Sunday, October 16, 2011

Tiếng thét uất nghẹn của 99% người Mỹ


Nguyễn Đạt Thịnh

Phong trào OCCUPY WALL STREET - TIẾN CHIẾM PHỐ HÀNG TƯỜNG (TCPHTƯỜNG) đã có trang mạng OccupyTogether.org, dù không chính thức, nhưng cũng loan đầy đủ tin tức cuộc nổi dậy của những người tự xưng là khối 99% người Mỹ, khối người nghèo, để chống lại nhóm 1% giàu có vì tham lạm, vơ vét mọi nguồn lợi. OccupyTogether.org loan báo Phong Trào nhận được sự yểm trợ đến từ trên 900 thành phố Hoa Kỳ. Hôm thứ Tư 5 tháng 10, nhiều nghiệp đoàn công nhân hưởng ứng phong trào và tổ chức tuần hành tại khu kinh tài của Nữu Ước vào giờ đông xe.

Chủ tịch American Federation of Teachers, ông Randi Weingarten, nói với phóng viên CBS News: "Căn bản điệp văn người biểu tình muốn gửi đi là: họ không chấp nhận cái xã hội hiện tại, trong đó thành phần 1% nắm toàn bộ mọi nguồn lợi tức". Cũng hôm thứ Tư 5 tháng 10, khoảng 5,000 người tuần hành tại công trường Foley, Nữu Ước, va chạm với cảnh sát; 23 người bị bắt.
Phần lớn số 1% người Mỹ triệu phú, tỉ phú và dàn chính khách hộ vệ họ, chê trách phong trào TCPHTƯỜNG là vừa ngông, vừa ngọng. Ngông vì thân phận cỏ rác mà đòi đánh chiếm khu cao ốc quyền lực nhất Hoa Kỳ, và ngọng vì không có khả năng nói rõ lên được mục đích của phong trào.
Họ bảo nhau, "chả hiểu chúng nó muốn gì" hoặc "chúng nó không trình bày cụ thể được điều chúng nó muốn". Nhiều cơ quan truyền thông còn cho phong trào này là trẻ con, không đáng quan tâm vì tiến chiếm hay đòi sửa đổi sinh hoạt của Wall Street, là tiến chiếm và sửa đổi chế độ tư bản, chế độ tạo ra nước Mỹ hùng mạnh hiện nay. Ấy là chưa nói đến tính chất "đảo chính" của phong trào; mà đảo chính lại là điều cấm kỵ trong một quốc gia dân chủ. Họ phủ nhận tiếng thét uất nghẹn của 99% người Mỹ nghèo, đang trở thành mỗi ngày một nghèo hơn.

Đài phát thanh National Public Radio không thèm đề cập đến phong trào TCPHTƯỜNG trong suốt 9 ngày đầu tiên phong trào này phát động tại Zuccotti Park; ứng cử viên tổng thống Mitt Romney dán nhãn "đấu tranh giai cấp" cho cuộc xuống đường. Ông nói: "Tôi thấy việc họ làm rất nguy hiểm; rõ ràng là cuộc đấu tranh người nghèo chống người giàu, người Mỹ chống người Mỹ".
Một ứng cử viên khác, ông Herman Cain, nói: "Tại sao lại trách Phố Hàng Tường? Tại sao lại oán những ngân hàng lớn? Nếu anh nghèo, nếu anh thất nghiệp, hãy tự trách mình trước".
Dân biểu Eric Cantor, trưởng khối đa số Cộng Hòa Hạ Viện, nói: "Càng ngày tôi càng thấy hiện tượng bọn mob chiếm Phố Hàng Tường, và chiếm nhiều thị xã khác trên toàn quốc là đáng lo ngại". Chữ mob có nghĩa là băng đảng, là Mafia.

Trong lúc các chính khách vệ sĩ của giới cự phú chê trách, thì thái độ của quần chúng ủng hộ phong trào TCPHTƯỜNG mỗi ngày một rõ rệt hơn: hôm 5 tháng 10 Hiệp Hội Y Tá toàn quốc tổ chức diễn hành tại Foley Square với bích chương AMERICA'S NURSES SUPPORT OCCUPY WALL STREET (Y tá Hoa Kỳ ủng hộ phong trào TCPHTƯƠNG).



Hai nghiệp đoàn Transport Workers Union of America Local 100, và New York Metro 32BJ Service Employees International Union cũng tuyên bố sát cánh với phong trào TCPHTƯỜNG.
Hôm 3 tháng 10, Hiệp Hội tài xế xe bus kiện sở cảnh sát Nữu Ước đã bắt xe bus chở người biểu tình ra khỏi cầu Brooklyn. Chủ tịch Hiệp Hội này, ông John Samuelsen, nói với truyền thông: "Chúng tôi đồng quan điểm với những người biểu tình, đồng ý là những người giàu không đóng góp đúng mức cho xã hội. Chúng tôi không chấp nhận lệnh chuyên chở người biểu tình".
Ngày 5 tháng 10, đại diện 14 nghiệp đoàn lớn nhất Hoa Kỳ thảo luận với nhóm TCPHTƯỜNG việc tổ chức một cuộc tuần hành chung.

