Sunday, November 24, 2013

''NHÀ THƯƠNG'' TRỞ THÀNH ''NHÀ GHÉT'' CỦA ĐỈNH CAO TRÍ TUỆ

''NHÀ THƯƠNG'' TRỞ THÀNH ''NHÀ GHÉT''
CỦA ĐỈNH CAO TRÍ TUỆ
NHỮNG NGÀY NẰM BỆNH VIỆN
Tự nhiên bụng đau quằn quại, vội chở đi viện. Vào gấp phòng cấp cứu bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Mới nhìn đã chết khiếp. Chỗ thì băng đầu, chỗ thì thở thoi thóp, chỗ thì…băng mũi, băng tay mà mồm chửi đổng: “ Tao đ…chữa nữa, cho chết luôn, thằng vô sau thì chữa trước, thằng vô trước thì chữa sau. Thế là thế nào!”…chẳng biết đâu mà lần.
Ông bác sỹ, gọi thế là tôn trọng, thực ra rất trẻ, tầm gần bốn chục tuổi là cùng, hỏi bệnh tình của mình rồi nhăn nhó: “Các ông nhậu cho lắm vào rồi đổ bệnh. Có bệnh lại chủ quan, đau sơ sơ không chịu đi khám, đến lúc đổ nặng mới chịu vào làm khổ chúng tôi, không khéo là…” Quả thực hồi chưa hưu, cũng như bao cơ quan khác, dính nhiều “ độ” nhậu. Nhưng, từ khi về hưu đến giờ, giảm hẳn. Thậm chí bạn mời chí thiết cũng kiếm cớ chuồn. Thế mà làm sao lại bị bệnh nặng thế này? Cũng ông bác sỹ, tuổi còn trẻ, giải thích: “Khổ lắm ông ạ! Bệnh của ông tích từ hồi mới nhậu ấy, giờ mới phát.” Nghe nói vậy, mình giật mình, bạn bè, có đứa ít tuổi hơn mình, mà “đi” nhiều, toàn chứng bệnh, mà ông bác sỹ còn ít tuổi trả lời thẳng tưng: “Nhậu cả đấy! Nói có ai thèm nghe đâu!” Thôi, nếu có ai đọc bài này của mình, đang ham nhậu, nên dè chừng.
Vào bệnh viện, đêm đầu tiên vào khoa nội - tiêu hóa, bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, mình phải nằm chung với một bệnh nhân, mà không biết nên tả thế nào! Nét mặt khắc khổ thường thấy của một nông dân suốt đời chân lấm, tay bùn, ăn một tô mì ăn liền mà mì rơi vung vãi, vào toa lét không biết sử dụng, tương hết lên bồn cầu, thối um. Cũng không biết ông ấy đau bệnh gì, mặt lúc nào cũng nhăn nhó, nếu ngừng nhăn nhó thì khạc nhổ, khạc nhổ từ nền nhà ra cửa sổ, ai nhắc cũng mặc kệ. Vì chung giường nên khi nằm mình và ông ấy chổng mông vào mặt nhau. Chiếc quần đùi ướt nhèm, mùi rất hôi của ông ấy, khốn nạn, cứ dí thẳng vào mặt mình. Không còn con đường nào khác, mặc dù rất mệt, mình phải ngồi dậy, thức gần như trắng đêm. Đến hôm sau, may phòng yêu cầu còn thừa một giường mình xin sang đó. Phòng yêu cầu người bệnh được nằm một mình, một giường, nhưng phải trả tiền. Nằm ở phòng yêu cầu có thỏa mái hơn, nhưng khổ nhất là chuyện đi vệ sinh, năm người mới có một phòng vệ sinh kiêm luôn cả phòng tắm. Mỗi bệnh nhân thường có một, hai người gia đình đi theo để chăm sóc thế là phòng vệ sinh kia, đâu có phải dùng cho năm người bệnh, mà cả chục người thay nhau, đã vậy thỉnh thoảng lại có người đi bên ngoài, chạy vào xin “ đi” nhờ. Thế là đợi, là chờ. Người ngoài giục, người trong chửi, đúng là thảm cảnh. Sau này, người hơi khỏe một chút, mình đi dạo quanh bệnh viện qua cả khoa U bướu, khoa ngoại… mới biết rằng mình nằm như vậy là quá sướng. Vì như khoa U bướu, rất đông bệnh nhân, có khi người ta phải ghép hai giường lại để năm bệnh nhân nằm, bệnh nhân nằm ra cả ngoài hành lang. Cứ tối đến trước cửa phòng hồi sức cấp cứu của khoa Nội, thực trông không khác gì cảnh dân chạy lụt. Người nằm, kẻ ngồi, người ngủ ở ghế, kẻ thức ở cầu thang, người khóc, kẻ than…Nhiều lúc mình nghĩ: giá như những khoản tiền lớn đầu tư một cách thậm vô lý vào những tổng công ty lớn nhà nước như Vinashin, Vinalines. EVN, than, xi măng… để rồi bị thất thoát do tham ô không có cách gì thu hồi lại được. Nhà nước, lãnh đạo tỉnh táo, có tâm vì dân, đừng vì lợi ích nhóm, nói đúng với làm, đầu tư khoản tiền đó vào y tế có phải tốt biết bao nhiêu!!!
