Thursday, November 7, 2013

Những lời trối trăn của ông Cố vấn Ngô Đình Nhu (01) - (Phạm Quang Trình)

 
Ông Ngô Đình Nhu
 
Anh Em Nhớ Đến Tôi...
Mấy ngày trước đây – sau khi bọn quá khích phản loạn oanh tạc Dinh Độc Lập, - có một số anh em ngoại quốc cũng như trong nước đến thăm và chúc mầng cho tôi. Tôi có trả lời rằng: “Cái việc sống, việc chết của chúng tôi là ở trong tay Đấng Chí Tôn. Người để tôi sống hay là tôi chết, thì tôi cũng xin anh em nhớ sáu điều mà tôi đã đóng góp vào chế độ này.
Trong sáu điều đó:
Điều thứ nhất là: Lý Thuyết Nhân Vị
         thứ hai là: Hiến Pháp (đưa lý thuyết Nhân Vị vào trong Hiến Pháp bằng chủ trương Nhân Vị Cộng Đồng, Đồng Tiến Xã Hội).
         thứ ba là: Chánh sách Phát triển cộng đồng.
         thứ bốn là: Thanh Niên, Thanh Nữ Cộng Hòa
         thứ năm là: lối Biệt Kích, Biệt Cách
         thứ sáu là: Ấp Chiến Lược
Dầu tôi sống hay là tôi chết, anh em nhớ đến tôi, thì nhớ tiếp tục sáu điều đó. Tôi tưởng những điều vừa kể là những điểm phù hợp (với hiện trạng Việt Nam) - những giải pháp quân dân chính- để giải quyết vấn đề chậm tiến.”
                                        Lời ông Ngô Đình Nhu
(trích bản ghi âm cuộc nói chuyện ngày 17.03.1962 trong Tập San Chính Nghĩa số 1 ngày 03 tháng 01 năm 1983 do ông Đỗ La Lam chủ trương)
 
Đó là lời trối trăn của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu cho các Chiến hữu sau khi Dinh Độc Lập bị oanh tạc vào tháng 2/1962. Dù sống sót, nhưng ông Ngô Đình Nhu đã cho thấy ít nhiều những đe dọa đến chế độ và tính mạng cá nhân khi dấn thân phục vụ Dân Tộc. Cũng chính năm đó (1962), Mỹ đang đẩy mạnh chủ trương trung lập hóa Lào qua Hội Nghị Quốc Tế tại Genève. Nhận thấy tình hình Việt Nam sẽ gặp nguy hiểm nếu như Lào bị “trung lập hóa” để mặc cho Cộng Sản Bắc Việt lợi dụng đưa quân xâm nhập đánh chiếm Miền Nam bằng ngả Lào, ông Ngô Đình Nhu đã đích thân bay qua Genève, Thụy Sĩ gặp Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Averell Harriman. Tưởng rằng đôi bên chỉ nói chuyện trong vòng 40 phút như dự định. Nào ngờ buổi nói chuyện tay đôi đã kéo dài trên 3 giờ đồng hồ liền. Khi hai nhân vật từ giã nhau ra về thì mặt người nào cũng đỏ bừng, chứng tỏ cuộc trao đổi đã diễn ra rất gay go vì những bất đồng. Chính cuộc trao đổi gay go đó với hai lập trường khác biệt (Mỹ muốn trung lập hóa để rút khỏi Lào trong khi Việt Nam Cộng Hòa kịch liệt chống vì biết chắc chắn Cộng Sản Bắc Việt sẽ thừa cơ đem quân xâm nhập Miền Nam) khởi sự cho âm mưu lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa với Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Lúc đó, chương trình xây dựng Ấp Chiến Lược đã được Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa biểu quyết nâng lên hàng Quốc Sách (1961) vừa thực thi được một năm đang trên đà thắng lợi.
William Averell Harriman.jpg 
Ông Averell Harriman - Ảnh của Wikipedia.org
 
Trong những lời  trối trăn của ông Ngô Đình Nhu, người viết muốn trình bày hai điểm về Chủ Nghĩa Nhân Vị  và Quốc Sách Ấp Chiến Lược (thứ 1 và thứ 6) đã ảnh hưởng lớn lao đến nền Đệ Nhất Cộng Hòa cũng như tình hình Miền Nam như thế nào. Thật ra 6 điều trối trăn đó có thể tóm lược và chia ra làm hai phần:
Phần 1: về Chủ Nghĩa Nhân Vị gồm 3 điều 1, 2, 3.
Phần 2: về Quốc Sách Ấp Chiến Lược gồm 3 điều 4, 5, 6.
 
Về Chủ Nghĩa Nhân Vị và nền Đệ Nhất Cộng Hòa
 
Qua những tài liệu mà người viết được đọc trước đây thì mấy tiếng “Chủ Nghĩa Nhân Vị” đã được đề cập đến khoảng đầu thập niên 40, nhưng cụm từ này được nhiều người nhắc đến thì mới có từ thời Đệ Nhất Cộng Hoà (1954-1963). Đây là Chủ Nghĩa Nhân Vị Á Đông, khác với Chủ Nghĩa Nhân Vị Tây Phương. Vì vào thời gian đó, có một số người thắc mắc (trong đó có mấy anh ký giả Tây phương thủ ghét chế độ) đã cho rằng Ông Ngô Đình Nhu đã lấy học thuyết Nhân vị Tây phương của Emmanuel Mounier đem ra áp dụng.

Trong cuộc họp báo taị Học Viện Quốc Gia Hành Chánh đường Trần Quốc Toản, Sài Gòn vào tháng 5 năm 1963, khi trả lời phóng viên ngoại quốc, ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu đã nói: “Chủ Nghĩa Nhân Vị Á Đông khác với Chủ Nghĩa Nhân Vị Tây Phương vì nó chủ trương rằng Tự do không phải là món quà người ta tự dưng mang lại, nhưng là phải tranh đấu.”. Tư tưởng của ông Ngô Đình Nhu về hai chữ “Tự do” xem ra không khác với tư tưởng của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh: “Tự do không thể van xin mà có được. Tự do phải dành lấy mới có.”

Câu hỏi cần đặt ra là: Lý do nào quý vị Lãnh Đạo thời ấy lại muốn đưa Chủ Nghĩa Nhân Vị ra làm nền tảng cho chế độ Việt Nam Cộng Hoà? Theo thiển ý, là như thế này:

Nước mình bị giặc phương Bắc đô hộ cả một ngàn năm (từ 111 trước TC đến 939 sau TC). Sau khi tổ tiên ta thâu hồi độc lập được gần một ngàn năm thời đến năm 1858, giặc Tây lại đem quân xâm chiếm nước ta làm thuộc địa. Thử hỏi nếu tổ tiên và cha ông ta không vùng lên đấu tranh thì làm gì đất nước có độc lập - tự do? Lợi dung thời cơ kết thúc Thế Chiến thứ 2, nhân dân ta một lần nữa đã vùng lên đánh đuổi giặc Pháp để giành lại độc lập cho dân tộc. Tiếc rằng cuộc đấu tranh ấy đã bị tập đoàn Cộng Sản Hồ Chí Minh lợi dụng để nhuộm đỏ đất nước. Bởi đó, thay vì được hưởng một nền hòa bình, độc lập thật sự thì đất nước Việt Nam lại rơi vào cuộc chiến tranh ý thức hệ do Cộng sản gây nên. Với chủ trương đấu tranh giai cấp mà điển hình là Cuộc Cải Cách Ruộng Đất, tập đoàn Cộng sản Hồ Chí Minh đã hiện nguyên hình là thứ giặc ngoại xâm trá hình. Thứ giặc ngoại xâm này không phải đến từ bên ngoài nhưng chính là kẻ nội thù từ bên trong đội lốt chiêu bài giải phóng dân tộc mà thực chất là rước chủ nghĩa Mác Lê vào thống trị, tự nguyện làm tay sai cho Đệ Tam Quốc Tế. Cái chủ nghĩa ngoại lai với chủ trương tam vô (vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo) và đấu tranh giai cấp làm phương châm đã đưa dân nước đến chỗ làm nô lệ cho Đế Quốc Cộng sản do trùm Đỏ Staline lãnh đạo. Chính trong mưu đồ nhuộm đỏ Đông Dương, Việt gian Cộng sản đã cấu kết với Thực Dân Pháp chia đôi đất nước, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới cho hai miền Nam - Bắc qua Hiệp Định Genève 1954. Miền Bắc Cộng Sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Miền Nam Quốc Gia do Quốc Trưởng Bảo Đại lãnh đạo, nhưng đã ủy nhiệm cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm toàn quyền điều hành. Lúc đó, vua Bảo Đại đã rời Việt Nam sang cư ngụ ở miền Nam nước Pháp.

Theo Hiệp Định Genève 1954, cả hai bên có thời hạn 300 ngày để di chuyển cơ sở và nhân sự của mình về miền đã được quy định. Dó đó, những người quốc gia không chấp nhận chủ nghĩa Cộng Sản đã di chuyển vào Miền Nam cùng với gần một triệu người di cư từ miền Bắc. Trong khi đó, thay vì phải rút hết ra miền Bắc, tập đoàn Cộng Sản Hồ Chí Minh đã để lại miền Nam nhiều cơ sở và cán bộ nằm vùng cùng các đơn vị võ trang. Chúng đã chôn giấu vũ khí để chờ thời cơ nổi dây. Bởi đó, Miền Nam dưới sự lãnh đạo của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã phát động Phong Trào Tố Cộng nhằm tiêu diệt các cơ sở nằm vùng của chúng, đồng thời tuyên bố tẩy chay Tổng Tuyển Cử vào năm 1956 vì Việt Cộng vi phạm Hiệp Định Genève, không tôn trọng quyền Tự Do của nhân dân Việt Nam.  

Miền Nam lúc đó dưới danh nghĩa Quốc Gia Việt Nam đứng đầu là Quốc Trưởng Bảo Đại vẫn còn nằm trong Khối Liên Hiệp Pháp cùng với Miên và Lào. Tình hình lại rất là phức tạp, vì ngoài Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, còn có ba Giáo Phái Cao Đài, Hòa Hảo và Bình Xuyên với Quân Đội riêng, không chịu sự chỉ huy của Chính Phủ. Vả lại, mỗi Giáo Phái hùng cứ một phương. Cao Đài lấy Tây Ninh làm thủ phủ. Bình Xuyên với Bẩy Viễn trấn đóng ở vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Bà Rịa, Vũng Tàu, nắm Công An và chỉ huy Sòng Bài Kim Chung Đại Thế Giới và Bình Khang. Giáo phái Hòa Hảo với Lê Quang Vinh tự Ba Cụt trấn ở Miền Tây (Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ). Thử hỏi: với tình hình như thế thì làm sao phe Quốc Gia có thể đối phó hữu hiệu với sự xâm lăng phá hoại của Cộng Sản? Trách nhiệm của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm và tân chánh phủ chấp chánh ngày 07-07-1954 quả thật là nặng nề. Nhiều người đã tỏ ra bi quan, thầm nghĩ rằng chính phủ này khó lòng tồn tại được 6 tháng. Vậy mà chính phủ Ngô Đình Diệm đã vượt qua được cơn thử thách tưởng chừng như một phép lạ. Chính Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, trong Bản Tuyên Cáo ngày 26-10-1955 thành lập chế độ Cộng Hòa đã viết: “Một năm trước đây, giữa lúc nhân tâm xao xuyến lo âu, nào ai trong chúng ta có thể đinh ninh rằng một ngày không xa, chúng ta ra khỏi được một tình trạng khốn đốn hầu như tuyệt vọng. Nhưng trong những giờ đen tối nhất của lịch sử, dân tộc ta đã luôn luôn vùng dậy, muôn người như một, phá vòng vây khốn, để mở lấy con đường độc lập và tự do”. Vậy Chính phủ Ngô Đình Diệm đã làm những gì?

