Author: Lê Thành Nhân | Posted on: 2017-04-12 |
Ngày xưa tri ân còn đâu!
Khi đang chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, tỷ phú Donald Trump và ông TT nước Nga Vladimir Putin xem nhau như đôi bạn tri ân. Hai người ra mặt khen nhau, và hình như – ít nhất – yểm trợ cho nhau về mặt tinh thần trên con đường công danh hoạn lộ…
Sau khi đắc cử TT Hoa Kỳ, người dân Mỹ ai cũng lo ngại ông tân TT Trump sẽ cặp kè với Putin. Trong khi ông Putin kinh nghiệm chính trị tình báo đầy mình như phù thủy, thì ông Trump chỉ có kinh nghiệm thương trường địa ốc làm sao đọ sức với nhau trên chính trường, sợ nước Mỹ sẽ thua lỗ lớn.
Sau khi đắc cử TT Hoa Kỳ, người dân Mỹ ai cũng lo ngại ông tân TT Trump sẽ cặp kè với Putin. Trong khi ông Putin kinh nghiệm chính trị tình báo đầy mình như phù thủy, thì ông Trump chỉ có kinh nghiệm thương trường địa ốc làm sao đọ sức với nhau trên chính trường, sợ nước Mỹ sẽ thua lỗ lớn.
"Thêm nữa, như đổ dầu vào lửa, TT Trump lại đưa ông Rex Tillerson lên làm Bộ Trưởng Ngoại Giao, là bạn thân của ông Putin, từng ngồi uống rượi Voka và đã nhận huy chương cao quý của Nga do Putin trao tặng chẳng khác gì đôi bạn tri kỷ.
Tổng thống là bạn tri ân, Bộ Trưởng Ngoại Giao là bạn tri kỷ, gắn bó nhau bằng sợi giây đô-la của hãng Exxon Mobil khai thác dầu hỏa tại Nga, con rể quý của ông Trump cũng có nguồn thương mại tại Nga.
So về mọi bề, dân Mỹ lo lắng là phải, sợ tân TT Hoa Kỳ sẽ lọt vào bát quái trận đồ của cựu trùm tình báo KGB Putin không thoát ra được, thì quyền lợi của nước Mỹ cũng bị Putin kéo chạy lòng vòng không lối thoát.
Bổng nhiên, cách đây chừng 5 ngày, báo chí đưa một bản tin như một tín hiệu vơi đi phần nào nỗi lo âu của người dân Mỹ “chính quyền Donald Trump cũng cứng rắn với Nga như dưới thời Obama”. Bài báo căn cứ lời của ông Trump nói chuyện trên đài truyền hình FoxNews ngày 05/02/2017, rồi đưa ra nhận định “Hai tháng sau khi lên cầm quyền, ông Donald Trump bớt lời ca ngợi đồng nhiệm Nga. Sự “ngưỡng mộ” giờ được thay thế bằng thái độ “tôn trọng”, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là sẽ “chơi thân” với Nga”. Một cái thở phào nhẹ nhõm cho ai quan tâm tình hình chính trị quốc tế.
Sự kiện Nga-Mỹ ngày càng xa nhau càng thấy rõ khi “tả phù hữu bật” của TT Trump là Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis đã có những tuyên bố siết chặt đồng minh với NATO. Trong khi ông ghé thăm Luân Đôn đã lên án Nga “vi phạm luật Quốc Tế tại Crimea” và “can thiệp vào các cuộc bầu cử tại nhiều nước”.
Bộ Trưởng Ngoại Giao Rex Tillerson, dù là bạn thân của Putin, trong buổi họp với khối NATO ngày 31/03 đã tố cáo Nga rằng “hành động xâm lược Ukraine của Nga” cách đây ba năm, đã “làm lung lay nền tảng an ninh và ổn định tại châu Âu”. Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ còn nói rằng ông sẽ đi theo chính sách của những người tiền nhiệm Kerry-Obama trước đây mà họ đã từng tuyên bố “Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận Nga làm thay đổi đường biên giới ở Ukraine.” Thêm nữa, trong bữa cơm thân mật với các đồng nhiệm trong khối NATO, ông Tillerson được vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt khi tuyên bố “nước Nga không còn xứng đáng để tin cậy”.
Tân đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Niki Haley, người Mỹ gốc Ấn Độ, cựu thống đốc tiểu bang South Carolina, chứng tỏ một nhà ngoại giao xuất sắc, bà đã tuyên bố đanh thép trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc “các lệnh trừng phạt được áp đặt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014 vẫn sẽ còn nguyên hiệu lực tới chừng nào Moscow trao trả Ukraine quyền kiểm soát khu vực này”. Đồng thời bà tố cáo Nga về tình trạng bạo lực càng gia tăng trong những ngày gần đây tại khu vực miền Đông Ukraine.