Điều ao ước đó của mình, của nhiều người, với thực trạng này khác nào “ vớt trăng dưới nước”, nói nhiều, kể cả ra quốc hội cũng chỉ “nước đổ lá khoai”. Tiền lớn cứ mất, còn bệnh viện quá tải vì người bệnh đông, người bệnh cứ kêu…
Có nằm viện mời thấy bác sỹ, y tá của những bệnh viện lớn quá vất vả. Bệnh của mình nằm cả hai khoa Nội và Ngoại của bệnh viện đa khoa Đà Nẵng nên có điều kiện nhìn nhận tương đối rõ. Ở khoa nội trong phòng hồi sức cấp cứu, không hôm nào là không có người “tự nguyện” làm lính “diêm vương”. Băng ca chở bệnh nhân nặng hết ra lại vào. Đứng quan sát một lúc thấy chóng cả mặt. Bác sỹ, hộ lý nét nặt ai nấy căng thẳng, mồ hôi đổ giọt cũng không buồn lau, nhưng đồng lương chẳng có bao nhiêu. Mình hỏi lương một y tá chính, thấp đến độ không tưởng. Chỉ hơn hai triệu, một tháng, tiền bồi dưỡng, nếu có thêm cũng chỉ hơn một triệu. Nghĩa là cộng tất tần tận lương với thưởng, một ý tá chính của một bệnh viện lớn, chỉ gần năm triệu. Nhìn công việc làm của những y tá này, mình khiếp đảm. Một y tá trực phải thay băng, tiêm, phát thuốc cho mấy chục bệnh nhân cho hai buổi, trong một ngày. Đã vậy, tiếp xúc với bệnh nhân, nếu bệnh nhẹ không sao, gặp phải bệnh nặng, vệ sinh ngay tại chỗ hoặc như vết thương quá nặng, hoại tử, rất hôi, người nhà bệnh nhân không hiểu chửi mắng, vẫn phải làm. Còn bác sỹ trưởng khoa, trong buổi sáng phải khám cho bệnh nhân cỡ cũng gần một trăm, mình tế nhị hỏi lương, một vị bác sỹ cười: “… đủ uống cà phê sữa và đổ xăng”.
Cứ mức lương như thế, đãi ngộ như thế mà bảo ngành y đừng có tiêu cực mới là lạ!!!
Mình lại nghĩ sao thực tế có quá nhiều chuyện vô lý. Bệnh viện thì chật nhưng các trụ sở ban đảng thì to, như ở Đà Nẵng xem những nhà khách thuộc ban đảng ở ngã tư Trần Phú – Quang Trung hoặc đầu đường Bạch Đằng, to vật vã, ô tô sang nhiều. Xây to thế để làm gì? Ô tô sang, số lượng nhiều để làm gì trong khi năm thì mười họa mới có những hội nghị, hội thảo!!! Những ngày không có hội thảo, hội nghị chắc dùng trụ sở làm khách sạn để kinh doanh kiếm tiền! Tiền này có dành đầu tư cho y tế không? Lại nữa, các ban đảng như ban kiểm tra, ban thi đua, tuyên giáo, bảo vệ chính trị nội bộ của đảng, thành ủy, tỉnh ủy… có trụ sở rất to, ô tô sang, trong những ban, thành, tỉnh của đảng có bao nhiêu là người, tính ra cả chục vạn, chỉ đến cơ quan ăn lương, lương không hề thấp, có khi gấp cả mấy lần lương y tá chính, bác sỹ trưởng khoa…Liệu những người hưởng lương cao như thế có giúp chất lượng sống của con người tốt lên hay ngày càng xấu đi, như chúng ta đang chứng kiến! Hay như chuyện nhiều bộ, chính quốc hội cũng ca thán, có bộ đến chín thứ trưởng, mình nhắc lại, một bộ có đến chín thứ trưởng. Lương thứ trưởng đâu có phải là nhỏ, chuyện xe công, tiền công tác, nơi ăn ở của các “bố” ấy… tiền nhà nước bỏ ra, mà thực tế là tiền thuế của người dân cũng phải gấp chục lần lương một bác sỹ trưởng khoa. Chúng ta thử hỏi và mấy ông lãnh đạo đảng, nhà nước này có lúc nào đó vắt tay lên trán tự hỏi, những người lĩnh lương, tiêu chuẩn cao như vậy đã làm được bao nhiêu việc có ích để đời sống của người nghèo đi chữa bệnh bớt khổ???
