Thursday, March 31, 2016

Sợ đổi mới chính trị sẽ tan hàng rã đám

Vấn đề có cần đổi mới chính trị thì đổi mới kinh tế mới thành công đang là chuyện nhức đầu của đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo ở Việt Nam.

Nhiều trí thức trong và ngoài đảng và chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã khẳng định “đổi mới chính trị là nhu cầu cấp bách”, nhưng Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và những cái đầu cực kỳ bảo thủ và giáo điều trong Hội đồng Lý luận Trung ương và Ban Tuyên giáo quyết chống, vì sợ sẽ tan hàng rã đám.

Ông Trọng thì nói: “Chúng ta phải tiếp tục đổi mới, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, nhưng đổi mới phải đúng hướng, không được lạc đường, từ cực này nhảy sang cực kia. Các thế lực xấu, thù địch đang rất muốn chúng ta thay đổi chế độ chính trị. Tại một số hội nghị Trung ương và Bộ Chính trị tôi đã nói, đổi mới chính trị không có nghĩa là thay đổi chế độ chính trị, không có nghĩa là làm thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta. Đường lối phải đi đúng phương hướng của Cương lĩnh và Hiến pháp mới được thông qua. Tiếp tục phát huy dân chủ nhưng phải có kỷ cương, kỷ luật.” (Diễn văn tại Hội nghị cán bộ toàn quốc về tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2015, nhiệm vụ trọng tâm năm 2016, tổ chức tại Hà Nội ngày 26/03/2016)

Ông Tổng Bí thư đảng CSVN không nói cho dân biết “đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ” là đổi mới những gì và làm ra sao, hay có cần những con người mới và việc mới hay không?

Nhưng nếu phải “đúng phương hướng của Cương lĩnh và Hiến pháp mới được thông qua” thì nói “đổi mới” làm gì cho vô nghĩa? Bởi vì cả Cương lĩnh “xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)” lẫn Hiến pháp năm 2013 đều cho phép đảng tự ý nhân danh dân để chiếm độc quyền cai trị, dù dân chưa hề bao giờ bỏ phiếu hay trao quyền này cho đảng.

Cương lĩnh 2011 đã tự chép lại những gì ghi trong Cương lĩnh thông qua hồi tháng 6-1991 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.”

Đến khi sửa và bổ sung Hiến pháp 1992 thì Quốc hội do “đảng cử” cho “dân bầu” lại chép lại và bổ túc Điều 4 trong Hiến pháp 2013: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”

Họ cũng đã thêm mắm thêm muối cho mặn mà trong Điều 4 mới rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.”

Và: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”

Tuy đảng nói thế nhưng chưa bao giờ đảng chịu làm đầy tớ của nhân dân là chủ nhân thật sự của đất nước như ông Hồ Chí Minh luôn miệng mị dân. Đảng chỉ muốn cai trị dân và đòi dân phải lao động đầu tắt mặt tối nuôi đảng và phải làm theo điều đảng muốn. Không một ai dám cãi đảng dù biết nhiều điều đảng bắt dân làm là vô lý, trái pháp luật và chà đạp quyền con người. 

Nhiều khi đi ngược lại cả Hiến pháp như vẫn không chịu để cho Quốc hội thảo luận Dự luật Biểu tình, đáng lẽ phải trình ra Quốc hội tại kỳ họp 11, phiên cuối cùng của Khóa Quốc hội 13.

Lấy lý do Văn phòng Chính phủ đưa ra vì còn có những ý kiến khác nhau nên xin hoãn trình Dự Luật Biểu tình lần nữa. Sự thật là trong Bộ Quốc phòng và Bộ Công an (cơ quan soạn Luật biểu tình) vẫn có những phần tử chống Luật Biểu tình. Họ cho rằng nếu có Luật Biểu tình là “đổi mới chính trị”, đi ngược lại chủ trương của đảng. Mà “đảng” thì quyền quyết định lại nằm gọn trong Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong cầm đầu nên nói ngược, nói xuôi đến đâu cũng chỉ quy vào một mối mà thôi.

Vì vậy, mà đảng đã tự viết Hiến pháp để luật hóa Cương lĩnh và hợp thức hóa vai trò cầm quyền tự biên và tự diễn của mình khiến cho Bộ Luật cao nhất của Quốc gia thành lãng nhách.

Bức xúc hay hoang mang?

Nhưng tại sao chỉ trong vòng 14 tháng mà ông Trọng đã phải nói lại quan điểm được gọi là “đổi mới chính trị”, theo cách nghĩ và làm phi truyền thống của lãnh đạo CSVN?

Giản dị là vì tại Hội nghị Trung ương 10 khóa đảng XI, từ 05 đến ngày 12-01-2015, các Ủy viên Trung ương đã thảo luận đề xuất cần "đổi mới đồng bộ hơn giữa chính trị và kinh tế" nhưng không cho biết kết quả.