Tờ tạp chí Mother Jones viết: "Một cuộc tuần hành lớn như vậy sẽ làm quần chúng thấy rõ hơn việc nhóm cự phú mua chính trường Hoa Thịnh Đốn". Nhưng nhóm TCPHTƯỜNG vẫn ngần ngại; họ không muốn đồng hóa cuộc tranh đấu của họ với cuộc tranh đấu giữa công nhân với chủ nhân của các nghiệp đoàn.

Nhiều học giả, tác giả cũng nhập cuộc; giáo sư Cornel West phản bác việc các chính khách chê trách phong trào TCPHTƯỜNG là không nêu được ra những đòi hỏi rõ rệt. Ông nói tệ trạng nhà giàu lạm dụng lan rộng và ăn sâu đến mức "không ai giải quyết được nạn tham lạm của Phố Hàng Tường bằng một hay hai đòi hỏi. Chúng ta cần nêu ý thức Dân Chủ".
Hôm 6 tháng 10, nữ tác giả người Canada, cô Naomi Klein, đến công viên Zuccotti nói chuyện với người biểu tình. Cô tuyên bố: "Thời điểm này là lúc phải yểm trợ cuộc vận động chống lại sức mạnh của đồng tiền, yểm trợ để cuộc vận động này trở thành một sức mạnh lớn. Chê trách những thiếu sót chi tiết của tổ chức TCPHTƯỜNG là thái độ trưởng giả lạc lõng, không thể chấp nhận được"


Nhà làm phim Michael Moore nói những nhà tài phiệt Phố Hàng Tường "đang biến đổi chế độ democracy của Hoa Kỳ thành thể chế kleptocracy". Chữ kleptocracy có nghĩa là "luật kẻ cắp", thường dùng để chỉ những chính phủ tham nhũng như chính phủ Hà Nội.
Nhạc sĩ Lupe Fiasco tặng người biểu tình nhiều lều vải, một hệ thống âm thanh lưu động, và một bài thơ. Diễn viên điện ảnh Susan Sarandon nói với người biểu tình: "Tôi đến công viên Zuccotty để học hỏi, và để ý thức được mức cách biệt quá đáng giữa người giàu và người nghèo".


Nhiều danh nhân khác cũng đến gặp người biểu tình để bày tỏ sự ủng hộ của họ; trong số những người này có Russell Simmons, Margaret Atwood, Noam Chomsky, Chris Hedges, Alec Baldwin, George Soros, Joseph Stiglitz , Jeff Madrick...

Cựu nghị sĩ Russ Feingold nhận định: "Phong trào TCPHTƯỜNG cũng giống như phong trào ĐẢNG TRÀ, khác biệt duy nhất là TCPHTƯỜNG có thực chất, do đó phong trào này đang biến ĐẢNG TRÀ Tea Party thành tiệc trà tea party".

Giờ này không ai còn có thái độ làm ngơ, coi phong trào TCPHTƯỜNG như không đáng quan tâm nữa. Giáo sư kinh tế Paul Krugman viết: "Người biểu tình lên án Phố Hàng Tường phá hoại nền kinh tế và chính trị Hoa Kỳ, bản án này hoàn toàn đúng". Là một chuyên gia kinh tế nổi danh, Krugman dạy tại Princeton University, và London School of Economics; ông đoạt giải Nobel về kinh tế năm 2008.



Krugman ví tình trạng kinh tế suy đồi của Hoa Kỳ với một vở thảm kịch 3 màn. Màn thứ nhất: lợi dụng tình trạng thiếu kiểm soát, ngân hàng cho vay bừa bãi với thủ đoạn lãi suất thả nổi, tạo ra cảnh phồn thịnh bong bóng, thủ lợi trên hàng trăm triệu gia chủ cần vay tiền mua nhà. Giai đoạn thứ nhì: bong bóng vỡ, các gia chủ không trả nổi lãi suất quá cao, sau một vài năm đầu được hưởng lãi suất thật thấp. Ngân hàng rơi vào cảnh khủng hoảng, nhiều ngân hàng lớn khánh tận, hoặc trên tiến trình dẹp tiệm. Được chính phủ cấp cứu bằng tiền thuế của người nghèo, ngân hàng phục hồi, trong lúc dân nghèo vẫn tiếp tục gánh chịu hậu quả tội nuốt bạc của viên chức cao cấp ngân hàng.
Vở thảm kịch 3 màn đó đưa đến phong trào TCPHTƯỜNG; giữa công viên Zuccotti một thanh niên trẻ măng, đọc lớn bản tuyên ngôn đau đớn: "Chúng tôi là thành phần 99%, thành phần bị đuổi ra khỏi những căn nhà chúng tôi đang ở, thành phần có lợi tức nhỏ đến mức dùng lợi tức đi mướn nhà thì không có tiền ăn, mà dùng lợi tức mua thực phẩm, lại không có tiền mướn chỗ ở. Quyền của chúng tôi được chăm sóc y tế, cũng như quyền của chúng tôi được hít thở không khí trong lành đều bị bác bỏ. Một số anh, chị em chúng tôi chưa thất nghiệp thì cũng phải làm dài giờ, làm công nhân mà không có quyền công nhân. Chúng tôi không được hưởng gì cả; mọi quyền lợi đều dành cho khối 1%. Chúng tôi là 99% người Mỹ còn lại".



