Thursday, November 10, 2011

Bức tranh vân cẩu

Barack Obama. Ảnh Google

Còn một năm nữa là đến ngày bầu cử toàn quốc tại Hoa Kỳ. Ngày 6/11/2012 người dân Mỹ sẽ đi bầu tổng thống, toàn thể Hạ nghị viện, 1/3 Thượng viện và 1/3 thống đốc các tiểu bang.

Nhưng không ai có thể đoán trước cái gì sẽ xẩy ra, ai thắng ai thua.

Hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đang đánh nhau chí chóe bất chấp nguyên tắc, bất chấp quyền lợi quốc gia. Cả hai đảng đều chọn lập trường quá khích, tả quá tả, hữu quá hữu. Và viễn ảnh tổng thống Obama, người đã đắc cử vẻ vang năm 2008 với sự ửng hộ nồng nhiệt của nhân dân Mỹ và toàn thế giới có thể thất cử làm cho bức tranh chính trị của Hoa Kỳ trở nên thêm phức tạp và khó hiểu.

Trong một bài nhận định về cuộc bầu cử tổng thốngHoa Kỳ, tờ tuần báo The Economist số ngày 5-11, 2011 đã vẽ một bức tranh “vân cẩu” sống động đầy đủ các nét của sinh hoạt chính trị Hoa Kỳ trong năm tới.

Sau đây là nội dung: (America’s missing middle)

“Ngày 6/11/2012 cử tri Mỹ sẽ quyết định tổng thống Obama có đáng được làm tổng thống một nhiệm kỳ nữa không. Vài tháng nữa, đảng Cộng Hòa bắt đầu bước vào tiến trình bầu cử sơ bộ chọn ứng cử viên tổng thống ra tranh với Obama.

Mitt Romney, cựu thống đốc bang Massachusetts đang vượt qua hai ông Rick Perry và Harman Cain. Rick Perry, nguyên thống đốc bang Texas và Herman Cain, một nhà tài phiệt trong ngành bán bánh Pizza. Nét nổi bật nhất là không có đảng nào chọn lập trường trung dung để phục vụ quyền lợi của người dân.

Bức tranh kinh tế và chính trị của Hoa Kỳ khá ảm đạm. 75% dân Mỹ cho rằng tình hình đất nước không khá: nợ nần chồng chất, thất nghiệp cao, và số người thất nghiệp dài hạn cao nhất kể từ năm 1948 đến nay. Tiếng tăm của Hoa Kỳ là quốc gia năng động và hiến nhiều cơ hội nhất trên thế giới đang lu mờ dần khi một siêu cường khác đang ló dạng ở Á châu.

Quốc gia nào cũng có lúc gặp khó khăn về kinh tế hay chính trị. Nên những vấn đề như giàu nghèo chênh lệch, tiền hưu bổng bị đe dọa, trường học xuống cấp tại Hoa Kỳ hiện nay không phải là chuyện nan giải. Nan gỉai là những nhà chính trị ở Washington không thỏa hiệp nhau để gỉải quyết mà chỉ đòi áp đặt giải pháp của đảng mình.

Đa số (80%) dân Mỹ không còn tin vào thiện chí của những người tự nguyện ra gánh vác việc nước. Họ có cảm tưởng rằng hệ thống chính trị và kinh tế Hoa Kỳ đang phục vụ quyền lợi cho một thiểu số thay vì phục vụ quyền lợi cho đa số.

Tình hình chính trị và tài chánh của Hoa Kỳ hôm nay không khác gì tình trạng đáng buồn của cộng đồng Âu châu. Trong năm 2011, sự kèn cựa giữa Cộng Hòa và Dân Chủ làm cho quốc hội chỉ thông qua được vài đạo luật ít quan trọng, trong khi các vấn đề quan trọng bị ngâm tôm . Dự luật “tạo công ăn việc làm” của tổng thống Obama vẫn còn nằm trong ngăn kéo Hạ nghị viện. Dự thảo ngân sách của Cộng Hòa bị ém tại Thượng viện do đảng Dân Chủ kiểm soát. Vào cuối năm 2011 này, luật giảm thuế hết hạn, nếu quốc hội không làm gì cả Hoa Kỳ có thể lại rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế khác.

Cung cách hành xử của Cộng Hòa và Dân Chủ đều không được dân chúng ưa thích. Trong 100 người Mỹ có 55 người chê tổng thống Obama, trong khi có 91 người chê quốc hội.

Dân Mỹ vốn có óc thực tế. Họ thấy rằng giải pháp giải quyết vấn nạn thâm thủng ngân sách và nợ nần hiện tại là giảm chi tiêu và tăng thuế. Nhưng quốc hội hiện nay lại do một số dân biểu, nghị sĩ cực hữu thuộc nhóm Tea Party cương quyết giữ lập trường không tăng thuế và bác bỏ mọi giải pháp dung hòa. (TBN: nhóm Tea Party đắc cử trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 11/2010 do một số tài phiệt bỏ tiền thao túng truyền thông tuyên truyền mị dân và có tính đe dọa rằng đảng Dân Chủ đang đưa Hoa Kỳ vào chế độ xã hội.)