Dù vậy, Putin vẫn còn nuôi mộng bắt tay với Trump hứa cùng nhau giải quyết vấn đề khủng bố ở Syria, tưởng rằng ông Trump mới lên làm tổng thống còn lạnh chân chẳng dám làm gì, nên Nga đứng đằng sau đỡ lưng cho TT Syria Bashar al-Assad, tên sát nhân dùng vũ khí hóa học để giết dân lành trong đó có đàn bà, trẻ em tổng cộng lên đến 87 người.
Không hành xử như ông TT Obama phải đem ra Quốc Hội xin “hòa hay chiến”, Ông Trump âm thầm ra lệnh phóng 59 hỏa tiễn Tomahawk từ hai chiến hạm Hải Quân Hoa Kỳ USS Ross và USS Porter vào phi trường Shayrat, Syria nơi xuất phát vũ khí hóa học giết chết dân lành. Theo tin bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết, 59 hỏa tiễn đã phá hủy 20% tiềm lực máy bay quân sự của Syria, lại còn răn đe sẽ tấn công nếu al-Assad tiếp tục dùng chất hóa học.
Tuần trăng mật Putin-Trump tan vỡ
Sau vụ phóng 59 hỏa tiễn Tomahawk vào Syria, chẳng khác nào cái tát nẩy lửa vào mặt Putin, thì giọng điệu những cái loa phát thanh của Putin thay đổi 180 độ. Thay vì khen tỷ phú Trump không tiết lời trước đây, nay đổi giọng cho rằng “Trump không có chút kinh nghiệm nào về chính trị quốc tế” và rồi “chỉ biết hành động theo cảm tính chứ chẳng biết suy xét gì”.
Trong cả tuần nay, Tòa Bạch Ốc gửi các nhân viên hữu trách lên các cơ quan truyền hình để giải thích cho dân chúng Mỹ biết tại sao phải phóng hỏa tiễn vào phi trường ở Syria để chận đứng hành động sát nhân của al-Assad. TT Trump cũng phái ngoại trưởng Rex Tillerson sang Moscow để giải thích cho chính phủ Nga, đồng thời vận động quốc tế hạ bệ TT Bashar al-Assad, tác nhân dùng bom hóa học giết chết thường dân và trẻ em vô tội.
Ngày 10/04/2017, ông Rex Tillerson lên đường đi Nga, trên đường đi đến Moscow, ông dừng lại tại Lucca nước Ý để dự hội nghị các nước G7 vào ngày 11/04 (G7 là 7 nước có nền kinh tế mạnh nhất thế giới gồm Canada, Pháp, Đức, Anh, Ý, Nhật và Mỹ ). Tại Lucca, vấn đề Syria cũng được G7 đem ra thảo luận sôi nổi, ông Tillerson đã dành một chiến thắng ngoại giao ngoạn mục là ngoại trưởng của 6 nước trong khối G7 đều ủng hộ ông Tillerson về nội dung bàn thảo với Nga ngày hôm sau 12/04, trong đó việc loại bỏ Bashar al-Assad ra khỏi chính quyền Syria là điều kiện để giải quyết khủng hoảng tại Syria hiện nay. Trong lúc hội nghị G7 đang diễn ra thì 6 nước thuộc vùng Trung Đông gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Jordani và Qatar cũng đến Lucca, Ý gặp G7 để thảo luận tìm cách cô lập ngoại giao đối với al-Assad.
Trước khi đi dự hội nghị G7, ngoại trưởng Tillerson chỉ trích Nga rằng do “đồng lõa” hoặc do “bất tài” đã không ngăn chận vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vào thường dân tại Syria. Và Mỹ khẳng định Nga đã biết trước là sẽ có một vụ tấn công hóa học ở Syria, tuy vậy hiện chưa có bằng chứng cụ thể là Moscow có can dự vào sự việc này hay không. Còn Nga thì từ chối cho rằng Bashar al-Assad không hề sử dụng vũ khí hóa học, mà khí độc đã lan ra sau khi một kho chứa vũ khí hóa học của lực lượng nổi dậy bị trúng bom.
Tình hình càng ngày càng căng thẳng, phát ngôn viên ngoại giao Nga tuyên bố Putin sẽ không gặp ngoại trưởng Rex Tillerson, mà chỉ có Bộ Trưởng ngoại giao Nga Serguei Lavrov đón tiếp. Hành động lánh mặt của Putin chẳng khác gì “bạn tri kỷ đến nhà mà không tiếp” thì tình bạn cũng không còn.
Tin cho hay ngày 12/04 ngoại trưởng Rex Tillerson đến Moscow để bàn về nhiều vấn đề như Syria, Bắc Hàn, Crimea, Ukraine. Như vậy phải chăng chuyến đi của ngoại trưởng Tillerson có phần liên hệ việc Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis đang điều Hàng Không Mẫu Hạm nguyên tử Carl Vinson áp sát Bắc Hàn?