Một nhà bình luận viết: "Các anh không hề là 99% người Mỹ, mà chỉ là một phần nhỏ của khối người này, các anh phải kéo về Zuccotti Park 100 lần đông hơn nữa. Nhà độc tài Hosni Mubarak đã không bị hạ bệ nếu số người biểu tình tại Tahrir Park chỉ có vài ngàn như các anh".
Nhìn vào bức ảnh trên, chúng ta thấy không một khuôn mặt nào trên 50 tuổi; tuổi trung bình của họ là 30; họ không gợi chúng ta nhớ đến những cuộc biểu tình quốc doanh để họp tòa án nhân dân xử người Việt Nam yêu nước.Người da trắng, người da đen, mọi người đều bình tĩnh trong quyết định lạnh lùng "tiến chiếm Phố Hàng Tường".
Hàng ngàn cảnh sát kéo đến bao vây công trường Zuccotti; một tờ báo đặt nghi vấn hỏi xem nỗ lực của cảnh sát có liên hệ gì tới số tiền $4.6 triệu Mỹ kim tổ chức đầu tư và ngân hàng JPMorgan Chase Bank vừa tặng quỹ xã hội sở cảnh sát Nữu Ước hay không. Cảnh sát hành sự mặc đồng phục màu xanh đậm, cấp chỉ huy của họ mặc quần xanh áo trắng.

Caption:
1. Cảnh sát hành sự mặc đồng phục màu xanh đậm, cấp chỉ huy của họ mặc quần xanh, áo trắng.
2. Cảnh sát, kể cả cấp chỉ huy đè bắt những người biểu tình vượt cầu Brooklyn.
3. Người bị bắt bình tĩnh hơn cảnh sát

Nhưng số cảnh sát đông bất thường vẫn không làm người biểu tình khiếp sợ; rất rành pháp luật, họ biết cho đến lúc nào họ còn bất bạo động, cảnh sát vẫn không làm gì được họ; họ khiêu khích để cảnh sát "làm gì họ". Một thiếu nữ rủ vài người khác ra khỏi công viên đi bộ qua cầu Brooklyn, một hành động khiêu khích mà cảnh sát không thể để họ làm vì sẽ tạo rối loạn giao thông, dù không xảy ra tai nạn. Dùng loa phóng thanh cảnh sát bảo toán nhỏ đang vi phạm luật biểu tình là họ không được đi trên đường giao thông. Toán nhỏ này trở thành vài chục lần lớn hơn, rồi hàng ngàn người tràn xuống đường, đi bộ qua cây cầu dài 85 phít (26 thước).
Không thể không bắt những người cố tình đi bộ trên cầu để khiêu khích, cảnh sát đem bus đến "xúc" 700 người biểu tình đem đi.
Ngay ngày hôm sau nhiều người bị bắt kiện cảnh sát sử dụng bạo lực quá đáng đối với họ. Rồi hai cựu quân nhân Thủy Quân Lục Chiến đến gia nhập hàng ngũ người biểu tình với khẩu hiệu: "Đây là lần thứ nhì tôi vì tổ quốc mà chiến đấu, nhưng lại là lần thứ nhất, tôi biết kẻ thù của tôi là ai", ẩn ý nói kẻ thù của họ là nhóm tài phiệt Phố Hàng Tường.



Cuộc biểu tình "tiến chiếm Phố Hàng Tường" không chỉ vượt ra ngoài khả năng giải quyết của cảnh sát Nữu Ước, mà thị trưởng Nữu Ước cũng không làm gì được nữa.

Cảnh đói khổ tạo ra cuộc "tiến chiếm Phố Hàng Tường", mà nguyên nhân của nạn đói khổ, nạn thất nghiệp, nạn bị kéo nhà của người Mỹ lại là lòng tham lạm vô độ của những doanh nhân Mỹ.
Cuộc biểu tình đưa nước Mỹ vào chỗ bế tắc, vì các nhà trọc phú Mỹ không chỉ ngồi trên đống vàng, mà họ còn ngồi trên pháp luật nữa. Hạ Viện Mỹ đã đắc lực bảo vệ tài sản của họ, không cho tăng thuế đánh vào nhà giàu, ngay cả khi quỹ cứu trợ thiên tai cần tiền, chính phủ vẫn phải tìm cắt trên những ngân sách giúp đỡ người nghèo, chứ không được đụng vào két sắt của nhà giàu.
Nếu chính thái độ "bắt chính phủ cắt giảm mọi thứ để không tăng thuế nhà giàu" của Hạ Viện đã tạo ra cuộc biểu tình "tiến chiếm Phố Hàng Tường", thì thành phần bị đánh "chẳng chột, cũng què" sẽ là những nghị sĩ, dân biểu. Đòn hẹn là tháng 11 sang năm.

Nguyễn Đạt Thịnh

0 comments:

Powered By Blogger