Tuesday, April 19, 2011

Lại Chuyện Chữ Nghĩa

Lại Chuyện Chữ Nghĩa

Sắp đến ngày mừng Chúa giáng sinh!

Trong chiến tranh, những ngày lễ trọng thế này, thì quân ta thường tôn trọng lệnh hưu chiến để đồng bào có cơ hội cử hành thánh lễ và an tâm hưởng thụ những giờ phút thiêng liêng đầm ấm.


Vậy chúng tôi cũng theo lệ đó mà tránh bớt những bài xã luận chính trị với lời lẽ “chém đinh chắt sắt” để nói về những đề tài nhẹ nhàng hơn. Tỉ dụ như vấn đề “ngôn từ Việt Cộng” mà lâu nay cũng có nhiều vị từng lên tiếng báo động rằng đã xâm nhập quá sâu trong sinh hoạt văn hóa hải ngoại.


Thật ra thì không có ngôn từ nào là của Việt Cộng cả. Ngôn từ là di sản văn hoá chúng ta thụ hưởng từ tiền nhân từ hàng ngàn năm qua, sau khi đã gạn lọc, thêm thắt qua tiến trình sinh hoạt, giao tiếp với thế giới bên ngoài.


Chỉ có vấn đề xử dụng ngôn từ một cách trong sáng, đúng đắn, hợp lý hay không mà thôi.

Ngôn là lời nói, tiếng nói, là phương tiện giao tiếp, truyền thông đầu tiên trong đời sống của con người, cũng như của xã hội loài người vào thời hoang sơ. Thời sơ khai, người chỉ biết đến hình ảnh cụ thể quanh mình (núi, sông, hang động, thú vật…), những động tác (ăn, nói, đi, đứng, làm…), từ từ tiến lên hiện tượng (mưa, bão, ), cảm xúc (vui, buốn, giận…), và cao hơn là ý thức về triết học, chính trị, khoa học kỹ thuật. Thoạt đầu người ta dùng lời nói (Ngôn) để diễn đạt, rồi tiến lên phát minh ra chữ viết (Từ) như là những biểu tượng để sự truyền đạt có thể đi xa hơn về không gian và thời gian.


Sinh ngữ là ngôn ngữ sống vẫn còn được dùng, khác với tử ngữ là ngôn ngữ đã không còn ai dùng tới. Ngôn ngữ Việt Nam là một sinh ngữ có từ nhiều nguồn: tiếng Việt nguyên gốc (nước nhà, khoảng cách, người lính…), tiếng Trung hoa đọc theo âm Việt (quốc gia, cự ly, quân nhân…), tiếng Tây phương được Việt hoá (bom, cà phê, mô tô, vi la…); các thuật ngữ quân sự, kỹ thuật mới được đặt chữ Việt Nam tương ứng nhưng chưa phổ cập (phần mềm (software), phần cứng (hardware), nét (internet)…). Sau khi những “ngôn” và “từ” này được xử dụng quen thuộc và được đại đa số chấp nhận, nó trở thành tiếng Việt chính thức. và người ta soạn ra Văn phạm là thứ luật để hướng dẫn mọi người biết cách dùng cho đúng và hợp lý để khi nói hay viết ra, ai ai cũng phải hiểu môt cách đồng nhất. Văn phạm được dạy cho học sinh từ những năm tiểu học cho đến đại học. Tuy vậy, Việt Nam chưa có một hàn lâm viện về ngôn ngữ, nên vẫn còn nhiều trở ngại khi muốn cập nhật, điều chỉnh, hay xác định sự chính xác của cách dùng chữ.


Ngôn, Từ, Văn phạm là do con người sáng tạo, nên cũng có thể do con người thay đổi do sự thay đổi môi trường sống và sự tiến hoá chung. Sự đúng sai trong cách dùng chỉ có tính cách tương đối và chủ quan. Ví dụ: trước 1975, mười bảy triệu người miền Nam dùng hai chữ “đơn giản” nghe quen thuộc; thì mười chín triệu người miền Bắc lại dùng chữ “giản đơn” và họ cũng cho rằng xuôi tai. Gạt qua một bên tình cảm chính trị mà có thể làm sự đánh giá của chúng ta sai lệch đi, thì ai? cơ quan nào? là người có thẩm quyền phân xử chữ nào đúng, chữ nào sai?


