(Tamnhin.net) – Liên tiếp trong những ngày qua, hàng loạt các nhóm hàng trọng yếu ( xi măng, thép, điện…) có hướng điều chỉnh giá tăng mạnh ngay trong quý I. Kéo theo nhiều hệ lụy từ các sản phẩm phụ trợ sẽ tăng đột biến. Điều này khiến không ít doanh nghiệp buộc phải tính toán thận trọng kế hoạch kinh doanh cũng như việc người dân phải “thắt lưng buộc bụng” để gồng mình lên vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Xăng dầu, sắt thép, xi măng… cùng tăng giá
Tổ Giám sát giá xăng dầu liên Bộ Tài chính – Công Thương ngày 13/2 cho biết, liên Bộ có thể sẽ cho phép tăng giá xăng dầu ngay trong cuối tháng 2 này.
Lý do là giá xăng dầu thế giới tiếp tục leo thang và giá xăng dầu trong nước khó có thể tiếp tục bù lỗ mãi. Giá USD tăng cao gây sức ép chi phí tăng cho doanh nghiệp khi phải đi vay USD từ ngân hàng để trả tiền nhập xăng dầu theo tỷ giá mới.
Nhiều chủ thầu xây dựng than phiền vì giá vật liệu tăng. Ảnh: Internet
Còn nguồn từ quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo các doanh nghiệp cũng không còn nhiều để tiếptục xả trợ giá.
Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, giá bán xi măng tại các nhà máy đang ở mức 858.000 đồng – 1,4 triệu đồng/tấn, tùy loại và tùy khu vực. Việc tăng giá xi măng dựa trên các căn cứ như chi phí đầu vào như giá than tăng đã đẩy giá thành tăng lên khoảng hơn 60.000 đồng/tấn.
Bên cạnh đó, chính sách kích cầu hết thời gian hiệu lực nên giá bán xi măng tăng thêm 60.000 đồng/tấn là phù hợp.
Ngay khi có quyết định tăng giá bán Vincem và các cơ quan chức năng đã có những tính toán và kế hoạch cụ thể để điều chỉnh lộ trình tăng giá cho phù hợp với yếu tố biến động thị truờng.
Chánh văn phòng Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ông Nguyễn Văn Điệp cho rằng: “Việc điều chỉnh giá xi măng trong thời điểm này là phù hợp, bởi giá các nguyên liệu đầu vào đã tăng (giá than, xăng… ) và các loại vật tư khác cũng tăng khiến giá thành xi măng tăng thêm khoảng 5-6% và vì thế các doanh nghiệp đã tính toán sẽ tăng giá xi măng thêm 60.000 đồng/tấn để vừa bảo đảm doanh thu, vừa giữ thị phần và tăng sức cạnh tranh”.
Đại diện Công ty Xi măng Hoàng Thạch, Công ty Xi măng Bỉm Sơn cũng cho biết, việc điều chỉnh giá nhằm bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp cùng mức lương cho người lao động cũng như để tái đầu tư sản xuất.
Vicem là đơn vị sở hữu các thương hiệu xi măng được ưa chuộng như Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Hà Tiên và chiếm gần một nửa thị phần xi măng cả nước.
Giá bán xi măng tại các nhà máy đang ở mức 858.000 đồng – 1,4 triệu đồng/tấn, tùy loại và tùy khu vực. Giá xi măng trong nước hiện đang rẻ hơn giá xi măng các nước trong khu vực 20-30 USD/tấn. Từ tháng 2.2011, Tổng Công ty Công nghiệp ximăng Việt Nam (Vicem) được phép điều chỉnh giá bán xi măng tăng thêm 60.000 đồng/tấn.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng thẳng thắn nhận định: “Tăng giá thép là việc các DN cạnh tranh vừa làm, vừa trông nhau nhưng không thể không tăng vì giá thế giới tăng cao vượt quá khả năng chịu đựng của DN trong nước”.
Có thể trong cuối tháng 2/2011, xăng dầu sẽ lại tăng giá. Ảnh: Hoàng Hà
Tăng giá do… giá đầu vào tăng
Hiện nhiều DN ximăng đã điều chỉnh giá tăng theo tín hiệu tăng giá đầu vào. Giá bán ximăng tại các nhà máy đang ở mức 960.000đ – 1,4 triệu đồng/tấn tùy loại và tùy khu vực. Đại diện Hiệp hội Ximăng Việt Nam khẳng định, mức điều chỉnh giá lần này tương đương tăng khoảng 5-6% là có thể chấp nhận và sẽ không làm ảnh hưởng nhiều tới thị trường.
Một số doanh nghiệp cho biết, từ trước Tết Nguyên đán, do giá than bán vào các hộ sản xuất ximăng tăng gấp 2 lần so với trước; giá điện, xăng dầu và một số chủng loại vật tư cho sản xuất biến động mạnh khiến giá thành ximăng bị đội lên. Tính ra, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đã tăng thêm khoảng 1,5 lần, trong khi giá bán ximăng từ quý I/2008 đến quý IV/2010 mới tăng khoảng 15%. Do thị trường ximăng đã cân đối được cung – cầu trong nước và dư thừa nên các doanh nghiệp muốn tăng giá mạnh cũng không được.
Một chuyên gia vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) thừa nhận, năm nay nguồn cung xi măng có khả năng lên tới 55 triệu tấn, tăng khoảng 4 triệu tấn so với năm ngoái nhưng giá bán rất cạnh tranh, vì các DN đều không muốn thị phần rơi vào tay “đối thủ”. Điều này chỉ có lợi cho người tiêu dùng. Năm ngoái, giá chưa tăng mạnh như năm nay nhưng thị trường đã tồn kho tới 2,2 triệu tấn ximăng và clinker. Điều đáng nói là trong số này, riêng Vicem tồn kho lên tới 1,6 triệu tấn. Bởi vậy, động thái tăng giá lên 60.000đ/tấn có thể nói là mức độ khá thận trọng, có tính đến sức chịu đựng của thị trường và bù đắp phần nào sự thua thiệt do giá đầu vào tăng.
Tương tự, sự “sốt nóng” của DN ngành thép được lý giải cũng là do giá thế giới tăng đột biến.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép VN Phạm Chí Cường: “Giá nhập khẩu phôi thép thế giới đã lên tới 685-690USD/tấn. Ngay cả sắt thép phế, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất phôi trong nước cũng tăng lên 560USD/tấn; vì vậy, tính ra giá sắt thép phế nhập về cộng với phí vận chuyển đã vào khoảng 15 triệu đồng/tấn. Từ đó, giá bán 1 tấn thép thành phẩm sản xuất trong nước đã lên tới 16-16,5 triệu đồng/tấn (bán tại nhà máy). Đó là chưa kể chênh lệch tỉ giá USD khi các DN đều phải mua với mức giá thị trường tự do lên tới 21.500đ/USD để thanh toán cho các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu”.
Nguyễn Thắng – Hiền Lương
http://www.tamnhin.net/Doanhnghiep/8700/Vat-gia-leo–keo-theo-dan-kho-Bai-1.html
0 comments:
Post a Comment