Bệnh của mình phải mổ nội soi, một phương pháp mổ tiên tiến trên thế giới, hiện nhiều bệnh viện lớn trong cả nước đã áp dụng. Cũng chính vì thế mình có dịp quan sát phòng mổ Việt Nam. Thấy thực tế nhiều lúc vượt qua cả sự tưởng tượng của mình.
Vào phòng chờ mổ, có năm giường đệm cho bệnh nhân nằm chờ. Bên nam có ba giường, bên nữ có hai giường. Nam, nữ được tách ra qua một tấm riđô. Vào đến phòng chờ này, tất cả bệnh nhân phải cởi hết áo quần, khoác lên mình là một tấm vải xanh vô trùng (Bệnh viện thông báo như thế thì biết thế.) Trong phòng chờ, cả nam và nữ chung một cái toalét. Vui, có một ông “tướng” trẻ, chẳng biết làm sao lại mổ mũi. Nằm một lúc lại đi toalét, mình thắc mắc tại sao “tướng” này cứ đi liên tục??? Chắc mắc bệnh đái dắt. Hồi sau mình cũng đi vào toalét, mới phát hiện, đi toalét phải qua chỗ bệnh nhân nữ nằm chờ mổ, sáu bệnh nhân, hai ba người còn trẻ, nét mặt xinh, chen chúc trong hai giường, có người khoác lên mình tấm vải xanh, có lẽ đau quá, chỉ đắp nửa người, mắt nhắm nghiền để hở ra nhiều vị trí không nên hở. Không có y tá, điều dưỡng ở cạnh nên “Tướng” chuẩn bị mổ mũi, tranh thủ đi toalét nhiều lần để nhìn. Chắc thế!
Vào phòng mổ, nằm lên bàn mổ, người ta úp, gắn, tiêm… lên người, một lúc sau mình thiếp đi, không biết trời, trăng, mây, gió gì nữa…Đến lúc tỉnh dậy, ngó xung quanh, hoảng hồn. Cả căn phòng hậu phẫu không rộng lắm nằm la liệt người đã mổ, người cởi trần, người không mặc quần, dây dợ gắn đầy mình, người rên ư ử… riêng mình, trần như nhộng, tay truyền dịch, trên bụng ba vết mổ nhỏ được băng lại, nhức, đau, có lẽ đã hết thuốc tê. Mắc tiểu tiện, định ngồi dậy, nhưng đau quá, không thể gượng lên được, đành phải gọi y tá trực. Cả phòng hậu phẫu chỉ có hai, ba y tá trực, hết chạy ngược lại chạy xuôi lo đủ thứ, tất bật, vội vàng. Biết không thể nhờ được, mình tự ngồi dậy, tự làm, ruột co thắt đau không thể tả. Nhưng lúc này, nếu mình không tự làm, biết nhờ ai! Khi y tá trực chạy đến, thấy việc làm của mình nói như người có lỗi: “Chú thông cảm, bệnh nhân đông quá, có vài người như tụi con, làm không kịp!” Mình gật đầu, không có ý trách. Sau này ngẫm lại, thấy tức. Lẽ ra như phòng hậu phẫu này nên tăng cường y tá trực, thế mà cả phòng hậu phẫu, lúc mình nằm là hơn năm chục bệnh nhân, mà chỉ có ba y tá trực. Những y tá trực này có “năm đầu, sáu tay” làm cũng không kịp. Mình có hỏi một người cấp “côi” biết việc này, người đó lắc đầu ngán ngẩm: “Biên chế chỉ có thế! Ông và tôi cũng chỉ biết thế.”
Nhiều người ca thán ngành y tế Việt Nam ngày càng nhiều tiêu cực, rồi rất mong ngành y tế có nhiều y, bác sỹ điều trị bệnh nhân y đức tốt. Vào viện, mình mới nhận ra rằng muốn có nhiều y, bác sỹ có y đức, không thể một mình ngành y tế làm được điều này. Giá như những ông lãnh đạo đảng, nhà nước có bệnh, thử một ngày nằm viện như mình, ở một trong những bệnh viện mình đang điều trị, các ông ấy dù không có “ tâm” cũng phải suy nghĩ.
