Sunday, March 27, 2016

Quốc hội gia nô

 Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trả lời phỏng vấn của Mặc Lâm đài Á Châu Tự Do về vai trò đại biểu trong cái gọi là Quốc hội của CSVN và: “Ai sẽ có quyền trở thành đại biểu QH?” Luật sư Thuận nói:

“Điều đó ở Việt Nam không để ý tới và không được nói đến lãnh vực đó. Đại biểu QH do mấy người có quyền họ chọn, họ điểm danh, họ chọn và những người đó là công cụ của họ. Đại biểu QH không lệ thuộc vào nhân dân mà lệ thuộc vào những người chọn mình ra ứng cử để trở thành đại biểu QH. Cho nên những người đại biểu QH làm theo ý chí và quyền lực của người chọn ra họ thì làm sao đại biểu là cao nhất, đại diện nguyện vọng ý chí của người dân được”. (RFA online ngày 1-5-2014)

Trong một bức thư ngỏ của ông Bùi Như Thủy gửi những đại biểu Quốc hội khóa 12 có đoạn viết:

“Quốc hội khóa 12 phần đông ‘chỉ như ông bưu điện đóng dấu rồi kính chuyễn’. Thôi thì sống chết mặc bây, ông bà cứ là đại biểu QH, không vẻ vang lắm sao.

Báo mạng Vietnamnet ngày 14-2-2011 có đánh giá về các vị đại biểu QH khóa 12: ‘sau khi được bầu vào QH thì họ quên cử tri… Có những đại biểu QH không bao giờ phát biểu gì, mà lúc nào cũng giơ tay đồng ý”. (Boxitvn online ngày 22-3-2011)

Đại biểu Nguyễn Minh Hồng (TP.Sai Gon) trong phiên thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XI:

“Bà Hồng cho rằng, QH đang rơi vào tình thế Chính phủ đưa sang luật nào là làm luật nấy, không quyết liệt đòi hỏi cái gì quan trọng phải trình trước. Ngay dự án, công trình quan trọng quốc gia đáng lý phải được xem xét cẩn trọng, thì đại biểu cũng chỉ biết đưa gì bàn nấy…

“QH đang ở trạng thái Chính phủ đưa món gì ăn món đấy, vì không có lựa chọn nên không biết món nào ngon hơn”. (Vietnamnet online ngày 28-3-2011)

Rồi đây trong kỳ họp cuối cùng của QH khóa 13 phải chuẩn thuận danh sách bộ tam sên Quang, Ngân, Phúc đứng đầu chính phủ mà đảng cộng sản vừa chọn trong kỳ họp đại hội 12. Như vậy cho thấy vai trò của QH gia nô thế là cùng.

Theo sự nhận định của cựu Đại tá QĐND Bùi Tín, người có mặt trong dinh Độc Lập ngày 30 tháng 4 năm 1975, bây giờ ông cũng đang ty nạn ở nước ngoài như những người bên thua cuộc cho chúng ta thấy cái gọi là QH của đảng CSVN như sau:

“Không những tất cả Bộ chính trị đều trong đại biểu QH mà có tới 26 Bộ trưởng, rồi thứ trưởng và Phó thủ tướng đều trong QH cả. Trong khi ở các nước, họ đều tách lập pháp riêng, tư pháp riêng và hành pháp riêng. QH riêng, chính phủ riêng. Do đó QH mới kiểm soát được chính phủ. Đàng này vừa đá bóng vừa thổi còi, tức là vừa QH, vừa là CP, vừa là đảng luôn. Do đấy là chế độ độc quyền, không có gì gọi là dân chủ”. (RFA online ngày 19-5-2011)

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện phản biện IDS đã tự giải thể và là người dẫn đầu nhóm tự ứng cử QH khóa 14 này để thử thời dân chủ đã có lần đưa ra nhận định về chất lượng của QH CSVN hiện nay như sau:

“Cái QH này, kể cả QH trước cũng thế là QH mà đại bộ phận là các đại biểu đảng cử, dân bầu thì không thể nào có chất lượng được. Vì không có bất kỳ sự cạnh tranh, không có một sự vận động, không có sự chọn lọc của các nhóm xã hội để đưa ra các ứng cử viên sáng giá, thì làm sao chúng ta có thể đòi hỏi một QH có chất lượng?” (RFA online ngày 14-11-2014)

Trong buổi thảo luận tổ về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ QH khóa 12 sáng ngày 24-3-2011 ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của nhiều đại biểu tham dự như sau:

“Theo Đại biểu Hà Công Long (Gia Lai) nghiêm khắc chỉ ra vị thế QH chưa cao là vì ‘QH tự gò bó mình’. Ông Long phàn nàn, cả nhiệm kỳ 4 năm vừa qua, QH không lấy phiếu tín nhiệm một cá nhân nào cũng chưa bao giờ đưa ra được những phán quyết mạnh mẽ như buộc chấm dứt, tạm đình chỉ vấn đề gì”…

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào:

Hạn chế lớn nhất của QH là khả năng giám sát…

QH đã thể hiện vai trò của mình tốt hơn, như một chuyên gia nước ngoài từng trao đổi với tôi: ‘Quốc hội các ông đã đỡ gật hơn’. Tôi coi đây là một lời khen”. (DanTri online ngày 24-3-2011)

Nguyễn Giang, trưởng Ban Việt ngữ đài BBC tác giả bài “Các ông nghị cần ngủ nhiều, gật ít” đã nói lên được hoạt cảnh nghị gật có khi lại chơi game trong giờ thảo luận, có như thế mới thương người dân Việt Nam phải chịu cảnh “đảng chọn, dân chịu”.

Câu chuyện về một số đại biểu QH Việt Nam ngủ say sưa trong một vài kỳ họp được truyền hình trực tiếp trên VTV3 hiện đang được cộng đồng mạng quan tâm bình luận. Chỉ trong vòng vài giờ từ khi đăng lên trang Facbook của BBC Tiếng Việt, hai bức hình ‘Nghị ngủ gật’ đã thu hút 1 triệu lượt xem”. (BBC online ngày 20-11-2014)

Theo sự nhận định của Đại tá QĐND Bùi Văn Bồng, nguyên trưởng Đại diện Báo Quân đội Nhân dân của SCVN tại Đồng bằng sông Cửu Long nói về việc cơ cấu nhân sự thì QH chỉ là cơ quan phụ thuộc và chấp hành chỉ thị của đảng mà thôi.

Quốc hội không bàn vấn đề đó vì đảng không chỉ đạo QH bàn. Bởi việc đó là việc của đảng, QH chỉ biết chấp hành và tuân theo những gì đảng đã chỉ đạo, đã lãnh đạo và nội dung đã được duyệt, thì QH bàn theo nội dung đó”. (BBC online ngày 23-10-2015)

Theo ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Tư Pháp nói về việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013, nhưng phải chờ đảng quyết rồi QH mới làm theo, còn không thì thôi.

Nguyện vọng của toàn dân cũng như của những vị trí thức lão thành đã từng đưa kiến nghị sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó quan trọng nhất là đề nghị bỏ điều 4, tuy nhiên sau lần sửa đổi năm 2013 thì Hiến pháp “vũ như cẩn”.

Khi nói đến thiết chế là phải QH. Nhưng QH dưới sự lãnh đạo của đảng. Chẳng hạn muốn sửa Hiến pháp, phải chờ đại hội đảng quyết, đảng quyết rồi mới thành quyết định của QH.

Tôi có tham gia một số hội thảo bàn về văn kiện đại hội XI, lúc đầu nói sẽ sửa đổi cương lĩnh, anh em chờ đợi, hi vọng rất nhiều nhưng bây giờ đọc lại dự thảo sửa đổi thì có thấy sửa gì đâu. Có người nói đó là bước lùi chứ không phải là cải tiến”. (DanChimViet online ngày 2-9-2010)

Người đứng đầu đảng của CSVN, TBT Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố:

Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của đảng”.

Từ Việt Nam, Đại tá Phạm Đình Trọng, cựu đảng viên đảng CSVN nêu nhận xét về câu nói này của người đứng đầu đảng CSVN:

“Điều ông ấy nói vô cùng thảm hại, vô cùng nguy hại cho đất nước. Đưa cương lĩnh của đảng lên trên Hiến pháp, lên trên pháp luật là một điều lú lẫn, một điều xằng bậy không thể chấp nhận được”. (RFA online ngày 29-9-2013)

Đại tá Phạm Đình Trọng trong bài “Ngước nhìn Quốc hội” đã nói rõ cái chân tướng QH chỉ là cơ quan quyền lực của đảng chứ không phải của dân. 

