TTXVN - Có thể sụp đổ về kinh tế vào năm 2013
Thế giới đang chao đảo và cuộc khủng hoảng tài chính càng làm cho thế giới chao đảo thêm. Sức nặng kinh tế của các nước công nghiệp truyền thống đang suy giảm, còn sức mạnh của các nước mới trỗi dậy, đứng đầu là Trung Quốc, đang tăng lên và có khả năng còn tiếp tục tăng trong những năm tới.
Quỹ tiền tệ quốc tế một mặt giảm đáng kể dự báo đối với tất cả các nước, kể cả Trung Quốc, mặt khác cho rằng Trung Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng 9,5% năm nay và 9% vào năm 2012.
Nhưng tất cả các nhà kinh tế đều không chắc nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục cưỡng lại được sức ép mà từ đó phải chấp nhận suy giảm. Chuyên gia Robin Rivaton nhận định tuy Trung Quốc hiện nay dường như đang ở trên thế thắng đối với thế giới, song đứng trên quan điểm kinh tế, nhiều chỉ số cho thấy có những vết ran nứt trong đế chế Trung Hoa. Đảng Cộng sản Trung Quốc trong một thời gian dài được ca ngợi vì đã quản lý kinh tế khéo léo với việc thay thế nền kinh tế chỉ huy trong những năm 1980 bằng một trạng thái cân bằng thị trường tinh tế, ngừng sản xuất hàng cấp thấp để phát triển công nghiệp chế biến ngày càng hiện đại hơn. Nhưng công trình đó không vững chắc.
Tạp chí “Statafirk” dẫn lời nhà kinh tế học Nouriel Roubini, chuyên gia dự báo thảm hoạ thế giới, từ đầu năm 2011 nhắc đi nhắc lại rằng Trung Quốc sẽ lâm vào một cuộc khủng hoảng về tăng trưởng. Ông Nouriel Roubini không loại trừ khả năng đó sẽ là cuộc khủng hoảng trầm trọng về tăng trưởng mà nước này có thể phải gánh chịu và lên tiếng báo động hình mẫu Trung Quốc sẽ không trụ được lâu và sụp đổ, có thể là vào năm 2013.
Nhưng tại sao lại là năm 2013? Theo chuyên gia Nouriel Roubini, không một nước nào trên thế giới có thể sản xuất đủ để dành tới 50% Tổng sản phẩm quốc nội của mình cho đầu tư mà không gây ra tình trạng thừa năng lực quá mức và các vấn đề tín dụng “không lành mạnh”. Hơn nữa, năm 2013 là thời kỳ nửa đầu của Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 bắt đầu từ năm 2010.
Một chuyên gia khác, ông Robin Rivaton, nhà phân tích của tạp chí “Đại Tây Dương”, cho biết Kế hoạch 5 năm đó là triệu chứng của một nền kinh tế quá nóng. Kế hoạch này được thiết kế nhằm hỗ trợ nền kinh tế vốn bị tác động bởi mức cầu chững lại trên thế giới trong thời kỳ 2008-2009, khi phần xuất khẩu trong Tổng sản phẩm quốc nội giảm mạnh từ 11% xuống còn 5%. Cũng như các kế hoạch 5 năm trước đó, Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 nhằm mục đích đẩy mức tiêu thụ trong nước tăng lên để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng lại kéo theo các khoản đầu tư khổng lồ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đang thúc đẩy mô hình tăng trưởng đặc thù của mình ít phụ thuộc vào mức cầu của thế giới hơn đồng thời hướng về tiêu thụ trong nước cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hơn.
Mức đầu tư cố định vào hạ tầng, bất động sản và các lĩnh vực công nghiệp xuất khẩu, như vậy đã tăng từ 42% lên 49% trong Tổng sản phẩm quốc nội trong thời kỳ 2008-2011. Nhưng Trung Quốc khó có thể chịu đựng nổi tình trạng đó, kể cả trong một thời gian ngắn, vì năng lực của nước này đã bị căng ra quá giới hạn. Hạ tầng giao thông được xây dựng quá quy mô cần thiết. Chỉ trong vòng 2 năm có tới 10.300 km xa lộ được đưa vào sử dụng. Cứ một tuần lại có một nhà máy điện được xây dựng. Sân bay, đường cao tốc và các nhà máy chế biến cũng vậy. Chẳng hạn, vào tháng 9/2011, Bộ Công nghiệp đã phải áp đặt điều kiện khắt khe hơn đối với đầu tư vào ngành chế tạo ôtô do sợ thừa năng lực, từ đó có thể dẫn đến áp lực lạm phát mạnh bắt đầu từ năm 2013.
Các nhà kinh tế đều thống nhất cho rằng bong bóng kinh tế hình thành khi tỷ giá thực là âm trong dài hạn. Điều này đang diễn ra ở Trung Quốc trong thời kỳ gần đây. Vay tiền dễ dàng cộng với chi phí thấp kích thích các doanh nghiệp không có khả năng vay vốn theo tỷ giá thị trường thông thường, lao vào cuộc chạy đua đầu tư quyết liệt. Nhà kinh tế học Nouriel Roubini nhắc lại rằng tất cả các thời kỳ đầu tư quá mức, cụ thể là ở Đông Nam Á trong những năm 1990, đã kết thúc bằng một “cuộc khủng hoảng tài chính” và một “thời kỳ tăng trưởng thấp”. Tổng số vốn được các ngân hàng Trung Quốc cho vay đã tăng gần gấp đôi lên tới 1.100 tỷ euro, từ năm 2008 đến năm 2009. Ông cho rằng gần 1/3 số tiền mà các ngân hàng Trung Quốc cho vay có thể sẽ không trả được.
Ngoài doanh nghiệp, chính quyền địa phương cũng nợ đầm đìa vì vay tiền để rót vào bất động sản và hạ tầng. Cuối tháng 6/2011, Cơ quan kiểm toán quốc gia (NAO) của Trung Quốc cho biết món nợ của chính quyền địa phương các cấp đã lên tới 10.700 tỷ nhân dân tệ, tức 1.140 tỷ euro, tương đương với 27% Tổng sản phẩm quốc nội năm 2010 của nước này. Theo con số thống kê chính thức, mức tăng món nợ của chính quyền địa phương đã giảm từ 61,9% (năm 2009) xuống 8,9% (năm 2010). Hãng xếp hạng tín dụng Moody’s nghi ngờ tính xác thực của con số thống kê chính thức của Trung Quốc và đánh giá con số đó phải là 1.513 tỷ euro, chiếm 36% Tổng sản phẩm quốc nội. Hãng này thậm chí còn doạ sẽ hạ điểm của các ngân hàng Trung Quốc vì một khoản nợ khó đòi như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng cho vay. Ông Victor Shih, một chuyên gia Mỹ về vấn đề này, thậm chí còn đánh giá mức nợ của Trung Quốc chiếm khoảng 40-50% Tổng sản phẩm quốc nội năm 2010. Kể cả lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ của nước này cũng chưa chắc đã giúp giải toả được các món nợ trên.
