Thursday, March 3, 2016

Dân bầu quốc hội cho đảng xơi

“Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này. Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Luật tổ chức Quốc hội.”

Luật số 85/2015/QH13 quy định về “Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”, ban hành ngày 25 tháng 06 năm 2015 viết như thế, nhưng thủ tục phải vượt qua và điều kiện phải hội đủ của người ứng cử, tính tới tính lui lại không thoát được cái bẫy “đảng cử dân bầu” phản dân chủ như bấy lâu nay.

Hành trình vào rọ

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2016 – 2021 sẽ diễn ra trên toàn quốc cùng ngày 22/05/2016, nhưng mọi con mắt chỉ tập trung vào bầu 500 Đại biểu Quốc hội.

Tại sao?

Vì rằng, Luật viết rất ngon lành, nghe lọt lỗ tai vì dân vì nước, nhưng khi thực hành thì Luật chung biến thành lệ riêng của đảng theo tiêu chí bảo sao làm vậy. Không ai được cãi hay làm trái, kể cả cử tri cũng không dám bỏ đi bầu, dù biết hay không người ứng cử ở đơn vị mình.

Theo Luật Tổ chức Quốc Hội (57/2014/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2014) thì ứng cử viên phải:

"1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.”

Khác với điều kiện vào Ban Chấp hành Trung ương đảng XII, các ứng viên Quốc hội không buộc phải tiên quyết “tuyệt đối trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. 

Việc này chả có nghĩa lý gì vì có tới 99.9% Đại biểu 500 người sẽ là đảng viên. Số còn lại 1% người ngoài đảng được cho vào Quốc hội cũng chỉ để trang trí cho nhà nước bớt hình ảnh độc tài mà thôi.

Và để cuộc bầu cử tăng phần nghiêm chỉnh, Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng còn thay mặt Bộ Chính trị bày vẽ thêm điều kiện trong chỉ thị ngày 04/01/2016, theo đó sẽ: “Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng.”

Nhưng trong hồ sơ ứng cử, ngoài bản kê khai lý lịch có ghi trình độ học vấn, khả năng chuyên môn, ngoại ngữ, đảng viên hay không và bản khai tài sản, thu nhập không thấy người ứng cử phải nạp giấy chứng nhận không thuộc thành phần bị Bộ Chính trị nghiêm cấm, hay phải có giấy chứng xác nhận “Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.”

Chuyện này cũng dễ hiểu vì đảng cầm quyền Cộng sản Việt Nam (CSVN) chưa có tiền lệ và khả năng thẩm định cán bộ, đảng viên ai đã giữ và làm được lời dậy của ông Hồ Chí Minh rằng “dân là chủ, Đảng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân” .

Bằng chứng sau 86 năm thành lập đảng (3/2/1930 – 3/2/2016) và sau 12 lần đại hội, chưa bao giờ người dân được quyền làm chủ đất nước của mình để quyết định vận mệnh Quốc gia. Bầu cử cũng chỉ là hình thức hợp thức hóa những người đảng muốn đóng vai “đại biểu”. Nhưng những người này có làm tròn bổn phận đại diện dân trong vai trò lập pháp và giám sát chính phủ hay chỉ biết làm “nghị gật” theo lệnh đảng?

Vì vậy tiêu chuẩn chọn người vào Quốc hội khóa 14 đang được đặc biệt quan tâm trong hàng ngũ đảng viên. Ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam được Đài Tiếng nói Việt Nam (Voice of Việt Nam, VOV) trích lời nói rằng: “Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội là rất quan trọng. “Phải cụ thể hóa tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội nếu cứ tiêu chuẩn chung chung sẽ rất khó cho Mặt trận trong hiệp thương, giới thiệu nhân sự cho bầu cử. Cần có quy định cụ thể về phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị để lựa chọn được những người có tâm.” (VOV, 31/12/2015)

Trong khóa Quốc hội khóa XIII sắp mãn nhiệm có tổng cộng 500 người được bầu thì một số rất đông không bao giờ phát biểu, chất vấn hay phản biện tại diễn đàn Quốc hội từ ngày đắc cử năm 2011. Khóa này cũng có 2 nữ Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (khai gian lý lịch), đơn vị 1 Tỉnh Long An và Châu Thị Thu Nga (sai phạm trong kinh doanh), đơn vị Hà Nội bị bãi nhiệm. 

Số Đại biểu dám ăn dám nói tại diễn đàn Quốc hội trong các khóa, may ra được chừng 20 người là nhiều nhưng chưa bao giờ các Đại biểu biết làm luật trình ra Quốc hội là điều chỉ có trong hệ thống gọi là Lập pháp của nhà nước Việt Nam!

Như vậy, nếu Quốc hội có bị mang tiếng là cơ quan bù nhìn chỉ để “đóng dấu” chấp thuận các quyết định của đảng thì cũng chẳng oan gì.