Như thế, bất cứ những lời nào, chữ nào nói ra từ miệng người Việt đều là Ngôn, Từ chung của Việt Nam. Việt Cộng không sáng chế thêm chữ mà chỉ xử dụng sai chữ do sự ngu dốt và cố chấp của họ. Trong khi Phạm Văn Đồng (cố thủ tướng VC) viết nhiều bài kêu gọi làm trong sáng tiếng Việt, thì Hồ Chí Minh lại xử dụng lố bịch các chữ “Kách Mệnh”, “giải fóng”, “nhân zân”. Trong khi Cộng sản có khuynh hướng Việt hoá các chữ Hán Việt (Lính thủy đánh bộ, tàu sân bay, xe bọc thép…), thì cũng chính họ lại có khuynh hướng sính dùng chữ Hán Việt trong khi các chữ Việt thuần tuý nghe êm tai hơn.

Chúng tôi xin đưa ra vài thì dụ trong hàng trăm, hàng ngàn cách xử dụng sai trái của Việt Cộng.


Chắc quý vị còn nhớ các bảng hiệu “xưởng đẻ”, “nhà đái nam”, “cửa hàng thịt Thanh Niên” trong những năm sau 1975? Nghe mà tởm lợm, dựng tóc gáy.


Các chữ Hán Việt như “cự li” (khoảng cách = distance), “cách ly” (cô lập = isolate), “tiếp cận” (đến gần = approach) ngày trước chúng ta vẫn dùng; nhưng tùy theo từng trường hợp. Cự li dùng trong quân sự, tiếp cận dùng trong toán học. Nhưng khi nói về những chuyện thông thường, người ta nói: “Khoảng cách giữa các xe…”; “anh B. bị bạn bè cô lập….”; “Việt Nam tiếp xúc với nền văn minh Tây phương”;"anh A. đến gần cô B.” Nghe nhẹ nhàng dễ hiểu hơn nhiều.

Khi nói đến “chùm” (cluster, bunch), chúng ta hình dung đến chùm nho, chùm cau, chùm lông (hay túm lông). Nhưng người ta nói một tập thơ, một xấp ảnh, một hợp ca (tam ca, tứ ca, hay đồng ca). Thật là khó chấp nhận khi nghe hay đọc các chữ chùm thơ, chùm ảnh, tốp ca


Trong các bản tin do báo hải ngoại trích từ báo của Việt Cộng chúng tôi đã đọc:

- Cái bánh chưng vĩ đại (được vào sách Kỷ Lục) này do bà Nguyễn thị X. ‘thể hiện’”.

Đúng ra, phải dùng chữ “thưc hiện” hay đơn giản hơn dùng chữ “làm”. Thể hiện có nghĩa là biểu lộ (express). Người ta nói “thể hiện sự ưu ái, thể hiện lòng ái quốc… Chính tự điển của VC cũng định nghĩa đúng thế.


- “Ca sĩ X ăn mặc ‘ấn tượng’”. Ấn tượng là danh từ (impression). Phải nói cách ăn mặc của ca sĩ X. gây một ấn tượng tốt.


- Điểm nhấn: « Trong cách ăn mặc, chiếc cà vạt là ‘ điểm nhấn’ ». Ý tác giả muốn nói đến điểm nổi bật nhất (focus).


- Bức xúc. Tiếng Việt có các chữ « bứt rứt », « ray rứt » (worry). Chính trong từ điển VC cũng không có chữ « bức xúc » này. Nhưng nhiều nhà hoạt động của người Việt hải ngoại vẫn cứ dùng chữ « bức xúc » một cách ngô nghê.


- Thống nhất ý kiến. Một bác sĩ lớn tuổi, sống hơn nửa đời mình ở miền Nam và có nhiều bài viết trên rất nhiều báo hải ngoại đã viết : « sau khi hội ý, các bác sĩ đã thống nhất ý kiến... » . Tại sao không viết « Sau khi bàn bạc, các bác sĩ đã cùng đồng ý... ».


