Ðó là những châm ngôn rất đáng theo. Nhưng đối với các dân tộc thì sao? Một quốc gia có thể coi “mọi người như bạn” đối với một nước khác hay không?
Trong việc bang giao, có một quy tắc đã được nhắc tới nhiều lần: Một quốc gia không có kẻ thù và cũng không có bạn; giao thiệp với các nước khác chỉ cần biết đến quyền lợi của mình mà thôi. Các quyền lợi được chia sẻ theo những bản hiệp ước, sòng phẳng giống như các hợp đồng thương mại. Người kinh doanh thương thuyết với nhau về quyền lợi, không cần phải yêu nhau người ta mới ký các hợp đồng; những ai làm trái hợp đồng sẽ bị trừng phạt. Việc bang giao nên làm như theo lối đó.
Trong lịch sử nước ta, nước láng giềng lớn nhất là Trung Quốc. Nước Việt Nam thường coi Trung Hoa là bạn hay là kẻ thù? Hầu như Tổ tiên chúng ta không bao giờ chọn Trung Quốc làm bạn vàng; cũng không ai gọi họ là kẻ thù vĩnh viễn. Lúc nào người Việt Nam cũng sẵn sàng cư xử với họ, như bạn hoặc như thù, tùy theo hoàn cảnh. Bạn: Giống như các dân tộc Á Ðông khác, người Việt qua bao đời vẫn học hỏi phương pháp trị quốc, tổ chức giáo dục, và văn hóa Trung Hoa. Thù: người Việt không bao giờ quên đề phòng quân phương Bắc xâm lăng.
Mỗi lần đánh đuổi quân xâm lăng từ phương Bắc xong, các người lãnh đạo nước Việt Nam đều xin “giảng hòa,” vì biết chiến tranh sẽ chỉ làm chết dân. Không bao giờ người dân được nghe chính quyền gọi cả nước Trung Hoa là kẻ thù của nước mình. Lý Thường Kiệt khi mang quân sang đánh chiếm các vùng trên biên giới cũng không tuyên bố đi đánh một quốc gia láng giềng để “cho nó một bài học,” mà lại nêu chính nghĩa là đem quân giúp người dân phương Bắc hạch tội một chính quyền đang làm hại cho dân chúng của họ. Bản Bình Ngô Ðại Cáo nêu danh quân địch là “Cuồng Minh tứ ngược,” dùng tên hiệu nhà Minh, một chính quyền đang cai trị, chứ không gọi chung họ là “quân Hán.” Vua Trần Nhân Tông sau khi thắng trận đã khiêm tốn tự xưng là “vi thần” khi “dâng sớ” gửi tới vua nhà Nguyên. Lê Thái Tổ không những đã “xin hòa” theo lối xưa mà còn xin bồi thường thiệt hại nữa. Quang Trung thắng trận rồi, chịu thần phục và đưa một người giả làm mình đi sang chào kính. Vua nhà Trần đã cấp thuyền bè, lương thực cho tàn quân nhà Nguyên về nước. Lê Thái Tổ cũng vậy đối với quân Minh. Chỉ có một thời chính quyền Việt Nam nhất thiết coi Trung Quốc là “nước bạn” để dựa dẫm, là vào nửa cuối thế kỷ 19, khi nhà Nguyễn cố bám lấy “thiên triều” cầu mong họ giúp chống lại quân Pháp, rồi không thành. Và một lần nữa, từ giữa thế kỷ 20, khi chính quyền miền Bắc Việt Nam muốn nhân dân phải coi Trung Quốc là nước bạn quý, là đàn anh vĩ đại của nước mình; rồi sau đó có lúc lại coi họ là kẻ thù tuyệt đối, để mươi năm sau thì đổi ngược lại. Những sai lầm vì dốt nát hay vì nông nổi của một nhóm người lãnh đạo đều dẫn đến những hậu quả tai hại, các thế hệ sau còn phải chịu đựng.
Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, trong lúc người dân miền Bắc đang phải hát bài ca ngợi Tình Bạn: “Việt Nam Trung Hoa núi liền núi sông liền sông.” Trung Quốc lại đánh chiếm thêm một số đảo ở Hoàng Sa năm 1988 trong lúc dân Việt được nghe chính quyền gọi họ là Kẻ Thù truyền kiếp! Các chính sách coi Trung Quốc là bạn hay là thù, đều đưa người Việt Nam đến chỗ bị thiệt thòi. Những cuộc thảo luận và điều đình về biên giới và hải phận đầu thập niên 1990 càng khiến cho người dân Việt thêm căm giận khi thấy nước mình bị lấn áp để mất mát nhiều quá. Những xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc đang biểu hiện rõ ràng sau những vụ tầu Trung Quốc cắt dây cáp của tầu thăm dò đáy biển của Việt Nam trong tháng 5 và tháng 6 năm 2011 khiến chúng ta nên suy ngẫm thêm một lần nữa để áp dụng một quy tắc trong mối bang giao với Trung Quốc: Không nên coi một quốc gia nào là kẻ thù hay là bạn! Thước đo duy nhất trong việc ngoại giao là quyền lợi quốc gia. Tại sao cứ phải nhắc lại quy tắc trên? Vì nó có hiệu quả, nghĩa là nó mang lại lợi ích thiết thực nhất khi biết áp dụng. Các quốc gia tồn tại được lâu đời lúc nào cũng cư xử theo quy tắc này.