Gần ½ số nợ trên sinh ra từ việc thực hiện kế hoạch hỗ trợ trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ được triển khai từ năm 2008. Tuyệt đại đa số các khoản cho vay đó được dùng để tài trợ cho xây dựng hạ tầng, nhưng lại nảy sinh tham nhũng và lãng phí trong sử dụng vốn. Nghiêm trọng hơn nữa là phần lớn số nợ nói trên sẽ đến hạn phải trả vào năm 2013. Điều đó càng làm tăng thêm tính chất bản lề của năm đó.
Trong bản phân tích vào đầu tháng 9/2011, ông Robert Zoellick, Chủ tịch Ngân hàng thế giới, đã nhấn mạnh đến các thách thức xã hội và sinh thái của Trung Quốc. Dân chúng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước tình hình môi trường ngày càng tồi tệ, thậm chí còn sâu sắc hơn cả đối với phát triển kinh tế. Nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời Jinko Solar, một công ty có mặt trên sàn chứng khoán Niu Yóoc, bị tạm thời đóng cửa sau cuộc biểu tình của 500 người dân thành phố Hải Ninh. Sự kiện này diễn ra một tháng sau cuộc biểu tình của 1.200 người ở thành phố cảng Đại Liên dẫn đến việc đóng cửa một nhà máy hoá dầu.
Về phương diện dân số, dân số già đi cũng là một mối đe doạ nghiêm trọng trong một hoặc hai thập kỷ nữa. Điều tra dân số tháng 3/2011 cho thấy số người ở độ tuổi 60 và hơn nữa chiếm 13% tổng dân số, tức hơn 3% so với mức của năm 2000. Số người ở độ tuổi dưới 14 tuổi cũng giảm từ 23% xuống còn 17%. Chính sách kiểm soát chặt chẽ sinh sản đã dẫn đến tình trạng tỷ lệ tăng trưởng dân số chỉ còn chưa đến một phần trăm.
Những đảo lộn hiện đang đe doạ người khổng lồ Trung Quốc dĩ nhiên sẽ có tác động mạnh ở quy mô toàn cầu do mức độ cao trong quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các vùng khác trên thế giới, phát triển cũng như mới trỗi dậy.
Không chỉ riêng nhà kinh tế học Nouriel Roubini mà nhiều chuyên gia khác cũng tỏ ý lo ngại trước tình hình kinh tế không vững chắc của Trung Quốc. Tháng 3/2011, hãng xếp hạng tín dụng Fitch đánh giá nguy cơ khủng hoảng ngân hàng ở Trung Quốc vào giữa năm 2013 lên tới 60%. Một số chuyên gia của hãng này còn cho biết thêm chỉ số khiến họ đưa ra đánh giá đó là đáng tin cậy vì chỉ số đó trước đây đã từng báo trước các cuộc khủng hoảng được ghi nhận lại Ailen và Aixơlen.
Nhiều nhà kinh tế học và nhà đầu tư khác, tuy chưa đến mức nói đến thảm hoạ, song cũng tỏ ra rất thận trọng và theo dõi sát sao diễn biến tình hình ở Trung Quốc. Ít nhất một điều đã được khẳng định khi Thị trường chứng khoán Trung Quốc mất điểm, giảm hơn 13% ở Thượng Hải và 25% ở Hồng Công kể từ đầu năm đến nay. Bà Lan Wang Simond, phụ trách quản lý vốn thuộc ngân hàng Pictet có trụ sở tại Giơnevơ (Thuỵ Sĩ), giải thích rằng các chuyên gia phải căn cứ vào khả năng dễ xảy ra nhất mặc dù bà không biết thái độ bi quan của họ có được minh chứng hay không. Hiện chưa xảy ra tình trạng đầu tư tuột dốc, thiểu phát, nhưng bà đánh giá khả năng nền kinh tế Trung Quốc tuột dốc không phanh đến lúc này là 20-25%.
Lạm phát không thể kiểm soát
Lạm phát được cho là một yếu tố không nhỏ dẫn đến tình hình xáo trộn ở Trung Quốc và được chính quyền nước này chính thức coi là một cuộc đấu tranh cần được ưu tiên. Dù đã giảm chút ít vào tháng 8/2011 (chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,2% so với 6,5% vào tháng 7/2011), nạn lạm phát vẫn tiếp tục gây lo ngại trong giới lãnh đạo chính trị và ngân hàng Trung Quốc. Đối với họ, các yếu tố gây ra nạn tăng giá ở Trung Quốc đã phần nào được kiềm chế, song vẫn chưa bị loại trừ hẳn.
Tỷ lệ lạm phát ở Trung Quốc là 5% vào tháng 5/2011. Con số này là cao nhất kể từ gần 3 năm nay và được chuyên gia phân tích Ronan Daniel của tạp chí “Đại Tây Dương” đánh giá là “nguy hại” đối với quyết tâm của chính phủ giữ mức tăng chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI) dưới ngưỡng 4% cho năm 2011. Việc chính phủ không giữ được cam kết trên (nhất là khi những con số được đề cập đến lại do chính quyền công bố) khiến giới phân tích phải ngạc nhiên vì mục tiêu 3% của năm 2010 cũng đã bị vượt quá rất nhiều. Trung Quốc đã nhiều lần tăng tỷ giá phải trả thấp hơn. Nhưng mục tiêu của Trung Quốc giữ lạm phát ở mức 4% cho năm 2011 sẽ khó có thể đạt được.
Theo ông Jean-Francois Di Meglio, Chủ tịch Trung tâm châu Á, nhiều yếu tố khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc tìm kiếm giải pháp cho các khó khăn kinh tế. Một khi vòng xoáy lạm phát bắt đầu thì khó có thể đảo ngược được tình thế. Hơn nữa là vì Trung Quốc gặp khó khăn trong việc tái tạo dòng tiền chảy vào ồ ạt gắn liền với thặng dư thương mại.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại lên mức 21%. Để phong toả một phần lượng tiền, giới lãnh đạo tiền tệ Trung Quốc ưu tiên đòn bẩy này hơn là đòn bẩy tỷ giá. Điều chỉnh phí vay trong thời gian tới cũng không bị loại trừ và nếu có thì đó sẽ là lần điều chỉnh thứ 5 kể từ tháng 10/2010.
