Sunday, November 17, 2013

Tiếc Thương Một Thuở Thanh Bình


Tôi là một người ưa đọc sách, mỗi đêm trước khi đi ngủ, tôi phải đọc sách, đó là một thói quen của tôi từ bao nhiêu năm nay. Những sách tôi đọc không ướt at, ủy mị như tiểu thuyết Quỳnh Giao, hay các cuốn tiểu thuyết diễm tình, mà là những cuốn sách bình luận, hồi ký, quê hương khá khô khan, đọc xong phải bận tâm suy nghĩ về vấn để cuốn sách vừa đọc xong. Tôi thích nhất là những cuốn sách viết về đệ nhất Cộng Hòa và Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Mỗi lần gặp được cuốn sách viết về Tổng Thống Ngô Đình Diệm, lập tức tôi mua về đọc ngay, mày mắn gặp được tác giả có lương tâm của người cầm bút viết lên những sự thật thì tôi đọc say sưa, quên ăn quên ngủ, dù biết thức khuya, sáng thức dây sẽ bị nhức đầu tôi vẫn miệt mài đọc, vừa đọc vừa cảm động, bồi hồi trước tấm lòng yêu nước thương dân của Tổng Thống, đôi lúc nước mắt lại ứa ra khi nghĩ đến cái chết đau thương, thê thảm của Tổng Thống do bè lũ tướng lãnh Việt Nam Cộng Hoà phản bội gây ra. Chẳng may gặp cuốn sách mà tác giả thuộc thành phần bất mãn Tổng Thống, viết nhăng viết cuội theo thành kiến của mình chứ không dựa trên sự thật thì tôi vội dàng vất cuốn sách xuống sàn nhà ngay bởi vì chỉ đọc đôi dòng là biết trước "giá trị" của nó rồi. Khi Tổng Thống từ Mỹ trở về quê hương để gánh vác việc nước trong tình trạng khó khăn theo lời yêu cầu của vua Bảo Đại vào năm 1954 thì tôi chỉ là đứa bé hơn ba tuổi, đương nhiên là chẳng biết gì. Thế nhưng từ từ theo năm tháng mà lớn lên thì tôi biết được giá trị của đời sống lúc đó. Thiên Chúa ban cho tôi có một trí nhớ rất dai, khi tôi ở độ tuổi lên năm, sáu , tôi đã nhớ những gì đã xảy ra, nhớ rất rõ ràng chi tiết, cho đến ngày hôm nay thời gian hơn năm chục năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ. Vào năm 1957 ba tôi thuyên chuyển vào tỉnh Pleiku bởi vì ba tôi là một quân nhân, Sĩ quan ngành Truyền tin .Gia đình tôi sống trong một căn nhà thuê của một dãy nhà có khoảng chục căn xây gạch lợp tôn, lúc đó thành phố Pleiku rất hoang vắng, it dân cư, phố xá rời rạc chưa sầm uất. Đối diện bên kia đường là rừng thông chạy dài mênh mông. Duới rặng thông có một cái nhà vách bằng tôn, mái lợp tôn chia ra nhiều căn, gọi là cái láng thì đúng hơn. . Nơi đây có rất nhiều người Thượng ở, gia đình có, độc thân có: Họ từ núi rừng xa xăm về đây để tránh sự quấy rối của Việt cộng theo lời kêu gọi của chính phủ . Chính phủ chi tiền hàng ngày cho từng người để họ sinh hoạt, một số gia đình thì cũng tìm bắt chuột, rắn về làm mắm, bỏ trong ống tre để dành cho vợ con ăn thêm. Dì giúp việc cho gia đình tôi là dì Đinh, dẫn hai đứa con, một trai một gái lớn hơn chị em tôi cả chín, mười tuổi từ Huế theo chúng tôi vào đây. Tôi nhớ mỗi lần sau cơn mưa độ một, hai ngày thì dì Đinh dẫn cả " bầy lâu la" chúng tôi qua rừng thông bên kia đường, lần ra phía sau láng trại của đồng bào Thuợng để tìm nấm mối, dì Định lấy tay bươi, tém lá thông khô nằm đầy dưới gốc cây qua một bên để tìm những