Người gánh hàng rong đi ngang khúc đường có quảng cáo bán điện thoại di động ở Hà Nội. Việt Nam dự tính sẽ thu được ngân sách khoảng 36 tỉ 672 triệu đô la vào năm 2012. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Trong một phiên họp về ngân sách của một Quốc Hội được báo chí quốc tế gọi là “con dấu cao su,” 90% các đại biểu hiện diện đã “tán thành” bản ngân sách năm tới, theo bản tin của trang mạng ‘chinhphu.vn.’
Theo đó, tổng số thu dự trù là 762,900 tỉ đồng (khoảng 36 tỉ 672 triệu đô la theo hối suất chính thức 20,803 đồng/1 đô la ngày 10 tháng 11, 2011 của Ngân Hàng Nhà Nước), trong khi tổng chi lên tới 903,100 tỉ đồng (khoảng 43 tỉ 412 triệu đô la).
Bội chi là 140,200 tỉ đồng (khoảng 6 tỉ 739 triệu đô la), thấp hơn mức bội chi năm 2011 nhưng con số thật sự sẽ là bao nhiêu, phải cuối năm tới mới có thể biết phần nào.
Ngân sách nhà nước Việt Nam năm 2011 có số tổng chi là 725,600 tỉ đồng trong khi tổng thu khoảng 595,000 tỉ đồng, bội chi 5.3%.
Tổng số thu của ngân sách nhà nước có một khoản thu không nhỏ đến từ người Việt Nam lao động nước ngoài gửi tiền về và Việt kiều gửi giúp thân nhân trong nước. Năm 2011, số tiền này ước lượng 8.5 tỉ đô la, chiếm đến khoảng 27% ngân sách.
Ngân sách năm tới được Quốc Hội Hà Nội biểu quyết trong khi nền kinh tế cả nước gặp nhiều khó khăn vì hệ thống kinh tế quốc doanh và đảng đoàn, vốn là kinh tế mũi nhọn của nhà nước, phần lớn “lãi giả, lỗ thật,” tạo khó khăn dây chuyền đến hệ thống ngân hàng và công nợ cho nhà nước.
Trong ngân sách năm tới, Việt Nam dành ra 100,000 tỉ đồng để trả nợ.
Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và ngoại quốc đã báo động nhiều lần về tính rủi ro rất cao của nợ công của Việt Nam. Các công ty quốc doanh vay những món tiền khổng lồ rồi ỳ ra không trả, nhà nước sẽ phải trả nợ thay. Nếu không trả nổi, nguy cơ vỡ nợ của chính nhà nước rất cao vì những tính toán liều lĩnh.
Tiến Sĩ Nguyễn Thành Tự Anh, một kinh tế gia giảng dạy chương trình kinh tế Fulbright tại Sài Gòn gần đây từng phân tích trên báo Thanh Niên ngày 3 tháng 10, 2011 cho thấy kỷ luật kiểm soát đầu tư công rất lỏng lẻo, phục vụ lợi ích phe nhóm và hàm chứa khả năng tham nhũng rất cao.
Ông còn cho rằng những lời tuyên truyền của nhà nước qua các nghị quyết cắt giảm công chi để đối phó với lạm phát cao thì “…trong nhiều trường hợp không đúng ưu tiên. Có dự án quan trọng sắp hình thành thì bị cắt giảm đột ngột.” Và “vấn đề là ưu tiên thường chạy theo mối quan hệ lợi ích hay ưu ái người có tiếng nói… Cần hiểu, nếu để xảy ra và tồn tại mối quan hệ chặt chẽ giữa các nhóm đặc quyền đặc lợi và những người làm chính sách thì sẽ dẫn đến hành vi tham nhũng hoặc trục lợi.”
Công nợ ngập đầu đến gần sập tiệm như tập đoàn đóng tàu Vinashin hoặc như những đại gia khác như Tập Ðoàn Than và Khoáng Sản, Tổng Công Ty Ðiện Lực, Tổng Công ty Bưu Chính Việt Nam, Tổng Công Ty Sông Hồng, Tổng Công Ty Lắp Máy (Lilama) v.v…
Nợ công của Việt Nam tiếp tục tăng cao theo nhịp độ chi tiêu của nhà nước mà thu không đủ bù chi suốt nhiều năm qua.
Nợ công của Việt Nam năm 2010 là 56.7% GDP, và đến cuối năm 2011 dự trù là 58.7% GDP.
Dựa trên con số cụ thể, nợ công của Việt Nam năm 2001 chỉ có 9 tỉ đô la, tương đương 28% GDP. Mỗi đầu người Việt Nam không kể già trẻ lớn bé mỗi người phải gánh Tổng Công Ty Sông Hồng 112 đô la tiền nợ. Ðến năm 2011, nợ công của Việt Nam là 56 tỉ đô la, chia ra mỗi đầu người phải gánh 633 đô la.
Lạm phát tại Việt Nam năm nay lên rất cao. Tháng lên cao nhất là tháng 8 năm 2011 với 23.20%. Dân chúng điêu linh vì vật giá gia tăng chóng mặt. Vì đồng lương không đủ sống, 8 tháng đầu năm đã xảy ra 700 vụ đình công tại Việt Nam, theo Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội.
(TN)
0 comments:
Post a Comment