Trọng Nghĩa | Source: RFI | Posted on: 2016-03-25 |
Tàu hải cảnh Trung Quốc thả neo tại Luconia Shoals, Biển Đông.DR
Trong một động thái được ghi nhận là bất thường, chính quyền Kuala Lumpur ngày 08/06/2015 tuyên bố là họ sẽ phản đối vụ tàu Hải cảnh Trung Quốc bị cáo buộc là đã thâm nhập vào vùng lãnh hải của Malaysia. Vụ việc xẩy ra tại một vùng biển ở phía bắc Borneo.
Trong một bài phỏng vấn, ông Shahidan Kassim ,Bộ trưởng An ninh Quốc gia Malaysia, khẳng định là tàu công vụ của Trung Quốc đã thâm nhập vào một khu vực không phải là vùng có tranh chấp chủ quyền. Kuala Lumpur đang có « hành động ngoại giao » để phản đối Bắc Kinh, và Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak sẽ trực tiếp nêu vấn đề với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Lời phản đối Trung Quốc một cách công khai của Malaysia rất đáng chú ý ,vì từ trước đến nay, nước này thường rất kín tiếng trong hồ sơ Biển Đông, ít khi chỉ trích Trung Quốc, ngược lại với hai láng giềng Philippines và Việt Nam.
Vào tuần trước, chính Bộ trưởng Kassim đã tiết lộ vụ tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Malaysia khi cho đăng trên trang Facebook cá nhân của mình hình ảnh một con tàu Hải cảnh của Trung Quốc thả neo tại Luconia Shoals.
Đây là một vùng gồm nhiều đảo nhỏ và rạn san hô, nằm sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế khoảng 400 km mà Malaysia tuyên bố. Vùng này chỉ cách đảo lớn Borneo của Malaysia khoảng 150 km về phía bắc, trong lúc cách lục địa Trung Quốc khoảng 2.000 km.
Khi được hỏi về tuyên bố của chính quyền Malaysia vào hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi từ chối trả lời, cho rằng ông không có thông tin gì về lời cáo buộc của Malaysia, theo đó tàu Trung Quốc đã thả neo tại Luconia Shoals.
Luconia Shoals nằm gần cực nam của cái gọi là đường lưỡi bò mà Trung Quốc sử dụng để đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông. Khu vực này là đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc, Đài Loan và Malaysia.
----------
Khoảng 100 tàu cá Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế Malaysia
Trọng Thành | Source: RFI | Posted on: 2016-03-25 |
Các tàu cá Trung Quốc bị phát hiện đi từ cảng Thẩm Gia (Shenjiawan) ở Chu Sơn (Zhoushan), tỉnh Chiết Giang đến ngư trường Biển Đông, 17/09/2012.REUTERS/Stringer
Tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng với vụ tàu cá Trung Quốc xâm nhập ồ ạt vào vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước Đông Nam Á. Hôm qua 24/03/2016, Malaysia phát hiện khoảng một trăm tàu cá, được hai tàu hải cảnh Trung Quốc bảo vệ, tại khu vực bãi cạn Luconia. Bộ trưởng đặc trách An Ninh Malaysia thông báo Kuala Lumpur đã triển khai máy bay và chiến hạm để theo dõi và sẵn sàng có phản ứng thích đáng.
Trả lời truyền thông trong nước hôm nay, 25/03, bộ trưởng đặc trách An Ninh Malaysia Shahidan Kassim cho biết một máy bay Bombardier cùng với ba chiến hạm của Hải Quân Hoàng Gia và cơ quan tuần duyên Malaysia MMEA đã được điều động tới khu vực. Theo bộ trưởng Malaysia, được báo New Straits Times dẫn lời, chính quyền nước này sẽ có thể can thiệp bằng vũ lực nếu các tàu cá và tuần duyên Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.
Các tàu cá Trung Quốc bị phát hiện tại bãi cạn Luconia, Malaysia gọi là Betting Patinggi Ali, cách điểm đất liền gần nhất của Malaysia khoảng 60 km, và cách bờ biển Trung Quốc hơn 2.000 km.
Đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên gần như toàn bộ Biển Đông bị nhiều nước láng giềng phản đối, cộng đồng quốc tế lo ngại xung đột bùng phát. Hồi tháng 6/2015, chính quyền Malaysia đã lên án việc Trung Quốc đưa tàu tuần duyên vào khu vực bãi cạn Luconia. Mới đây, ngày 19/03, tuần duyên Indonesia đã bắt giữ 8 thủy thủ tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng biển Natuna thuộc Indonesia. Tàu hải cảnh Trung Quốc đã ngăn cản cơ quan công lực Indonesia thực thi nhiệm vụ.
---------
0 comments:
Post a Comment