Trước hết, chính phủ Ngô Định Diệm lo việc ổn định tình hình, thống nhất lực lượng bằng việc  kêu gọi các Giáo Phái về hợp tác với chính phủ để xây dựng một Quân Đội Quốc Gia thống nhất. Phần lớn các Giáo phái đã về hợp tác. Một số thành phần tử ngoan cố như Bảy Viển, Lê Quang Vinh tự Ba Cụt đã bị quân chính phủ dẹp tan qua các chiến dịch Nguyễn Huệ, chiến dịch Thoại Ngọc Hầu, vân vân.

Tiếp đến, Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng gồm nhiều đoàn thể chính trị quốc gia thấy rằng Vua Bảo Đại trên danh nghĩa là Quốc Trưởng Quốc Gia Việt Nam lại chạy qua nằm lì ở Pháp, không chịu về nước lo chu toàn trách nhiệm. Trong khi đó, ông lại nghe lời xúi bẩy của thực dân và nhóm tay sai Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Văn Hinh ra lệnh triệu hồi Thủ Tướng Ngô Đình Diệm qua Pháp, thực chất là để truất quyền, cho nên Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng đã phát động Phong Trao Truất Phế Bảo Đại và suy tôn Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lên vai trò Quốc Trưởng, thực hiện Trưng Cầu Dân Ý để Quốc Dân  quyết định chọn lựa giữa Bảo Đại và TT Ngô Đình Diệm. Kết quả, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm được đa số dân chúng tín nhiệm trong vai trò lãnh đạo quốc gia. Từ biến cố quan trọng này, để tạo một hình ảnh đẹp trong việc đối phó với âm mưu xâm lược và tuyên truyền của Cộng Sản Bắc Việt, Quốc Gia Việt Nam đã mạnh dạn thành lập chế độ Cộng Hòa qua Bản Hiến Ước Tạm Thời số 1 ngày 26 tháng 10 năm 1955, tiến hành tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến qua dụ số 8 ngày 23 tháng Giêng năm 1956, soạn thảo và ban hành Hiến Pháp ngày 26 tháng 10 năm 1956. Từ đây, nền Cộng Hòa Việt Nam với Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã ổn định được tình hình, xây dựng Miền Nam thành một quốc gia trù phú, gây ảnh hưởng lớn lao trên trường quốc tế, lấn át cả bộ mặt lem luốc của Hồ Chí Minh và đồng bọn ở Miền Bắc vừa bị dư luận lên án nặng nề về cuộc Cải Cách Ruộng Đất và Đấu Tố Địa Chủ gây biết bao tang tóc cho dân tộc.

Nói tóm lại, trong hai năm trời (1954-1956), Miền Nam Quốc Gia dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã làm được những việc phi thường: đưa được gần một triệu đồng bào di cư từ Bắc vào Nam, giúp đỡ cho có nơi ăn chốn ở, tạo công ăn việc làm, dẹp tan các giáo phái, thống nhất lực lượng quốc gia, thành lập chế độ Cộng Hòa, đẩy mạnh Phong Trào Tố Cộng, khởi sự xây dựng các Khu Trù Mật và Dinh Điền làm cho đời sống nhân dân Miền Nam vững mạnh và sung túc.

Người viết đã dài dòng lược thuật lại tình hình Miền Nam thời đó để độc giả và nhất là giới trẻ có thể dễ dàng nhận ra chủ trương, đường lối của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa. Nguyên nhân vì sao tình hình lại diễn tiến như thế? Và vì sao lại có khẩu hiệu “Bài Phong, Đả Thực, Diệt Cộng”.  Bài phong là bài trừ phong kiến tức là xóa bỏ chế độ quân chủ với ông vua ăn chơi chẳng làm việc gì cho đất nước. Đả thực là đuổi thực dân Pháp ra khỏi lãnh thổ vì lúc đó thực dân Pháp và đoàn quân viễn chinh vẫn còn tại Đông Dương. Cho nên, chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Thực dân Pháp rút về nước, giải tán Liên Bang Đông Dương, trả lại chủ quyền kinh tế, tài chánh, ngoại giao cho ba nước Việt Miên Lào. Khó khăn nhất là công cuộc Tố Cộng vì lúc đó Cộng Sản Bắc Việt được quan thày Nga Hoa và Khối Cộng Sản Quốc Tế yểm trợ hết mình trong mưu đổ nhuộm đỏ Đông Dương và vùng Đông Nam Á. Vì như đã nói trên, khi rút về Miền Bắc theo Hiệp Định Genève 1954, chúng đã để lại miền Nam hàng chục ngàn cán bộ và cơ sở nằm vùng cùng nhiều đơn vị võ trang. Đây có lẽ là cao điểm của cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa Đông và Tây (tạm thời gọi Đông là Cộng Sản do Nga Sô lãnh đạo và Tây là Thế Giới Tự Do do Hoa Kỳ lãnh đạo). Miền Nam lúc đó với danh nghĩa là Việt Nam Cộng Hòa trở thành tiền đồn chống Cộng của Thế Giới Tự Do tại Vùng Đông Nam Á. Nhìn lại thực trạng Miền Nam vừa thu hồi Độc Lập, còn rơi rót nhiều di hại do các thế lực Thực Dân, Phong Kiến và Cộng Sản để lại như cuộc sống nhân dân còn cách biệt giữa giàu, nghèo; giáo dục chưa được mở mang; hạ tầng cơ sở còn non kém; nạn khủng bố ám sát do Cộng Sản và tay sai gây ra, vân vân. Cho nên chính phủ quốc gia phải đưa ra chủ trương đường lối nào hay, đẹp, đáp ứng được tình hình và nguyện vọng nhân dân. Chính trong bối cảnh đó, vai trò của chiến lược gia kế hoạch xuất hiện. Nhân vật đó không ai khác hơn là ông Ngô Đình Nhu.
Nói tới ông Ngô Đình Nhu, người ta thường liên tưởng đến Đảng Cần Lao và Quốc Sách Ấp Chiến Lược. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Phải nói thật rằng: ông là bộ óc của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, một Khổng Minh tân thời thì đúng hơn. Thuở nhỏ ông đi tu Chủng Viên. Sau ra ngoài, được gia đình cho du học bên Pháp. Ông học và tốt nghiệp trường École des Chartes, gọi là Trưởng Khảo Cổ, về nước làm Giám Đốc Thư Viện ở Trung Việt. Học rộng, biết nhiều, nghiên cứu sâu sắc, lại có lòng với đất nước nên ông đã quy tụ anh em đồng chí, lập nhóm Nghiên Cứu Xã Hội, huấn luyện cán bộ, thành lập Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng. Khi ông Ngô Đình Diệm được Quốc Trưởng Bảo Đại mời về chấp chánh thì ông theo sát Thủ Tướng Ngô Đình Diệm để làm công việc tham mưu chiến lược bên trong. Cái chức Cố Vấn người ta tự đặt cho chớ chẳng có văn kiện nào của TT Ngô Đình Diệm ký. Nhưng ông đã làm được nhiều việc đáng kể.  Người ta nói ông là Kiến Trúc Sư của nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Ông đóng vai trò tham mưu đứng đàng sau Lãnh tụ thì hợp hơn vì tính ông trầm lặng, suy tư, nói năng nhỏ nhẹ không có gì là hấp dẫn. Chính cái suy tư trầm lặng và nhiều mưu kế đó, mà ông làm được việc và được nhiều người kiêng nể, kế cả kẻ thù Cộng Sản. Người ta ví Tổng Thống Ngô Đình Diệm như Lưu Bị, và ông Ngô Đình Nhu như Khổng Minh có lẽ cũng không sai. Hai người phải đi với nhau, không thể thiếu nhau được. Mỗi người một vẻ bổ túc cho nhau, chớ không thể thay thế nhau được. Tuy là Cố Vấn nhưng hầu như mọi việc của chính quyền từ chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục đều được ông để mắt tới.
Đóng góp đầu tiên của ông Cố Vấn là đặt nền móng cho chế độ Cộng Hoà với Chủ Nghĩa Nhân Vị đối đầu với Cộng Sản và chủ thuyết Mác Lê. Tuy trong lời trối của ông nói về “Lý Thuyết Nhân Vị.  Đưa lý thuyết Nhân Vị vào trong Hiến Pháp bằng chủ trương Nhân Vị Cộng Đồng, Đồng Tiến Xã Hội. Chánh sách Phát triển cộng đồng.” vào thời điểm tháng 02 năm 1962, nhưng thực tế cho thấy trong Lời Mở Đầu của bản Hiến Pháp 26-10-1956 đã đề cập đến chủ trương Nhân Vị Duy Linh rồi. Sau đây là nguyên văn lời Mở Đầu của Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa 1956:
    Tin tưởng ở tương lai huy hoàng bất diệt của Quốc gia và Dân Tộc Việt Nam mà lịch sử tranh đấu oai hùng của Tổ Tiên và ý chí quật cường của toàn dân đảm bảo;
   Tin tưởng ở sự trường tồn của nền văn minh Việt Nam, căn cứ trên nền tảng duy linh mà toàn dân đều có nhiệm vụ phát huy;
   Tin tưởng ở giá trị siêu việt của con người mà sự phát triển tự do, điều hòa và đầy đủ trong cương vị cá nhân cũng như trong đời sống tập thể phải là mụch đích của mọi hoạt động Quốc Gia;
Chúng tôi, Dân biểu Quốc Hội Lập Hiến:
   Ý thức rằng Hiến Pháp phải thể hiện nguyện vọng của nhân dân, từ Mũi Cà Mau dến Ải Nam Quan.
Nguyện vọng ấy là:
-        Củng cố Độc lập chống mọi hình thức xâm lăng thống trị;
-         Bảo vệ Tự do cho mỗi người và cho Dân Tộc;
-        Xây dựng Dân Chủ về chánh trị, kinh tế, xã hội, văn hóa cho toàn dân trong sự tôn trọng nhân vị;
   Ý thức rằng quyền hưởng tự do chỉ đưọc bảo toàn khi năng lực phục tùng lý trí và đạo đức, khi nền an ninh tập thể được bảo vệ và những quyền chính đáng của con người đưọc tôn trọng;
   Ý thức rằng nước ta trên con đường giao thông và di chuyển Quốc Tế, dân tộc ta sẵn sàng tiếp nhận các trào lưu tư tưởng tiến bộ để hoàn thành sứ mạng trước Đấng Tạo Hóa và trước Nhân loại là xây dựng một nền văn minh nhân bản, bảo vệ và phát triển con người toàn diện.
 Sau khi thảo luận, chấp thuận bản Hiến Pháp sau đây.”
 