Mặc dù tình hình xấu như vậy, nhưng vài giờ trước khi ông Tillerson đến Moscow, bộ Ngoại Giao Nga ra thông báo kêu gọi Mỹ “hợp tác xây dựng” chứ đừng đi đến “đối đầu”. Thông báo có phần giảm nhiệt, nội dung than vãn rằng quan hệ Nga – Mỹ hôm nay đang trải qua giai đoạn khó khăn kể từ sau Chiến Tranh Lạnh kết thúc, và bộ Ngoại Giao Nga tuyên bố sẵn sàng có “một cuộc đối thoại thẳng thắn nhất có thể được”. Như vậy ông Trump xem ra đã ở thế thượng phong bước đầu.
Người dân Mỹ nay đã yên chí, việc thân thiện để hợp tác giữ Trump-Putin không còn, hai người cùng nhau kêu gọi: “Let’s Make The World Great Again – Togheter” (Hãy Cùng Nhau Làm Cho Thế Giới Vĩ Đại Trở Lại), nhưng chim quyên không thể cùng quạ đen để làm đẹp cho vườn thượng uyển! Trước đây một học giả đã từng phân tích cặn kẽ về đặc tính, bản chất, hoàn cảnh của Putin và Trump không thể là bạn bè lâu dài với nhau. Nay thì đã rõ, hy vọng rằng hỏa tiễn nguyên tử đừng phóng đi từ mệnh lệnh của chủ nhân điện Kremlin hay White House.
Hóa ra ai cũng đặt quyền lợi tổ quốc mình lên trên tình băng hữu cá nhân, điều này chứng minh chính trị gia người Anh vào thế kỷ thứ 18, Lord Palmerston đã đưa ra một ý niệm ngoại giao như phương châm hành động “Nations have no permanent friends or allies, they only have permanent interests.” (Các quốc gia không có bạn hay đồng minh lâu dài mà chỉ có lợi ích lâu dài). Câu thần chú ngoại giao đó nằm lòng trong giới ngoại giao tây phương, đặc biệt là ngoại giao Mỹ. Sau này Henry Kissinger áp dụng nhuần nhuyễn phương châm của Palmerson như một đệ tử trung thành, Kissinger thường nhắc “America has no permanent friends or enemies, only interests” (Hoa Kỳ không có bạn bè hay kẻ thù lâu dài mà chỉ có quyền lợi).
Thì ra, “tư duy” (tư duy trong dấu ngoặt kép) ngoại giao của lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đi ngược lại với chân lý ngoại giao của Lord Palmerston, như tướng công an Trang Giang Long đã nói trong đoạn video trước đây: “….mừng vô cùng, các đồng chí ạ, đại hội 12 của đảng ta [CSVN] mới bừng tỉnh, mới ghi vào trong nghị quyết của mình là mọi chủ trương đường lối đối ngoại của đảng ta đều phải lấy lợi ích dân tộc làm trọng và đều phải xuất phát từ lợi ích dân tộc. Bây giờ nói trong nhà thôi, bây giờ là các bố té ngửa là chết cha chúng mình mấy đời…” và rồi thì tướng công an cộng sản nói tiếp “…trên thế giới này tôi không biết nhiều, nhưng tôi dám khẳng định với các đồng chí dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc chơi với bạn tốt đến mức còn cái quần xà lỏn cũng chơi, không ai chơi với bạn tốt hơn chúng mình. Thậm chí tốt đến mức mà sẵn sàng biếu không, tặng không bạn một bà vợ của mình….”
Ông Lord Palmerston (1784-1862) chính trị gia người Anh cách đây 233 đã nhìn ra chân lý: “Các quốc gia không có bạn hay đồng minh lâu dài mà chỉ có lợi ích lâu dài” …. Thế mà Đại hội thứ 12 của CSVN vào tháng 1 năm 2016, tức 232 năm sau mới “…bừng tỉnh rằng đường lối ngoại giao phải đặt trên quyền lợi dân tộc…”
Với suy nghĩ và viễn kiến chết người của CSVN như thế cho nên ta chẳng lạ gì khi Mỹ đang đi phi thuyền lên cung trăng thì Việt Nam dưới thời CSVN còn đi xe đạp. Vì quá tốt với bạn như vậy nên tình nguyện làm tay sai cho Trung Cộng suốt đời.
Suy tư của người tây phương đi trước CSVN 232 năm, vậy đảng CSVN chờ 232 năm nữa mới đuổi kịp các nước Tây Phương ?! Dân tộc Việt sẽ còn khổ đau đến kiếp nào?
Lê Thành Nhân
0 comments:
Post a Comment