Chỉ thấy báo đảng đưa tin ông Trọng nói trong diễn văn bế mạc: “Phải nắm vững và khẳng định: Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước, mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức công tác, lề lối làm việc, cải cách hành chính, chống tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia.” (VietNamNet, 12/01/2015)

Đề xuất được gọi là “đổi mới” của ông Trọng là không được thay thế hay làm sút giảm vai trò lãnh đạo và chính sách cai trị độc tôn của đảng Cộng sản. Ông chỉ muốn thay đổi cơ cấu tổ chức của của nhà nước sao cho tinh gọn và hiệu lực và nâng cao khả năng chuyên môn và tinh thần phục vụ của cán bộ, đảng viên trong tất cả mọi lĩnh vực.

Vì vậy mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã can đảm nói thẳng đề nghị “đổi mới chính trị” tại Đại hội Đảng lần thứ 12, sáng 22/1/2016.

Ông Vinh, người sẽ nghỉ hưu sau khi bàn giao cho người kế nhiệm trong Chính phủ mới vào tháng 7 (2016) là chậm nhất, nói: “Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa, đặc biệt là nền kinh tế trong thời kỳ chiến tranh, nay đã không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường, thậm chí trở thành rào cản. Vì vậy, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách. Đảng là người lãnh đạo cao nhất, cần chủ động và nghiêm khắc đánh giá lại chính mình, đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết mà Đại hội Đảng toàn quốc đã xác định. Kiên quyết đổi mới tổ chức, chức năng nhiệm vụ của tổ chức Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị...”.

Ông Vinh cũng không dám nói hết ý nghĩ phải “đổi mới hệ thống chính trị” thì cần phải thay đổi như thế nào, nhưng ông đã thẳng thắn nói bộ máy cầm quyền và tư duy lãnh đạo của thời bao cấp khi còn chiến tranh không còn phù hợp với thời đại hội nhập vào nền kinh tế thị trường ngày nay.

Ông nói: “Trọng tâm là hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội.”

Từ trước Đại hội đảng XII, từ ông Nguyễn Phú Trọng xuống cho đến cấp Ủy địa phương và trong Chính phủ, chưa có cấp lãnh đạo cao nào dám đề xướng “mở rộng dân chủ trong xã hội” song song với “mở rộng dân chủ trong đảng”.

Các lãnh đạo đảng từ thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khóa VI cho đến thời Nguyễn Phú Trọng khóa XII không ông nào dám hé răng nói đến mấy chữ “mở rộng dân chủ trong xã hội”. Tất cả chỉ biết đề cao “dân chủ trong đảng” như phương thức sinh hoạt nội bộ. 

Có nghĩa anh muốn nói gì trong phòng họp cũng được, nhưng khi ra khỏi phòng thì miệng anh phải khóa lại. Và khi biểu quyết thì thiều số phải phục tùng đa số nên đảng gọi hoa mỹ là “tập trung dân chủ”!

Cũng giống như sinh hoạt của Quốc Hội trong mấy năm gần đây xem ra dân chủ hơn trước, nhưng hiếm thấy có Đại biểu nào dám đòi quyền làm chủ đất nước cho dân hay đòi Quốc Hội phải có những Đại biểu không chỉ biết gật mỗi khi đảng muốn.

Vì vậy bài tham luận của ông Vinh được báo chí và nhiều giới rong và ngoài đảng hoan nghênh là thẳng thắn vì đáp ứng nhu cầu đổi mới của xã hội. Riêng ông Trọng và lãnh đạo bảo thủ trong đảng thì đã lạnh lùng với ý kiến táo bạo này.

Kinh tế và chính trị 

Việt Nam đã đổi mới kinh tế để khỏi chết từ Hội nghị Trung ương VI năm 1986, nhưng không chịu đổi mới chính trị cho nhân dân được trực tiếp tham gia việc nước theo thể thức bầu cử dân chủ và đa đảng chính trị. 

Trong hệ thống cai trị hiện nay, người dân Việt Nam không dám phê bình chính sách của nhà nước và chủ trương của đảng. Lại càng không được chạm đến lãnh đạo vì họ là thành phần tự cho mình có quyền bất khả xâm phạm.

Báo chí mang danh ”báo chí cách mạng” nhưng toàn làm những chuyện phản cách mạng và đi ngược lại quyền lợi của dân. Chẳng hạn như khi Công an tấn công người dân đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược thì báo chí quay mặt làm ngơ. Ngược lại, họ lại đề cao đám công an đội lốt côn đồ hay dư luận viên đánh đập dân oan xuống đường đòi công bằng, tố cáo quan tham.

Báo chí cũng chưa bao giờ dám đụng đến “lỗ chân lông” lãnh đạo, dù biết họ có lỗi với dân hay tham nhũng, thối nát.

Trong phát triển kinh tế, sự thiếu công bằng trong đối xử giữa các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, cộng thêm với tình trạng phải trao phong bì tiền “bôi trơn” để không bị trù dập hay chậm thủ tục là một trong những nguyên nhân làm mất cân bằng trong phát triển.