Tại quốc hội nhóm cực hữu Cộng Hòa làm cho những người có tinh thần dung hòa không có chỗ đứng. Bởi lẽ muốn được đảng đề cử ra tranh cử tổng thống phải chọn thái độ cực hữu. Mới đây ông Romney, người đang dẫn đầu cuộc chạy đua sơ bộ nói ông sẽ chống lại bất cứ sự tăng thuế nào dù cứ mỗi đồng tăng thuế được bù lại bằng cắt giảm chi tiêu 10 đồng. Ông Cain nổi trội lên một lúc nhờ đòi giảm thuế cá nhân xuống 9%. Ngược lại ông Perry bị các dân biểu cực hữu chê bai chỉ trích khi tỏ ý ủng hộ chính sách tạo điều kiện học hành cho con cái những người định cư bất hợp pháp. Tại Thượng nghị viện, người có đầu óc trung dung như Thượng nghị sĩ Richard Lugar đang bị nhóm nghị sĩ thuộc “Tea Party” tấn công ráo riết. (A dangerous game of the Republicains).

Thoạt tiên tổng thống Obama tìm giải pháp dung hòa. Nhưng đáng tiếc ông đã không chấp nhận kế họach ngân sách dài hạn do ủy ban lưõng đảng Simpson-Bowles do ông bổ nhiệm đề nghị. Và trước thái độ quá khích của Hạ nghị viện trong cuộc tranh chấp ý kiến về việc tăng thêm mức nợ quốc gia bao nhiêu (trong tháng 8/2011), ông đã phản ứng bằng con đường cực tả, tuyên bố sẽ đánh thuế những nhà triệu phú và tỉ phú để nhém lỗ hổng ngân sách.

Tranh luận và khác biệt ý kiến là điều thường thấy tại quốc hội Hoa Kỳ. Nhưng trong mùa tranh cử này ai cũng cần tiền vận động nên không dân biểu nghị sĩ nào bỏ lập trường cứng rắn sợ mất tiền ủng hộ của giới tư bản và có thế lực (bên hữu cũng như bên tả). Tại các đơn vị đã được chia cắt gồm đa số tuyệt đối là cử tri cùng lập trường (gọi là gerrymandering) các ứng cử viên của đảng có ưu thế (Dân Chủ hay Cộng Hòa) sợ nhau trong vòng chạy đua để được sự đề cử của đảng hơn sợ đối thủ của đảng kia trong cuộc bầu cử chính thức nên không ai chọn thái độ nhân nhượng. Thêm nữa truyền thông trong mùa tranh cử cũng bị ảnh hưởng nặng nề của các nhà tư bản nên ngọn lửa quá khích được châm cháy thêm.

Kết quả, cuộc bầu cử năm 2012 quốc hội có thể sẽ rơi trọn vào tay những người Cộng Hòa cực bảo thủ với một ông tổng thống (nếu ông Obama tái đắc cử) bị đẩy quá xa về phía tả.

Ở một nước khác, bối cảnh chính trị này sẽ cho ra đời một đảng ở giữa (đảng thứ ba) đại diện cho khuynh hướng trung dung. Hãy tưởng tượng năm tới Hoa Kỳ có một ứng cử viên tổng thống công khai và thẳng thắn đề ra giải pháp chữa bệnh thâm thủng ngân sách và nợ nần bằng cách tăng thuế giới tư bản và giảm chi trên các chương trình An sinh Xã hội và Y Tế (Social Security, Medicare, Medicaid). Hay lạc quan hơn có một khối đứng giữa tại quốc hội ủng hộ lập trường của ứng cử viên đó. Khối này sẽ giúp cho ông tổng thống tương lai (có thể là Obama hay Romney) một chương trình làm việc hữu lý vào năm 2013.

Nhưng đó chỉ là ước mong, một ước mong không phù hợp với tình hình và định chế chính trị Hoa Kỳ. Hiến pháp Hoa Kỳ không giúp cho sự thành hình một đảng thứ ba. Kinh nghiệm quá khứ (hỏi ông Ross Perot) triển vọng một ứng cử viên tổng thống thứ ba tại Hoa Kỳ thật là mong manh. Lực lượng chính trị thứ ba phải được thành hình trên những gì có sẵn. Nhưng cái khung hiến pháp Hoa Kỳ không có gì sẵn cho việc ra đời một đảng thứ ba.

Một hy vọng mỏng manh trước mắt là “siêu ủy ban” thành lập sau cuộc tranh cãi nâng mức nợ quốc gia (Siêu Ủy Ban – TBM) đề ra được một giải pháp cắt giảm ngân sách bằng cách cân bằng quan điểm chung là giảm chi tiêu và tăng thuế. Nhưng hy vọng này cũng rất mong manh.

Vậy, kết quả cuộc bầu cử tháng 11/2012 sẽ ra sao?

Người nào nắm được thành phần cử tri ở giữa mới có thể đắc cử tổng thống. Nếu vậy thật khó cho ông Romney và đảng Cộng Hòa của ông. Chọn lập trường trung dung thì không được đảng đề cử. Chọn lập trường cực hữu thì không được thành phần cử tri trung dung bầu.

Nhưng ông Obama cũng không dễ ăn. Cử tri đặt câu hỏi: Tại sao phải bầu lại cho một vị tổng thống đã không đoàn kết được quốc gia, và đã không chấn hưng được kinh tế. (TBN: Chưa nói đến một loạt câu hỏi cấn cái khác).

Đó là vấn nạn của Hoa Kỳ hôm nay. Nhưng ít nhất nó cho ông Obama thấy con đường tái đắc cử của ông chỉ có thể là con đường trung dung để chinh phục thành phần cử tri thầm lặng, thành phần đã nồng nhiệt ủng hộ ông năm 2008.

Nov. 11, 2011

© Trần Bình Nam (binhnam@sbcglobal.net)

0 comments:

Powered By Blogger