Wednesday, February 8, 2012

TỪ NGUYỄN MẠNH TƯỜNG ĐẾN NGÔ BẢO CHÂU

-TỪ NGUYỄN MẠNH TƯỜNG:

Cách đây 80 năm, năm 1932, một thanh niên 22 tuổi tên Nguyễn Mạnh Tường đã tốt nghiệp 2 bằng Tiến sĩ Luật và Tiến sĩ Văn chương tại Pháp. Cũng như triết gia Trần Đức Thảo, ông đã trở về Việt Nam để tham gia vào công cuộc kháng chiến chống Pháp của toàn dân. Và, những người trí thức lầm đường này đã bị CSVN “bỏ cho chết đói” – chữ dùng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường – vì đã dám từ chối đi theo bảng chỉ đường của Đảng.

Xin mời độc giả đọc bài báo “For One Man, War’End Was Trivial Next To His Travails” (tạm dịch “Đối với một người, cuộc chiến kết thúc nhưng khó khăn vẫn chưa dứt”) của nhà báo Cammeron W. Bar đăng trên báo The Christian Science Monitor số April 27, 1995, do Tqvn2004 chuyển ngữ), nội dung như sau:

“HÀ NỘI, VIETNAM – Gần 40 năm trước, một luật sư và giảng viên tên Nguyễn Mạnh Tường đã tiến lên để chỉ trích những sai lầm của chính quyền. Tiến sĩ Tường là một nhân vật quan trọng lúc đó – ông được chính Hồ Chí Minh (HCM), người thành lập ra đảng CSVN, lựa chọn để đi tranh luận về chủ quyền của VN trước những kẻ thực dân người Pháp ngay sau khi Thế Chiến thứ 2 .

Đảng CSVN không bỏ tù hay xử tử Tường vì quan điểm của ông, nhưng ông bị cấm theo đuổi nghề ruột của mình (luật sư và giảng viên), ông được phép sống, nhưng trong yên lặng.

Khi VN và Hoa Kỳ đánh dấu 20 năm cuộc chiến giữa hai bên, câu chuyện của Tường cho thấy di sản lớn nhất của cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất VN có lẽ là một thể chế toàn trị của những nhà lãnh đạo CS. Xét theo sự trấn áp dành cho trí thức VN, ông Tường nói, sự kết thúc chiến tranh “không ảnh hưởng gì cả”. Gần đây chính quyền đã tỏ ra dễ dãi hơn trước những lời chỉ trích, một phần để giảm bớt mối lo ngại của các quốc gia phương Tây, nơi tạo ra phần lớn nguồn đầu tư nước ngoài cần thiết cho “đổi mới” kinh tế ở VN. Cuối năm ngoái, Đỗ Mười, Tổng bí thư đảng CSVN đã tới thăm Tường như một cử chỉ hòa giải. Tường nói cuộc gặp gỡ chỉ mang tính xã giao và không có thực chất. Cuốn hồi ký của Tường, được xuất bản năm 1992 ở Pháp, bị cấm ở VN, mặc dù các bản sao của nó vẫn được lưu hành một cách bí mật. Đến ngày hôm nay, ông nói, một bài phát biểu công khai chỉ trích đảng vẫn đồng nghĩa với việc bị bắt.

Tường đồng ý phỏng vấn tháng trước, đây là lần đầu tiên ông trả lời phỏng vấn báo Hoa Kỳ. Ông có lẽ không thể nào tỏ ra mình trí thức hơn được nữa, một danh hiệu mà ông khoác lên mình như tấm lụa mỏng ông đeo trên cổ. Cách ứng xử của ông thật tao nhã, tiếng Pháp thật lịch sự, và đôi mắt của ông không che được nỗi buồn gây ra bởi “những năm tháng đen tối”, cách ông gọi nó.

Sinh tại Hà Nội năm 1909, Tường nhanh chóng thể hiện chính mình trên con đường học thuật. Được gửi sang Pháp để học cao học, ông đã được cấp 2 bằng Tiến sĩ về Luật và Văn chương ở tuổi 22.

Năm 1946, Tường quay trở về Hà Nội, theo đuổi ngành luật và giảng dạy, khi ông được gọi tới văn phòng của HCM. “Ông ta đã yêu cầu tôi xây dựng… một lập luận chính thức để đoàn VN trình bày trước những người Pháp trong cuộc hội thảo song phương, ông nói. Phía Pháp đã từ chối lập luận này, nhưng sau đó Tường tiếp tục yêu cầu đại diện VN ở 3 cuộc hội thảo quốc tế, và giữ được nhiều vị trí lãnh đạo của các tổ chức quan trọng lúc đó.

“Thật không may”, ông nói “thời gian tốt đẹp đó không kéo dài lâu”.

Một thập niên sau khi trợ giúp HCM, Tường tham gia vào cái mà ở Trung Quốc và VN gọi là phong trào “trăm hoa đua nở”, một giai đoạn mà 2 đảng CS ở cả hai quốc gia này cho phép đối lập lên tiếng chỉ trích. Và ở cả hai quốc gia này, đảng CS đã nhanh chóng quay đường – bịt miệng, bỏ tù và đôi lúc xử tử những ai dám cất tiếng nói.

Tường đã chỉ trích chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất tàn nhẫn của chính quyền với hàng ngàn người, rất nhiều người trong số đó là vô tội, đã bị tử hình với lý do tái phân bổ đất đai và của cải ở nông thôn.

Vào tháng 10 năm 1945, Tường tuyên bố: “Ta để cho chết chóc thê thảm những người già cả hoặc thơ ấu mà ta không chủ trương tiêu diệt”, theo lời thuật lại sau này được chính quyền miền Nam VN công bố.