Với nội dung nêu trên thì ta thấy Chủ Nghĩa Nhân Vị Duy Linh đã được đưa vào Hiến Pháp rồi. Vả lại trong các Thông Điệp của Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng như các tài liệu của chế độ đã thường xuyên nói đến Chủ Nghĩa Nhân Vị như Quốc Sách Ấp Chiến Lược, Phát Triển Cộng Đồng. Điều ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu nhấn mạnh là giải thích chủ nghĩa trong phạm vi áp dụng. Vì Chủ Nghĩa là cái đích ta nhắm tới. Còn lý thuyết là để giải thích chủ nghĩa, tức giải thích cái con đường dẫn tới cái đích. Thực tế, từ lý thuyết đến hành động bao giờ cũng có khoảng thời gian chuẩn bị để áp dụng, mức độ nhanh hay chậm là do lãnh đạo và cán bộ thi hành.

Lời Mở Đầu trong bản Hiến Pháp cho thấy Chủ Nghĩa Nhân Vị đã được trình bày khái quát làm nền tảng của chế độ, bởi đó, người ta hay dùng cụm từ chế độ Cộng Hòa Nhân Vị là vì vậy. Chủ nghĩa Nhân Vị nhằm bảo vể quyền lợi và nhân phẩm con người, phát triển con người toàn diện, chống lại chủ nghĩa Cộng sản duy vật - thứ chủ nghĩa coi con người là sản phẩm của lao động, là công cụ của tập thể, của Đảng Cộng sản, chủ trương đấu tranh giai cấp, hủy diệt tôn giáo và niềm tin vào thực tại thiêng liêng. Nhân vị là con người, là vị trí con người, đầu đội trời, chân đạp đất, là mục tiêu phục vụ, dùng sức cần lao để phục vụ và phát triển con người toàn diện. Trong khi đó Cá nhân trong chủ nghĩa Mác coi con người là công cụ, là phương tiện của tập thể. Khi so sánh Chủ nghĩa Nhân Vị và chủ nghĩa Mác, ta thấy hai bên đối nghịch nhau rõ rệt. Một đàng là duy linh, một đàng là duy vật. Một đàng là Cộng Đồng, một đàng là Tập Thể. Một đàng coi con người là mục tiêu phục vụ, một đàng coi con người là công cụ.
Tổng Thống Ngô Đình Diệm
Trong lời Chúc Tết và hiệu triệu Quốc dân nhân dịp Tết Ất Mùi (1955), Thủ Tướng Ngô Đình Diệm nói: 
Độc lập ngày nay đã thành một sự thực hiển nhiên. Nhưng đồng thời với cố gắng tranh đấu 1à để giải phóng đất nước, chúng ta phải thực hiện công cuộc giải phóng con người trong Xã Hội Việt Nam, nếu không, độc lập sẽ mất hết ý nghĩa.
Trong thế giới ngày nay, chủ nghĩa duy vật đang hoàng hành, phá hoại di sản tinh thần của các quốc gia, đe dọa nền văn minh tự do của nhân loại.
Trái lại, với chế độ Cộng sản phủ nhận giá trị con người – coi con người chỉ là một phương tiện trong guồng máy sinh hoạt của đoàn thể, trong khi chính con người  phải là cứu cánh, chúng ta quyết tâm xây dựng Quốc Gia Việt Nam trên những nền tảng mới, lấy nhân bản làm cương vị, lấy tự do dân chủ làm phương châm, lấy công lý làm xã hội làm tiêu chuẩn.
Một chế độ dân chủ thực sự phải được thực hiện hoàn toàn trong phẩm giá và quyền tự do chính đáng của mỗi người và của mọi người, triệt để đả phá mọi hình thức cưỡng bách, áp bức mọi chính sách chỉ huy và nô lệ hóa nhân dân.
Một dự án thành lập Quốc Hội lâm thời hiện đã được nghiên cứu kỹ càng để mọi tầng lớp nhân dân tham gia việc nước. Đó là bước đầu để tiến tới công cuộc dân chủ hóa các guồng máy quốc gia.
Đồng thời, một chương trình kinh tế, xã hội sâu rộng phải đưọc áp dụng với một quan niệm mới về quyền tư hữu để xác nhận địa vị ưu tiên của sức cần lao, thực hiện cuộc tiến bộ nhịp nhàng và toàn diện của quốc dân trên mọi địa hạt, vật chất cũng như tinh thần. Nguyên tắc nói trên phải được triệt để thi hành trong mọi ngành hoạt động…”
Nhân thể, xin nói thêm về Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng. Đó là Đảng quy tụ những con người quyết tâm theo đuổi lý tưởng lấy sức Cần Lao tức là dùng sức lao động (làm việc cần mẫn) để phục vụ con người tức Nhân Vị trong Cộng Đồng Dân Tộc. Lý tưởng đó cao đẹp biết bao. Vậy mà sau đảo chánh 1.11.1963, tên bồi bút Chu Bằng Lĩnh (nghe nói là có tật ghiền thuốc phiện, từng làm việc dưới quyền TT Nguyễn Văn Châu, Giám Đốc Nha Chiến Tranh Tâm Lý Bộ Quốc Phòng) đã nhận tiền của bọn phá hoại để viết cuốn Đảng Cần Lao với bao điều bịa đặt láo khoét.

Đây là một cuốn tiểu thuyết hư cấu và ngụy tạo các sự kiện rồi đặt vào miệng các nhân vật của gia đình Tổng Thống Ngô Đình Diệm và một vài nhân vật thời Đệ nhất Cộng Hòa mà không hề dựa vào các tài liệu lịch sử nào cả. Đã vậy, tại hải ngoại, tên Cửu Long Lê Trọng Văn lại là người viết Lời Nói Đầu và xuất bản thì đủ biết phẩm chất và nguồn gốc nó từ đâu mà ra. Cho nên một người bình thường chỉ cần đọc vài đoạn là biết đó là thứ ngụy tạo, bịa đặt hết sức ngu xuẩn của tên bồi bút ghiền thuốc phiện.

Thực tế, Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng đã đóng góp nhiều công sức cho việc thành lập nền Cộng Hòa Việt Nam cũng như công cuộc diệt trừ Cộng sản, từ lý thuyết đến hành động. Tất nhiên CLNVCMĐ cũng có khuyết điểm như bất cứ tổ chức chính trị nào khác. Điều đáng tiếc là ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, Tổng Bí Thư Đảng vì quá đa đoan trong quốc sự có lẽ đã không còn thì giờ quan tâm nhiều đến Đảng. Cho nên, thực tế cho thấy tổ chức và sinh hoạt của Đảng chỉ khá mấy năm đầu, còn về sau thì quá rời rạc, nhất là sau khi ông Ngô Đình Nhu ra lệnh giải tán Liên Kỳ Bộ Nam – Bắc thì kể như không còn hoạt động. Việc kết nạp Đảng viên thiếu thận trọng. Những nhân vật được coi là trụ cột của Đảng cũng thiếu Đảng tính, thiếu phẩm chất. Một số phần tử vào Đảng chỉ để kiếm chức vụ mà không lo làm cách mạng, cho nên khi tình thế thay đổi, trước những miếng mồi ngon do ngoại bang đem ra nhử đã vội vàng quay lưng phản Đảng, phản lãnh tụ. Kết quả, như đã thấy, sau 1-11-1963, những kẻ phản bội đó đã không làm nên trò trống gì mà những Đảng viên trung thành thì không đủ tầm vóc và đảng tính để tiếp tục con đường của lãnh tụ đề ra.
 
Trở lại đề tài của bài viết, khi ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu nói ba lời trối (1, 2, 3) là ông có ý nhắn nhủ cán bộ và chiến hữu đưa lý thuyết Nhân Vị vào thực tế. Các nhà Lập Hiến đã trình bầy tư tưởng Nhân vị qua các điều ghi trong Hiến Pháp về Nhân quyền và Nhân phẩm con người. Nhưng sang đến phạm vi áp dụng trong đời sống của Nhân dân qua các chương trình Phát Triển Cộng Đồng thì cán bộ phải phục vụ xứng đáng đồng thời vận dụng nhân dân góp phần của họ vào công việc chung. Tất nhiên, Hiến Pháp 1956 cũng đã ghi rõ những hoạt động nào vi phạm đến con người, trực tiếp hay gián tiếp tuyên truyền cho chủ nghĩa Cộng sản đều bị cấm chỉ. 

Trong sinh hoạt quần chúng, khi cán bộ trình bày về đường lối phục vụ Nhân Vị xem ra đơn giản và dễ dàng được tiếp nhận. Người viết có dịp tiếp xúc với một số cán bộ kháng chiến Việt Minh đã trở về với chính nghĩa Quốc Gia. Họ xác nhận lý do trở về vì nhận chân được đường lối của chính phủ VNCH dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Họ đã không tiếc lời khen Chủ Nghĩa Nhân Vị là hay, nhất định đánh bại được chủ nghĩa Mác. Một số Cán Bộ Cộng Sản khác bị bắt cũng xác nhận: “Cái đáng sợ là Chủ Nghĩa Nhân Vị và Quốc Sách Ấp Chiến Lược. Đó là một nguy cơ cho Cộng sản Việt Nam ”. Sau ngày 1.11.1963, người ta không nhắc đến Chủ Nghĩa Nhân Vị hay Quốc Sách Ấp Chiến Lược nữa vì mặc cảm, nhưng thực tế cho thấy Hiến Pháp VNCH 1967 có khác gì Hiến Pháp 1956? Từ Lời Mở Đầu, điều khoản căn bản và những điều khoản về Nhân Quyền, vân vân. Rõ ràng là họ đã sao chép lại nguyên văn nhiều điều cơ bản, hoặc sửa vài từ ngữ, hoặc đặt ngược câu văn cho khác một chút, nhưng kỳ thực giống nhau về nội dung. Thế nghĩa là gì? Theo thiển ý thì Chủ Nghĩa Nhân Vị đã được trình bày lại mà không đề rõ tên. Thật ra thì tất cả các tư trào từ Cách Mạng 1776 của Hoa Kỳ, Cách Mạng 1789 của Pháp, Cách Mạng Tân Hợi 1911 của Trung Hoa, cho đến Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 của Liên Hiệp Quốc cũng đều hướng về Nhân quyền, về Con Người, về Nhân Vị hay Nhân Bản mà thôi.  

