Monday, February 14, 2011

Cần hiểu rõ bản chất việc điều chỉnh tỷ giá

T.S. Nguyễn Quang AViệc điều chỉnh có tác động khác nhau đến những người tham gia vào nền kinh tế, và càng hiểu kỹ hơn các tác động đó thì yếu tố “tâm lý” có hại đến sự biến động giá có thể được giảm bớt, nhưng cũng phải cảnh giác với những người muốn “tát nước theo mưa”.

Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh tỷ giá từ mức 18.932 VND/USD lên 20.693 VND/USD đồng thời hạ biên độ giao dịch từ ± 3% xuống ± 1% kể từ ngày 11/2/2011. Với người dân và các doanh nghiệp phải tự lo ngoại tệ, cũng như các ngân hàng, thì chuyện điểu chỉnh này là không có gì đáng ngạc nhiên.

Cách đây hơn một tháng, bản thân tôi đã phải mua “ngoài” (thông qua dịch vụ của “ngân hàng”) USD với giá 21.040 VND/USD để lo chuyện học cho con. Giá cực đại ngân hàng có thể giao dịch hiện nay là 20.899,93 VND/USD khá sát với mức giá “chợ đen”, tức là mức tỷ giá thị trường thật.

Lẽ ra Ngân hàng Nhà nước đã phải điều chỉnh từ lâu, từng ít một, một cách thực sự “linh hoạt”, thì đã không xảy ra chuyện điều chính “giật cục”, lên đến 9,3% một lần như vừa rồi khiến nhiều người cảm thấy “ngỡ ngàng”.

Đây là việc làm cần thiết, như đã nói lẽ ra đã phải làm từ lâu một cách từ từ, tức là “linh hoạt”.

Rất đáng tiếc Ngân hàng Nhà nước đã không làm vậy mà vẫn làm theo kiểu cho đến khi “không thể không làm”, thì mới buộc phải làm, và vì thế phản ứng luôn thụ động và “giật cục”.

Cũng dễ hiểu các lý do “tế nhị” cho việc do dự này. Thứ nhất là vướng Đại hội lần thứ XI, mà lẽ ra, Ngân hàng Nhà nước phải hoạt động như một ngân hàng trung ương độc lập. Sau đó, Tết Nguyên đán lại đến. Tết cũng là thời điểm “tế nhị”. Giá cả trước Tết năm nào cũng tăng, nếu điều chỉnh tỷ giá theo chiều khiến VND mất giá, thì giá cả có cớ “leo thang” tiếp và điều đó có thể rất nguy hiểm. Cân nhắc này là hợp lý vì tính đến yếu tố tâm lý của lạm phát.

Điều chỉnh tỷ giá sẽ mang lại lợi cho một số đối tượng, gây thiệt hại cho các đối tượng khác. Bất cứ chính sách kinh tế nào của nhà nước cũng vậy.

Hãy xem vài mặt tích cực và tiêu cực của việc điều chỉnh.

Tỷ giá chính thức sát tỷ giá thật hơn, người mua và người bán sẽ minh bạch với nhau hơn. Chuyện giao dịch USD nằm ngoài hệ thống ngân hàng (hay ngân hàng thương mại chỉ làm “môi giới” cho thị trường này như mấy tháng qua) sẽ được cải thiện đáng kể. Chỉ riêng việc này thôi cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Giao dịch minh bạch hơn, ngân hàng đỡ “vi phạm” hơn, các cơ hội cho làm ăn “bất chính” giảm đi, người có USD bán được giá tốt hơn và có động lực để bán cho ngân hàng hơn thay vì “găm” lại..v..v.

Các nhà xuất khẩu sẽ có lợi vì cùng một lượng xuất khẩu tính bằng ngoại tệ sẽ thu được nhiều VND hơn, có thể cải thiện được lợi nhuận và tăng động lực xuất khẩu. Vì thế xuất khẩu có thể tăng.

Người nhập khẩu sẽ gặp khó khăn vì hàng nhập sẽ đắt hơn. Người xuất khẩu cũng phải tốn nhiều VND hơn nếu phải nhập nguyên liệu và vì thế tác động có lợi sẽ bị giảm đi, nhưng với họ lợi vẫn là chính.

Hàng nhập tăng giá sẽ góp phần làm tăng giá hàng hóa trong nước và vấn đề lạm phát sẽ gay gắt hơn. Chuyện này chỉ có thể bớt đi chừng nào nền kinh tế được tái cơ cấu một cách triệt để theo hướng tăng giá trị gia tăng ở trong nước, các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Điều chỉnh tỷ giá cũng có thể thúc đẩy việc tái cơ cấu như vậy, nếu đi cùng với các biện pháp khác (cạnh tranh lành mạnh, xóa bỏ bao cấp hay ưu ái cho các doanh nghiệp nhà nước, cắt giảm chi tiêu chính phủ, cắt các dự án kém hiệu quả).

Chỉ nhìn sơ vậy cũng thấy việc điều chỉnh có các tác động khác nhau đến những người tham gia vào nền kinh tế và càng hiểu kỹ hơn các tác động như vậy thì yếu tố “tâm lý” có hại đến sự biến động giá có thể được giảm bớt, nhưng cũng phải cảnh giác với những người muốn “tát nước theo mưa”.

Ngân hàng Nhà nước càng độc lập hơn, càng linh hoạt thật sự hơn trong điều chỉnh tỷ giá, báo giới càng thông thạo hơn trong việc đưa tin, thì các tác động tốt của điều chỉnh tỷ giá càng có cơ phát huy tác dụng và các mặt xấu của nó càng có thể được kiềm chế.

TS. Nguyễn Quang A
http://thitruongtaichinh.vn/?p=31671

0 comments:

Powered By Blogger