Saturday, June 4, 2011

Obama bị Hạ viện Mỹ khiển trách vì chiến dịch Lybia


Tổng thống Obama.

Hạ viện Mỹ ngày hôm qua (3/6) đã thông qua quyết định khiển trách chính quyền của Tổng thống Barack Obama về việc đã phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya mà không được sự phê chuẩn của Quốc hội.

Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua quyết định khiển trách do Chủ tịch Hạ viện John Boehner đề xướng với số phiếu ủng hộ lên tới 268 phiếu và 145 phiếu chống. Theo quyết định này, chính quyền của Tổng thống Obama đã bị khiển trách vì không tuân thủ nghiêm túc Dự luật Quyền lực Chiến tranh. Luật này đòi hỏi chính quyền nếu muốn thực hiện một hành động quân sự nào đều phải được sự cho phép của Quốc hội trong vòng 60 ngày. Thời hạn này đã trôi qua từ tháng trước. Hạ viện Mỹ hiện tại đang thuộc quyền kiểm soát của Đảng Cộng hòa đối lập.

Những người chống lại việc Mỹ can thiệp vào Libya cho rằng, Tổng thống Obama đã vượt qua quyền hạn cho phép khi đưa Mỹ tham gia vào cuộc chiến ở đất nước Bắc Phi mà không được sự cho phép của Quốc hội.

Phản ứng trước động thái trên của Hạ viện Mỹ, Nhà Trắng đã lên tiếng bảo vệ cách xử lý của chính quyền trong chiến dịch quân sự ở Libya, nói rằng quyết định khiển trách Tổng thống Obama là việc làm “không cần thiết và chẳng có nghĩa lý gì".

"Quan điểm của chính quyền là chúng tôi đã hành động đúng theo Dự luật Quyền lực Chiến tranh bởi vì chúng tôi đã thường xuyên tiến hành các cuộc tham vấn với Quốc hội. Điều đó đã được thực hiện trong suốt cả quá trình," phát ngôn viên Nhà Trắng – ông Josh Earnest cho biết khi lên chiếc Air Force one để đến Toledo, Ohio.

Trước đó, hôm 2/6, Nhà Trắng đã có một cuộc khẩu chiến với Quốc hội về sự tham gia của Mỹ ở Libya khi Hạ viện tìm kiếm một nghị quyết đòi chính quyền của Tổng thống Obama phải làm rõ về sứ mệnh của Mỹ ở Libya.

Theo ông Jay Carney, thư ký báo chí Nhà Trắng, sứ mệnh của Mỹ ở Libya không có điều gì cần phải làm rõ vì Nhà Trắng đã thường xuyên tham vấn Quốc hội trong mỗi một bước đi mà họ định tiến hành ở Libya.

Chính quyền của Tổng thống Obama “tin rằng chính sách của Mỹ ở Libya đang có hiệu quả và mục tiêu của Tổng thống ở đây được đa số thành viên Quốc hội hiểu và nắm rõ”, ông Carney cho biết.

Đằng sau việc Obama bị khiển trách

Bất chấp những lời giải thích của thư ký báo chí Carney, Chủ tịch Hạ viện Boehner, một thành viên của Đảng Cộng hòa, vẫn lên tiếng chỉ trích Nhà Trắng về sự thiếu rõ ràng, minh bạch trong chiến dịch can thiệp quân sự cùa Mỹ ở Libya.

Ông này nói: "Những hoài nghi mà các thành viên Hạ viện đặt ra thực chất là phản ánh từ những gì họ nghe thấy được từ các cử tri Mỹ. Mọi người có phần lo ngại về số lượng tiền mà chúng ta sử dụng ở Iraq, Afghanistan và giờ là ở Libya. Kết quả là họ đang tự hỏi có cái gì quan trọng với lợi ích an ninh Mỹ ở đó. Tổng thống thực sự cần phải giúp người dân Mỹ hiểu rõ tại sao những sứ mệnh đó quan trọng với lợi ích an ninh nước Mỹ".

Chủ tịch Hạ viện Mỹ kêu gọi Tổng thống Obama “nói rõ về sứ mệnh của chúng ta ở Afghanistan, Iraq và Libya."

Đáp lại, Lầu Năm Góc cảnh báo, bất kỳ động thái nào làm phương hại đến niềm tin của các đồng minh NATO với Mỹ đều sẽ “để lại những hậu quả nguy hiểm to lớn và lâu dài".

Việc Hạ viện Mỹ thông qua quyết định khiển trách Tổng thống Obama thực chất chỉ mang tính biểu tượng vì nó không thể vượt qua được Thượng viện – nơi các đồng minh Dân chủ của ông Obama đang nắm đa số.

Tuy nhiên, rõ ràng, việc Hạ viện Mỹ khiển trách Tổng thống Obama về vấn đề Libya là một dấu hiệu cảnh báo đối với Nhà Trắng. Nó cho thấy Quốc hội hoàn toàn không thích thú gì với việc Mỹ dính líu vào cuộc chiến ở Libya trong khi đang mắc kẹt trong hai vũng lầy ở Iraq và Afghanistan.

Việc Tổng thống Obama phải đối mặt với làn sóng chống đối việc Mỹ can thiệp vào Libya thực ra là rất dễ hiểu. Nhiều người Mỹ đang lo ngại về chi phí mà nước này sẽ phải bỏ ra cho chiến dịch quân sự chống lực lượng trung thành với Tổng thống Muammar Gaddafi. Rõ ràng, Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính với những khoản nợ khổng lồ và thâm hụt ngân sách nghiêm trọng. Trong lúc này, Mỹ còn chưa làm thế nào rút chân ra được khỏi hai cuộc chiến tốn kém ở Iraq và Afghanistan. Vì vậy, nếu Mỹ sa thêm vào một cuộc chiến tranh nữa thì đó sẽ là một viễn cảnh tồi tệ với cường quốc số một thế giới.

0 comments:

Powered By Blogger