Bối cảnh tài chính quốc tế đẩy Trung Quốc vào tình thế tế nhị chưa từng thấy và phải giải quyết các tình huống đôi khi mâu thuẫn nhau. Trong khi giới chức tiền tệ định đa dạng hoá đầu tư bằng ngoại tệ để bảo vệ dự trữ ngoại hối chống lại khả năng Mỹ mất khả năng thanh toán, một số thách thức mới lại xuất hiện. Mặc dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra những tuyên bố có tính trấn an, song mối đe doạ là có thực đối với nền kinh tế nước này với tư cách là nước xuất khẩu hàng đầu tiên thế giới, nhưng lại có nguy cơ bị ảnh hưởng xấu bởi các thị trường xuất khẩu kém năng động hơn.
Theo chuyên gia Ronan Daniel, lạm phát quả thực là mối quan tâm của cả thế giới, nhưng sau cuộc khủng hoảng kinh tế lớn, người ta có thể nghĩ rằng tăng giá, vồn là hiệu quả của cầu vượt quá cung, là triệu chứng của hồi phục thì đúng hơn. Từ hai năm nay, Trung Quốc cam kết thay đổi cơ cấu tăng trưởng kinh tế và tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu và nhằm vào nhu cầu ở trong nước. Theo cách nghĩ đó, lạm phát có thể là hệ quả của tăng sức mua ở trong nước. Song, điều chỉnh mô hình tăng trưởng đang phải chịu áp lực lạm phát mà giới chức tiền tệ Trung Quốc vẫn chưa kiểm soát được.
Lạm phát tăng trong khi tăng trưởng lại không tăng. Tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc, khoảng 10,3% vào năm 2010, sẽ có thể ở dưới ngưỡng 10% vào năm 2011. Tuy vững chắc, song tăng trưởng dường như giảm theo thặng dư thương mại của nước này. Xuất khẩu chững lạ và tăng trưởng cũng vậy. Trung Quốc không thể đưa được tăng trưởng dựa vào nền tảng vững chắc do người tiêu dùng tạo nên, cũng không thành công trong việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào các đối tác thương mại nước ngoài mặc dù có dân số khổng lồ với nhu cầu khổng lồ cần đáp ứng ở trong nước.
Ở Trung Quốc, lạm phát có xu hướng gây lo ngại cho chính phủ muốn tăng trưởng đạt tới mức có thể đảm bảo ổn định trong nước. Lạm phát đó thực ra bắt nguồn từ việc tăng giá lương thực thực phẩm. Kể cả khi lượng hàng không phải lương thực thực phẩm chiếm tỷ lệ cao hơn trong mức tăng giá của người nội trợ Trung Quốc (+2,9%), hàng thực phẩm lên tới mức 11,7%/năm. Như vậy, lạm phát tạo sức ép đối với toàn bộ dân chúng, kể cả các hộ gia đình bình thường nhất, thông qua các hiện tượng gắn với nguồn cung.
Theo giới chuyên gia kinh tế, lạm phát tăng một phần là do hạn hán ở một số vùng của Trung Quốc. Ngoài khó khăn trong tưới tiêu, thiếu điện do mực nước sông hạ cũng xảy ra ở nhiều vùng. Các nhà máy thuỷ điện đã phải điều chỉnh mức cung và giá điện theo đó được nâng lên. Giá tiêu dùng cũng tăng theo giá nguyên liệu vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường quốc tế. Cuối cùng, kế hoạch hỗ trợ ồ ạt của Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính dường như vẫn không ngăn chặn được tăng giá.
Lạm phát tăng vào thời điểm các cuộc biểu tình phản đối nổ ra ở tỉnh Quảng Đông (miền Nam), nơi có một phần lớn trong số 145 triệu người lao động di cư của cả nước. Chính những lao động di cư đó, phần lớn xuất thân ở tỉnh Tứ Xuyên, đã phản ứng dữ dội khi xảy ra sự cố giữa cảnh sát và một phụ nữ bán hàng rong đang mang thai ở thành phố Tăng Thành. Một số cuộc biểu tình khác nổ ra ở Triều Châu, nơi hàng trăm người lao động đòi trả tiền lương còn nợ họ. Mười chín người đã bị bắt sau các vụ bạo động đó.
Chính phủ Trung Quốc hoàn toàn có lý do để lo ngại trước hiện tượng này nếu họ muốn đưa tăng trưởng của mình dựa hẳn vào tiêu dùng ở trong nước: liệu pháp Keynes mà Trung Quốc cố tình lựa chọn đòi hỏi các hộ gia đình có mức thu nhập trung bình phải có sức mua lớn. Nhưng ổn định xã hội sẽ bị đe doạ nếu tăng trưởng không mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Nếu hàng lương thực thực phẩm tăng 11,7%/năm, người lao động di cư ở Quảng Đông sẽ không chờ xem tăng trưởng kinh tế hàng năm có đạt mức 9% hay 10% rồi mới nổi giận.
Một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới mới chắc chắn làm phức tạp thêm tình hình ở Trung Quốc. Năm 2008, chính quyền nước này đã phải bơm 460 tỷ euro vào kế hoạch hỗ trợ trong hai năm để tái khởi động nền kinh tế và duy trì nhịp độ tăng trưởng đều đặn khoảng 8%. Trung Quốc cũng phải thông qua một chính sách tiền tệ linh hoạt. Lượng vốn cho vay mới giảm mạnh trong khi giá thuê nhà tăng, còn Ngân hàng trung ương cũng tăng lượng tiền lưu thông. Đó là bấy nhiêu yếu tố dẫn đến lạm phát với tốc độ phi mã khoảng 5,5% vào tháng 5/2011, mức cao nhất là 3 năm nay.
Nhưng tỷ lệ đó dẫn đến nguy cơ đối với tăng trưởng mà Chính phủ Trung Quốc muốn duy trì ở mức trên 8%. Vòng xoáy lạm phát buộc phải tăng lương, lương tăng lại kéo giá cả lên và cứ như thế khiến hàng hoá Trung Quốc mất lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công. Lượng tiền mặt quá lớn cũng làm nảy sinh bong bóng đầu cơ cổ phiếu chứng khoán và nhà đất.
Lạm phát “xấu” đó, thứ lạm phát không minh chứng cho sự phát triển của nền kinh tế đã từng là dấu hiệu của cuộc khủng hoảng ở phương Tây trong những năm 1970, là điều xấu đối với nền kinh tế, đặc biệt là đối với sự ổn định xã hội mỏng manh của Trung Quốc.
