Wednesday, July 25, 2012

Thư Saigon: Văn Hóa Dân Tộc…

Bạn thân,
Trong thời toàn cầu hóa, không chỉ kinh tế bị tác động lớn, cả lợi và hại, mà văn hóa cũng thế. Do vậy, bản sắc dân tộc cũng sẽ chuyển biến qua từng thế hệ, có nơi nhạt hơn một chút, và có nơi đậm hơn một chút — và đôi khi, như ở các thành phố lớn, như tại Sài Gòn, văn hóa trở thành một tổng hợp chuyển biến, tác động lẫn nhau.

Rõ nhất tất nhiên là kinh tế: rất nhiều dân Sài Gòn đang mang giày, mặc áo, cầm túi xách, đi xe gắn máy… sản xuất từ nươc khác. Thậm chí, nhiều tiệm phở bò tại Hà Nội lại đang quảng cáo là thịt bò kobe của Nhật, thịt bò angus của Mỹ… Đúng sai không dễ kiểm tra.
Nhưng kỹ thuật thời đại và văn hóa đa sắc là cái rõ nhất: máy vi tính Nhật, trò chơi điện tử Hàn Quốc, phim Mỹ, nhạc Hồng Kông…
Thế là tuy Sài Gòn là nơi tiếp nhận dễ dãi, nhưng cải lương phải lùi về đồng lúa Nam Bộ và ca chèo phải lùi về các tỉnh ven sông Hồng. Nghệ sĩ dân gian không sống nổi, và luật thị trường đã đưa họ về nơi tận nguồn, và co cụm dần.
Nhà phân tích Xuân Bách trên báo Petrotimes nói thực ra không nên trách giới trẻ trước hiện tượng như thế.
Bài viết tựa đề “Hững hờ với văn hóa dân tộc: Sao lại trách giới trẻ?” trên báo này, ghi nhận:
“Am tường nhạc Tây hơn nhạc Việt, nhớ ngày kỷ niệm của quốc tế hơn những ngày lễ cổ truyền, chủ động tìm tòi văn hóa nước ngoài nhưng lại ngại tiếp xúc văn hóa truyền thống… Xem ra, thanh thiếu niên hiện nay đang ngày càng xa rời bản sắc dân tộc. Thở dài trách giới trẻ “mất gốc”, nhưng lỗi là hoàn toàn do bản thân họ?
“Bảo em phân biệt rap với rock còn dễ, chứ bảo nhận ra được đâu là chèo, đâu là ca trù thì… em chịu thôi”, Nguyễn Đình Sơn, sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội thú thật. Không chỉ Sơn mà rất nhiều bạn trẻ đồng trang lứa cũng có những suy nghĩ như vậy. Đoàn Ngọc Anh, 21 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền lại là một ví dụ khác. Từ đam mê truyện tranh, cô nhanh chóng trở thành một tín đồ các điệu múa truyền thống Nhật Bản (cosplay). Mặc áo Kimono, vẽ chuông gió, hào hứng dõi theo các điệu nhảy truyền thống của Nhật Bản… Ngọc Anh đã bị thu hút bởi văn hóa xứ hoa anh đào. Đừng trách giới trẻ lạ lẫm với văn hóa cổ truyền, bởi lẽ vây quanh cuộc sống hằng ngày hằng giờ là những nhạc pop, hiphop, phim Hàn, phim Mỹ chứ không phải chèo, tuồng… vốn là những thể loại âm nhạc đậm đà bản sắc dân tộc.
Thử mở một kênh truyền hình, sẽ không khó nhận ra những gương mặt quen thuộc của diễn viên Hàn Quốc, Trung Quốc chứ không dễ gì gặp sao Việt…
Bật tivi, thấy phim Hàn, phim Trung, mở Internet thấy toàn game online như “Võ Lâm truyền kỳ”, “Lưu tinh hồ điệp kiếm”… đặc sệt Trung Hoa. Ra hiệu sách, thấy toàn truyện tranh Nhật Bản. Ở ngoài đường cũng chẳng khó để tìm ra những nhóm nhảy hiphop, chơi skateboard, khiêu vũ…”
Thế đấy… có phải các cấp chính quyền muốn toàn cầu hóa tuổi trẻ Việt? Hay chỉ thuần túy là kinh doanh, hay là đã bị tình báo TQ mua chuộc, khi các đài truyền hình chấp nhận Hán hóa đa số thời lượng phát sóng?
Dĩ nhiên, không thể cấm toàn cầu hóa… Nhưng vẫn cần điều hợp mức độ và có chiến lược giữ gìn văn hóa quê nhà.
Nguồn: Vietbao.com

0 comments:

Powered By Blogger