Sunday, April 17, 2011

Đô la chợ đen ở Hà nội

KamiTôi nói chuyện này với anh bạn vốn là chuyên gia – Tiến sĩ Kinh tế tốt nghiệp tại Harvard đang công tác tại Ngân hàng Trung ương, khi hỏi anh ta giải pháp nào là hữu hiệu nhất trong việc giải quyết vấn đề lạm phát ở Việt nam? Anh ta cười và trả lời ngắn gọn “Người đứng đầu phải có học”…

*

Hôm nay đọc tin tức trên mạng, thấy trên trang VnExpress đưa tin “Thu 100.000 USD trong vụ buôn ngoại tệ trái phép “, bài báo cho biết “Ngày 14/4, tại một cửa hàng kinh doanh vàng bạc ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), công an Hà Nội bắt quả tang vụ mua bán trái phép 100.000 USD cùng hơn 8.000 Euro“. Tin này thực ra chẳng có gì mới với tầng lớp những người có chút của ăn của để, vì hiện tại mọi việc mua bán đổi chác đô la vàng bạc trên thị trường tự do vẫn y nguyên, tuy có cẩn trọng hơn đôi chút so với trước đây.

Gần đây, nhất là sau khi Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có các giải pháp tăng cường quản lý ngoại tệ và vàng làm cho số đông dân chúng chủ yếu là thành phần dạng có tiền lo lắng. Bởi nhu cầu sử dụng đồng đô la là nhu cầu cần thiết và không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của mọi người, nhất là trong bối cảnh mức độ đôla hóa còn rất cao như Việt Nam hiện nay và đồng tiền VND bị mất giá liên tục so với đồng đô la Mỹ do nhiều nguyên nhân. Khi đi ra nước ngoài làm ăn, du lich hay du học v.v… hay các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến hạn thanh toán công nợ với nước ngoài không nhẽ dùng đồng tiền Việt nam đi theo sử dụng và thanh toán? Một nhu cầu quan trọng hơn cả và chiếm mức cao đó là dùng để cất giữ cho an toàn, đặc biệt là khi hối lộ cho nhau, mọi người cũng thích dùng đô la Mỹ để thanh toán cho tiện.

Đi chợ mua đô

Mấy ngày vừa rồi, mấy anh em bạn bè ở nước ngoài có gọi điện về hỏi tôi xem tình hình quản lý mua bán ngoại tệ ở trong nước hiện giờ ra sao, có căng thẳng lắm không? Thú thực chuyện tiền vàng hay đô la thì tôi mù tịt vì mấy khi có nhu cầu quy đổi, trước đây đôi khi cần thì cũng nhờ người quen họ mua hay bán giúp vài ba trăm đô thấy nó cũng dễ lắm. Còn bây giờ muốn biết thật chính xác thì chỉ bằng cách trực tiếp xuống phố điều tra cho cụ thể, nghĩ vậy tôi gọi điện cho cậu T. là một người quen biết chuyên mua bán đô la ở Hà nội, sau khi biết ý định của tôi, T. đồng ý giúp lái xe đưa tôi đi tìm hiểu thực tế và có nói, anh chuẩn bị đôi triệu và vài tờ (đô la) cho có vẻ, xe ô tô em sẽ đổi cái xe biển lạ cho nó vô tư. Xong xuôi anh em tôi cùng lên xe chạy đến một ngân hàng TMCP H. trên đường L. ở Quận Hoàn kiếm.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/articlefiles/129330-VN_CuaHangNgoaiTe_VTC_040711-400.jpg

Nhiều cửa hàng trên phố Hà Trung vẫn hoạt động mua bán ngoại tệ .