Vậy mà có những kẻ cố tình xuyên tạc cho rằng Chủ Nghĩa Nhân Vị áp dụng ở Việt Nam là do ông Ngô Đình Nhu mượn từ thuyết Nhân Vị (Le Personnalisme) của triết gia Pháp Emmanuel Mounier và rằng Chủ Nghĩa Nhân Vị ấy  không thích hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Đầu sỏ là bọn nhà báo bất lương ngoại quốc khi được lệnh của quan thày Tư Bản trong âm mưu mua chuộc bọn tướng lãnh phản bội đã tung ra luận điệu ấy. Ngoài ra, một số kẻ thù ghét chính phủ Ngô Đình Diệm phải chăng vì đã không được chia ghế cho nên tìm cách a dua với ngoại nhân đánh phá xuyên tạc? Bọn nhà báo bất lương này đã không chịu đọc Hiến Pháp 1956 hay tìm hiểu Văn hóa Đông Phương đã nói khá rõ về Nhân Vị và Nhân Bản. 
Ngay lời Mở Đầu của Hiến Pháp 1956 đã ghi rõ: “Ý thức rằng nước ta trên con đường giao thông và di chuyển Quốc Tế, dân tộc ta  sẵn sàng tiếp nhận các trào lưu tư tưởng tiến bộ để hoàn thành sứ mạng trước Đấng Tạo Hóa và trước Nhân loại là xây dựng một nền văn minh nhân bản, bảo vệ và phát triển con người toàn diện.” Vậy thì cụm từ “nền văn minh nhân bản” là gì vậy? Nhân Bản là một cái nhìn về Con Người của Phương Đông.  

Chắc chắn là ông Ngô Đình Nhu đã đọc tác phẩm Le Personnalisme của E. Mounier và đã tiếp thu ít nhiều. Nhưng ông đi xa hơn bằng việc nghiên cứu và tổng hợp với Tư Tưỏng Nhân Bản của Đông Phương để hình thành Chủ Nghĩa Nhân Vị Á Đông. Vả lại, ngay trong nền Văn Hóa Việt Nam cũng tiềm tảng tư tưởng về Con Người, về Nhân Vị mà sau này khi thi hành Quốc Sách Ấp Chiến Lược, chính phủ Ngô Đình Diệm đã không ngần ngại khai triển tinh thần Dân Tộc qua bản Hương Ước. Tinh thần của bản Hương Ước đã bao hàm tư tưởng Văn Hóa Việt Nam và Con Người Việt Nam tức là Nhân Vị. Cái khác theo đà tiến bộ của Văn Minh là thực hiện Dân Chủ Pháp Trị tức là dân chủ hóa hạ tầng cơ sở Xã Thôn để người dân làm quen với nếp sống dân chủ qua việc bầu cử và tích cực tham gia vào việc chung của Cộng Đồng. Mình tức người Dân làm chủ, chớ không ai khác. Không phải Đảng, không phải Chính quyền, nhưng cũng không đứng biệt lập sau lũy tre xanh mà phải dấn bước đi vào đời sống Cộng Đồng.

Việc tiếp thu tinh hoa của Nhân Loại là chuyện thường tình, nơi nào, thời nào cũng có. Không ai thắc mắc các nhà soạn thảo Tuyên Ngôn Dân Quyền của Cách Mạng Pháp 1789 đã mượn nguồn tư tưởng Tuyên Ngôn Độc Lập của Cách Mạng Hoa Kỳ 1776. Cũng không ai thắc mắc Tôn Dật Tiên đã tiếp thu tư tưởng Tây Phương để hình thành Tam Dân Chủ Nghĩa. Vậy thì tại sao có kẻ lại lên án, xuyên tạc Đệ Nhất Cộng Hòa và Chủ Nghĩa Nhân Vị để làm gì? Phải chăng để trả thù? Phá hoại? Hay cố tình làm tay sai cho ngoại bang và giặc Cộng?

Trong số những kẻ thâm thù Đệ Nhất Cộng Hòa thì có nhà văn Vũ Bằng, một điệp viên của Quân Đội Nhân Dân Bắc Việt dưới quyền Đại Tá Trần Văn Hội. Trong Tuyển Tập Vũ Bằng Tập I, trang 10 do Nhà Xuất Bản Văn Học Hà Nội 2000 ghi rõ Trần Quốc Hương, Ủy Viên Trung Ương Đảng Cộng Sản, chỉ huy mạng lưới tình báo xác nhận Vũ Bằng là điệp viên, hoạt động bí mật trong giới trí thức nội thành từ 1952. Bởi thế Vũ Bằng được Hội Nhà Văn của Việt Cộng công nhận và cho ấn hành Tuyển Tập Vũ Bằng gồm 3 tập tổng cộng trên 3000 trang. 

Về tư tưởng Nhân Vị, Vũ Bằng đã viết một đoạn trong cuốn “Nói Có Sách” trang 102 như sau:
Chủ Nghĩa Nhân Vị có khác Chủ Nghĩa Nhân Bản?
Trước đây, dưới chế độ Ngô Đình Diệm có đề xướng chủ nghĩa nhân vị và có giải thích nhiều về chủ nghĩa ấy.
Trong một bản giải thích có nói: “Chủ nghĩa nhân vị không phải là chủ nghĩa nhân bản, vì nhân bản chỉ lấy con người làm gốc mà chưa nêu được rõ giá trị tinh thần của con người. Chủ nghĩa nhân vị lấy duy linh làm triết lý căn bản, nên nhân vị cao siêu hơn nhân bản”.
Tất nhiên người ta có quyền đặt thêm nội dung cho một lý thuyết sẵn có, do sự kết hợp và sang tạo của nhận thức. Điều đó hay hay dở, ta không nên phê phán.
Song cứ theo quan niệm của Nho giáo, nhân bản hay nhân vị là một. Nhân bản hay nhân vị là chữ tắt của “nhân loại bản vị thuyết”.
Nhân loại bản vị thuyết là chủ nghĩa lây nhân loại làm bản vị, làm trung tâm vũ trụ. Tất cả mọi hoạt động đều phải tập trung vào việc nâng cao phẩm giá và mức sống của con người. Mọi nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người phải được bảo đảm. Trong đối xử, quan hệ xã hội lấy thuyết ôn tồn (chính, trung, hòa) mà đối xử với nhau.
Nói về giá trị của con người, sách “Trung Dung” có viết: “Chính thị thiên hạ chi đại đạo, hòa thị thiên hạ chi đại bổn, chính, trung, hòa thiên địa vị nhân yên, vạn vât dục yên”. 
Vì thế, nội dung của chủ nghĩa nhân vị, thực chất là nhân đạo. Nó là một thứ chủ nghĩa mà bất cứ ai, kể từ thời đại phong kiến trở lại đây, mỗi khi phải đề cập tới việc mượn lợi ích cho con người, đều nói đến. Nó là nội dung đạo đức của Nghiêu, Thuấn, là triết lý của Khổng Tử, là mẹ đẻ của các tuyên ngôn nhân quyền của Pháp (năm 1789) và của Mỹ về sau này v.v…
Do đó, ta thấy nhân bản hay nhân vị chẳng phải là một triết lý mói lạ. Có lạ chăng là ở chỗ người ta dám lợi dụng danh từ “nhân vị” hay “nhân bản” để làm những điều phản lại những nguyên tắc tối thiểu của nhân vị, nhân bản.
Than ôi! Chẳng phải riêng gì nhân vị, nhân bản bị lợi dụng, mà còn biết bao nhiêu danh từ như cách mạng, dân chủ, tự do, vì dân, do dân v.v… cũng bị xuyên tạc một cách nhục nhã hơn nữa.”
Vũ Bằng nói đúng: “nhân bản hay nhân vị chẳng phải là một triết lý mới lạ…”
Nhưng cái lạ là Vũ Bằng cùng biết bao nhiêu kẻ đã nhận ra cái hay của Nhân Vị, Nhân Bản mà lại không theo, lại đi theo chủ nghĩa Mác Xít phi nhân và phi dân tộc, làm công cụ cho Việt gian Cộng sản tay sai bán nước!

Những điều trích dẫn trên đây cho thấy kể cả kẻ thù cũng gián tiếp xác nhận Chủ Nghĩa Nhân Vị được đem áp dụng vào Việt Nam đã là cái gì thuộc về Đông Phương, rất đáng trân trọng. Nói rõ hơn, mình xử dụng cái của mình, thuộc về mình. Mình xây dựng căn nhà Việt Nam trên nền tảng tinh thần Người Việt Nam tức là đất của mình. Việc áp dụng đó, quả là hữu ích và tiến bộ. Không có gì đơn giản và dể hiểu, dễ tiếp thu bằng tư tưởng tôn trọng và bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm của con người đầu đội trời, chân đạp đất. Đó là vũ khí tư tưởng vô cùng lợi hại đối đầu với chủ nghĩa Mác của ngụy quyền Cộng Sản Hà Nội.
 
