Thursday, April 21, 2011

Kinh tế Việt Nam vẫn bị đánh giá 'tiêu cực'


Công ty tư vấn đầu tư quốc tế Moody's Investors Service hôm Thứ Tư nhận định viễn ảnh kinh tế của Việt Nam không sáng sủa do hậu quả của cán cân thanh toán không có gì bảo đảm.

Nhà cầm quyền Hà Nội, mấy tháng gần đây, đưa ra một vài biện pháp đối phó với lạm phát cao cũng như kềm sự tuột dốc của giá trị đồng bạc. Tuy nhiên, Moody's khuyến cáo rằng họ có thể hạ thấp thêm vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng đánh giá đầu tư vì dự trữ ngoại tệ của Việt Nam ngày một èo uột.

Theo các định chế tài chính quốc tế, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam chỉ còn $12.2 tỉ vào cuối tháng 12, 2010 trong khi tháng 2 năm 2008 còn hơn $25.8 tỉ.


Một nhóm người gỡ kim loại từ các chip điện tử để bán, ngồi trước tấm bảng quảng cáo dự án xây dựng cao ốc ở trung tâm thành phố Sài Gòn, hôm 12 tháng 4, 2011. Nền kinh tế của Việt Nam vẫn bị tổ chức lượng giá đầu tư quốc tế Moody's Investors Service xếp vào loại “tiêu cực.” (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Mới đây, Tổng Cục Quan Thuế Hà Nội cho hay thâm thủng mậu dịch của Việt Nam trong tháng 3, 2011 là $1.41 tỉ chứ không phải chỉ có $1.15 tỉ như Tổng Cục Thống Kê loan báo con số không thật, theo hãng tin Reuters. Như vậy, cả ba tháng đầu năm 2011, thâm thủng mậu dịch của Việt Nam là $3.5 tỉ chứ không phải chỉ có $3.02 tỉ như Tổng Cục Thống Kê đưa ra.

Hồi tháng 12, 2010, Moody's đã xếp hạng Việt Nam xuống mức “Ba3” từ mức “B1” do hậu quả của một số yếu tố chính như Hà Nội đối diện với nguy cơ khủng hoảng cán cân thanh toán, đồng bạc mất giá và lạm phát gia tăng.

Trong bản báo cáo phổ biến hôm Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011, Moodys nói Việt Nam vật lộn với chủ trương thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi lại cũng muốn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Giới chuyên gia kinh tế tài chính quốc tế đều khuyến cáo chế độ Hà Nội phải giảm thật nhiều, thật nhanh các khoản tín dụng cung cấp bừa bãi trong nước để chận lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Chính sách của nhà cầm quyền Hà Nội mấy năm qua là bơm tiền ào ạt cho nhóm kinh tài quốc doanh, đảng đoàn để có các con số tăng trưởng cao mà tuyên truyền chính trị. Hậu quả, nền kinh tế mất thăng bằng dẫn đến lạm phát cao và trả nợ ngoại quốc gặp khó khăn.

Các biện pháp mà Hà Nội đưa ra vừa không đủ liều lượng, vừa quá chậm nên lạm phát trong tháng 3, 2011 lên đến 13.89%, gần gấp đôi chỉ tiêu nhà nước đề ra cho năm nay.

Hà Nội loan báo siết chặt hơn chính sách tiền tệ và tài khóa ngân sách như cắt bớt đầu tư công, giảm bớt thâm thủng ngân sách, gia tăng sản xuất nội địa, giảm thâm thủng mậu dịch nhưng có vẻ không có bao nhiêu kết quả.

Chính sách đưa ra như thế nhưng giá điện, giá xăng liên tiếp gia tăng khá nhiều, rồi lại sắp tăng lương cho cán bộ, viên chức, những biện pháp kích thích lạm phát trực tiếp.

“Các biện pháp siết chặt được đưa ra từ sau Tết Tân Mão đến nay tuy khác với chính sách chỉ biết thúc đẩy tăng trưởng ào ạt để lấy tiếng trước đó, vẫn chỉ là một giai đoạn kéo dài của chính sách “khi nghỉ, khi đi” (stop-and-go) sẽ làm cho tồi tệ thêm tình trạng mất thăng bằng của nền kinh tế.” Moody's nhận xét.

Ngày 30 tháng 3, 2011, ông Cephas Lumina, một chuyên viên độc lập của Liên Hiệp Quốc được gửi tới Việt Nam đã nhận xét rằng “Việt Nam thiếu minh bạch về tài chính.” Hậu quả là quảng đại quần chúng phải chịu thiệt thòi vì lạm phát gia tăng.

Nguồn : Người Việt

0 comments:

Powered By Blogger