Bong bóng bất động sản chờ vỡ
Khi con số về hoạt động sản xuất công nghiệp được công bố ở Trung Quốc, giới chuyên gia kinh tế nhận xét ngành này đang trong cơn “co giật” do mức cầu giảm trên thế giới. Chi phí trung bình cho các yếu tố sản xuất trái lại lên tới mức cao nhất trong 4 tháng trở lại đây.
Ngay từ đầu tháng 10/2011, ông Robert Zoellick, Chủ tịch Ngân hàng thế giới, đã dự báo động lực giúp Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ đang rệu rã. Trong lúc đó, con rồng Trung Quốc dường như tỏ ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết khi đứng đầu nhóm BRICS điều phối cứu trợ nhân đạo-tài chính cho châu Âu. Nhưng như chuyên gia Robin Rivaton nhận xét trên tạp chí “Đại Tây Dương”, Trung Quốc không phải không bị giằng xé bởi chính những điểm yếu của mình.
Giá nhà ở Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tăng (+0,7% trong tháng 8/2011), trong khi nhịp độ tăng trưởng lại chậm lại (+6,9% trong tháng 8/2010 và +6,8% vào tháng 7/2010). Điều đó cho thấy hiệu quả của các biện pháp mà Chính phủ Trung Quốc áp udngj để tránh hiện tượng quá nóng trên thị trường bất động sản. Bong bóng đã biến thị trường bất động sản ở Trung Quốc thành một trong những thị trường đắt đỏ nhất thế giới so với thu nhập ở nước này. Để có thể thấy được độ lớn của bong bóng này, ta biết rằng năm 2006, giá trung bình một căn hộ ở Bắc Kinh vào khoảng 100.000 USD, tức gấp 32 lần thu nhập trung bình của một công dân trong vùng. Năm 2011, mức giá này đã lên tới 250.000 USD, tức cao gấp 57 lần thu nhập trung bình ở địa phương.
Ngân hàng Standard Chartered Bank cho rằng các khu đô thị thuộc vùng hai, như Đại Liên hay Thiên Tân, tạo ra áp lực tiêu cực mạnh tới giá nhà đất. Phần lớn các chuyên gia nhận định rất có thể giá nhà đất sẽ giảm khoảng 10-20% trong năm 2011 trên toàn thị trường. Đó dường như là hậu quả của việc chính quyền can thiệp vào giá. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từ đầu năm 2010 đã thông báo ý muốn giảm mức độ đầu cơ đang hoành hành ở cả các thành phố lớn lẫn các thành phố có quy mô nhỏ hơn. Để thực hiện mục tiêu đó, Chính phủ Trung Quốc đặt ra các quy định như cấm mua căn nhà thứ hai ở một số thành phố hay tăng gấp 11 lần dự trữ tài chính của ngân hàng để giảm khả năng cho vay.
Nhưng Chính phủ Trung Quốc cũng phải hành động thận trọng vì lĩnh vực xây dựng là một trong những yếu tố chính tác động đến tăng trưởng và qua đó là các ngành thép và xi măng. Ông Jonathan Anderson, nhà kinh tế học thuộc Ngân hàng UBS, cho rằng chỉ riêng thị trường xây dựng đã đóng góp tới 13% Tổng sản phẩm quốc nội trong năm 2010, tức gấp hơn hai lần tỷ lệ trung bình của những năm 1990.
Vả lại, giá nhà đất tuột dốc mạnh quá có thể sẽ làm cho một số công ty phát triển nhà phá sản, đặc biệt là các công ty nhỏ. Món nợ của các công ty này, tính đến tháng 4/2011, đã tăng 41% so với tháng 4/2010, với khoảng 162 tỷ USD. Tình trạng đó có thể lây lan sang ngành ngân hàng qua việc không trả được đúng hạn một số món nợ.
Lĩnh vực bất động sản được người Trung Quốc thích đầu tư nhất vì mang lại lợi nhuận cao hơn gửi tiền vào ngân hàng. Các khoản môi giới cũng đóng vai trò chủ chốt trong việc cân đối tài chính địa phương. Các khoản này được các công ty xây dựng nhà ở trả và là một nguồn thu nhập thiết yếu đối với chính quyền địa phương các cấp đang ngập lụt trong đống nợ, nhưng lại buộc phải triển khai xây dựng các công trình hạ tầng tốn kém.
Do năng suất lao động giảm sút trong công nghiệp, nhiều doanh nghiệp sử dụng chính cơ sở sản xuất hay kinh doanh của mình làm bảo đảm để vay vốn trên thị trường chợ đen và có những trường hợp mang tiền vay được cho vay lại với lãi suất cao hơn hay dùng tiền vay đó để lao vào đầu cơ bất động sản. Việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ này sẵn sàng vay với lãi suất cao như vậy cho thấy họ hoặc không còn một đồng tiền mặt nào, hoặc bị mắc kẹt vào đầu cơ vì không một hoạt động kinh tế thực thụ nào có thể sinh lời từ số tiền đầu tư với mức đủ cao để cho phép hoàn vốn. Khi giá bất động sản lao dốc và đơn đặt hàng xuất khẩu vừa và nhỏ đối với khoản vay sẽ giảm giá trị, từ đó dẫn đến phá sản và mất việc làm.
Các công ty xây dựng chủ chốt, vốn là chỗ dựa cho thị trường bất động sản, vẫn hoạt động tốt vì tỷ lệ đô thị hoá hiện nay là 47%, nhưng có thể sẽ tăng tới 57% vào năm 2020 và gần 70% vào năm 2030. Song nếu bong bóng vẫn tiếp tục tồn tại sẽ dẫn đến nguy cơ nhiều thế hệ người nông thôn di cư, do không có khả năng mua nhà, sẽ phải sống tập trung tại vùng ven các thành phố lớn. Chuyên gia Robin Rivaton đánh giá đó chính là “bằng chứng tồi” của tăng trưởng mất cân đối.
Thức tỉnh trong thế kẹt
Trước tốc độ lạm phát phi mã, Trung Quốc chọn cách thực hiện chính sách tiền tệ cứng rắn. Tuy nhiên, giới phân tích không loại trừ khả năng sắp tới, nước này sẽ phải để đồng nhân dân tệ tự định giá nhằm tăng cường sức cạnh tranh trên cơ sở lành mạnh để có tiền tài trợ đầu tư và tăng lương.