Thử hỏi, các “bố” ấy có bao giờ nghĩ cách nào đó thật thiết thực để tăng cường thiết bị y tế, các y, bác sỹ giỏi về các cấp cơ sở như xã, huyện. Để cuối cùng, như bệnh viên đa khoa Đà Nẵng, điều trị bệnh nhân, không phải chỉ có trong địa bàn thành phố Đà Nẵng mà cả bệnh nhân ở Quảng Ngãi, Quảng Nam… thậm chí cả bệnh nhân ở những vùng khó khăn, miền núi. Có những bệnh nhân bệnh rất nhẹ, như cảm, sốt siêu vi… họ cũng “ kéo” ra đây, với một lý do rất đơn giản: “Chỗ đó không có y, bác sỹ, không có thuốc…Chỗ tôi không tin tưởng, bác sỹ làm chết nhiều người lắm.” Hiện trạng như vậy dẫn đến sự quá tải của bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Kèm theo là sự hệ lụy của những nghịch cảnh, không biết cười hay khóc. Nhiều người dân nghèo, đi theo chăm sóc bệnh nhân, họ vào bệnh viện cứ như đang ở giữa chòi trông nương, hút thuốc thỏa mái, xỉ mũi, đái bậy thỏa mái. Chỗ nào trong bệnh viện cũng có tàn thuốc, có nhắc, cũng chỉ cười và giải thích: “Tôi không biết chữ, thấy vẽ điếu thuốc có gạch đỏ vắt ngang lại nghĩ ở đây họ ưu tiên cho mình hút thuốc.” Điều này muốn người dân hiểu phải giáo dục, tuyên truyền ngay từ bệnh xá, bệnh viên cấp xã, cấp huyện.
Thành thực, mình nghĩ có khi mấy “ông” chức vụ “quá lớn” mải lo đối phó với “những luận điểm tuyên truyền phản động của thế lực thù địch”, thực ra đang bảo vệ quyền lợi ích kỷ của mình, mà quên đi những nỗi đau đớn, đói nghèo của người dân thường ngày. “Thế lực phản động” mình không biết nó nằm tận đẩu, tận đâu, còn sự ca thán, cuộc sống khốn cùng, rõ ràng nhất là những người đi chữa bệnh mình thấy hiển hiện ra trước mắt. Có bệnh nhân chữa gần khỏi trốn viện, vì không có tiền mua thuốc. Có bệnh nhân ung thư gan không đủ tiền nằm chờ chết, gia đình không biết cách nào đưa người này về quê. Mình và một bệnh nhân trẻ nằm cùng phòng đành đi vận động những bệnh nhân, người nhà xung quanh, kẻ ít, người nhiều góp lại giúp người nhà bệnh nhân này đưa người bệnh, cho trọn việc nghĩa. Cầm những đồng tiền nhàu nhĩ, thấm mồ hôi, nước mắt: người nhà bệnh nhân đó khóc…
Chuyện như thế này trong bệnh viện còn nhiều lắm, kẻ mãi không hết.
Cứ hết học phổ biến nghị nghị quyết này, nọ, rồi lại đến thi, tuyên truyền “Học tập tấm gương đạo đức cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh” tiêu tốn không biết bao nhiêu là tiền của nhân dân, tác dụng của việc này đến đâu? Ai cũng nhìn rõ cả, kể cả người mù. Người dân, theo mình hiểu, không cần những “trò” này, họ cần những việc thiết thực, cụ thể. Trong những ngày nằm điều trị bệnh trong bệnh viên đa khoa Đà Nẵng, mình thầm cảm ơn những tổ chức từ thiện, những con người có tấm lòng tốt, hàng ngày nấu cơm, nấu cháo, phát bánh mỳ, bánh bao… cho người bệnh, người nhà bệnh nhân không lấy tiền. Họ làm việc này hoàn toàn vô tư, trong sáng không muốn nêu tên, chụp ảnh. Những con người có sự hảo tâm này hoàn toàn không phải đảng viên, không giữ một chức vụ nào trong đảng, chính phủ, lại càng không bao giờ biết “mồm ngang mũi dọc” nào của một trang nghị quyết, những cuộc thi “tìm hiểu, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh”, họ không hề biết, không hề quan tâm. Tấm lòng từ bi của họ, mình có hỏi, họ nói theo triết lý của nhà Phật : “ gieo gì, gặt nấy.” Làm việc tốt cho đời, đời sẽ trả ơn.
Từ đó suy ra, những kẻ chuyên gây ác cho dân, lợi dụng dân, nhất định sẽ bị quả báo.
Có người nói với mình, muốn đánh giá một thể chế, một xã hội thì chỉ cần nhìn vào giáo dục, y tế, giao thông là đủ hiểu dân có tin tưởng hay không tin tưởng thế chế, xã hội đó.
Ngày chưa nằm viện, bên ngoài mình đã khiếp về việc học nhồi nhét, không chất lượng, phi thực tế, thành tích “ảo” của giáo dục Việt Nam. Còn chuyện giao thông, không thể dùng từ nào khác là hỗn loạn, hư hỏng, hết thuốc chữa.
Bây giờ nằm viện, thấy thực trạng y tế Việt Nam, chỉ còn biết buông một tiếng thở dài…

0 comments:

Powered By Blogger