Về Quốc Sách Ấp Chiến Lược
 
Như đã nói trên, tại Hội Nghị Genève 1954, thực dân Pháp và Cộng Sản đã cấu kết với nhau chia đôi đất nước thành hai miền Nam - Bắc lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Cũng theo bản Hiệp Định này thì một cuộc Tổng Tuyển Cử thống nhất đất nước sẽ được tổ chức vào năm 1956. Nhưng lúc đó, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa dưới quyền lãnh đạo của Tổng Thống Ngô Đình Điệm đã phản đối và tẩy chay Tổng Tuyển Cử vì Cộng sản Hà Nội đã vi phạm Hiệp Định bằng cách để lại các cơ sở và cán bộ nằm vùng dưới nam vĩ tuyến 17, cấm cản dân chúng Miền Bắc di cư vào Nam, không tôn trọng quyền Tự Do của Nhân dân. Ngay tại bờ phía nam sông Bến Hải, Chính phủ Quốc Gia đã viết một tấm bảng lớn yêu cầu nhà đương cuộc Hà Nội hãy thực thi 6 điểm nếu muốn có Tổng Tuyển Cử, trong đó có điểm hãy tôn trọng tự do của nhân dân hai Miền và hãy để cho 300 trăm ngàn gia đình người dân miền Bắc được tư do di cư vào miền Nam.  Hà Nội lúc ấy tỏ ra rất cay cú vì ngót một triệu người di cư vào Nam như một cái tát vào mặt Hồ Chí Minh và đồng bọn phải bẽ mặt với thế giới, trong khi đó các cơ sở nằm vùng của chúng tại Miền Nam đã bị Phong Trào Tố Cộng tiêu diệt. Tại Miền Bắc, nền kinh tế nông nghiệp Hợp Tác Xã gặp thất bại nặng nề sau cái gọi là cuộc Cải Cách Ruộng Đất - Đấu Tố Địa Chủ. Miền Nam lúc đó, sau khi Chính phủ Quốc gia ổn định được tình hình, thống nhất quân đội, bầu cử Quốc Hội, ban hành Hiến Pháp, xây dựng các cơ sở kinh tế, thương mại, giáo dục, văn hóa, cuộc sống của nhân dân trở nên trù phú. Gần một triệu người dân di cư từ Miền Bắc vào Nam đã có nơi ăn, chốn ở, ruộng đất canh tác bao la với các khu Dinh Điền Cái Sắn ở Miền Nam đến các Khu Dinh Điền trên Cao Nguyên và Miền Đông. Tiểu Công Nghệ được chấn hưng và kỹ nghệ bắt đầu được hình thành.  Hạ tầng cơ sở, đường xá giao thông và giáo dục được mở mang, cải tiến. Ngoại giao tăng uy tín và lớn mạnh. Cứ cái đà này thì một ngày không xa, Miền Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm sẽ lướt thắng Miền Bắc xã hội chủ nghĩa của Hồ Chí Minh. Bởi đó, theo lệnh quan thày Nga - Hoa, Cộng Sản Bắc Việt tiến hành xâm lăng Miền Nam bằng giải pháp quân sự với chiêu bài Đồng Khởi rồi Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam . Đó là lối thoát cho chúng vừa để gỡ thế bí kinh tế thất bại tại Miền Bắc, vừa để vực dậy và cứu sống số cơ sở nằm vùng còn sót lại ở Miền Nam . Thật đúng như lời dạy của Mao Trạch Đông với đàn em: “Thà để chúng chết ở chiến trường còn hơn để chúng chết đói ở nhà” Một cuộc hô hào giải phóng Miền Nam của tập đoàn Cộng Sản Hà Nội bắt đầu từ đó.

Nhưng nếu muốn dùng giải pháp quân sự thì phải có phương pháp thực hiện. Vậy phương pháp đó là gì? Với tình hình Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng trong thời chiến tranh lạnh lúc đó, thì tập đoàn Hà Nội phải áp dụng Chiến Pháp Chiến Tranh Cách Mạng của Mao Trạch Đông, kẻ đã thắng Tưởng Giới Thạch tại Hoa Lục gần 10 năm trước đó (1949).  Với chiến thắng của Mao, các Đảng Cộng sản đàn em tại các nước Á Phi và Châu Mỹ La Tinh đua nhau khai triển và áp dụng Chiến pháp này, một thứ Chiến Tranh Nhân Dân, lấy nhân dân làm đối tượng tuyên truyền,  tranh thủ để thâu đạt thắng lợi.

Chiến Pháp của Mao Trạch Đông là một công trình nghiên cứu và áp dụng trong thực tiễn của Đảng Cộng Sản Trung Hoa trong cuộc chiến tranh Quốc-Cộng. Đảng Cộng Sản Trung Hoa được thành lập năm 1920 tại Thượng Hải (do chính quyền Sô Viết tại Mạc Tư Khoa phái Gregory Voitinsky sang tổ chức). Lãnh tụ Đảng đầu tiên là Trần Độc Tú, Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa ở Bắc Kinh làm Tổng Bí Thư (1920- 1930). Sau 10 năm đấu tranh không kết quả khả quan, Trần Độc Tú xuống và Lý Lập Tam lên thay 1930. Nhưng Lý Lập Tam cũng thất bại trong việc vận động công nhân nổi dậy (vì bị Tưởng Giới Thạch dẹp tan) nên Lý bị triệu hồi về Mạc Tư Khoa. Lợi dụng cơ hội này, Mao Trạch Đông, lúc đó đang lãnh đạo cơ sở Đảng tại Hồ Nam, nhảy ra nắm vai trò lãnh đạo. Là một đảng viên xuất sắc, xuất thân từ nông dân giàu có ở Hồ Nam, được học hành, rồi gia nhập Đảng Cộng Sản khi Trần Độc Tú làm Tổng Bí Thư (1920), đã từng làm việc tại Thư Viện Đại Học Bắc Kinh, nên Mao có nhiều kinh nghiệm đấu tranh vận dụng nông dân. Trước nguy cơ tấn công tiêu diệt của Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảng, Mao và đồng đảng như Bành Đức Hoài, Chu Đức, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình quyết định thực hiện cuộc Vạn Lý Trường Chinh (1934-1935) từ Quảng Đông, Quảng Tây kéo về Diên An, Thiểm Tây, để lập căn cứ địa. Theo nhận định của Mao, hoàn cảnh của Trung Hoa lúc đó phải lấy Nông dân làm lực lượng chính thay vì Công nhân. Khởi điểm từ đó, Chiến Pháp Chiến Tranh Cách Mạng của Mao ra đời. Trong phạm vi giới hạn, người viết chỉ trình bày khái quát những điểm chính mà thôi.

Chiến Pháp Chiến Tranh Cách Mạng của Mao Trạch Đông bắt đầu từ hai luận đề:
Luận đề 1: Phân biệt Chiến Tranh Cách Mạng và Chiến Tranh phản Cách Mạng
Luận đề 2: Quan niệm Mác Xít về Chiến Tranh và Chính Trị.
Sau khi phân biệt chiến tranh cách mạng và Chiến trang phản cách mạng, Mao nhấn mạnh về tương quan giữa Chiến tranh và Chính trị. Mao chịu ảnh hưởng rõ rệt quan điểm của Clausewitz (chiến Pháp gia Đức) qua câu nói: “Chiến tranh là sự kế tục của Chính trị” nhưng Mao đi xa hơn Clausewitz theo quan điểm Mác xít về đấu tranh thường trực qua câu nói nổi danh: “Chiến tranh là Chính trị đổ máu và Chính trị là Chiến tranh không đổ máu”.

Từ hai luận đề nói trên, Mao khai triển vào thực tế, (tất nhiên không ngoài Binh Pháp của Tôn Tử và 10 nguyên lý chiến tranh). Theo Mao, Chiến Pháp Chiến Tranh Cách Mạng bao gồm 3 giai đoạn chiến lược:
-         Gia đoạn (1): Phòng Ngự
-         Giai đoạn (2): Cầm Cự
-         Giai đoạn (3): Tổng Phản Công.

Khởi đầu là Giai đoạn Phòng Ngự phải áp dụng Du Kích Chiến. Du Kích là đơn vị võ trang lấy nông thôn hoặc rừng núi làm cứ điểm. Muốn tồn tại, phải bám lấy dân. Cho nên Mao đề ra phương châm 3 bám: (1) Chi bộ bám du kích, (2) Du kích bám dân, (3) Dân bám đất, trong đó “Quân Dân như Cá với Nước”. Về mặt trận địa thì Căn cứ địa phải ở Vùng rừng núi giáp biên giới nước khác để dễ ẩn núp và dễ đào thoát khi bị truy kích. Đó là nói về Du Kích chiến theo Chiến Lược (vì Du Kích Chiến là một giai đoạn chiến lược của Chiến Tranh Cách Mạng). Còn về chiến thuật thì Lâm Bưu đã khai triển thêm qua phương châm “Tứ khoái, nhất mãn” (Bốn nhanh, một chậm. Bốn nhanh là: tiến quân nhanh, tấn công nhanh, giải quyết chiến trường nhanh, rút lui nhanh. Còn một chậm là: chuẩn bị chậm).
Mao có làm bài thơ về lối đánh của du kích như sau :
Khi địch tiến, ta lui
Khi địch đánh, ta né
Khi địch ngừng, ta quấy
Khi địch lui, ta đuổi

Lối đánh du kích là lối đánh của kẻ yếu đánh kẻ mạnh mà vẫn thắng, dùng đơn vị nhỏ của Ta đánh đơn vị lớn của Địch, bám dai như đỉa đói nhưng rất lợi hai. Khởi sự đấu tranh khi lực lượng quân sự còn nhỏ thì phải áp dụng lối đánh này. Từ nhỏ đi tới lớn. Từ Du kích chiến (giai đoạn Phòng Ngự) sẽ tiến dần lên Vận động chiến, Cường tập chiến, Bôn tập chiến, Công kiên chiến (giai đoạn Cầm Cự) và cuối cùng là Trận địa chiến (giai đoạn Tổng Phản Công). Giai đoạn Du kích chiến phải khởi sự từ Nông thôn và Rừng núi là nơi có địa thế hiểm trở dễ làm chỗ ẩn núp an toàn cho du kích và lấy Nông dân làm lực lượng chính. Nông dân sống ở đồng ruộng, rừng núi, quen biết địa thế. Họ vừa làm Du kích, vừa làm nông dân lao động, che chở cho Du kích. Vì Du Kích là lực lượng Quân sự nên Chi bộ là Đảng phải bám vào (chỉ huy) Du kích. Du kích phải bám Dân và Dân bám Đất. Nói như thế thì vai trò của Chi bộ Đảng rất quan trọng. Ở đây cần nhắc đến quan niệm của Lênin về Cách Mạng: “Không có lý luận cách mạng thì không có Đảng cách mạng. Không có Đảng cách mạng thì không có Cách mạng”. Trong giai đoạn đầu, phải lập căn cứ địa ở vùng rừng núi để “Lấy rừng núi kiếm chế nông thôn và lấy nông thôn bao vây thành thị”.

Khi Mao Trạch Đông và phe Đảng thực hiện cuộc Vạn Lý Trường Chinh từ Hoa Nam kéo về Diên An chính là lúc Đảng Cộng Sản Trung Hoa bắt đầu đổi Chiến Lược dưới sự lãnh đạo của Mao. Thực hiện Chiến Pháp Chiến Tranh Cách Mạng của Mao thâu đạt thắng lợi cho phe Cộng Sản tại Trung Hoa bắt đầu từ đó. Cũng từ thắng lợi này, các Đảng Cộng Sản trong các nước chậm tiến Á Phi và Châu Mỹ La tinh noi gương, học hỏi Mao và Hồng Quân, cố gắng du nhập và thực hiện Chiến pháp Chiến tranh Cách mạng cho vùng của mình nhằm phát động đấu tranh nhuộm đỏ thế giới.