Theo ông Jean-Marc Daniel, giáo sư trường Đại học ESCP-châu Âu, khi phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát 5%, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã hiểu ra và siết chặt chính sách tiền tệ, hạn chế các khoản đầu tư mới của chính quyền địa phương và dường như đã thành công trong việc hãm mức tăng giá hàng tiêu dùng (từ 6,5% vào tháng 6/2011 xuống 6,2% vào tháng 8/20111 và có xu hướng sẽ chỉ còn 4-5%). Nhưng làm như vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã mắc phải ba sai lầm về phân tích.
Như giáo sư Jean-Marc Daniel lý giải trên tạp chí “Đại Tây Dương”, sai lầm thứ nhất của Trung Quốc là không hiểu được rằng một nền kinh tế khi đã đuổi kịp được các nền kinh tế chi phối như của châu Âu và Mỹ, chắc chắn sẽ phải xác định lại giá. Khi trình độ phát triển kinh tế của mình đạt mức ngang bằng với các nước Nhom G7, Trung Quốc cũng sẽ phải áp dụng mức giá tương tự. Nhưng vì nước này không làm như vậy nên khoảng cách giữa Tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người được lấp đầy vào năm nào thì khoảng cách giữa mức giá cũng được lấp đầy vào chính năm đó. Trong lý thuyết kinh tế, đó là cái mà người ta vẫn gọi là “hiệu ứng Balassa Samuelson”.
Tình hình đó không phải chỉ có mặt tiêu cực bởi lẽ trong số các giá tăng lên có cả tiền lương. Tiền công chi trả tăng lên cũng là lẽ tự nhiên vì một nền kinh tế không thể tồn tại lâu dài trong bối cảnh cố tình duy trì mãi mức lương thấp bằng cách tước đoạt sức lao động.
Sai lầm thứ hai của các nhà lãnh đạo Trung Quốc là để chi phí lao động không ngừng tăng lên. Do luôn bị ám ảnh bởi hám lợi nên nước này sử dụng xuất khẩu làm cơ sở cho tăng trưởng, nghĩa là để tăng trưởng dựa trên nền tảng sức cạnh tranh mạnh. Nhưng Trung Quốc lại nhâm về phương tiện để đạt mức tăng trưởng đó. Nước này cũng có 3 khả năng để tăng sức cạnh tranh: thứ nhất là phá giá và định giá thấp đồng nội tệ của mình, thứ hai là thiểu phát về lương, thứ ba là tăng sản lượng bằng tiến bộ kỹ thuật.
Trong khi về lâu dài cần phải chọn yếu tố thứ ba thì theo giáo sư Jean-Marc Daniel, đồng thời là phụ trách giảng dạy kinh tế tại trường Đại học Mỏ, Trung Quốc cố bám lấy hai yếu tố đầu tiên. Quả thực là bằng cách kiểm soát hối đoái, một cách làm có từ thời xa xưa đã từng làm rối loạn nền kinh tế thế giới và làm thui chột các khoản tiền khổng lồ nằm chết dí trong két của Ngân hàng trung ương, Trung Quốc đã thành công trong việc hạn chế mức tăng giá của đồng nhân dân tệ. Nhưng áp lực đối với tiền lương ngày càng mạnh và có nguy cơ dẫn đến lạm phát “Balassa Samuelson”, từ đó chắc chắn làm xói mòn sức cạnh tranh của Trung Quốc.
Hơn nữa, bong bóng còn lớn hơn giá hàng là dự trữ trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ. Dù không muốn, song Trung Quốc trở thành nạn nhân của chính sách của mình là duy trì tỷ giá thật thấp so với đồng USD Mỹ để giữ sức cạnh tranh trong xuất khẩu. Hiện nay, Trung Quốc không thể bán lại số hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu của Ngân hàng trung ương Mỹ vì một khi đã mua, nước này bị kẹt vào đó và nếu bán lại sẽ làm sụp đổ hệ thống tài chính thế giới.
Số 3.000 tỷ USD ngoại tệ mà Trung Quốc nắm giữ không có nghĩa là nước này không nợ nần. Tuy mức nợ chính thức chỉ là 27% Tổng sản phẩm quốc nội, song các nhà kinh tế nghi ngờ tỷ lệ đó thực tế có thể lên tới 90% vì một phần lớn nằm trong tay chính quyền địa phương dùng đất đai như sự bảo đảm để vay vốn và không đưa vào con số thống kê chính thức.
Giải pháp tốt nhất cho vấn đề nạn lạm phát của Trung Quốc không phải là siết chặt điều kiện vay vốn vì như vậy sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế vẫn đang cần nhiều khoản đầu tư để tài trợ, cũng không phải là tìm cách duy trì đồng lương chết đói. Giáo sư Jean-Marc Daniel, cũng là Giám đốc tạp chí Societal của Viện doanh nghiệp, cho rằng vấn đề ở đây là phải xóa bỏ chế độ kiểm soát hối đoái và để cho đồng nhân dân tệ tự định giá.
Một mặt, điều đó buộc các doanh nghiệp đang đối mặt với thực tế sản xuất của các đối thủ cạnh tranh, phải chấp nhận cuộc chiến cạnh tranh trên cơ sở lành mạnh và lâu dài. Mặt khác, điều đó sẽ kéo giá nhập khẩu xuống, từ đó hãm đà lạm phát. Hơn nữa, vì một phần đáng kể trong nhập khẩu là hàng lương thực thực phẩm chế biến, nên giảm giá nhập khẩu bằng tỷ giá sẽ cho phép tránh một cơn bão giá ngũ cốc.
Người dân ở các nước Arập nổi dậy để phản đối giá cả hàng thiết yếu tăng vọt. Tại Trung Quốc, các nhà lãnh đạo biết rằng người dân có thể nổi giận cũng vì lý do đó. Nhưng do không thoát được khỏi ý thức hám lợi đang bao trùm, nên mọi quyết định được họ đưa ra đều không thích hợp để giải quyết những vấn đề cần giải quyết.
Nhiều nhà kinh tế học cho rằng hình mẫu hiện nay của Trung Quốc không thể đứng vững được, còn Trung Quốc không còn sự lựa chọn nào khác. Hai nhà kinh tế học Alexandra Estiot và Christine Peltier, thuộc ngân hàng BNP Paribass (Pháp), nhận xét khi điều chỉnh những ưu tiên trong mô hình phát triển, Chính phủ Trung Quốc sẽ trở nên “rộng rãi” hơn đối với tỷ lệ tăng trưởng có kém hơn một chút nhưng vẫn thuộc loại cao. Không thể chuyển từ một hình mẫu tăng trưởng này sang một hình mẫu tăng trưởng khác một cách hài hòa như các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra được vì điều đó đòi hỏi phải thay đổi sâu rộng hệ thống hiện nay, trong đó các công ty lớn của Nhà nước, các doanh nghiệp xuất khẩu và chính quyền các tỉnh sẽ phải dùng hết sức bình sinh để hãm tốc độ.
