền Anh Quốc vẫn nắm quyền cai trị Ấn Độ với chính sách an dân, ban thêm chút quyền lợi cho quần chúng. Tất cả rồi cũng sẽ trở lại một trật tự trước đó dưới quyền Anh Quốc.

Nhân dân Việt Nam hôm nay đang bị kẹp giữa hai thế lực Việt cộng và Trung cộng: trong và ngoài. Vì vậy, mọi hành động trong những cuộc biểu tình bạo động dễ dàng đưa đến sự tiêu diệt. Và nhất là chính những hành động đó đã vô tình tàn phá đất nước của chính những người Việt chúng ta. Vì sự bạo động chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại qua những lần đập phá hãng xưởng Trung Quốc, mà nó có thể lan rộng một cách vô ý thức đến những cửa hàng buôn bán nhỏ của người Hoa-Việt, và thậm chí của những người Việt bởi một số người bất hảo lợi dụng cơ hội để hôi của, cướp phá. Và nhất là lồng trong đó một ý đồ chính trị rất đáng ngại của phe phía ủng hộ ngoại bang Trung cộng hầu đưa đất nước đến bờ vực diệt vong và nô lệ vì lợi ích vị kỷ cho riêng tập đoàn chính trị của họ. Họ chính là thế lực Việt cộng tự xưng là Đảng Cộng sản Việt Nam. Một phe nhóm chính trị duy nhất, độc tài toàn trị đang từng bước tìm cơ hội thực hiện cái gọi là “cộng sản quốc tế hóa” Việt Nam theo Chính sánh Hán hóa Bành trướng của Trung cộng.

Vì thế, mong rằng những cuộc biểu tình của công nhân ở mọi khu vực khác nhau, hay bất cứ những cuộc biểu tình tự khởi nào khác: Hãy nên là những cuộc biểu tình ôn hòa.

- Không nên tạo ra bất kỳ cơ hội nào để bị đàn áp có lý do chính đáng theo luật pháp, và công luận.

- Không nên tự tàn phá chính đất nước mình một cách vô ý thức, vô trách nhiệm, và vị kỷ.

- Cần tạo thêm sự đồng cảm của mọi tầng lớp xã hội, bao gồm những thương nghiệp lớn nhỏ hay những người buôn bán gánh bưng khi họ cảm thấy được sự an ninh, và quyền lợi không bị xâm phạm.

- Cần có được nhiều ấn tượng tốt đẹp hơn trong sự ủng hộ nhiều hơn của những đoàn thể, tổ chức quốc tế thuộc cả phe tả lẫn phe hữu.

- Vì chúng ta mong mỏi cuộc biểu tình mạnh mẽ hơn với sự đóng góp của đại đa số người dân trừ khi họ cảm thấy an toàn hơn trong cuộc biểu tình ôn hòa trên quy mô toàn quốc.

- Vì chúng ta hy vọng cuộc biểu tình sẽ được tiếp diễn lâu dài hơn mà không gây thiệt hại trầm trọng nền kinh tế đất nước hay bất kỳ quyền lợi cá nhân nào của mọi tầng lớp xã hội.

Cuộc đấu tranh còn dài, vì vậy chúng ta càng nên tạo ra một hình ảnh tốt đẹp trong lòng mọi người dân Việt, mọi người dân thế giới, ngay cả mọi người dân trong chế độ Cộng sản hoặc bất kỳ chế độ Dân chủ hay Cộng hòa giả hiệu nào.


0 comments:

Powered By Blogger