Cơ cấu và chia ghế

Nhưng đảng CSVN lại không nghĩ đó là chuyện rất xấu hổ của một nhà nước tự cho mình có pháp quyền, và có dân chủ hơn nhiều nước trên thế giới.

Ngay đến chuyện gọi là “cơ cấu” người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương vào mỗi kỳ bầu Quốc hội cũng là chuyện rất tự nhiên và hãnh diện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Ủy ban này đã phân bổ số người được vào Quốc hội khóa XIV sắp tới là 500 người, giống như Khóa XIII, gồm 302 người là Đại Biểu ở địa phương và 198 là Đại Biểu ở Trung ương. 

Tổng số người sẽ được chọn cho ra ứng cử vào khoảng 896, lấy ra từ các cơ quan đảng, nhà nước, quân đội, công an và các ngành nghề trong xã hội, kể cả người dân tộc, thanh niên và phụ nữ.

Nhà nước khoe phân chia như thế là thể hiện tính đại diện đa dạng của dân trong Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước. Như vậy, sẽ có 396 ứng viên bị đánh bại (896 trừ đi 500 đắc cử) để tránh tai tiếng từng có các đơn vị bầu cử trước đây chỉ có 1 ứng cử viên nên dân hết đường chọn.

Nhưng ai có quyền chọn người cho ra tranh cử Quốc hội? Luật Bầu cử Quốc Hội quy định dành quyền cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ), tổ chức ngoại vi của đảng đứng ra “hiệp thương” để “lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.”

MTTQ cũng được “tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.”

Như vậy, đảng vừa tổ chức bầu cử, chọn ứng cử viên cho dân bỏ phiếu lấy lệ rồi kiêm luôn nhiệm vụ giám sát bầu cử thì dân có phải là những hình nộm trong tiến trình “đảng cử dân bầu” không?

Theo kế hoạch của Hội đồng bầu cử Quốc gia, do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch, thì công tác hiệp thương sẽ diễn ra trong 3 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 03/2016. Lần thứ nhất họp để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử ĐBQH, theo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau đó, theo báo chí Việt Nam, “các cơ quan đơn vị ở Trung ương tiến hành giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội. Tiếp theo, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị hiệp thương lần 2 (từ 16/3 đến 18/3) để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội. Sau đó sẽ tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi công tác hoặc nơi làm việc về người ứng cử đại biểu Quốc hội (từ 20/3 đến 12/4).

Lần hiệp thương lần thứ 3, theo MTTQ, “sẽ được tổ chức trong khoảng thời gian từ 13/4 đến 17/4/2016.”

Nhà nước đang tuyên truyền “Đại biểu Quốc hội phải là người nói được tiếng nói của quần chúng”, nhưng tiếng nói và nguyện vọng của dân đã có bao giờ được đảng tôn trọng đâu. 

Thời gian hiệp thương chọn ứng cử viên vào Quốc hội của MTTQ là giai đoạn có nhiều tranh cãi, và chạy chọt giữa các cá nhân và đơn vị để được đề cử. Công tác này dự kiến khó tránh khỏi những va chạm giữa những người tự ra ứng cử và quyết định chọn người của MTTQ, cũng như tại các cuộc họp lấy ý kiến của nhân dân nơi ứng cử viên cư trú.

Trong quá khứ đã xẩy ra những cuộc đạo diễn của MTTQ phối hợp với địa phương để loại bỏ những người muốn ra tranh cử, nhưng không vừa ý đảng bộ cơ sở, dù những người này có trình độ và khả năng vượt xa người của tổ chức.

Năm nay, 2016, đã có một số người hoạt động dân chủ tuyên bố sẽ ra tranh cử vào Quốc hội, tiêu biểu như Tiến sỹ Nguyễn Quang A, Ông Nguyễn Đình Hà, Ông Nguyễn Tường Thụy, Luật sư Lê Văn Luân, Bà Đặng Phương Bích v.v… Nhưng liệu các ứng cử viên độc lập có vượt qua khỏi “hàng rào chính trị” của các tổ dân phố và ủy ban MTTQ địa phương hay không là một câu hỏi rất lớn trong tiến trình dân chủ ở Việt Nam.

Ông Lù Văn Que, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương đã cảnh giác: "Mặt trận cần nêu cao vai trò, quyền dân chủ của dân để khắc phục tình trạng "đảng cử dân bầu", hiệp thương chỉ để hợp pháp hóa." (Theo Đài Tiếng nói Việt Nam, VOV, 31/12/2015)

Hãy chờ xem đảng CSVN có dám đồi diện với phong trào tự ứng cử vào Quốc hội của những nhà hoạt động dân chủ trong nước hay chỉ muốn dân làm cỗ sẵn cho đảng xơi như các kỳ bầu cử trước?-/-

(03/016)

0 comments:

Powered By Blogger