Tường nói ông muốn thúc đẩy tự do ngôn luận lớn hơn và yêu cầu đảng CS lắng nghe các trí thức trong nước. Ông nói ông không muốn chống lại chính đảng ông tuyên bố những thành tựu to lớn của Đảng CSVN trong giáo dục, cuộc chiến chống nghèo đói, và trên nhiều lãnh vực khác – nhưng ông chống lại những sai lầm và bất công của nó.

Tuy nhiên, ông đã bị ngăn cản không thể tiếp tục dạy học, theo đuổi nghề luật hay viết lách, và bị công an giám sát. “Thế mối quan hệ thân thiết của ông với ông Hồ thì sao?” “Tất cả thành viên của đảng CS”, ông Tường nói, “Chủ Tịch đến cán bộ cấp thấp nhất, đều không bao giờ có thể nói lên một ý kiến nào khác ý kiến của Đảng. Đó là lý do tại sao họ để tôi chết đói!”

Nhiều thập niên sau đó, thân quyến và những học sinh cũ đi qua phố phải tránh gặp mặt ông một cách công khai. Để sống, Tường bán những cuốn sách trong thư viện mình cho đồng nát. Ông vẫn phải dựa vào “lòng hảo tâm của bạn bè”

Ông sẽ nói gì với thế giới VN ngày nay?” “Bất chấp các cải cách kinh tế đang tiến hành và xuất hiện một giai cấp thương mại có khả năng ném tiền qua cửa sổ, vẫn còn một đa số đau khổ”.

-ĐẾN NGÔ BẢO CHÂU:

Năm 2010, Ngô Bảo Châu đoạt giải Toán học Fields là một giải thưởng giành cho những tài năng về Toán dưới tuổi 40. Đây là một vinh dự cho VN. Ngô Bảo Châu, theo tin báo chí đang giảng dạy tại một trường Đại học tại Hoa Kỳ. Ngô Bảo Châu đã được Đảng và Nhà Nước CSVN “ẵm ngữa vào lòng” – như đã từng “ẵm ngữa” danh cầm Đặng Thái Sơn. Được Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ôm hôn thắm thiết. Đuợc Bộ Trưởng Giáo Dục Nguyễn Thiện Nhân tới nhà sờ đùi, cọ vế. Được cấp nhà to. Được giao cho Viện Toán Học với kinh phí bạc tỷ.

Ngô Bảo Châu đã từng “2 lần cãi đảng” trong vụ Đảng và Nhà Nước cho khai thác bauxite ở Tây Nguyên và vụ tuyên bố về vụ Tòa xử Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ.

Báo chí của Đảng và Nhà Nước CSVN như báo Công An đã từng có những bài viết đưa ra những lời cảnh cáo bóng gió.

Mới đây, giáo sư Ngô Bảo Châu lại làm dư luận nổi bèo, nổi bọt khi trả lời báo Tuổi Trẻ về vấn đề trí thức có vẻ xuôi tai Đảng và Nhà Nước CSVN.

Nhiều bậc thức giả đã lên tiếng về những lời phát biểu của giáo sư Ngô Bảo Châu. Do đó, xin không đề cập ở đây.

Cũng như nhiều bậc thức giả cho rằng khi quần chúng hết sợ và khi trí thức từ chối đi theo bảng chỉ đường của Đảng thì đất nước sẽ dân chủ, tự do!

Cũng như mới đây, ông Bùi Tín, với bài viết “Thời điểm của tụ nghĩa” đưa ra nhận xét rất lạc quan về chuyện ông Đại Biểu Quốc Hội CSVN Dương Trung Quốc họp mặt với khoảng 20 trí thức khác ở Hà Nội. Và ông cho rằng đây là “những mini Diên Hồng” sẽ dẫn tới… Đại Hội Diên Hồng trong tương lai!

Tôi xin tôn trọng ý kiến của các vị cho rằng khi quần chúng hết sợ và trí thức từ chối đi theo bảng chỉ đường của Đảng thì đất nước sẽ dân chủ, tự do.

Tôi cũng xin tôn trọng “giấc mơ” Hội nghị Diên Hồng của ông Bùi Tín sẽ được ông Đại Biểu QHVC Dương Trung Quốc và các trí thức trong nước thực thực hiện!

Nhưng, thực lòng mà nói, hai câu trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Mạnh Tường cách đây 17 năm:

“…Một bài phát biểu công khai chỉ trích Đảng vẫn đồng nghĩa với việc bị bắt”.

“Tất cả những thành viên của đảng CS… Chủ tịch nước đến các cán bộ cấp thấp nhất, đều không bao giờ có thể nói lên một ý kiến nào khác ý kiến của Đảng. Đó là lý do tại sao họ để tôi chết đói”

lúc nào cũng ám ảnh tôi.

Và, theo tôi biết, những người dám phát biểu khác ý kiến của Đảng CSVN như linh mục Nguyễn Văn Lý, Trần Huỳnh Duy Thức, Cù Huy Hà Vũ, Phạm Thanh Nghiên, Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Bùi Thị Minh Hằng, nhạc sĩ Việt Khang và còn rất nhiều người nữa… đã bị bắt và bị giam cầm.

Theo tôi, dù giáo sư Ngô Bảo Châu, dù ông Đại Biểu Quốc Hội VC Dương Trung Quốc hay bất cứ ông bà trí thức nào khác chắc chắn cũng không thoát khỏi số phận mà Đảng CSVN đã giành cho nhà trí thức Nguyễn Mạnh Tườngngười mà cách đây 60 năm đã dám nói khác ý Đảng!

Trừ phi là những vị đó được Đảng và Nhà Nước CSVN cho phép nói!

NGUYỄN THIẾU NHẪN

http://nguyenthieunhan.wordpress.com

0 comments:

Powered By Blogger