Dân Mỹ đã đánh đuổi quân Anh để giành độc lập vào cuối thế kỷ 18; đến thời Nội Chiến Mỹ chính quyền Anh vẫn còn muốn can thiệp. Nhưng trong thế kỷ 20, ít có nước đồng minh nào gắn bó với nhau như Anh và Mỹ. Tuy vậy, các chính phủ này họ không hành động theo “tình bạn” mà chỉ theo quyền lợi quốc gia. Năm 1956, liên quân Anh Pháp tấn công Ai Cập, đến khi bị Mỹ đề nghị triệu tập đại hội đồng Liên Hiệp Quốc làm nghị quyết phản đối, và dùng cả IMF làm áp lực, Anh Pháp phải rút lui nhục nhã. Ngay trong Ðại Chiến Thứ Hai, hai nước chắc chắn là bạn nhưng quyền lợi vẫn khác nhau. Tháng 8 năm 1941, sau hai năm tìm cách thúc đẩy chính quyền Mỹ tuyên chiến với Ðức, Ý và Nhật mà không được, Thủ Tướng Anh Winston Churchill bí mật gặp Tổng Thống Mỹ Franklin Roosevelt ở ngoài khơi Canada trong Ðại Tây Dương. Hai người bắt đầu trở thành đôi bạn tâm đắc, họ đồng ý với nhau là phải ngăn cản những bước tiến của quân Ðức ở Nga và quân Nhật ở Á Châu. Nhưng khi trở về nói chuyện với dân Mỹ, các nhà báo hỏi, “Nước Mỹ có sắp tham chiến hay không?” Roosevelt trả lời: “Tôi nghĩ là không.” Churchill thấy bị ông bạn quý bỏ rơi!
Ðầu tháng 12 năm đó, Churchill gặp Ðại Sứ Mỹ John G. Winant ở London, hỏi: Ông có nghĩ là Nhật sẽ gây chiến hay không? Thưa thủ tướng, có! Churchill quả quyết: Nếu Nhật Bản tuyên chuyến với nước Mỹ, chúng tôi sẽ tuyên chiến với họ ngay lập tức, ông biết không? Dạ tôi biết, thủ tướng đã nói điều đó nhiều lần. Churchill: Nếu Nhật Bản tuyên chiến với nước Anh, thì chính phủ Mỹ có tuyên chiến với họ hay không? (Lúc đó Churchill đang lo Nhật, sau khi vào Việt Nam, sắp tấn công các thuộc địa Anh ở Hồng Kông, Singapore, Miến Ðiện, Mã Lai). Ðại sứ Mỹ đáp: Thưa thủ tướng tôi không thể trả lời được. Vì theo Hiến Pháp chỉ Quốc Hội Mỹ mới có quyền tuyên chiến!
Nỗi thắc mắc của Churchill sau được giải quyết, nhờ Nhật Bản. Ngày 7 tháng 12 năm 41, Nhật tấn công Pearl Habor, Quốc Hội Mỹ biểu quyết tham dự vào cuộc Ðại Chiến Thứ Hai – vì quyền lợi của nước họ, tuy nhiên vẫn có một phiếu chống!