Việt Nam sát biên giới phía bắc với Trung Hoa. Cộng sản Việt Nam lập An Toàn Khu ở Thái Nguyên, nhờ Trung Cộng viện trợ, huấn luyện, chỉ đạo nên đã chiến thắng thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ. Sau hiệp định Genève 1954, Việt Nam bị chia đôi và nhất là Miền Nam đã thực hiện cuộc Cách Mạng Nhân Vị, thành lập chế độ Cộng Hòa thì tình hình đã thay đổi. Âm mưu và tham vọng của Cộng sản Quốc tế cũng như Việt Cộng vẫn là phải thống nhất VN dưới chế độ Mác xít. Tiếp tục bài bản của đàn anh Trung Cộng và nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của quan thày Nga- Hoa, Cộng Sản Việt Nam sau khi yêu cầu hiệp thương và tổng tuyển cử bị thất bại đã mau mắn tiến hành Chiến tranh giải phóng theo lời dạy của Mao dưới chiêu bài Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam tháng 12 năm 1960. Trước đó, Việt Cộng đã cố gắng phục hoạt lại các cơ sở nằm vùng, khởi động bằng khủng bố, ám sát các viên chức xã ấp, giáo chức, công chức của Miền Nam, kiềm chế, đe dọa sinh mạng và tài sản của nhân dân trong những vùng xa xôi hẻo ánh, lén lút đưa quân xâm nhập từ Miền Bắc vào Miến Nam qua ngả Lào và Cao Miên trên cái gọi là đường mòn Hồ Chí Minh, lập các Mật Khu (căn cứ địa) tại vùng biên giới, rừng núi hiểm trở cạnh dãy Trường Sơn ngoài Miền Trung hay các chiến khu D, Châu Pha, Hát Dịch, U Minh… tại Miền Nam. Khi đưa ra chiêu bài Mặt Trận Giải Phóng, Việt Cộng đồng thời cũng đưa ra Phương Châm Chiến Lược Ba Mũi Giáp Công, đó là sự kết hợp ba mũi dùi Chính Trị, Quân Sự và Binh Vận để thực hiện chiêu bài đó.

Đời sống của nhân dân Miền Nam dưới chính thể Cộng Hòa đang được an vui bỗng trở nên xáo trộn vì bọn Việt Cộng nằm vùng nổi lên bằng khủng bố, bắt cóc, ám sát. Chiến tranh du kích bắt đầu và mỗi ngày một gia tăng. Trước tình thế đó, các vị lãnh đạo quốc gia nhận thấy rằng không thể thực hiện một vài Chiến Dịch hành quân như khi đối phó với các giáo phái là xong mà phải có một sách lược quy mô nhằm đối phó với một âm mưu xâm lược của Việt Cộng có hậu thuẫn mạnh mẽ của Cộng sản Quốc Tế. Dó đó, Quốc Sách Ấp Chiến Lược được nghiên cứu và ra đời. 
(Chú thích ảnh - Madam Ngô Đình Nhu đang kiểm tra một đồn lũy tự vệ khi đến thăm một ấp chiến lược vào tháng 7/1962)











Nghe nói tới Ấp Chiến Lược, người ta chỉ nghĩ hoặc hình dung đó là việc gom dân lập ấp. Cộng sản và những phần tử tay sai hoặc bất mãn thì cố tình xuyên tạc, tuyên truyền thổi phồng lên là những trại tập trung dân chúng như trại tù. Tất nhiên, luận điệu đó chỉ có tác dụng đối với số nhỏ. Phần lớn dân chúng đều hiểu biết về chủ trương đường lối của Chính Phủ Quốc Gia. Vậy Quốc Sách Ấp Chiến Lược là gì? Thưa đó là Sách Lược diệt Cộng cứu nước của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa. Sách Lược đó bao gồm ba điểm chính sau đây:
- Thứ nhất là Chiến Lược “Tát nước bắt cá” tức là gom dân lập ấp để bảo vệ an ninh cho dân chúng chống lại âm mưu xâm nhập của Cộng sản với chủ trương “Dân quân như cá với nước”.
- Thứ hai là Chủ nghĩa Nhân Vị Cộng Đồng - Đồng Tiến Xã Hội chống lại Chủ nghĩa Cộng sản.
- Thứ ba là phục hưng và phát huy Truyền thống xã thôn Việt Nam .

Gọi là ba điểm chính nổi bật cho dễ hiểu chớ thực ra Quốc Sách Ấp Chiến Lược là một Cuộc Cách Mạng bao gồm nhiều lãnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội nhằm diệt ba thứ giặc: Chia rẽ, Chậm tiến và Cộng sản. Ba thứ giặc này luôn cấu kết với nhau đưa dân nước đi xuống. Giặc chia rẽ làm cho dân không đoàn kết, không tập trung được sức mạnh để mở mang, phát triển khiến nước mình chậm tiến. Giặc chậm tiến làm mồi cho vi trùng Cộng sản. Và khi Cộng sản đã len lỏi vào phá hoại thì chúng sẽ gây chia rẽ. Và cứ như vậy, nước mình sẽ đi vào cái vòng luẩn quẩn không sao ngóc đầu lên được.  Trong phạm vi hạn hẹp, người viết chỉ xin trình bày 3 điểm chính nêu trên.
 
Điểm 1: Gom dân lập ấp hay “tát nước bắt cá”
 
Gom dân lập ấp chỉ là một trong những công tác chính yếu của chiến lược “tát nước bắt cá”. Chiến lược này đã được trình bày trong các tài liệu, và đưọc cụ thể hóa qua Nghị định ngày 12-03-19 63 của Tổng Thống VNCH về việc tổ chức Ấp Chiến Lược. Chiến lược gồm hai phần: (1) Thứ nhất nói về việc gom dân lập ấp. (2) Thứ hai là nói về việc đoàn ngũ hóa và vũ trang nhân dân. Lồng vào đó là tinh thần Dân Chủ Pháp Trị từ Chủ Nghĩa Nhân Vị.

Ấp có hai loại: Ấp Chiến Lược và Ấp Chiến Đấu. Hầu hết là Ấp Chiến Lược. Ấp Chiến Lược được võ trang thì gọi là Ấp Chiến Đấu.  Ấp, Xã thì ở nông thôn; còn Khóm, Phường thì ở thành thị.

Trong khi thực hiện công tác Ấp Chiến Lược, chính phủ đã cố gắng rút kinh nghiệm công cuộc chống Cộng tại Mã Lai và Phi Luật Tân vì cùng là những quốc gia chậm tiến tại Á Châu bị Cộng sản phá hoại. Mã Lai là thuộc địa của Đế Quốc Anh, được trả độc lập và chính quyền Anh đã hết mình giúp Mã Lai tiêu diệt Cộng sản với chương trình huấn luyện Cảnh Sát. Người chịu trách nhiệm là Sr. Robert Thomspon, chuyên gia chiến lược du kích, sau đã qua giúp Việt Nam với vai trò Cố Vấn về Quốc Sách Ấp Chiến Lược. Công cuộc chống Cộng tại Phillippine dưới thời Tổng Thống Ramon Magsaysay dẹp tan Cộng sản Huk cũng được chính phủ để tâm nghiên cứu. Hy Lạp là quốc gia Tây phương duy nhất đã thành công trong việc diệt Cộng thay vì bị Staline cho quân tràn qua chiếm giữ như các quốc gia Đông Âu.
Những người lính Quốc gia bắt giải mấy tên Việt cộng xuống chiếc ghe ở sông MeKong, 1962
Mỗi quốc gia có một vị trí địa lý và sắc thái văn hóa, chính trị riêng. Vị trí địa lý rất quan trọng. Mã Lai như một bán đảo. Phi luật tân là một đảo quốc gồm hàng trăm  hòn đảo ở Thái Bình Dương trong vùng Đông Nam Á. Hy lạp thì thuộc phía Nam Âu Châu trong vùng Balkan. Riêng Việt Nam thuộc Đông Dương giáp Lào, Miên, Trung Hoa và từ thời xa xưa, luôn là miếng mồi ngon cho kẻ thù phương Bắc nhòm ngó. Đã bao lần nước ta bị thôn tính, nhưng cha ông ta đã vùng lên đánh đuổi giặc phương Bắc để giành lại độc lập. Chỉ vì sự ngu muội, bảo thủ mà triều Nguyễn đã không có chánh sách ngoại giao khôn ngoan, không biết lo canh tân xứ sở để đủ sức chống chọi, kết cục cả nước bị đưa vào vòng thuộc địa. Rồi từ đó, vi trùng Cộng sản có cơ hoạt nổi lên nắm chính quyền gây tang tóc cho dân tộc.

Kinh nghiệm lớn nhất có lẽ là chế độ Làng Tề ở Miền Bắc trước năm 1954 (từ chiến dịch Navarre về đồng bằng). Thời đó, công cuộc chống Cộng đã có những nỗ lực đáng kể tại Khu Tự Trị Bùi Chu - Phát Diệm. Những khu khác do Quân Đội Quốc Gia Việt Nam kiểm soát thì các làng theo chế độ “hội tề” trong chương trình bình định, được vận động tham gia chống Việt Minh Cộng sản. Người viết đã có dịp chứng kiến tại một số làng tại huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình. Dân chúng trong làng (chủ lực là thanh niên) được vũ trang (nhận súng đạn), đào hào đắp lũy quanh làng để tự vệ. Việc lập các làng tề như thế trong chiến dịch bình định chính là để mở rộng vòng đai an ninh cho Quân Đội Quốc Gia. Còn dân chúng thì tự họ có thể giữ an ninh cho mình bằng cách loại trừ và ngăn ngừa địch xâm nhập phá hoại hoặc tấn công. Thực tế cho thấy, những làng Tề đã chiến đấu rất kiên cường và có kết quả rất lớn. Trong làng, phần tử nào ngầm hoạt động cho giặc dễ dàng bị dân chúng phát hiện. Bất cứ kẻ lạ mặt nào vào làng cũng dễ dàng bị bắt nhờ màng lưới an ninh nhân dân. Ban ngày, dân chúng, nhất là thanh niên đều ra đồng làm việc. Chỉ để một số thanh niên chiến đấu ngồi canh gác tại mấy cổng làng nhằm kiểm soát người ra vào.  Nếu có gì khác lạ, chỉ cần giựt một hồi chuông, bắn ba phát súng là thanh niên tự động về làng, mang vũ khí ra công sự chiến đấu. Thực tế cho thấy đánh đồn hay đánh ấp (công đồn), địch phải tập trung lực lượng ít nhất là gấp ba lần mới dám tấn công. Vả lại, nếu không có nội công hoặc ở vào thế bí, phải xử dụng lực lượng quá mạnh để tiêu diệt đối phương thời việc đánh ấp đều gặp thất bại. Nếu có đánh cũng chỉ “gây rối cho qua” rồi bỏ đi.
Nhớ lại thời gian các Làng Tề chống Việt Minh ở ngoài miền Bắc, dân chúng một phần ở địa thế an toàn, một phần có niềm tin sắt đá (chẳng hạn những làng Công Giáo) thì Việt Minh rất khó tấn công. Đôi khi chúng tấn công rồi rút ngay, không dám chiếm ngụ lâu dài, vì sợ viện binh và nhất là sức phản công của dân quân tự vệ rất mạnh và bền bỉ.