Vì lý do chính trị, đối kháng Quốc Cộng, chúng ta có khuynh hướng dị ứng với những chữ do VC dùng dù rằng đó là những chữ rất đúng và có ý nghĩa. Ví dụ các chữ : Giải phóng, hiệp đồng... Chúng ta nên giành lại những chữ đầy chính nghĩa về tay chúng ta.

Sự dùng sai, vay mượn chữ do VC xử dụng bừa bãi của những người viết, của báo chí hải ngoại do thiếu ý thức hay nhân lực đã vô tình đi sai chức năng cao quý « hướng dẫn quần chúng » của báo chí truyền thông. Ngày trước, báo giới Việt Nam Cộng Hoà rất thận trọng. Họ làm báo như một nghề chính thức. Vì thế, các báo Việt Nam có cả một toà soạn, ban trị sự, ban biên tập, người sửa bài. Họ duyệt bài tương đối kỹ, vừa về quan điểm vừa về văn phạm, lỗi hỏi ngã. Và nhất là họ không làm việc cắt dán, cóp py bài vở từ báo khác. Ngày nay, báo chí tại hải ngoại nở rộ. Có báo chỉ cần một người, một máy điện toán là đủ tạo nên một toà soạn, ban biên tập. Bài vở thì phần lớn cắt và dán từ các trang web mà không hề đọc lại thật kỹ. Chính vì sự đói bài vở này, mà những bài viết từ Việt Nam Cộng Sản có cơ hội xâm nhập ồ ạt vào sinh hoạt truyền thông hải ngoại, làm một công cụ tuyên truyền không công cho Việt Cộng. Nếu chịu khó làm công việc « vạch lá tìm sâu » thì chúng ta sẽ thấy đã có nhiều cây viết hải ngoại cũng có ít nhiều lần, xài chữ sai do từ phiá VC .


Tôi rất tiếc đã không có thì giờ để nêu ra nhiều trường hợp mà người viết hải ngoại thường vấp phải trong bài viết. Vả lại, đây cũng là điều tế nhị trong nghề. Dân viết văn không nên phê bình nhau. Nhưng đọc mãi những sai sót cũng đâm ra bứt rứt.
Thí dụ: Chữ HUYỀN, Huyền sử, huyền thoại. Không rõ các nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ VN ta hiểu như thế nào mà viết: Huyền sử ca một người mang tên Quốc, Huyền Thoại Bình Long, Tướng Ngô Quang Trưởng đã đi vào huyền thoại...


Chữ Huyền mang ý nghĩa 1/ không rõ ràng, không chắc chắn (illusory, uncertain) 2/ bí mật (mystery), 3/ kỳ ảo (miracle), 4/ (huyền tưởng) hoang đường (myth, legent) 5/ huyền hoặc (deceptive, delusive) . Khi nói huyền sử, có nghĩa là sử truyền miệng vào thời kỳ chưa có chữ viết nên không có chứng tích, được ghi chép như "chính sử". Trong khi chiến thắng Bình Long, anh hùng Phạm Phú Quốc, tướng Trưởng là việc thật, người thật, có ngày giờ, có hình ảnh cụ thể. Có lẽ quý vị đó thấy chữ huyền nghe êm tai nên xài luôn cho kêu chăng? Chữ Huyền có thể mang nghĩa kỳ diệu, nhưng trong huyền diệu 玄妙 có nghĩa kỳ bí (mystesrical). Ghép những biến cố, nhân vật có thực vào chữ huyền là làm giảm giá trị của họ.


Lại có vị viết các bài bình luận. Nguyên một đoạn văn dài hàng mấy chục dòng có hàng chục câu đã đủ nghĩa (sentences), chỉ xài vài cái dấu phẩy mà không có dấu chấm. Giữa hai mệnh đề (phrase) thích thì cho dấu phẩy, buồn tình thì chẳng chấm, phảy gì. Cũng không thèm xài liên tự, giới tự. Giữa hai câu cũng thế. (hình như ngày xưa thế hệ chúng ta học trung học rất lơ là về môn chính tả?)
Trong một bài tham luận của ông HNV, một cây bút viết khá nhiều cho rất nhiều báo tại Hoa Kỳ, có bốn lần trong một bài ông ấy đã dùng chữ "sự cố" để thay chữ "biến cố" hay "sự việc, sự kiện". (Bốn lần thì chắc không phải sơ suất)