Đối với ông Nouriel Roubini, Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư ồ ạt cho đến khi sụp đổ hoàn toàn. Một số xu hướng cho thấy dự báo của nhà kinh tế học này là đúng. Tháng 6/2011, các chuyên gia của Quỹ tiền tệ quốc tế tỏ ý lo ngại trước nguy cơ bong bóng bất động sản trong ngành xây dựng ở Trung Quốc và nhấn mạnh đến sự cần thiết phải hãm phanh lại bằng cách tăng cao hơn nữa phí vay tín dụng. Giới chức Trung Quốc cho biết họ ý thức được mối nguy cơ đó, nhưng để giữ yên ổn xã hội, họ phải bảo đảm với người dân có mức sống trung bình rằng họ sẽ được mua nhà với giá phải chăng.
Thế giới bị ảnh hưởng
Sự phát triển của Trung Quốc đã đạt đến giới hạn và nếu nền kinh tế nước này sụp đổ sẽ là mối đe dọa thực sự mang tính toàn cầu. Đó là nhận xét chung của giới phân tích và chuyên gia kinh tế quốc tế. Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ giảm mạnh bắt đầu từ năm 2013 và rối loạn xã hội sẽ gia tăng ở Trung Quốc. Tình hình đó sẽ dẫn đến hậu quả gì đối với thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển?
Các chuyên gia khẳng định chắc chắn thế giới sẽ bị tác động vì sự lệ thuộc của các nền kinh tế trên thế giới vào Trung Quốc là điều không thể bàn cãi. Đó là hệ quả của quá trình toàn cầu hóa, khi Trung Quốc là nước ngốn nhiều nguyên liệu, đồng thời cũng là điểm tiếp sức cho tăng trưởng của các doanh nghiệp phương Tây và cuối cùng là khả năng xảy ra một cuộc chiến giá cả.
Giải thích trên tạp chí “Đại Tây Dương”, chuyên gia Robin Rivaton nhấn mạnh đến việc Trugn Quốc trước hết là một nền kinh tế giao thương rất rộng rãi với thế giới, thể hiện ở mức độ tiếp cận với nền kinh tế thế giới được tính bằng hệ số giữa ngoại thương và tổng sản phẩm quốc nội, đã vượt quá mức 60%.
Một chỉ số rõ ràng về mối lo ngại của thế giới trước việc nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ là giá trị tuyệt đối của Hợp đồng bảo lãnh nợ khó đòi (CDS) sẽ tăng vọt. Tổng giá trị loại hình bảo hiểm vỡ nợ này của Trung Quốc hiện nay vào khoảng 8,3 tỷ USD, cao thứ 10 thế giới. Cách đây 2 năm, con số này chỉ vào khoảng 1,6 tỷ USD và Trung Quốc đứng thứ 227 thế giới.
Là công xưởng của thế giới, Trung Quốc dựa chủ yếu vào nhân công giá rẻ, đồng tiền được định giá thấp, đầu tư lớn vào công nghiệp, tập trung vào xuất khẩu. Nước này sản xuất và xuất khẩu một khối lượng lớn đồ chơi, hàng điện tử, thậm chí cả xe hơi. Do xuất khẩu nhiều nên Trung Quốc rất khát nguyên liệu, từ đó trở thành nước tiêu thụ nhiều nhất thế giới về đồng (40% sản lượng thế giới), nicken (20%) hay thép (44%). Nhiều nước Đông Nam Á là nhà cung cấp nguyên liệu quan trọng của Trung Quốc như cao su của Thái Lan, than của Inđônêxia hay khí đốt tự nhiên của Mianma. Nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với các nền kinh tế dựa vào nguyên liệu như Ôxtrâylia. Mối lo đối với nước này không chỉ vì sản xuất ở Trung Quốc chững lại, mà còn vì nước này không thể tiếp tục dựa vào xuất khẩu và đầu tư vào nhà máy, trang thiết bị và hạ tầng để tăng trưởng. Các ngành này ngốn nhiều than, quặng sắt, khí đốt tự nhiên, sắt thép, từ đó phải nhập quặng sắt, nicken và than đá từ Ôxtrâylia. Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ chính đối với đồng của Chilê, quặng công nghiệp khai thác ở Braxin hay Nam Phi.
Trong nhiều trường hợp, sản xuất ở Trung Quốc sụp đổ có thể sẽ có nghĩa là xuất khẩu và thu ngân sách suy sụp, đặc biệt khi phần lớn hạ tầng sản xuất nằm trong tay các tác nhân Trung Quốc. Cũng vì thế mà các loại ngoại tệ, như đồng USD Ôxtrâylia, đồng real của Braxin hay đồng pêxô của Chilê, sau khi đạt mức kỷ lục trong những năm gần đây, có thể sẽ giảm và quay về mức được cho là hợp lý hơn.
Mặt khác, guồng máy công nghiệp khổng lồ của Trung Quốc và quyết tâm rõ ràng vươn lên sản xuất hàng hóa cao cấp trong các kế hoạch 5 năm gần đây, khiến các nhà sản xuất của nước này cần phải nhập khẩu công nghệ của nước ngoài. Xây dựng hạ tầng giao thông và năng lượng cũng cần đến sản phẩm của nước ngoài. Trung Quốc là nước sử dụng trang thiết bị xây dựng hàng đầu thế giới và châu Á-Thái Bình Dương là khu vực đứng đầu về kim ngạch trang thiết bị xây dựng của tổ hợp khổng lồ Caterrpillar của Mỹ. Sức sống của các ngành công nghiệp nặng của các nước và vũng lãnh thổ xung quanh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) đều dựa vào nguồn xuất khẩu này. Còn Đức thì sao? Nước này cung cấp cho Trung Quốc hàng côngtenơ đầy ắp máy công cụ cần thiết cho phát triển công nghiệp.
