Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 5 tháng 12, 2013
Làm công tác nhân đạo hay không ở Việt Nam là đề tài tạo bất
đồng râm ran trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Người thì cho rằng làm việc
nhân đạo là tiếp tay duy trì chế độ gây ra các vấn nạn xã hội. Người lại nghĩ rằng
đồng bào khốn khổ thì phải giúp đỡ vì trách nhiệm lương tâm.
Thực ra hai cách nhìn không loại trừ nhau.
Cứu người găp nạn là trách nhiệm nhân bản giữa người với người,
chứ đừng nói giữa đồng bào với nhau. Nhưng đối với các vấn nạn xã hội mang tính
cách hệ thống chúng ta không thể dừng ở hoạt động nhân đạo. Lấy nạn buôn người
làm ví dụ. Nó xảy ra khắp nơi, từ nông thôn đến thị thành, từ Bắc xuống Nam, từ
đồng bằng đến thượng du. Thủ phạm là những cá nhân bất lương hoạt động cá lẻ, mà
cũng là các công ty quốc doanh xuất cảng hàng chục nghìn người lao động mỗi năm
dưới ô dù của cơ quan chính quyền.
Từ 1999 đến nay BPSOS đã giải cứu và giúp đỡ khoảng 4 nghìn đồng
bào bị buôn làm nô lệ (và trên một nghìn nạn nhân thuộc các nước khác). Đó là hoạt động nhân đạo. Con số nghe nhiều nhưng chẳng
thấm vào đâu vì cứ một người được cứu thì thêm nghìn người nữa mắc nạn, chẳng
khác nào bôi thuốc đỏ cho con bệnh trầm kha. Dừng ở hoạt động nhân đạo thì tệ
trạng sẽ ngày thêm trầm trọng và càng lan rộng.
Muốn trị tận gốc một vấn nạn xã hội mang tính hệ thống, nhất
thiết phải cùng lúc tác động đến chính sách và huy động quần chúng nhập cuộc.
Ở thượng tầng, chúng ta cần tranh đấu để chính sách và luật
pháp công nhận những nhân quyền liên hệ như là những nguyên tắc phổ cập áp dụng
đồng đều khắp xã hội. Trong lĩnh vực buôn người thì đó là quyền thụ hưởng thành
quả lao động; quyền bất khả xâm phạm thân thể -- không ai có quyền giam giữ, đánh
đập, hành hạ mình như nô lệ; quyền đòi công lý đối với thủ phạm đã lường gạt, bóc
lột mình... Chính vì những quyền này không được công nhận nên chúng đã bị vi phạm
trên toàn xã hội một cách vô tội vạ.
Để thay đổi chính sách, năm 2008 BPSOS đồng sáng lập Liên
Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu (CAMSA). CAMSA đã huy động áp lực quốc tế, nhất
là Hoa Kỳ, để Việt Nam phải thông qua luật chống buôn người và ký hiệp định thư
LHQ về chống buôn người trong năm 2011. Khung luật mới này công nhận những quyền
con người kể trên như những nguyên tắc phổ cập áp dụng toàn xã hội.
Nhưng thay đổi chính sách không, chưa đủ. Ở hạ tầng mọi thành
phần xã hội phải nhập cuộc thì mới ngăn chặn và rồi đẩy lùi được sự tràn lan của
nạn buôn người. Nghĩa là chúng ta cần giúp người dân khắp nơi tập hợp lại để cùng
giải quyết vấn nạn. Bởi vậy Liên Minh CAMSA chủ trương yểm trợ các tổ chức tôn
giáo ở trong nước hoạt động chống buôn người. Một môi trường mà người dân tự động
tập hợp, tổ chức với nhau để hoạt động từ thiện hay giải quyết các vấn đề xã hội
như vậy được gọi là xã hội công dân; một xã hội công dân phát triển là nền móng
cho dân chủ.
Vì sợ dân chủ, chính quyền Việt Nam cấm tiệt không cho người
dân nhập cuộc. Nhưng họ lại cho một vài tổ chức ở hải ngoại vào trong nước hoạt
động chống buôn người với điều kiện: không được đụng đến nạn buôn lao động vì ảnh
hưởng chương trình xuất khẩu lao động của nhà nước, chỉ được hoạt động trong phạm
vi địa dư chỉ định, và phải nép mình dưới sự kiểm soát của các tổ chức ngoại vi
của đảng cộng sản, như Hội Phụ Nữ. Trong khi đó các tổ chức tôn giáo ở trong nước
có tầm vóc và tiềm lực, sẵn sàng nhập cuộc thì bị áp chế và cấm cản. Nhà nước
chỉ vờ vĩnh để qua mắt thế giới.
Tóm lại, trong hoàn cảnh Việt Nam, chúng ta không thể chỉ hoạt
động nhân đạo mà còn phải tranh đấu nhân quyền và dân chủ nếu muốn giải trừ sự
thống khổ cho dân và mối nguy cho xã hội. Biết vậy, nhưng người ta lại có thể lập
luận rằng “tôi chỉ chọn làm việc này, để các việc kia cho ai khác”. Ai cũng nói
vậy thì mọi người sẽ chỉ làm đúng một việc: cứu trợ nhân đạo vì nó quen thuộc,
dễ dàng và thuận tiện nhất. Đây là tình trạng bất cập phải vượt qua nếu muốn giải
quyết vấn đề từ ngọn đến gốc.
Và chúng tôi đang làm cả ba: nhân đạo, nhân quyền và dân chủ.
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2762
0 comments:
Post a Comment