Pháp và Italia hôm qua cho biết sẽ gia nhập cùng Anh cử cố vấn quân sự tới hỗ trợ lực lượng nổi dậy tại Libya, động thái được giới phân tích nhận định chứng tỏ cuộc chiến ở Libya sẽ không thể kết thúc một sớm một chiều và dễ dàng được.
Phe nổi dậy cho rằng NATO hoạt động không hiệu quả tại Libya.
Việc triển khai các cố vấn quân sự, mặc dù có thể ít hơn con số 40, và được giao nhiệm vụ rõ ràng không phải với tư cách tham chiến, cũng cho thấy chỉ có sự kết hợp giữa áp lực quân sự từ trên không (không kích), áp lực kinh tế đối với chính phủ Libya và một lực lượng nổi dậy được tổ chức chặt chẽ hơn, phối hợp nhịp nhàng hơn, mới có thể “thuyết phục” được đại tá Gadhafi ra đi.
“Một số nước cho rằng chiến dịch Libya sẽ nhanh chóng kết thúc”, một đại sứ cấp cao tại NATO cho hay. “Nhưng không có nhà chỉ huy quân sự nào nghĩ vậy”.
Cử cố vấn quân sự tới Libya là động thái mới nhất trong hàng loạt chỉ dấu cho thấy bất ổn tồn tại trong chiến dịch của NATO, chiến dịch bắt đầu bằng một cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu nhưng dường như đang bị “xì hơi” kể từ khi sứ mệnh chỉ huy được chuyển giao cho NATO vào ngày 31/3. Sau đó, lực lượng nổi dậy Libya bị lực lượng trung thành với đại tá Gadhafi “đè bẹp” và bị đẩy lui về thành phố miền đông Ajdabiya.
Chiến thuật mới của lực lượng Gadhafi, kết hợp giữa dân quân, vũ khí được ngụy trang và xe tải, thay vì xe quân sự, đã khiến cho phi công NATO khó phát hiện ra mục tiêu. Cùng lúc, pháo và xe tăng của lực lượng chính phủ nã vào thành phố Misurata do quân nổi dậy nắm giữ, thách thức chiến dịch “bảo vệ dân thường” của NATO.
Ngoài ra, theo Robin Niblett, giám đốc Chatham House, Viện quan hệ quốc tế hoàng gia ở London, chia rẽ bên trong NATO cũng nguy hiểm không kém gì chiến thuật mới của đại tá Gadhaf. Chỉ có 6 trên tổng số 28 thành viên NATO hiện tham gia vào các cuộc không kích, với Pháp và Anh thực hiện một nửa, trong khi Đan Mạch, Na Uy, Bỉ và Canada thực hiện nửa còn lại.
Những nước nổi khác như Italia và Tây Ban Nha đang lùi ở “hậu phương”, còn một số khác cử máy bay tới chỉ để hỗ trợ vùng cấm bay, hoặc giúp thực hiện lệnh cấm vận vũ khí. Chính quyền Obama, đã loại bỏ khả năng triển khai quân Mỹ tới Libya, hôm qua tuyên bố sẽ phê chuẩn một khoản tiền lên tới 25 triệu USD để hỗ trợ cung cấp quân nhu phát sinh, nhưng không phải là vũ khí, cho lực lượng nổi dậy Libya.
“Bạn muốn gửi tới Gadhafi thông điệp về một ý chí nhất quán, không có cách nào khác ngoài thông điệp cho thấy ông ấy đang phải đối mặt với một lực lượng đối lập quyết tâm và đoàn kết”, ông Niblett nhận định. “Nhưng ông ấy lại đang thấy một NATO không đủ nhất quán”.
“Nếu tôi là ông ấy, tôi sẽ nhìn vào bất đồng của châu Âu và tận dụng nó, đặc biệt là khi phe đối lập lại yếu hơn rất nhiều”, ông Niblett cho hay.
Theo ông Niblett, để “thuyết phục” được ông Gadhafi và các con trai ra đi, “chúng ta cần phải có đường lối chính trị cũng như quân sự. Và hiện nay chúng ta đã có chút đường lối về quân sự, còn đường lối chính trị lại bị rạn nứt”.