Cuối cùng, các doanh nghiệp phương Tây hoạt động ở Trung Quốc, dù đó là các nhà phân phối hay các chuỗi cửa hàng ăn nhanh, đều trông chờ vào những người sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu để bảo đảm có được khả năng tiếp tục hoạt động sản xuất đang chững lại ở các thị trường phát triển. Đó là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng chủ yếu của các doanh nghiệp sản xuất hàng xa xỉ Pháp. Thậm chí, một hãng lớn như Hermes hồi tháng 9/2010 còn lập ra một nhãn mác mới chỉ dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Đó là Shang Xia.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chững lại còn có thể dẫn đến hậu quả rất trực tiếp: nếu mức cầu ở nước này, dù trong lĩnh vực bất động sản hay sản xuất hàng công nghiệp, suy sụp sẽ tác động tiêu cực tới sản xuất. Tình trạng thừa năng lực ở các nhà máy của Trung Quốc, cụ thể là trong lĩnh vực chế biến kim loại thép (chiếm tới 50% sản lượng của thế giới), nhôm và điện tử, lúc đó có thể sẽ dẫn đến việc ban hành một chính sách giá cả quyết liệt được hỗ trợ bằng các biện pháp kích thích về thuế và hạn chế tăng trưởng nhằm duy trì thị trường tiêu thụ ở nước ngoài.
Theo chuyên gia Robin Rivaton, sự sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc sẽ gây ra hậu quả dài hạn cho Mỹ và châu Âu vì họ ngày càng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Tình hình trên chắc chắn sẽ gây ra một làn sóng phản đối của các nhà sản xuất công nghiệp ở châu Âu và Mỹ, thậm chí có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành ý thức chính trị trong lúc một số giới hoạch định chính sách đang muốn trở lại với chính sách bảo hộ ở một mức độ nhất định.
Chuyên gia Robin Rivaton trấn an các nhà hoạch định chính sách và các nhà sản xuất không nên quá bi quan trước viễn cảnh trên. Các chuyên gia của ngân hàng HSBC hàng tháng đều tổng kết về sản xuất của khu vực sản xuất hàng công nghiệp để đánh giá xem sản xuất công nghiệp mở rộng hay co lại. Các con số được công bố đến lúc này đều cho tháy rằng kể cả với một chỉ số xuống dưới 48, tăng trưởng hàng năm của ngành sản xuất công nghiệp vẫn có thể được duy trì ở mức trên dưới 12,5% và tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội ở mức 9%. Chỉ số trên vào cuối tháng 8/2011 vẫn đạt mức 49,9…
Điều nên làm để tránh bị suy sụp
Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về lãnh đạo. Những lựa chọn được các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản hiện nay quyết định có nguy cơ duy trì một cách giả tạo tăng trưởng về ngắn hạn sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề về cơ cấu hiện tại. Mặc dù cung cách quản lý kinh tế đất nước, vốn là sự pha trộn giữa kinh tế chỉ huy và kinh tế thị trường, được thông qua bằng biểu quyết theo đa số, nhưng điều đó liệu có phải là do các nhà lãnh đạo Trung Quốc thiếu nhãn quan không?
Như chuyên gia Robin Rivaton nhận xét trên tạp chí “Đại Tây Dương”, mỗi khi hoạt động kinh tế chững lại, các doanh nghiệp không ngần ngại sa thải công nhân dư thừa trong bối cảnh không có luật bảo vệ quyền lao động. Tình trạng này liên quan trực tiếp đến toàn bộ số 240 triệu lao động di cư từ các vùng khác ở trong nước, trong đó có tới 130 triệu lao động làm việc tại các thành phố ven biển và là một phần lớn trong đội quân nhân lực giá rẻ của Trung Quốc. Đầu năm 2009, chính phủ nước này tỏ ra rất lo ngại trước nạn thất nghiệp tăng mạnh với 25 triệu lao động trong số nhân lực nói trên bị sa thải chỉ trong vòng vài tháng.
Hiện nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với tình hình căng thẳng về nhiều mặt. Chi phí sản xuất tăng do công nhân đòi hỏi phải có mức sống và lương cao hơn, từ đó tác động tới vai trò của nước này với tư cách là mặt bằng lao động giá rẻ của thế giới. Các biện pháp cứu trợ kinh tế được thực hiện từ năm 2008 đã làm nảy sinh hàng nghìn tỷ USD tín dụng do các ngân hàng Nhà nước cho vay với lãi suất cực kỳ thấp. Tình hình đó dẫn đến tình trạng đầu tư quá mức và đẩy giá bất động sản tăng tới mức khiến nhiều hộ gia đình không thể chịu nổi, từ đó thúc đẩy căng thẳng xã hội gia tăng.
Nỗi lo sợ về một chảo lửa xã hội
Tình trạng đó dãn đến bầu không khí xáo động khiến người ta nhớ lại vụ lộn xộn trong những năm 1996-2000 khi các doanh nghiệp Nhà nước sa thải ồ ạt nhân công và nạn thất nghiệp tăng mạnh tại một số trung tâm đô thị. Tình hình đó đã đẩy các nhà kỹ trị vội vã tung ra Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 dựa vào đầu tư ồ ạt vào cơ sở hạ tầng, bất động sản và các ngành công nghiệp xuất khẩu.
Thời điểm phê duyệt Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 hồi tháng 10/2010, tại Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, chính là lúc ban lãnh đạo hiện nay, đứng dầu là Hồ Cẩm Đào, ký giấy cho người khác kế nhiệm mình. Tập Cận Bình được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương (CMC), một sự kiện được coi là sự thừa nhận vai trò thực thụ của vị ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc này.
Theo dự kiến, sau một năm nữa, tại Đại hội Đảng lần thứ 18, Tập Cận Bình sẽ phải được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Bí thư và được chỉ định làm Chủ tịch nước tương lai cho hai nhiệm kỳ 5 năm. Như vậ, Hồ Cẩm Đào có thể sẽ có ý định tiếp tục đưa tăng trưởng lên cao hơn nữa trong hai năm 2011 và 2012 để rồi sau đó dặt củ khoai nóng bỏng vào tay người đồng chí vốn không phải là người mà ông ưa thích.
Sự mập mờ chính trị của Hồ Cẩm Đào
Vì ban lãnh đạo hiện nay dường như có vẻ đã buông xuôi nên mọi con mắt đều đổ dồn về các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc. Tập Cận Bình, được coi là một nhà cải cách ôn hòa, liệu có đủ dũng cảm để thực sự hướng về tiêu thụ trong nước không?