Từ yêu cầu, đòi hỏi, từ sứ mệnh, trọng trách của đại biểu QH như vậy chúng ta mới thấy QH của ta không hề có vóc dáng Nhân Dân, không hề mang khí phách Nhân Dân. Nhìn những gương mặt đại biểu QH chúng ta thấy rõ QH từ khóa II đến khóa XIII chỉ là cơ quan đảng, cơ quan chính phủ mở rộng. Quốc hội sinh ra chỉ tạo thêm cho đảng cộng sản, cho nhà nước cộng sản một cơ quan quyền lực cai trị Dân, áp đặt ý chí của đảng cầm quyền cho xã hội, hoàn toàn không phải là cơ quan quyền lực của Dân để ngăn chặn và giám sát sự lạm quyền của quyền lực nhà nước”. (DanLuan online ngày 7-12-2011)

Quốc hội Việt Nam ai cũng biết rằng trong đó có tới 90% là đảng viên cộng sản cho nên các đại biểu chỉ thi hành lệnh của đảng, do vậy vai trò của QH là dư thừa. Vì là dư thừa cho nên đài RFA đặt vấn đề “Bầu cử Quốc hội ở Việt Nam: có cần thiết?

Khi phát biểu tại Hội thảo góp ý với văn kiện Đại hội đảng, bà Dương Thu Hương, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước CSVN cho biết:

Tôi rất xấu hổ khi nói rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, có quyền gì đâu ạ mà bảo là cơ quan quyền lực cao nhất. Thế rồi đại biểu QH là đảng viên thì lại không dám phát biểu cái gì theo chính kiến của mình mà lại phải giơ tay đúng với cái chủ trương của đảng và nhà nước. Cho nên nếu là một đại biểu QH, vừa là đảng viên vừa là đại biểu QH thì trong con người đó hoàn toàn mâu thuẫn, tức là không đảm bảo được quyền lợi của cử tri mà phải thực hiện vai tròn đảng viên của mình. Và có thể lúc ấy phải hy sinh cái quyền lợi của cử tri”. (RFA online ngày 21-4-2011)

Trong Vietnannet có bài “QH là dân, dân quyết sai dân chịu chứ kỷ luật ai” đó là câu nói của vị chủ tịch QH khả ố Nguyễn Sinh Hùng nói về trách nhiệm của các vị đại biểu do “đảng cử”, dân không bầu cũng không được có bê bối thì dân chịu, “dân chủ thế là cùng”.

Theo ông QH là cơ quan lập pháp, nếu đưa ra quyết định, chủ trương sai cũng phải nhận khuyết điểm, nhưng không thể đem cả QH ra kỷ luật, nhất là kỷ luật hình sự. Bản thân chủ tịch QH cũng không phải là người đứng đầu QH mà là người điều phối chung, chủ tọa, giữ mối liên hệ 500 đại biểu. Vì thế, không thể vì cả 500 đại biểu bỏ phiếu mà kỷ luật cả 500 vị hay kỷ luật ông chủ tịch.

‘QH tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai?’, chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh”. (Vietnamnet online ngày 11-4-2014)

Trả lời câu hỏi của Mặc Lâm, đài RFA về câu nói của ông Chủ tịch QH CSVN Nguyễn Sinh Hùng, Luật sư Trần Quốc Thuận thẳng thắn nhận định:

Nói như thế là một cách nói rất tùy tiện. Nói như thế xúc phạm đến ý chí nguyện vọng của nhân dân cả nước. Cho nên đó là một câu nói vô trách nhiệm.

Những lời nói đó, đáng lẽ trong một đất nước có tự do báo chí, tự do lựa chọn thì nhất định ông đó không thể nào không bị ném hột vịt thúi vào mặt để cho thấy một người nói không có trách nhiệm với nhân dân”. (RFA online ngày 1-5-2014)

Ông Hồ Ngọc Nhuận, một dân biểu đối lập trong Quốc hội thời VNCH, chống lại sự có mặt của quân đội Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam, nay ông là Phó chủ tịch Mặt trận tổ quốc của CSVN tại TP Sài Gòn “bức xúc” vì MTTQ gạn lọc những thành phần ngoài đảng không được vào QH, ông Nhuận nói:

Bây giờ đây tôi cũng hỏi tại làm sao QH Sài Gòn của chúng tôi ngày xưa, các đảng phái được vô, tôn giáo được vô còn bây giờ mấy anh bít hết chỉ có đảng của mấy anh thôi. Đó là đảng hội chứ Quốc hội gì?” (RFA online ngày 2-10-2013)

0 comments:

Powered By Blogger