Lại có vô số Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), dù tiếp tục làm ăn thua lỗ năm này quan năm khác mà vẫn được ưu tiên vay vốn, hưởng giá thuê mặt bằng nhẹ hơn doanh nghiệp tư nhân hay nước ngoài thì làm sao mà gánh nặng không đổ lên đầu người dân tiêu thụ và công nhân?

Ngoài ra còn phải kể đến khoản nợ công của Việt Nam, chia cho mỗi đầu người trong số 90 triệu dân là trên 1,000 US Dollars và tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng như đảng đã nhìn nhận thì làm sao đất nước khá lên được?

Vì vậy, Thủ tướng mãn nhiệm Nguyễn Tấn Dũng đã phải nói: “Chống tham nhũng, tiêu cực không có cách nào khác là phải phát huy đầy đủ quyền làm chủ, quyền dân chủ của người dân gắn với công khai, minh bạch. Đây là giải pháp căn cơ nhất để chống tiêu cực, tham nhũng.”

Ông Dũng nói như thế sáng 30/03 (2016) tại trụ sở Chính phủ trong khi cùng với Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị đánh giá hợp tác giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông nói thêm: “Nghe được nhiều luồng ý kiến, trí tuệ của toàn dân để mục đích cuối cùng là đưa ra được chủ trương, chính sách đúng, từ đó thì mới tạo được đồng thuận. Đối với Chính phủ, công tác vận động quần chúng rất quan trọng. Anh đưa ra chủ trương chính sách mà không đúng, không phù hợp thì không thể vận động được nhân dân. Phải đề cao phối hợp làm tốt công tác phản biện, giám sát cũng chính là phát huy quyền làm chủ của người dân, quyền dân chủ của người dân...”.

Đó là cách thực hành “dân chủ trong dân và trong xã hội”, thay vì chỉ biết thực hành dân chủ dành riêng cho đảng viên tại các cuộc họp của đảng mà ông Trọng vẫn đề cao từ trước tới nay.

Nhưng tại sao bây giờ, khi không còn quyền hành và sắp nghỉ hưu thì ông Dũng mới nói những câu nghe “mát tai” đến thế? Không biết gần 10 năm giữ chức Thủ tướng và 7 năm làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng ông đã làm gì mà tham nhũng “vẫn còn nghiêm trọng” cho đến ngày nay?

Nhưng cũng chính vì dân chưa có dân chủ và xã hội vẫn còn bị đảng kiểm soát nên đảng đã mất hết “liên hệ máu thịt” với dân và không được dân hợp tác trong công tác làm sạch đảng như đề ra Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.” 

Có lẽ vì thế mà ông Trọng đã khá thẳng thắn trong Diễn văn hôm 26/3 (2016) khi ông nói với Cán bộ Xây dựng đảng: “Hiện nay, trong dư luận xã hội vẫn râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy chế độ, chạy luân chuyển... Tại Hội nghị lần này, tôi đề nghị các đồng chí thẳng thắn thảo luận xem có chuyện ấy hay không, mức độ thế nào, để cho rõ ràng, minh bạch. Nếu có thì ta phải sửa, phải rút kinh nghiệm; nếu không có thì cũng phải trả lời, cho rõ ràng, sòng phẳng, xem ai chạy, chạy ai? Phải giải tỏa được tâm tư, tâm trạng đó; phải khắc phục cho được tình trạng này. Muốn thế, phải bằng luật pháp, bằng quy chế, quy định, rồi kiểm tra, đôn đốc ráo riết. Và trước hết là những người làm công tác cán bộ phải liêm chính, trong sáng, công tâm. Có phải không? Nhìn thẳng vào sự thật đi.”

Nhưng ông Trọng, người còn là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống Tham nhũng và có bằng Tiến sĩ về môn Xây dựng Đảng mà không biết những chuyện bê bối này thì tại sao ông không đi “thăm dân cho biết sự tình” để tìm hiểu đến nơi đến chốn?

Tôi tin nếu ông chịu xuất hành đến với dân thì nhiều người sẽ không ngại nói với ông: “Bác Trọng ơi, Bác có cho ăn vàng chúng tôi cũng không dám nói cho Bác nghe, vì có ai bảo vệ miếng cơm manh áo cho chúng tôi đâu. Hơn nữa quyền sinh sát nằm gọn trọng tay bác mà bác còn chưa biết, huống chi bọn dân đen thấp cổ bé miệng như chúng tôi. Nếu bác không sợ tan hàng rã đám thì cứ trả quyền làm chủ đất nước cho chúng tôi và tôn trọng các quyền dân chủ và tự do đã ghi trong Hiến pháp thì chúng tôi tin bác sẽ dược nghe dân nói cho biết đầy lỗ tai.”

01.04.2016

0 comments:

Powered By Blogger