Xét về góc độ nào đó, kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, trong NATO xuất hiện nhiều vấn đề mới, không còn là một liên minh đoàn kết như trước kia nữa, các nhà phân tích nhận định.
Tomas Valasek, chuyên gia quân sự tại Trung tâm cải cách châu Âu ở London, đã so sánh NATO với một đảng chính trị của Mỹ, là “một liên minh các nước với quyền lợi chung là như nhau, nhưng lại có quan điểm tiếp cận khác nhau”.
Theo ông, sau Chiến tranh Lạnh, các nước NATO tập trung vào những mối quan tâm khác nhau: với một số là khủng bố và Afghanistan, như Mỹ, Anh, Canada và Hà Lan, còn một số khác là Nga, như các nước Trung Âu. “Còn những nước còn lại, tôi không biết tại sao họ vẫn ở lại NATO”, ông cho hay.
Ông Valasek cũng cho rằng NATO sẽ không bao giờ như xưa nữa. “NATO sẽ là một tổ chức đa hành động trong tương lai, vì vậy với Libya, sẽ có các liên minh ý chí, với sự hỗ trợ của NATO”.
Giới chức NATO luôn cho rằng họ đang thực hiện tốt sứ mệnh tại Libya, chỉ trong một thời gian ngắn. “Không có gì phải nghi ngờ về ý chí thống nhất bên trong NATO”, nhằm thực hiện nghị quyết của Liên hợp quốc tại Libya, bà Oana Lungescu, người phát ngôn NATO cho hay. Bà cũng nhấn mạnh 3 tuần kể từ khi NATO tiếp quản quyền chỉ huy sứ mệnh “chúng tôi đã nhanh chóng làm suy giảm khả năng tấn công của ông Gadhafi nhằm vào người dân và dần dần dồn ép được lực lượng của nhà lãnh đạo này”.
Song bà Lungescu cũng thừa nhận “không thể chỉ có giải pháp quân sự trong cuộc khủng hoảng” hiện nay tại Libya. “Sứ mệnh này cần phải duy trì áp lực về cả mặt chính trị”, bà khẳng định.
Một đại sứ cấp cao của NATO đã kêu gọi mọi người bình tĩnh. “Cuối cùng cán cân sẽ thay đổi, nó phải như vậy”, ông cho hay. “Ông Gadhafi không có thêm vũ khí, không có thêm xe tăng, không có thêm xe bọc thép và ông ấy đang bị yếu đi. Qua thời gian, những người khác sẽ mạnh lên. Và rồi sẽ đến thời điểm những người xung quanh ông Gadhafi phải quyết định tìm kiếm một giải pháp chính trị”.
Song kể từ 3 tuần trước, khi ngoại trưởng Moussa Koussa của ông Gadhafi bỏ trốn sang Anh, không có thêm nhân vật nổi bật nào làm như vậy nữa.
Và cuộc tranh luận chính trị hiện tại, theo đại sứ cấp cao của NATO, không phải là về liệu cuộc chiến Libya có kết thúc bằng đàm phán hay không mà về bản chất và nội dung của các cuộc đàm phán đó. Một số nước muốn bắt đầu đàm phán với ông Gadhafi trước khi ông rời bỏ quyền lực, với mục đích rõ ràng là ông phải ra đi. Nhưng một số khác, đặc biệt là phe nổi dậy, cho rằng đàm phán chỉ có thể bắt đầu sau khi đại tá Gadhafi và các con trai đã tìm được chốn an toàn ở một nước khác bên ngoài Libya.
Nhưng trong thời điểm hiện nay, theo ông Valasek, vấn đề là cả đại tá Gadhafi cùng phe nổi dậy được NATO ủng hộ cho rằng thời gian là của họ. “Có thể mọi người cần thêm thời gian để nhận ra rằng nếu không muốn một Libya bị rẽ, chúng ta cần phải ngồi xuống và cùng nhau đàm phán”.
0 comments:
Post a Comment