Tuesday, May 15, 2012
Chính quyền Việt Nam gia tăng trấn áp tín đồ đạo Hà Mòn – Gia Lai
Nhà thờ gổ Kontum, Tây Nguyên
Tú Anh_RFI
Tuần qua, chính quyền Gia Lai thông báo huy động một trung đoàn cảnh sát cơ động tấn công bắt giữ hơn 60 tín đồ đạo Hà Mòn. Thông tin của nhà nước quy cho những người Thượng này nhiều thứ tội : từ mê tín đến phản động chống chính quyền nhưng không cung cấp bằng chứng thuyết phục.
Vũ Quốc Dụng từ Frankfurt, Đức:
http://telechargement.rfi.fr.edgesuite.net/rfi/vietnamien/audio/modules/actu/201205/Q_R_tuan_oppression_religieuse_14_05_12_ok.mp3
Bản tin ngày 09/05/2012 của AFP nhắc lại những vụ nổi dậy của người Thượng trong năm 2002 và 2004 chống nạn cưỡng chế đất đai. Vùng Tây nguyên vẫn bị an ninh giám sát chặt chẻ và cấm phóng viên quốc tế thăm viếng.
Tình cảnh của người Thượng theo đạo Thiên Chúa hiện nay ra sao? RFI đặt câu hỏi với Tổng thư ký Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế, trụ sở tại Frankfurt, Cộng Hòa Liên Bang Đức.
RFI : Kính chào ông Vũ Quốc Dụng, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế mà ông là Tổng thư ký có thông tin gì thêm sau vụ báo chí trong nước hôm 09/05/2012 đưa tin một số tín đồ Giáo hội Hà Mòn bị bắt về tội liên hệ với Mặt trận Fulro. Giáo hội này là gì?
” Chúng tôi thu thập thông tin về đạo Hà Mòn qua các nguồn của Nhà nước Cộng sản Việt Nam. Thí dụ một bài của báo Công An (CA) vào giữa năm 2010 cho biết đây là một giáo phái công giáo xuất phát từ xã Hà Mòn tỉnh Kontum và tin vào việc “Đức Mẹ Maria hiện hình“ cũng như ngày tận thế. Chúng ta biết trên thế giới có rất nhiều giáo phái Cơ đốc tin tưởng như vậy. Đó là quyền tự do có niềm tin tôn giáo của họ.
Luật nhân quyền quốc tế công nhận Quyền tự do có tôn giáo này và tuyết đối cấm việc xâm phạm nó. Nhưng trong bài báo của công an vừa nói, tôi lại đọc thấy những danh từ có tính phỉ báng tôn giáo thí dụ như gọi đó là “tà đạo độc hại, chuyên lừa phỉnh người nhẹ dạ tin vào những điều bậy bạ và nhảm nhí“. Thế nào là nhảm nhí? Bài báo này cho sự tin vào việc “Đức Mẹ Maria hiện hình“ là nhảm nhí.
Từ một thái độ mang tính thù ghét tôn giáo và miệt thị những người sắc tộc theo đạo như vậy chính quyền VN đã xem bất cứ sinh hoạt nào của tôn giáo này là “gây chia rẽ đoàn kết dân tộc và giữa các tín đồ tôn giáo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự và đời sống người dân“. Phải nói rằng bài này không cung cấp một thông tin nào để chứng minh „ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự“ của đạo Hà Mòn. Theo tôi, cách trình bày cường điệu này nhằm mục đích gây ấn tượng rằng người theo đạo Hà Mòn là những người phạm pháp ghê gớm .”
RFI : Nhưng tại sao Hà Mòn bị quy tội liên can đến Fulro? Thưc tế là Fulro có đe dọa gì cho chế độ? Đây chỉ là cái cớ để công an quy buộc để trấn áp tôn giáo hay lập công?
Cũng theo bài báo Công An nói trên, người theo đạo Hà Mòn bị đàn áp tôn giáo đã phải trốn tránh và trong khi khi trốn tránh thì đã “liên lạc và nhận sự chỉ đạo của số đối tượng cầm đầu Fulro lưu vong.” Theo thông tin của chúng tôi, FULRO là một phong trào đầu tranh vũ trang đòi tự trị ở Việt Nam Cộng Hòa trước đây nhưng đến năm 1992 thì tuyên bố giải tán ở Kampuchia vì những người chống đối bị chính quyền Cộng sản tiêu diệt gần hết và Hoa Kỳ nhận cho định cư khoảng 400 người FULRO lúc đó đang tị nạn ở Kampuchia. Từ đó đến nay chúng tôi không ghi nhận bất cứ hoạt động vũ trang nào của nhóm FULRO.