Nhưng trong thời gian sau đó, chính phủ Mỹ luôn luôn tỏ ý muốn ngăn cản không cho nước Anh trở về thống trị các thuộc địa cũ. Họ tìm cách hạ thấp vai trò của Anh tại Thái Bình Dương. Bộ chỉ huy quân Mỹ ở không cho Hải quân Hoàng gia Anh tham dự các trận đánh Phi Luật Tân hay Okinawa, mặc dù Tướng Mountbatten ngỏ ý muốn giúp. Khi quân Nhật đảo chính Pháp ở Ðông Dương, Anh Quốc yêu cầu quân Mỹ giúp vũ khí cho mấy ngàn quân Pháp đang chạy qua trú ở Trung Quốc để họ quay về đánh Nhật. Bởi vì nếu để một xứ Việt Nam trở về tay chính quyền do người Việt Nam cầm đầu (chính phủ Trần Trọng Kim), thì sẽ có hại cho nền cai trị của Anh ở Miến Ðiện, Mã Lai sau này. Nhưng quân đội Mỹ, đang có mặt bên cạnh Tưởng Giới Thạch, đã từ chối không giúp tàn quân Pháp; ngược lại họ còn giúp các người Việt chống Pháp. Cố vấn chính trị của Tướng Mountbatten than rằng chính quyền Mỹ coi nước Anh như “tiểu bang thứ 49” của họ! Tại Paris, Tướng De Gaule than phiền với Ðại Sứ Mỹ Jefferson Caffery, “Tôi không hiểu các ông muốn cái gì! Các ông có muốn nước Pháp sẽ thành một nước trong Liên Bang Xô Viết hay không?” Ngày 19 tháng 3, hơn hai tuần sau cuộc đảo chính Nhật, Churchill đánh điện kêu gọi chính phủ Mỹ hãy giúp vũ khí cho tàn quân Pháp. Ngoại trưởng Mỹ chuyển qua cho Tướng Wedemeyer ở Trùng Khánh, nhưng quân Mỹ bất động, chỉ lo gửi hai máy bay qua Việt Nam cứu các điệp viên OSS của họ. Sau khi Nhật đầu hàng, quân Anh được phép vào miền Nam Việt Nam, nhưng khi họ để cho quân Pháp trở lại Sài Gòn thì đại diện quân đội Mỹ rút ra khỏi Ủy Ban Kiểm Soát, không tham dự vào đạo quân đồng minh ở đó nữa.
Hai nước Anh và Mỹ từ đầu đến cuối Ðại Chiến Thứ Hai vẫn là đồng minh, nhưng mỗi nước vẫn chỉ lo cho quyền lợi của chính mình. Mà không phải chỉ có hai nước đó. Nga và Ðức đã ký hiệp ước không đánh nhau trước khi Ðức tấn công Pháp (Bạn). Nhưng sau đó, Ðức đã đánh sang Nga (Thù). Nhật Bản và Nga đã kết bạn, ký thỏa ước bất tương xâm năm 1941, nhưng sau khi bom nguyên tử Mỹ đã thả xuống nước Nhật, Nga tuyên chiến và tiến quân vào Mãn Châu. Nếu không có Mỹ ngăn cản thì Nga đã tiến chiếm lấy đảo Hokkaido ở phía Bắc nước Nhật.
Trong việc ngoại giao, các quốc gia không thể coi một nước khác hoàn toàn là bạn, hay là kẻ thù. Chính quyền mỗi nước phải theo quy tắc đó, không nên bắt dân chúng tụng đọc mỗi ngày những bài tuyên truyền ca ngợi các nước bạn vĩ đại, hoặc phỉ nhổ nước khác là kẻ thù man rợ! Khi cả nước tỉnh táo, người ta không cần yêu quá mà cũng không ghét quá, thì lòng người không thù hận mà cũng sợ hãi.
Trong các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tháng 6 năm 2011 có một điều đáng mừng là người Việt Nam đi biểu tình ở khắp nơi chỉ hô hào chống lại những hành động sai trái cụ thể của chính phủ Bắc Kinh mà không bày tỏ lòng thù hận với người dân Trung Hoa ở lục địa. Thế giới sẽ nhìn vào thái độ đó mà kính trọng người Việt Nam, nước Việt Nam. Nhờ thế, chúng ta mới có thể kêu gọi các nước khác giúp nước ta tránh khỏi bị nước láng giềng tiếp tục lấn áp.
Các cuộc chiến thường xẩy ra giữa các nước khi chính quyền của một nước muốn gây chiến mà người dân không được quyền quyết định cũng như không biết những tai hại của chiến tranh. Các chính quyền độc tài thường sử dụng một khí cụ để gây chiến, là kích thích lòng ái quốc, thúc đẩy thù hận bằng lối tuyên truyền một chiều. Cuối cùng thì sau mỗi cuộc chiến tranh, người dân luôn luôn bị thiệt hại. Nếu được tự do chọn lựa, dân chúng các nước đều không muốn chiến tranh. Chỉ có thể giảm bớt chiến tranh khi người dân các quốc gia đều được thông tin đầy đủ. Khi nào hai quốc gia đều theo chế độ tự do dân chủ thì chính quyền khó nói dối người dân để đưa họ vào vòng chinh chiến.
Chỉ khi nào hai nước Việt Nam và Trung Hoa đều sống trong thể chế tự do dân chủ thì chúng ta mới hy vọng giảm bớt được những xung đột trên mặt biển hiện nay. Trong khi chờ đợi, người Việt Nam cứ phải luôn luôn bày tỏ thái độ kịch liệt phản đối những hành động lấn áp, có lúc tàn bạo, của chính quyền Trung Quốc, để chứng tỏ dân Việt Nam không chịu khuất phục.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn: Việt Thức
0 comments:
Post a Comment