tai nấm vừa nhú lên cao chừng một lóng tay. Chúng tôi đi từ gốc thông này đến gốc thông kia, chỉ chừng một tiếng đồng hồ thì đã đầy cái rỗ lớn mang theo. Cuộc sống của người dân cả kinh lẫn thượng cứ êm đềm trôi, không biết chiến tranh là gi. Lúc đó chúng tôi cả thảy bốn chị em, tôi thứ nhì, lương cấp úy của ba tôi dư giả nuôi một vợ bốn con, lại còn nuôi thêm ba mẹ con của dì Đinh nữa. Ở Pleiku một năm, vì nhớ Huế quá nên ba tôi xin đổi về lại quê hương, năm sau, tức nam 1958 cả gia đình về lại Huế bằng xe nhà binh, một GMC chở đồ đạc, một chiếc chở người, ba tôi và mấy chú lính đi xe Jeep. Chúng tôi đi kiểu đi du lịch, không vội vàng, dọc đường gặp cảnh đẹp thì ngưng xe lại ăn uống ngắm cảnh, khi xe chạy ngang mấy khu rừng, ba tôi cho xe và mọi người nghỉ, rồi ba tôi rủ mấy chú lính vác súng đi vào sâu để tìm bắn gà lôi, có khi chúng tôi ngủ ngay trong rừng, giăng trại để ngủ. Thời gian này chúng tôi không biết có Việt Cộng, không biết đến hai chữ Việt Cộng, đất nước thật êm ả , dọc hai bên đường cây cối xanh tươi, dân chúng an cư lạc nghiệp, sống trong cảnh thanh bình. Cứ vừa đi vừa nghỉ hơn một tuần chúng tôi mới về đến Huế. Chúng tôi đến tuổi đi học, ngày hai buổi đi về, cuộc sống vô tư, êm đềm như mặt nước hồ thu. Vật giá rất rẽ so với đồng lương công chức , nhất là đồ ăn thức uống, trong chín năm trời của nền để nhất Cộng Hòa, vật giá ổn định, không lên giá, với đồng lương của ba tôi, cộng thêm tiền bán mấy con heo mẹ tôi nuôi trong cái chuồng nhỏ phía sau vườn để lấy phân bón mấy gốc cây xoài, đào, ổi, cam, chanh, sabochê trong vườn nhà, hàng năm mẹ tôi cũng mua được mấy lượng vàng lá Kim Thành để dành trong tủ. Thức ăn chính của người dân là gạo, lúc ấy giá rất rẻ so với đồng lương và cứ giữ giá ấy mãi trong chín năm, vì vậy dân chúng sống rất vui vẻ , không lo lắng gì cả. Ở Huế không xé tiền giấy để mua sắm tiêu xài như ở Sài Gòn nhưng có tiêu xài bằng tiền cắc, tiền xu, là những đơn vị rất nhỏ của tiền tệ. Một đồng tiền năm cắc có thể mua hai ổ bánh mì lớn nóng hổi vừa ra lò, vì vậy mỗi khi trời mưa, trời lành lạnh, ba tôi thường sai chị Tuyết giúp việc đến lò bánh mì gần nhà mua mì nóng về ăn khuya, chỉ mấy đồng ba tôi đưa, chị Tuyết mang về cả chục ổ bánh mì giòn đủ cho cả nhà ăn. . Sáng đi học, mẹ tôi móc túi lấy ra tiền xu tròn cho chị em tôi mỗi đứa một cái, chúng tôi mua kẹo hay bánh hoặc cây kem. Theo trí nhớ của tôi và cũng nhận xét của nhiều người lớn trong họ hàng thì khoảng thời gian trong chín năm Ngô Tổng Thống chấp chính, đời sống người dân rất thoải mái, vô tư, không lo âu, hồi hộp,về nạn giá cả cứ tăng từng ngày như thời đệ nhị Cộng Hoà, va tệ hơn nữa là thời gian Việt Cộng cưỡng chiếm miền Nam và trải dài cho đến ngày hôm  nay. Trong lòng tôi luôn hối tiếc khoảng thời gian chín năm của Ngô Tổng Thống, ôi! cuộc sống vui vẻ làm sao. Cứ mỗi tháng một lần, ba tôi mượn những phim tài liệu Việt Nam về chiếu cho bà con trong xóm đến xem, nhờ vậy tôi mới biết phim "Ánh sáng Miền Nam",  "Tôi muốn sống" từ đó sự tàn