Thỉnh thoảng, chính quyền Cộng sản Việt Nam tuyên bố bắt được hoặc đưa ra xử tù các thành viên FULRO nhưng những bằng chứng được trưng ra chỉ toàn là điện thoại di động, SIM cạc, giấy tờ, cùng lắm là vài cái giáo mác, rựa, dao găm, hay cung, nỏ mà thôi. Đây là những dụng cụ của người đi rừng cho nên không có tính thuyết phục gì cả. Ngay cả bức hình về mấy khẩu súng trường mà báo Công Lý dùng để minh họa cho việc bắt giữ 62 theo đạo Hà Mòn bị xem là “có hoạt động chống phá chính quyền” ở Gia Lai vừa rồi cũng chỉ là bức hình chụp từ một viện bảo tàng chứ không phải là hung khí hay vật chứng thực sự. Theo tôi với vài cái điện thoại di động và cung nỏ sơ khai thì những người bị bắt không thể đe dọa an ninh quốc gia được. “
RFI : Tình trạng giam giữ người Thượng hiện nay như thế nào?
Chúng ta biết rằng người Thượng sống ở các vùng xa xôi hẻo lánh, ít có phương tiện thông tin tân tiến như internet hay điện thoại di động cho nên thông tin về họ rất ít và dễ bị bưng bít. Chúng ta biết rất ít về các cuộc biểu tình tập thể vào các năm 2001, 2004 và 2008 cũng như các hệ quả của nó. Có thể có đến vài trăm người đã bị bắt mà không ai biết rõ số phận của họ cả. Tôi cho đây là vấn đề cần được quan tâm đúng mức hơn nữa vì nội danh sách tù nhân người Thượng mà tổ chức chúng tôi kiểm chứng được đã lên trên 100 trường hợp và còn dài hơn danh sách tù nhân chính trị người Kinh. Các tù nhân người Thượng này bị buộc vào những tội xâm phạm an ninh quốc gia và bị kết án rất nặng, đến 17 năm tù.
Họ bị đưa đi giam ở những trại tù phía Bắc, nghĩa là xa gia đình họ trên 1.200 Km. Khoảng cách lớn này gây khó khăn cho việc thăm nuôi rất nhiều, nhất là đối với các gia đình người Thượng vốn đã nghèo. Tôi chưa thấy tù nhân người Kinh nào – ngoại trừ bà Bùi Minh Hằng – bị giam xa như vậy. Đây là một sự kỳ thị có chủ ý.
Một vấn đề khác là điều kiện giam giữ. Tù nhân người Thượng thường dễ bị chèn ép hơn các tù nhân chính trị người Kinh, từ việc cưỡng bức lao động cho đến các phương tiện sinh hoạt. Họ cũng dễ bị đưa đi giam kỷ luật thường đi đôi với biện pháp cùm chân là một hình phạt của thời Trung cổ.”
RFI : Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế đã và có thể làm gì cho nạn nhân người Thượng?
Như đã nói ở trên, số phận của người Thượng bị tù đày ít được người Việt lẫn quốc tế quan tâm đến, có thể là do thông tin bị hạn chế. Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế ISHR sẽ tiếp tục cập nhật và gửi danh sách tù nhân người Thượng đến các quốc gia cấp viện cho Việt Nam để xin hỗ trợ việc đòi trả tự do cho họ. Trong mấy tháng vừa qua chúng tôi ghi nhận có những đợt chuyển trại lớn đối với các tù nhân chính trị, trong đó có tù nhân người Thượng. Nói chung việc chuyển trại luôn luôn gây thêm khó khăn trong việc liên lạc giữa tù nhân và gia đình cho nên cần phải tránh. Thí dụ việc chuyển trại thế nào cũng gây ra gián đoạn thăm nuôi vì trại tù không bao giờ báo kịp về cho gia đình. Nhiều gia đình đến trại cũ thì mới biết thân nhân không còn ở đó nữa và từ nay phải đi một trại xa hơn để thăm nuôi.
Chúng tôi cũng tố cáo tình trạng giam giữ tù nhân Tây nguyên xa nhà là một hành vi bất nhân. Việc giam họ ở các trại tù ở phía Bắc đã gây cản trở và tạo khó khăn cho thân nhân của họ đi thăm nuôi. Nhiều người trong mấy năm trời mà không được thăm nuôi lần nào. Nhiều gia đình quá nghèo nên không thể gửi quà bằng bưu điện chứ đừng nói gì đến việc thăm nuôi.
Điều quan trọng nhất là chúng tôi kêu gọi các tòa đại sứ ở Việt Nam nên đến thăm các trại giam và các gia đình tù nhân người Thượng. Cho đến nay chúng tôi ghi nhận có các phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu (EU) và Úc đi thăm tỉnh Đắc Lắc nhưng chưa có phái đoàn nào được phép đi thăm tỉnh Gia Lai là nơi có nhiều tù nhân Tây nguyên hơn là Đắc Lắc. Những chuyến viếng thăm như vậy sẽ cung cấp thêm thông tin trung thực và chính xác hơn về thực trạng đàn áp những sắc tộc ở Tây nguyên.
Vũ Quốc Dụng, Tổng thư ký Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế, Frankfurt, Đức quốc.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment