Friday, November 11, 2011

Tại sao đạo đức người Trung Hoa ngày càng đồi bại?


Nhị Khê

Ngày 13/10/2011, tại thành phố Phật Sơn, Quảng Đông, Trung Quốc, một bé gái 2 tuổi tên gọi Vương Duyệt, chập chững bước trên đường phố, bị một chiếc xe bán bánh mì đụng vào người bị thương, té ngã xuống đất. Lúc bấy giờ những người có mặt tại đó không chịu ra tay giúp đỡ. Ngay sau đó bé lại bị chiếc xe van chạy qua đụng vào người lần thứ hai, thương tích càng nặng hơn. Những người đi qua vẫn không quan tâm, cũng không báo cho cảnh sát biết. Bảy tám phút sau, một bà quét dọn vệ sinh đi qua bồng bé sang một bên đường và báo cho cảnh sát biết, bé mới được đưa vào bệnh viện cấp cứu rồi qua đời ở đó. Mấy ngày sau 2 tên tài xế bị bắt về tội đụng vào người trẻ nhỏ bị thương rồi bỏ chạy.

Hình ảnh này được một người ghi lại trong video clip đưa lên mạng. Đoạn video clip đó khiến cư dân mạng vô cùng giận dữ, bởi nó cho thấy rõ có gần vài chục người nhìn thấy bé Duyệt nằm trên vũng máu đau đớn, nhưng không ai chịu ra tay cứu bé. Hàng chục ngàn câu bình luận đã được đăng tải trên mạng, nhiều câu trong đó phê phán máu người Trung Hoa bây giờ vô cùng giá lạnh.

Nhiều người đặt câu hỏi: "Tại sao máu trong người Trung Hoa bây giờ giá lạnh như vậy?", "Tại sao có quá nhiều kẻ dã man như vậy?", "Đó là kết quả của một xã hội tôn thờ tiền bạc và quyền lực hay sao?", "Những kẻ bàng quan khác gì hai tên tài xế?", "Thấy trẻ con bị xe đâm không cứu khác gì đồng lõa với kẻ giết người?"...

Người Trung Hoa máu lạnh?
Đoạn video clip ghi hình ảnh bé Duyệt 2 tuổi bị xe đụng hai lần, những người có mặt tại đó đều tỏ thái độ bàng quan, bảy, tám phút sau mới có một bà dọn dẹp vệ sinh bồng bé sang bên lề đường và báo cho cảnh sát biết, khiến dư luận bàn tán xôn xao về đạo đức của người Trung Hoa. Nhiều người đặt câu hỏi: "Lương tri người Trung Hoa ở đâu rồi?", "Rốt cuộc đất nước này bệnh tật hay xã hội bệnh tật?", "Cái xã hội này tồi tệ đến thế sao?"...

Sau khi xem đoạn video clip ghi lại hình ảnh bé Duyệt bị xe đụng, nghe một vài lời bình luận về đạo đức người Trung Hoa, nhiều người cho rằng bất luận thế nào, đạo đức người Trung Hoa hiện nay tồi tệ hơn bao giờ hết, còn tệ hơn thời "Cách mạng Văn hóa vô sản" mà Mao Trạch Đông khởi xướng đã giết chết mấy triệu người.

Sau khi vào bệnh viện, bé Duyệt không qua khỏi. Khuôn mặt sưng húp và đôi mắt đờ đẫn của bé khi từ giã cõi đời trở thành cái mốc đánh dấu thời đại Trung Hoa ngày càng xuống dốc. Khuôn mặt sưng húp của bé không khác gì mũi dao nhọn, lưỡi gươm sắc đâm thẳng vào người Trung Hoa. Không những thế, nó còn là tiếng chuông cảnh tỉnh đánh thức lương tri người Trung Hoa đang bị đồng tiền đưa vào "mê hồn trận"; thức tỉnh xã hội Trung Hoa cần phải phản tĩnh; hình ảnh bé Duyệt in đậm trong lòng người Trung Hoa, thôi thúc họ hâm nóng máu lạnh trong người. Chưa đủ... tất cả người Trung Hoa cần phải coi cái chết của bé Duyệt là bài học sâu sắc thức tỉnh linh hồn dân tộc họ tỉnh dậy.

Qua những dư luận xấu xa về vụ 2 chiếc xe đụng vào một em bé vô tội, những người xung quanh nhìn thấy đều tỏ thái độ bàng quang, thờ ơ với sự việc vừa xảy ra, chúng ta có thể thấy rõ một điều: Sau ngày Trung Quốc đổi mới, kinh tế Trung Quốc tiến nhanh, xã hội Trung Quốc có thêm nhiều người giàu bạc triệu, bạc tỷ, trào lưu "chạy theo đồng tiền" cũng ngày càng dâng cao. Lúc này, "tiền" trở thành tất cả, "tiền" là mục tiêu chính của cuộc sống. Thời buổi này người Trung Hoa thường nói với nhau: "Sợ cười vì nghèo, không sợ bị chê cười vì làm đĩ điếm". Vì "tiền"... người Trung Hoa không loại trừ một thủ đoạn nào. Vì "tiền"... người Trung Hoa có thể không nhận bà con họ hàng hay ruột thịt. Tư tưởng "chạy theo đồng tiền" trở thành thống soái, gạt bỏ mọi truyền thống đạo đức mà tổ tiên, ông bà, cha mẹ họ đã xây dựng nên trong mấy ngàn năm.
Hiện nay, lòng tham "nắm mọi cơ hội để kiếm tiền" đã biến xã hội Trung Hoa thành một xã hội kỳ lạ, những kẻ làm quan lợi dụng quyền lực trong tay mình tham ô kiếm được thật nhiều tiền bạc, trở thành những tên "tư bản đỏ". Những kẻ không có quyền lực cũng tìm mọi thủ đoạn để kiếm tiền. Vì tiền... một số người tự gây tai nạn rồi vu oan giá họa cho người có lòng tốt đã ra tay giúp đỡ họ. Chế độ tư pháp bất công ở Trung Quốc lại mù quáng khi xét xử buộc tội những người giúp đỡ, phạt tiền họ, khiến cho máu trong người Trung Quốc trở thành giá lạnh. Đó là nguyên nhân tại sao bé Duyệt bị tai nạn, những người nhìn thấy vẫn thờ ơ, không ra tay giúp đỡ. Họ không muốn mình trở thành "tội nhân" của chế độ tư pháp bất công!

Tại sao máu người Trung Hoa ngày càng lạnh?
Đạo đức người Trung Hoa ngày càng suy đồi! Đó là hiện tượng "độc nhất vô nhị" trên trái đất này. Câu chuyện bé Duyệt bị xe cán, mà 18 người đi ngang không chịu giúp đỡ có thể xảy ra bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Trung Hoa. Tuy nhiên, chuyện này không thể xảy ra ở Đài Loan, Hương Cảng, Hoa Kỳ... hoặc bất cứ một quốc gia nào ở phương Tây.

Người Trung Hoa đang sống trong thời kỳ khủng hoảng về chính trị, kinh tế và xã hội. Họ không còn giữ được đạo đức của con người. Nhất là gần đây xảy ra những chuyện, một số người vì tiền đã dùng thủ đoạn lường gạt người khác bằng cách giả vờ bị tai nạn, khi có người đến giúp đỡ thì vu oan giá họa cho người đó để lấy tiền bồi thường. Hai bên không chịu, đưa nhau ra nhờ tư pháp xét xử, những người "cầm cân nảy mực" lại xét xử một cách mù quáng, bắt người giúp đỡ phải bồi thường tiền cho người tự gây ra tai nạn. Bởi vậy nhiều người Trung Hoa đã nói với nhau, ngày nay ra đường gặp người bị tai nạn, trong lòng run sợ vô cùng. Nhiều người Trung Hoa có lòng nhân từ thấy có kẻ bị tai nạn ra tay giúp đỡ, ngược lại bị giá họa là "kẻ gây ra tai nạn". Dưới đây là một vài dẫn chứng trở thành một trong nhiều nguyên nhân khiến cho máu người Trung Hoa ngày càng giá lạnh. Một người họ Bành đỡ một cụ già té ngã, bị cụ già vu đã xô ngã cụ. Trước chế độ tư pháp vô trách nhiệm và bất công, tòa án buộc ông Bành phải bồi thường cho cụ 40.000 Nhân dân tệ (khoảng hơn 5.000 Mỹ kim). Ông Hứa Vân Hạc ở Thiên Tân giúp một bà lão qua đường cũng phải bồi thường trên 100.000. Ngoài ra, còn có trăm ngàn vụ tương tự, khiến cho những người Trung Hoa có lòng hảo tâm không dám ra tay giúp đỡ. Họ sợ làm như vậy không khác gì tự chuốc lấy tai vạ vào người!

Tại sao máu trong người Trung Hoa bỗng dưng lại giá lạnh như vậy? Vì sự xét xử bất công của chế độ tư pháp đã khiến người Trung Hoa không còn muốn làm một người tốt bụng. Họ tự bảo mình tốt nhất không nên dính vào "thiên hạ đại sự". Xã hội chạy theo đồng tiền đã sinh ra một số người vu oan giá họa cho người khác để tồn tại, khi xét xử, cơ quan tư pháp mù quáng buộc tội người có tiền để lấy tiền bồi thường chạy chữa cho họ. Qua đó chúng ta có thể kết luận: Hung thủ khiến cho máu người Trung Hoa ngày càng giá lạnh chính là chế độ tư pháp bất công. Có trách thì nên trách cái xã hội bất công do đảng cộng sản thống trị. Các cụ già lường gạt kẻ khác để kiếm chút tiền bồi thường cũng là nạn nhân của chế độ xã hội bất công!

Đạo đức người Trung Hoa có thể tốt hơn không?

Vào dịp bé Vương Duyệt bị hai chiếc ôtô đụng ở Phật Sơn, hội nghị Ban chấp hành ĐCSTQ lần thứ 6 khóa 17 khai mạc ở Bắc Kinh. Hội nghị đề ra một chính sách được nhiều người chú ý: "Quyết định một số vấn đề trọng đại trong cải cách văn hóa, thúc đẩy nền văn hóa xã hội chủ nghĩa phát triển và phồn vinh".
Bản tin hãng thông tấn quốc doanh Tân Hoa Xã cho biết, quyết định này nhắm đến mục tiêu tăng cường sức mạnh mềm (Soft power) và cải cách văn hóa trong lúc nền kinh tế quốc gia tiếp tục phát triển mau lẹ. Bản tin còn nói thêm, giới hữu trách cố gắng gia tăng lòng tự giác và lòng tự tin đối với văn hóa của người Trung Quốc, nhằm cải thiện phẩm chất văn hóa của toàn dân.

Giáo sư Lawrence Reardon, nhà nghiên cứu chính trị Trung Quốc tại Đại học New Hampshire thuộc tiểu bang vùng New England ở phía đông bắc Hoa Kỳ, phân tích: Bắc Kinh đang hy vọng nắm giữ vai trò 'đàn anh" trên trường quốc tế.

Giáo sư Reardon nói: "Tôi nghĩ rằng giờ đây họ đang nỗ lực vào việc nắm giữ một vai trò quan trọng hơn trên thế giới. Giới hữu trách Trung Quốc hiểu rõ vai trò toàn cầu của họ đang đứng trước ngã tư. Họ biết rõ muốn nắm vai trò lãnh đạo quan trọng hơn không thể chỉ dựa vào thương mại hay dựa vào địa vị ở Liên Hiệp Quốc hoặc ở các tổ chức quốc tế khác để gây ảnh hưởng với các nước trên thế giới".

Ông Reardon nói cách tốt nhất để Trung Quốc làm cho thế giới hiểu về mình là không ngớt quảng bá những giá trị văn hóa và những nét độc đáo của nước mình.
Tuy nhiên, ông Trương Vĩ Quốc, chủ bút tạp chí Động Hướng ở Hương Cảng, lại cho rằng kế hoạch cải cách văn hóa của nhà cầm quyền Trung Cộng chỉ là một thủ đoạn lường gạt người dân trong lúc chính phủ không hóa giải được những mâu thuẫn ngày càng sâu sắc trong xã hội và không đáp ứng được những đòi hỏi của dân chúng về cải cách chính trị.

Ông Trương nói: "Đó chỉ là một thủ đoạn lường gạt người dân, giả vờ nói với mọi người chúng tôi đang làm việc, chúng tôi đang cải cách. Thật ra, nhà cầm quyền cũng biết rất rõ dân chúng đã hoàn toàn thất vọng đối với cải cách. Cải cách văn hóa chỉ là một cách nói để câu giờ, lừa được ngày nào hay ngày đó, để thoái thác trước những đòi hỏi của người dân về cải cách chính trị, về bài trừ tham nhũng, và việc giải quyết những vấn đề quan trọng trong cuộc sống của người dân".

Luật sư Trương Vĩ Quốc nhắc đến một sự kiện vô cùng mỉa mai là trong ngày nhà cầm quyền Bắc Kinh lớn tiếng nói tới vấn đề cải cách văn hóa, nhiều người trên thế giới cảm thấy "ớn lạnh" về thái độ không có tính người của dân Trung Hoa sau khi xem đoạn video clip về bé Vương Duyệt. Ông nói rằng sự kiện này chứng tỏ nền văn hóa truyền thống Trung Quốc đã bị phá hủy hoàn toàn bởi các chính sách cai trị của đảng cộng sản trong 62 năm qua: Từ Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông, Chủ nghĩa sùng bái kim tiền của Đặng Tiểu Bình, cho tới chủ trương "duy trì ổn định trên hết" của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Nhà văn Lương Hiểu Sinh ở Trung Quốc cũng tán thành ý kiến cho rằng vụ bé Vương Duyệt ở Phật Sơn nêu bật tình trạng suy đồi đạo đức và văn hóa trong xã hội hiện nay. Ông khẳng định, người Trung Quốc sống ở Hoa Lục phải mất ba bốn chục năm theo khóa học mà ông gọi là "bổ túc về đạo đức". Nếu không học thì dân tộc này có giàu lên cũng chẳng ích gì. Nhưng học như thế nào cũng là vấn đề vô cùng phức tạp. Khóa học này không thể hoàn toàn dựa vào chính phủ, không thể dựa vào đảng, không thể dùng ý thức hệ chính trị thay thế, cũng không thể hoàn toàn dựa vào tôn giáo. Suy cho cùng, chỉ có văn hóa và tự do tư tưởng mới phát huy được tác động trong việc thay đổi tâm tính của một dân tộc.

Giáo sư Châu Chính Hiếu giảng dạy tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh cũng cảm nhận được tình trạng một số người gọi là "vụ khủng hoảng lương tâm của Trung Quốc". Giáo sư Châu nói: "Giá trị cốt lõi của đạo đức thuộc về phần mềm. Cũng giống như phần cứng, phần mềm của một cái máy điện toán. Không có phần mềm, phần cứng chỉ là một mớ sắt vụn. Những năm trước đây chúng ta hay nói GDP là 'sức mạnh cứng' (hard power). Kết quả của nó đã khiến cho máu của người Trung Hoa ngày càng giá lạnh! Cổ nhân nói 'quốc phá sơn hà tại'(nước mất vẫn còn giang sơn). Giờ đây thì 'quốc tại sơn hà phá' (nước còn nhưng giang sơn đã mất). Ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, toàn xã hội chạy theo đồng tiền... mọi thứ đó đã tàn phá giang sơn Trung Hoa vô cùng trầm trọng".

Trong khi đó, ông Trương Diệu Kiệt, nhà nghiên cứu văn hóa ở Bắc Kinh, nói rằng quyết định về cải cách văn hóa của đảng cộng sản Trung Quốc thật ra là tín hiệu cho thấy nhà chức trách chuẩn bị tăng cường các biện pháp hạn chế tự do ngôn luận. Ông Trương nói: "Mục tiêu của họ là ngăn chặn các hoạt động trên các trang mạng internet. Trên mạng giờ đây có quá nhiều microblog. Họ muốn ngăn chặn nên tìm cái cớ để kiểm soát".

Ông Trương Diệu Kiệt còn nói thêm rằng sinh hoạt văn hóa không thể do đảng phái lãnh đạo, lãnh đạo càng nhiều văn hóa càng bị suy thoái. Ông cho rằng văn hóa diễn đạt tinh thần tự do, khi nào người dân được tự do bày tỏ ý kiến của mình văn hóa mới phát triển tốt đẹp.

Bất luận thế nào, đảng cộng sản Trung Quốc cũng là hung thủ khiến cho xã hội Trung Quốc ngày càng đồi bại, xã hội Trung Quốc ngày càng suy tàn. Muốn thay đổi nó, cần phải gạt bỏ tên hung thủ này, xây dựng một chế độ đa đảng, cùng nhau tìm biện pháp xây dựng một nước Trung Hoa hùng cường, đạo đức của người dân Trung Hoa ngày càng trong sáng và lành mạnh.

-----

Duc H. Vu :

Không chỉ đạo đức của người Tàu mà ngay cả người Việt trong nước đa số cũng vậy, nói tóm lại xã hội Cộng Sản đã làm thay đổi lối sống cách cư xử của con người, hiện tượng dửng dưng vô cảm với chủ nghĩa "Mặc Kệ Nó" chẳng dính dáng gì đến mình thường xảy ra nhan nhãn ở thiên đàng XHCN mà ít khi thấy ở các nước tự do dân chủ

0 comments:

Powered By Blogger