ác của Việt Cộng trong Cải Cách ruộng đất ở miền Bắc làm cho tôi sợ Việt Cộng vô cùng mặc dù lúc đó chưa biết Việt Cộng là gì, ba tôi dựng tấm màng ngay tại sân nhà tôi, có hàng trăm người lớn nhỏ đến xem, coi phim khỏi tốn tiền, mẹ tôi còn đem bánh kẹo ra chia cho trẻ con nên ai cũng thích cả, , có điều là họ đạp nát mấy cây con mà mẹ tôi vừa mới trồng làm mẹ tôi "than thở" quá sức!. Về mùa hè khí hậu rất nóng, mỗi khi gió Lào thổi về là nóng khủng khiếp, sảy nổi đầy người rất khó chịu nên cuối tuần ba tôi thường đưa cả gia đình về bãi biển Thuận An cắm trại, mang theo soang nồi, bếp gas để nấu ăn tại nơi ấy luôn. Mua được cá rất tươi tại chợ nên có những bữa ăn ngon lành; Chúng tôi cứ tắm biển rồi lên trại ăn uống, rồi lại tắm, chơi cho đến tối Chúa nhật mới nhổ trại ra về. Không chỉ gia đình tôi mà hầu như mọi nhà trên thành phố đều đổ xô về bãi biển Thuận An cắm trại cuối tuần nên bãi biển rộng mênh mông mà không còn một chỗ trống, chỉ lều và lều, vì vậy ba tôi phải treo một vật gì trên nóc lều để làm dấu hiệu để về trại cho đúng không thôi chui nhằm vào trại người ta. Lúc đó đời sống sao an nhàn, vui vẻ quá! Những ngày thường, nếu nóng quá thì ba tôi bảo mẹ tôi bới theo đồ ăn thức uống của buổi ăn tối, chở cả nhà về Thuận An, ngồi trên bờ phía bên nầy, nơi có nhà nghỉ mát làm bằng tre nứa của ông Ngô Đình Cẩn. Trải chiếu dọn cơm ra ăn, gió mát ăn cơm thật ngon miệng! Nhà tôi ở An Cựu, nằm giữa cầu An Cựu và nghẹo Giằng Xây, gần Cung An Định của vua Bảo Đại, từ nhà tôi đi về hướng chợ, qua khỏi cầu, quẹo trái, đi một đoạn ngắn thì đến Cung An Định. Có thời gian binh lính và cán bộ Việt Cộng kéo nhau về chiêu hồi rất nhiều, chính quyền Huế phai cất một cái láng dài một bên sân của Cung An Định cho họ ở , mỗi lần nghe có Việt Cộng về chiêu hồi thì tôi cũng mấy đứa ở gần nhà chạy tới đó để coi mặt Việt Cộng; Chúng tôi đứng từ xa lấm lét nhìn chứ không dám tới gần vì nghĩ đến Việt Cộng là sợ xanh mặt. Khoảng thời gian chín năm dưới quyền chấp chính của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã gây một ấn tượng tốt trong lòng tôi tuy lúc đó tuổi tôi còn nhỏ, với lại nghe ba mẹ tôi so sánh đời sống của người dân dưới thời này thời kia cũng làm cho tôi nhập tâm. Một cô bé chỉ hơn mười hai tuổi đã biết khóc khi nghe tin Ngô Tổng Thống bị bè lũ tướng lãnh vô lương tâm sát hại; Và hình ảnh của Tổng Thông Ngô Đình Diệm đã nằm sâu vào tâm khảm tôi mãi mãi .

Tiếc ThươngNén hương lòng con dâng tổng thống
Người một lòng vì nước vì dân
Dòng họ Ngô một lòng trung liệt
Sống vì dân, chết cũng vì dân
Ngày Người đi con còn nhỏ lắm
Nhưng biết buồn, biết khóc tiếc thương.
Ngô tổng thống tên Người bất diệt
Dân miền Nam luôn nhớ tên Người
Chín năm trời Người đem no ấm
Cho dân Nam sung túc, thanh bình
Người một lòng nặng gánh non sông
Quyết  dung xây miền nam tươi thắm
Năm mươi năm trôi qua rồi đó
Thời gian dài nhưng chẳng phôi phai
Lòng dân Nam tiếc thương tổng thống
Người anh hùng vị quốc vong thân.

Nguyễn  Ánh

0 comments:

Powered By Blogger