Ở miền Trung hay Miền Bắc, dân chúng sống quy tụ gần gũi nhau thành làng. Chung quanh làng thường có lũy tre xanh bao bọc. Khi lập làng Tề hay lập Ấp Chiến Lược, họ chỉ cần đào hào đắp lũy và nếu cần thêm hàng rào là xong. Trái lại, trong miền Nam thì tại nông thôn, dân chúng thuờng làm nhà ở rải rác ven bờ lộ hay bờ kinh nên việc gìn giữ an ninh gặp trở ngại. Lợi dụng tình trạng đó, bọn Cộng sản năm vùng dễ dàng len lỏi sống bám với dân. Bởi thế, những làng nào mà dân chúng ở quy tụ như làng miền Bắc thì việc lập Ấp Chiến Lược dễ dàng. Những làng mà dân chúng ở rải rác thì buộc lòng, chính quyền phải vận động dân chúng di chuyển nhà ở vào trong ấp với mục đích là gìn giữ an ninh cho chính họ đồng thời loại trừ những tên Cộng sản nằm vùng. Việc vận động dân rời nhà vào trong hàng rào ấp ít nhiều cũng gây bất mãn vì làm thay đổi nếp sống thường ngày của họ. Nhưng điều đó cũng không phải là vấn nạn lớn không giải quyết được.

Việc gom dân lập ấp chỉ là bước đầu trong việc tát nước bắt cá. Bước thứ hai là đoàn ngũ hóa và vũ trang nhân dân. Việc này không mới lạ gì trong lịch sử vì từ xa xưa ngay bên Tàu đã có chủ trương “Ngũ Gia Liên Bảo” tức là 5 gia đình ở gần nhau bảo vệ cho nhau. Bây giờ, trong mỗi ấp cũng chia thành khu, thành xóm, thành liên gia để bảo vệ nhau. Với dân trong ấp thì được phân ra theo lứa tuổi: Thanh Niên, Thanh Nữ, Lão Ông Lão Bà, Thanh Niên Bảo Vệ Huơng Thôn, Thanh Niên Cộng Hòa, Thanh Niên Chiến Đấu. Việc tham gia các đoàn thể chỉ có mục đích làm tăng sự liên đới, bảo vệ và nhất là để dễ nhận diện kẻ thù Cộng sản. Vì thường trong một ấp, dân chúng quen nhau, biết nhau rất rõ ràng. Nếu có người khác lạ là họ nhận ra ngay. Như vậy, Ấp Chiến Lược giúp cho Chính Phủ và Quân Đội Quốc Gia rảnh tay một phần lớn vì Du Kích Việt Cộng bị tách rời khỏi nhân dân, và chúng phải co cụm vào các mật khu, mất đường tiếp tế từ nhân dân như cá nằm trên thớt. Du kích không bám được vào Dân thì kể như hết đất đứng. Lúc đó Quân Đội Quốc Gia chỉ việc dùng lực lượng mạnh bao vây và tiêu diệt chúng trong các mật khu. Tất nhiên giai đoạn phòng ngự với Du kích chiến không thành công thì chúng không thể phát triển đơn vị du kích thành bộ đội chủ lực để tiến sang Vận Động Chiến được.

Cũng nên nói thêm về Ấp Chiến Đấu. Đó là những Ấp Chiến Lược ở vào địa thế quan trọng, được võ trang như một đồn lính chiến đâu. Cụ thể nhất là Biệt Khu Hải Yến ở Cà Mau dưới sự lãnh đạo của Linh Mục Nguyển Lạc Hóa đã tạo được thành tích chống Cộng vẻ vang. Có một vài làng ở Miền Bắc di cư vào Nam, cũng được võ trang để tự bảo vệ và tránh sự trả thù vì thành tích chống Cộng như mấy làng ở vùng Xuân Lộc, Long Khánh. Có lần vào sau dịp Tết Mậu Thân 1968, Việt Cộng đã bén mảng đến tấn công trả thù vì du kích của chúng đi ngang qua ấp chẳng may bị dính bào bẫy heo, mìn nổ banh xác. Chúng tức giận nên ban đêm vác loa đòi xác, nhưng dân làng không trả nên chúng đưa đại đơn vị đến bao vây. Nhờ sự yểm trợ của quân đội địa phương, nhất là pháo binh và phi cơ chiến đấu ném bom. Kết quả trận đánh, Việt Cộng thua to bỏ chạy, để lại hơn 100 xác chết đồng bọn.
Chiến lược tự vệ với rào chắn làm bằng tre vạt nhọn (ảnh trái). Madame Nhu đi khảo sát Ấp chiến lược Phước Ngươn vào tháng 6/1962 (ảnh phải). 
Điểm 2: Chủ Nghĩa Nhân Vị
 
Trong khi thực thi Quốc Sách Ấp Chiến Lược, chính phủ VNCH muốn đưa chủ nghĩa Nhân vị vào cuộc sống nhân dân, làm thế nào để nhân dân hiểu biết và nhận ra rằng qua Ấp Chiến Lược, cuộc sống của họ chẳng những được bảo đảm về mặt an ninh mà còn được cải tiến về các mặt chính trị, xã hội, văn hóa. Nói tắt là con người của họ được phát triển toàn diện. Tất nhiên cái cây mình ươm trồng cũng cần thời gian để nó nẩy mầm, lớn lên mới đơm hoa kết trái. Việc đưa Chủ Nghĩa Nhân Vị vào đời sống nhân dân khởi đầu bằng việc huấn luyện cán bộ. Cán bộ thời đó gọi là Cán bộ Công Dân Vụ tức cán bộ lo việc đời sống cho người công dân. Tư cách người Công dân nên hiểu là con người thường hiểu biết nhiệm vụ của mình đối với đất nước mà cụ thể là đời sống trong Cộng Đồng. Tư tưởng Nhân vị đã được ông Cố vấn Ngô Đình Nhu đặt thành phương trình như sau:

Tam Túc + Tam Giác = Tam Nhân = Nhân Vị

Nói về Tam Nhân thì Con người hay Nhân Vị có ba chiều kích:
- Chiếu kích cá nhân hay trong cảnh vực nội tâm thì bao hàm Lẽ phải, Tình Thương và Tự do.
- Chiều kích đối ngoại với tha nhân tức với Cộng Đồng. Nhân vị chỉ được coi là đúng nghĩa khi đi với Cộng Đồng. tham dự vào đời sống Cộng Đồng để cùng tiến. Nhân vị Cộng Đồng và Đồng Tiến Xã Hội là như vậy.
- Chiều kích hướng thượng tức là hướng về Chân, Thiện. Mỹ hay Tuyệt đối hay Đấng Tạo Hóa, Đấng Tối Cao tùy theo Tôn giáo của mình.

Để hoàn thành hay phát triển con người toàn diện thời phải biết cảnh giác. Cảnh giác ba khía cạnh của đời sống. Đó là cảnh giác sức khỏe, Cảnh giác đạo đức và Cảnh giác về lý trí. Đó là ba yếu tối giáo dục: Trí, Đức và Thể Dục. Có được giáo dục hay rèn luyện cà ba khía cạnh đó thì con người hay Nhân vị mới nẩy nở hoàn toàn.

Trước tình hình mới, khi nhờ vả thiên hạ thì họ hay bắt bí mình, nên vạn bất đắc dĩ lắm mới phải nhờ. Cho nên trước khi nhờ người thì mình phải nhờ chính mình trước tức là biết Tự túc, mà phải Tam Túc tức là Tự túc ba khía cạnh: Tự túc tư tưởng, Tự túc tổ chức và Tự túc kỹ thuật. Ông Ngô Đình Nhu nói: “Người ta giúp mình thì mình phải lụy vào người ta. Người nào bỏ tiền người ấy chỉ huy”. Câu này ám chỉ việc nhờ vào ngoại viện rất nguy hiểm. Người ta bắt mình phải làm theo điều kiện mà họ đưa ra nhằm phục vụ quyền lợi của họ. Mình làm trái ngược sẽ gặp khó khăn trở ngại. Cho nên, chủ trương “Tam Túc, Tam Giác” không chỉ bao hàm trong lý thuyết NhânVị mà phải được khai triển áp dụng bằng hành động cụ thể trong cuộc chiến đấu chống Cộng sản. Vậy nếu ta hiểu rằng Quốc Sách Ấp Chiến Lược là sách lược chống Cộng, chống chiến tranh không trận tuyến do Cộng sản gây ra bằng việc gom dân lập ấp (tát nước bắt cá) thì trong hoàn cảnh cụ thể chậm tiến của đất nước, cán bộ, chiến sĩ  phải biết sáng tạo. Tam Túc và Tam Giác chính là phương cách chống du kích chiến Cộng sản bằng lối đánh du kích của mình. Du kích của mình phải thực hiện phương châm “Tam Túc và Tam Giác”, tránh nhờ vả tối đa vào ngoại bang. Tất cả phải do óc sáng tạo của mình trong hoàn cảnh cụ thể để bảo vệ an ninh cho đồng bào đồng thời loại trừ phiến Cộng bằng phương tiện do mình sáng tạo. Cũng xin nói thêm, sở dĩ nêu ra phương châm “Tam Túc” trong Quốc Sách Ấp Chiến Lược là vì vào thời đó, chính quyền Mỹ có ý định đưa quân vào Việt Nam mà không cần ký kết thỏa ước gì cả, họ muốn mình chiến đấu theo cách của họ. 
Họ muốn điều khiển toàn bộ cuộc chiến theo ý họ. Họ sẽ giữ vai trò chính, còn mình trở thành phụ hay nói khác hơn trở thành công cụ tay sai, như thế là mất chủ quyền. Nếu để Mỹ tự tiện đưa quân vào Việt Nam mà không theo một thỏa ước hay hiệp định song phương thì Việt Nam sẽ mất chính nghĩa nên TT Ngô Đình Diệm đã kịch liệt chống lại. Chính phủ VNCH chỉ muốn Mỹ trao vũ khí cho Việt Nam để Việt Nam đánh lại cuộc xâm lăng của Cộng sản mà thôi. Nguyên nhân bất đồng đưa đến cuộc đảo chánh 1-11-1963 là như thế. Họ đã lợi dụng đủ mọi biến động để thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm để thay bằng một chính quyền tay sai, nói sao làm vậy. Biến cố Phật Giáo là cơ hội cho họ thực hiện chủ trương đó. Không có biến cố này thì họ sẽ tạo ra biến cố khác, thế thôi.
 