Hiện nay, các hộ gia đình ở Trung Quốc chỉ nhận được một phần nhưng không công bằng thành quả có được nhờ tăng trưởng vượt bậc ở nước mình. Quả thực là dân chủ đã được thực hiện trong mua bán nhà hay tài sản lâu hỏng, song người dân lại không nhận được những gì là thiết yếu nhất. Quyết định của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là chính sách tiền tệ, đã dẫn đến hậu quả là thu nhập của các hộ gia đình – vốn là những người không được tham gia các vấn đề chính trị – được lái sang các tác nhân có quyền lực, chẳng hạn như các doanh nghiệp ở địa phương, dù là của Nhà nước hay của tư nhân. Đồng nhân dân tệ yếu đội giá hàng nhập khẩu lên, đồng thời làm giảm sức mua của các hộ gia đình, nhưng lại làm lợi một cách sai trái cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Như vậy, theo logic, phần thu nhập của các hộ gia đình trong tổng thu nhập quốc dân của Trung Quốc, trong giai đoạn 200-2011, giảm từ 70% xuống 50%. Cho đến năm 2005, chính các doanh nghiệp tư nhân lại có được thu nhập cao hơn nhờ sản xuất tăng trưởng mạnh. Nhưng từ năm 2005 đến nay, phần tăng (khoảng 30% thu nhập thực có) lại thuộc về Nhà nước (chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp Nhà nước).
Hộ gia đình: những người thua thiệt nhiều
Theo chuyên gia Nouriel Roubini, nếu đạt khoảng 30% thu nhập ròng, lãi suất tiết kiệm không cao hơn so với ở Hồng Công, Xinhgapo hay Đài Loan, còn nếu tính bằng thu nhập quốc gia, lãi suất đó thấp hơn nhiều. Phần lớn là do các doanh nghiệp Nhà nước không làm sinh sôi nảy nở được các khoản tiền khổng lồ, chiếm khoảng 25% Tổng sản phẩm quốc nội năm 2010, vì đã được biến thành lợi nhuận không được phân phối.
Tiêu thụ trong nước cần được tăng mạnh để hấp thụ năng lực công nghiệp dư thừa và từ đó bù đắp cho xuất khẩu. Trung Quốc ở trong thế phải giảm lãi suất tiết kiệm, đầu tư cố định cũng như quy mô hàng xuất khẩu ròng trong Tổng sản phẩm quốc nội để tăng phần của tiêu thụ lên. Muốn được như vậy, cần ưu tiên cho một chính sách tiền tệ mới và định giá cố định đồng nhân dân tệ cho những năm tới. Trái lại, tăng tỷ giá đột ngột có thể sẽ là một cú sốc quá mạnh đối với một nền kinh tế còn đang chứa nhiều bong bóng cùng một lúc.
Nhưng thực tế là Trung Quốc không có nhiều khả năng xoay xở để tăng mức tiêu thụ trong nước. Trong hai năm qua, lương tăng có giới hạn cộng với đình công liên tục đã làm xói mòn nhanh chóng thị trường Trung Quốc vì các doanh nghiệp phải chuyển sản xuất sang các thị trường cạnh tranh khác rẻ hơn như Việt Nam và Ấn Độ. Phát triển tiêu thụ trong nước ở Trung Quốc cũng là một vấn đề tế nhị: người tiêu dùng cũng cần có một đồng tiền mạnh để hỗ trợ sức mua, do vậy, các nhà xuất khẩu sẽ mất một phần lợi thế khi phải đối mặt với cạnh tranh. Người gửi tiết kiệm lại cần có lãi suất tương đói cao đối với tiền gửi để bảo đảm cuộc sống khi về hưu, do đó ngân hàng và doanh sẽ phải chịu chi phí cao hơn cho tiền gửi tiết kiệm.
Đại nhảy vọt… hướng tới tiêu thụ trong nước
Hậu quả là các mảng lớn của nền công nghiệp Trung Quốc có thể sẽ không còn có lãi. Các khoản vay xấu có thể buộc chính phủ nước này phải can thiệp và tái tạo vốn cho ngân hàng. Đầu tư bằng vốn cố định, hiện tương đương với 46% nền kinh tế so với 12% ở Mỹ, có thể nhanh chóng giảm mạnh, từ đó có nguy cơ gây thiệt hại về tăng trưởng việc làm mà đất nước đang rất cần để hỗ trợ tiêu dùng. Tóm lại, hình mẫu hướng về xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ sụp đổ trước khi người tiêu dùng có khả năng tiếp cứu. Trong loại hình khủng hoảng đó, sức nặng kinh tế của Trung Quốc trở thành vấn đề.
Hướng thứ hai là phải ban hành một chính sách xã hội và thuế. Thiết lập quyền lao động sẽ cho phép tiến hành các cuộc thương lượng thực sự về tiền lương để đồng lương không còn tăng chậm hơn sản xuất. Có thể tạo ra nền móng cho bảo hộ xã hội do Nhà nước thực hiện bằng cách thực hiện thu phí đột xuất đối với các doanh nghiệp Nhà nước, thậm chí lập ra một quỹ sử dụng tiền lấy từ việc tư nhân hóa chính các doanh nghiệp này.
Nguy cơ thì nhiều, đặc biệt là nguy cơ phá sản đối với các doanh nghiệp hướng về xuất khẩu và chính phủ các địa phương hiện đang sống chủ yếu nhờ vay nợ và đầu cơ đất đai. Tái cho thuê các nguồn tài nguyên này sẽ cho phép Trung Quốc tạo ra các tác nhân nhằm vào thị trường quốc gia. Cuối cùng, Trung Quốc được khuyến cáo nên xóa bỏ hệ thống hiện nay, đồng thời phải chấm dứt được nạn tham nhũng đang làm hỏng một bộ phận lớn nhân viên các cơ quan chính trị và hành chính của mình.
Thách thức đối với Trung Quốc là rất lớn, nhưng nếu vẫn cứ để như hiện nay sẽ dẫn đến tình hình bùng nổ và điều đó chắc chắn sẽ lại càng kích thích những kẻ đầu cơ trên toàn thế giới lao vào tìm kiếm một trỏ cá cược kéo giá xuống như đã từng xảy ra năm 2008. Giới chuyên gia kinh tế và chính trị phương Tây cho rằng Trung Quốc nên áp dụng giải pháp thông thường là tái cân bằng nền kinh tế vì đầu tư bằng vốn cố định (phương tiện sản xuất và bất động sản) đã gần bằng ½ Tổng sản phẩm quốc nội, tức là mức quá lớn và không thể chịu nổi về dài hạn.
Tái cân bằng hệ thống có lợi cho bộ phận người chiếm đại đa số nhưng không được nói lên tiếng nói chính trị, có thể là một sự lựa chọn tuy là mạnh bạo đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc song lại tốt cho nước Trung Hoa. Và đó cũng có thể là điều tốt cho thế giới./.
0 comments:
Post a Comment