Trích:
bài "Vốn lớn của người Việt nơi McCain và Obama"
http://www.tapchithegioimoi.com/tm.php?recordID=146

Do vậy mới có sự cố Ðs. Michalack phải bay về Mỹ, xuống tận Houston, qua Irvine quận Cam để vận động cho VN về giáo dục, trao đổi đối thoại giữa cộng đồng Mỹ gốc Việt với VNCS

Sự kiện một ông Mỹ gốc Việt được bổ nhiệm vào ủy ban chuyển quyền và bàn giao của tân tổng thống Obama là một sự cố đầy tiêu biểu

Dù ta không muốn hay chống lại thì sự cố ấy vẫn cứ xảy ra như sự cố TT Bush chụp hình dưới chân dung HCM ở Hà Nội

Chữ "Sự cố" do Việt Cộng dùng thay cho chữ "trục trặc" (trouble) mà chúng ta dùng (trục trặc kỹ thuật). Một nhà bình luận nổi tiếng mà dùng chữ sai nghĩa, mà còn đi dùng chữ do VC xài thì cũng đáng quan ngại.


Tóm lại, hiện nay, người ta viết rất cẩu thả. Nếu là người bình thường thì không sao. Nhưng đã là người viết văn, làm báo, thì khó chấp nhận được. Người đọc, đặc biệt các em, con chúng ta sẽ nhìn tư cách nhà văn, nhà báo, bác sĩ, tiến sĩ mà cho rằng các vị viết là đúng quá, cần học theo thì hỏng bét.


Nếu khi vì mục dích tuyên truyền mà đối tượng là cán binh VC hay người dân trong nước, chúng ta có thể phải xử dụng ngôn từ thường dùng của họ để họ hiểu và dần dà, tìm cách giáo dục họ về ngôn từ chính xác của chúng ta. Đó là bài học căn bản về xâm nhập văn hoá, cũng như khi chiến đấu du kích, chúng ta phải cải trang như cán binh VC vậy..

Dù sao, những người có lập trường rõ rệt, có ý thức cao, phải luôn luôn cẩn trọng, chẳng bao giờ để bị ảnh hưởng bởi thứ văn hoá be bét của Việt Cộng. Và báo giới lại càng cẩn trọng hơn.


--------------------------------

Nguồn : http://www.michaelpdo.com/Xaluan11.htm


Duc H. Vu : Một bài viết hay, nên đọc !


Sự dùng sai, vay mượn chữ do VC xử dụng bừa bãi của những người viết, của báo chí hải ngoại do thiếu ý thức hay nhân lực đã vô tình đi sai chức năng cao quý « hướng dẫn quần chúng » của báo chí truyền thông.


"Chữ "Sự cố" do Việt Cộng dùng thay cho chữ "trục trặc" (trouble) mà chúng ta dùng (trục trặc kỹ thuật). Một nhà bình luận nổi tiếng mà dùng chữ sai nghĩa, mà còn đi dùng chữ do VC xài thì cũng đáng quan ngại."


Bức xúc. Tiếng Việt có các chữ « bứt rứt », « ray rứt » (worry). Chính trong từ điển VC cũng không có chữ « bức xúc » này. Nhưng nhiều nhà hoạt động của người Việt hải ngoại vẫn cứ dùng chữ « bức xúc » một cách ngô nghê.


“Ca sĩ X ăn mặc ‘ấn tượng’”. Ấn tượng là danh từ (impression). Phải nói cách ăn mặc của ca sĩ X. gây một ấn tượng tốt.


Thống nhất ý kiến. Một bác sĩ lớn tuổi, sống hơn nửa đời mình ở miền Nam và có nhiều bài viết trên rất nhiều báo hải ngoại đã viết : « sau khi hội ý, các bác sĩ đã thống nhất ý kiến... » . Tại sao không viết « Sau khi bàn bạc, các bác sĩ đã cùng đồng ý... ».



0 comments:

Powered By Blogger