Điểm 3: Phục hưng Truyền thống Xã Thôn: Thực ra đó là Truyền thống Việt Nam
 
Ngày xưa khi Việt Nam chưa có thành thị thì với đời sống nông nghiệp dân chúng chỉ quy tụ nơi làng xã được bao bọc bởi lũy tre xanh. Mỗi làng là một Cộng Đồng có luật lệ riêng, nên mới có câu: “Phép Vua thua Lệ làng”. Lệ làng biến thành Luật của làng mà mọi người phải tuân theo. Thang giá trị thời đó cũng có những nét hay riêng của nó. Thay vì “Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh” như trước để các ông Tiên chỉ ăn trên ngồi trốc thì nay: “Chiến sĩ đứng hàng đầu vì chiến sĩ đã dùng sức lao động và chính bản thân mình đấu tranh bảo vệ tổ quốc, làng xã; sau đến gia đình chiến sĩ, những vị dân cử hiến thân vì Cộng đồng, và nhất là giới cần lao tức là chiến sĩ lao động dùng sức làm việc cần mẫn của mình để xây dựng và phát triển Nhân vị và Cộng đồng. Thật ra, tuy chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa về thang giá trị với đẳng cấp trong xã hội như: Sĩ, Nông, Công, Thương; nhưng người Việt lại có những cái nhìn khác, dân chủ hơn qua câu nói: “Nhất sĩ nhì nông; hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Trong gia đình thì người Trung Hoa coi trọng con trai hơn con gái (nam tôn, nữ ti) với câu “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô.” Việt Nam trái lại: “Thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn” nghĩa là vợ chồng bình đẳng tức ngang hàng với nhau.

Nhưng xã hội tiến bộ thì việc cải cách phải đặt ra. Thời Pháp thuộc đã có nhiều cuộc Cải Lương Hương Chính, nghĩa là thay đổi, cái tiến tổ chức hành chánh huơng thôn. Nhân khi Quốc Sách Ấp Chiến Lược ra đời thì cũng là lúc nên có những cải cách cho hợp thời với đà tiến bộ của văn minh nhân loại bằng việc Dân chủ hóa hạ tầng cơ sở theo chủ trương Dân Chủ Pháp Trị, thống nhất luật lệ từ Trung Ương đến địa phương Xã, Ấp để mọi người có cơ hội góp phần xây dựng đất nước. Thời đó, khi phong trào xây dựng Ấp Chiến Lược được phát động rầm rộ thì tại Trung Ương, chính phủ đã cho mở Trung Tâm Huấn Luyện cán bộ như Trung Tâm Nhân Trí Dũng ở Suối Lồ Ồ thuộc quận Dĩ An, Biên Hòa hoặc Trung Tâm Thị Nghè, Sài Gòn. Nơi đây, các viên chức trong chính quyền cũng như các Giáo sư Đại Học được mời đến tham dự các Khóa Hội Thảo về Chủ Nghĩa Nhân Vị và Quốc Sách Ấp Chiến Lược để giới trí thức có cái nhìn rõ rệt về hiện tình Quê Hương, về cuộc đấu tranh chống Cộng của dân chúng Miền Nam cùng những chương trình xây dựng Cộng Đồng của chính phủ mà họ sẽ ra tay đóng góp.

Từ xưa, mỗi Làng hay Xã đều có bản Hương Ước ghi lại những luật lệ sinh hoạt của Làng. Ngày nay, khi xây dựng các Ấp Chiến Lược, chính quyền Trung Ương (Ủy ban Liên Bộ về Ấp Chiến Lược) đã soạn thảo một bản Hương Ước mẫu gửi đến các địa phương. Tại mỗi Ấp Chiến Lược, dân chúng họp nhau lại, thảo luận, trao đổi, đưa ra những ý kiến và biểu quyết về Bản Hương Ước của ấp mình. Tất nhiên, trong Bản Hương Ước của mỗi ấp, sẽ có những điểm chung như các ấp khác và có những nét cá biệt địa phương của ấp mình về phong tục, tập quán chẳng hạn... Bản Hương Ước mới này được thực hiện đúng theo tinh thần Dân Chủ Pháp Trị là như vậy.  
 
Nói tóm lại Quốc Sách Ấp Chiến Lược là một cuộc Cách Mạng vừa chống Cộng sản lại vừa xây dựng Cộng Đồng. Trong thời gian 2 năm (1961-1963) từ ngày chính thức được Quốc Hội biểu quyết đưa lên hàng Quốc Sách thì chương trình lập Ấp đã có những bước tiến đáng kể: hơn 8 ngàn ấp đã được thực hiện suốt từ mũi Cà Mau đến tận sông Bến Hải. An ninh lãnh thổ đã được phục hồi. Đó là dấu hiệu đáng mừng. Người ta hy vọng rằng trong vòng 2 năm nữa, cứ cái đà đó thì việt Cộng sẽ không còn đất đứng ở Miền Nam.

Nhận thấy đó là một nguy cơ nên Việt Cộng, cùng tay sai cũng như quan thày Nga Hoa của chúng đã không ngừng dùng tuyên truyền để xuyên tạc phá hoại. Thực tế cho thấy cán binh Việt Cộng bị bắt cầm tù đã thú nhận Ấp Chiến Lược và Chủ Nghĩa Nhân Vị là nguy cơ cho chúng. Chỉ tiếc rằng vì bất đồng chính kiến, nhất là muốn giữ vai trò chủ động nên Mỹ đã mua chuộc bọn tướng lãnh phản bội thực hiện cuộc đảo chánh 1-11-1963, hạ sát anh em TT Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, đưa Việt Nam vào cuộc khủng hoảng lãnh đạo, khởi sự làm mồi cho Cộng sản nuốt trọn Miền Nam. Thật vậy, chỉ nội trong hai ngày 1 và 2-11-1963, Việt Cộng đã lợi dụng thời cơ cho phá hàng trăm Ấp Chiến Lược. Tệ hại hơn nữa, chính Dương Văn Minh, một tên tướng ngu, hèn, tham đã ra lệnh cho phá hủy Ấp Chiến Lược khiến cho an ninh lãnh thổ lâm nguy. Thấy vậy, Mỹ và bọn tay sai lại phải hô hào duy trì Ấp Chiến Lược. Nhưng lúc đó, thượng tầng thì bất lực lại thiếu uy tín đạo đức, hạ tầng mất niềm tin và buông xuôi nên việc hô hào duy trì đã không có kết quả. Nhưng cũng kể từ đây, Mỹ tha hồ đưa quân vào Việt Nam , không cần một tờ giấy, tự tung tự tác, khiến chính tình Miền Nam càng ngày càng sa vào vũng lầy không lối thoát. Mỹ vội vã đưa nửa triệu quân cùng với hơn 100 ngàn quân Đồng Minh (Thái Lan, Đại Hàn, Úc, Tân Tây Lan) vào cứu nguy Miền Nam, hy sinh trên 58 ngàn binh sĩ cho cuộc chiến đẫm máu và cuối cùng phải tháo chạy cách bẽ bàng! Đó chính là bài học về chiến tranh nhân dân, chiến tranh cách mạng mà Mỹ cùng đồng minh chống Cộng phải học về bản chất và chiến lược cùng phương pháp đối phó với loại chiến tranh không trận tuyến mà Quốc Sách Ấp Chiến Lược là một trong những công trình chống Cộng có hiệu quả nhất trên thế giới.

Thật ra sau khi ổn định được tình hình với nhóm tướng trẻ Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ, Chương Trình Xây Dựng Nông Thôn với phương tiện dồi dào từ viện trợ Mỹ qua các dự án tự túc đã được phát động và quảng bá rầm rộ, nhưng vì lãnh đạo bất lực, thiếu uy tín, và nhất là hệ thống an ninh bị bỏ ngỏ nên kết quả của Chương Trình Bình Định Nông Thôn chẳng đi tới đâu và Miền Nam đã thành miếng mồi ngon cho Cộng sản. Thật ra, cũng từ 1965, khi nhóm tướng trẻ lên cầm quyền, đã có những cơ hội ngàn năm một thuở để cứu vãn tình hình như sau cái gọi là Tổng Công Kích Tết Mậu Thân năm 1968, trong đó Việt Cộng đã phải nướng mất trên 5 sư đoàn trước sức phản công oanh liệt của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng vì chính quyền Thiệu-Kỳ-Khiêm yếu kém quá, không biết lợi dụng cơ hội đó để xây dựng và củng cố an ninh lãnh thổ. Nói như vậy để thấy rằng sự sụp đổ của miền Nam rơi vào tay Cộng Sản đã bắt nguồn từ âm mưu lật đổ chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa khi mà chủ quyền quốc gia dân tộc không còn nữa, khi mình không còn đứng bằng hai chân của mình mà giới lãnh đạo sau ngày 1-11-1963 chỉ biết dựa vào anh hàng xóm gian manh.

Kết luận:
Khi ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu nói: “Dầu tôi sống hay là tôi chết, anh em nhớ đến tôi, thì nhớ tiếp tục sáu điều đó. Tôi tưởng những điều vừa kể là những điểm phù hợp (với hiện trạng Việt Nam) - những giải pháp quân dân chính- để giải quyết vấn đề chậm tiến.” vào  thời điểm đó vẫn còn phù hợp” nhưng nay thời gian đã đi xa gần nửa thế kỷ rồi. Việt Nam đã bị Cộng sản thống trị toàn diện 36 năm. Quốc Sách Ấp Chiến Lược đã trở thành một kỷ niệm, không còn thích dụng. Dẫu sao nó cũng là một kinh nghiệm đáng ghi, đáng nhớ trong lịch sử, một bài học tốt cho tương lại tại một nơi nào đó trên mặt địa cầu nếu như lịch sử tái diễn. Ngày nay thì chủ nghĩa Cộng Sản cũng đã sụp đổ rồi. Tuy 5 nước: Lào, Việt Nam, Cu Ba, Trung Hoa và Bắc Hàn vẫn còn đeo đẳng chủ nghĩa ấy như một chiêu bài để bảo vệ quyền lực và quyền lợi cho phe nhóm. Thực tế, chủ nghĩa Cộng sản đã bị nhân dân trên thế giới quăng vào sọt rác của lịch sử. Mấy nước còn lại cũng biết thế. Chúng đã phải thay chiều, như bọn Cộng sản Việt Nam đã phải bám gót tư bản để mong kiếm ăn và sống còn được ngày nào hay ngày ấy.  Nhưng luồng gió Dân Chủ đã thổi mạnh, làm sụp đổ chủ nghĩa Cộng sản độc tài, như một xu thế của thời đại không có gì cưỡng lại được cho thấy chủ nghĩa nhằm bảo vệ quyền tự do và phẩm giá con người là Nhân Vị đã có cơ hội vùng dậy.  Đó là điều đáng mừng đồng thời chứng minh rằng tất cả tư trào từ hai thế kỷ nay đều nhắm vào Nhân quyền, vào Con Người, vào Nhân Vị, vào Tự do Dân chủ tất sẽ thành công.  
 
Ngày 07 tháng 07 năm 2011
Phạm Quang Trình

0 comments:

Powered By Blogger