Vào quầy giao dich tôi ngỏ ý với cô nhân viên muốn mua 1.000 USD, cô ta coi bộ ngạc nhiên trước câu hỏi của tôi và nhanh chóng trả lời “Ngân hàng không đô la để có bán anh ạ”, tôi ngước nhìn thấy bảng giá trên tường có đề giá bán ra là 20.930 VND/1USD. Tôi gặng hỏi ” Thế tại sao không có bán lại có đề giá giao dịch?”. Thì nhận được lời giải thích cụ thể hơn, đó là Ngân hàng chỉ bán cho cho người dân có nhu cầu chính đáng. Người dân cần có những giấy tờ chứng minh nhu cầu cần USD, như bệnh án, giấy giới thiệu đi khám chữa bệnh tại nước ngoài hay giấy báo đóng học phí cho con, hộ chiếu, visa chứng minh chuẩn bị đi du lịch…. nhưng phải có giấy tờ hợp lệ, cụ thể trường hợp đi du lịch nước ngoài thì mỗi người được đổi 100 (một trăm) USD (!?). Nghe cô ta nói tôi buồn cười nhưng cố nhịn và hỏi thêm ” Giả sử nếu tôi muốn mua thì ở đâu có để mua?”, cô ta thản nhiên trả lời “Anh thử đi ra phố Hà trung hay Đinh lễ hỏi xem”. Tôi cảm ơn rồi quay ra cửa.

Lên xe, cậu T. nổ máy xe nhưng không hỏi gì, tôi chủ động kể cho T. nghe, chưa kể hết cậu ta cười và bảo “Giờ anh mới biết hay sao, xưa rồi vẫn thế đấy chứ, nói trước sợ anh không tin”. Chúng tôi chạy xe về phố Đinh lễ, cậu T. dặn tôi “Tới nơi anh xuống xe, hỏi mấy đưa trông xe hay mấy bà bán hàng nước ở đấy, họ sẽ chỉ người bán cho. Anh nhớ cứ đàng hoàng họ mới tin, giờ nó cũng sợ. Nhưng cẩn thận ở đây nhiều đô la giả lắm”. Đúng lời dặn của cậu T. tôi ngỏ ý muốn mua đô la với một cậu thanh niên giữ xe, cậu ta cảnh giác nhìn tôi từ đầu đến chân rồi thờ ơ hỏi “Anh cần mua bao nhiêu?”, tôi trả lời muốn mua 1.000 USD. Nhìn trước nhìn sau, cậu ta bảo ” Anh đi lên chỗ ngã ba, sẽ có người mặc quần jean hỏi và họ bán cho anh”, nói rồi cậu ta rút điện thoại gọi cho ai đó. Khi tôi vừa đến ngã ba, một cậu thanh niên đi sát và hỏi vu vơ “Anh cần mua đô à?”, tôi quay sang thấy cậu ta cười, thấy vậy tôi nói ý định và nghe xong cậu ta nói “Anh lấy ngay chưa, 21.000 VND/USD, nếu mua ít thì có ngay, nhiều thì 20.980 và xin anh cho số điện thoại, bọn tôi đưa tới tận nhà rồi thu tiền”. Tôi cảm ơn rồi cho anh ta số điện thoại và trở về xe ô tô đang đỗ chờ trên đường Ngô Quyền.

Xe chúng tôi lại đi tiếp về phố Hà trung, đây là trung tâm của đô la chợ đen lớn nhất ở Hà nội, mọi người thích mua bán vàng và đô la ở đây vì yên tâm do nó có địa chỉ rõ ràng . Sau khi xuống xe tôi đi dọc phố, không thấy chuyện các cửa hàng cho nhân viên chào mời mua bán như trước. Tới cửa hàng QT. tôi mới đang ngập ngừng định ghé vào để hỏi thì mấy cậu nhân viên đứng ngoài cửa cho tôi biết luôn là cửa hàng không có đô la bán, chắc vì tôi lạ mặt nên họ không muốn tiếp, biết vậy tôi cũng đi thẳng ra xe để về nhà luôn.

Người trong cuộc nói gì?

Qua chuyến đi khảo sát thực tế này có thể khẳng định, việc giao dịch ngoại tệ tại các “chợ đen” hiện nay là phổ biến và có thực. Bởi nhu cầu tiêu dùng bằng USD một cách chính đáng của người dân cũng là vấn đề phỏ biến. Trong khi đó, tại thời điểm này khách hàng muốn mua bán đô la tại ngân hàng phải trình rất nhiều thủ tục rườm rà, đi lại nhiều lần và không ít người không có đủ giấy chứng minh nguồn gốc, mục đích sử dụng, nên rất khó giao dịch, hoặc không giao dịch được.

Theo cậu T. cho biết chuyện này không có gì “lạ” bởi cách đây 3 năm, năm 2008 cũng đã có hiện tượng y như vậy đã từng xảy ra. Khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã ra chỉ thị về việc kiểm tra, giám sát các hoạt động ngoại tệ và thực hiện gắt gao như thời gian này khiến hoạt đông mua – bán ngoại tệ công khai theo giá “chợ đen” thời đó tưởng chừng sẽ ngừng hẳn. Nhưng chỉ được một thời gian, giao dịch mua – bán ngoại tệ lại tiếp tục tái diễn như hiện nay ở ngay tại các cửa hàng, chỉ có điều là “hoạt đông” bí mật và tinh vi hơn. Nếu khách hàng là người quen và các mối quan hệ làm ăn từ trước, thì các điểm thu đổi vẫn giao dịch bình thường. Cậu T. có nói với tôi “Rôì anh xem, câu chuyện cũ đã đang lặp lại. Lệnh cấm được ban hành nhưng có cấm được hay không lại là một chuyện khác. Nguyên tắc của Kinh tế thị trường là có cầu ắt phải có cung vì nó là buôn bán sẽ sinh lời. Phải chăng ông Thủ tướng không biết điều đó hay ông ta quên truyền thống đánh du kích của người Việt?”.

Cậu T. bảo tôi “Chính sách của nhà nước về quản lý ngoại tệ hiện chỉ xiết chặt với dân ít tiền loại cò con, nhiều người có đô la khoảng 100-200 đô bán cũng khó, vì bây giờ người mua gom chỉ mua từ 500 đô trở lên. Còn anh cần mua thì bao nhiêu cũng có, nếu khách có nhu cầu lớn cỡ từ dăm ba chục nghìn USD trở lên tới vài trăm ngàn USD, sẽ vẫn được đáp ứng thông qua giao dịch ngầm với địa điểm khác theo thỏa thuận”.

Chia tay với cậu T., về nhà tôi vẫn nhớ mãi câu của T. nói với tôi lúc trên xe “Anh nên nhớ cái gì đã là quy luật của thị trường thì có giời cấm, ngay như thuốc phiện, heroin độc hại như thế cả thế giới cấm mà còn nhan nhản mua bán công khai. Một khi đồng tiền VNĐ mất giá từng ngày so với USD, thì chỉ có hoạ điên khi có tiền không quy đổi ra USD để cất giữ”. Nghĩ cũng đúng, nghe nói ở Nhật bản, Hàn quốc hay Thái lan nếu có USD trong túi cũng không thể tiêu được nếu không đổi ra đồng tiền của nước họ. Bên đó bán hay mua USD dễ hơn mua bao thuốc lá, vì đồng tiền của họ có giá và luôn ổn định so với đô la Mỹ, nếu như thế họ mua USD tích trữ để làm gì?

Giải quyết một vấn đề, nhất là vấn đề liên quan đến tiền tệ thời hội nhập không hề đơn giản. Không phải cứ theo lối cứ bí không có phương giải quyết vấn đề lạm phát là cấm người dân mua bán USD theo kiểu mệnh lệnh như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang làm hiện nay, vì bịt chỗ nọ thì nó lòi ra chỗ khác mà cần sự phối hợp và nhiều giải pháp đồng bộ của các ngành các cấp. Nhưng quan trọng nhất là đừng in thêm tiền VNĐ vô tội vạ để khắc phục thâm thủng ngân sách.

Tôi nói chuyện này với anh bạn vốn là chuyên gia – Tiến sĩ Kinh tế tốt nghiệp tại Harvard đang công tác tại Ngân hàng Trung ương, khi hỏi anh ta giải pháp nào là hữu hiệu nhất trong việc giải quyết vấn đề lạm phát ở Việt nam? Anh ta cười và trả lời ngắn gọn “Người đứng đầu phải có học”.

Ngày 16/4/2011

Kami

http://www.rfavietnam.com/node/549

0 comments:

Powered By Blogger