Friday, January 22, 2016

Nguyễn Tấn Dũng chính thức bị loại

Ở Việt Nam, việc sắp xếp thứ tự các ủy viên Bộ Chính trị trên các phương tiện truyền thông đại chúng luôn phải được chuẩn bị kỹ càng, có mục đích. Báo Thanh Niên là tờ báo lớn thứ 2 trên cả nước Việt Nam. Việc xếp ông Dũng ở vị trí cuối cùng, vốn xưa nay dành cho ông Nguyễn Sinh Hùng phần nào cho thấy vị thế của ông Dũng đã được định đoạt.



Nguyễn Minh Triết, con út của ông Nguyễn Tấn Dũng nằm trong danh sách 1,510 đảng viên trong số gần 4 triệu đảng viên được tham dự Đại hội lần thứ XII. Ảnh: Facebook. 
Cali Today News - Sau phiên họp trù bị cho Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, số phận chính trị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được định đoạt. Ông Dũng chính thức bị hất văng ra khỏi cuộc đua đến chiếc ghế Tổng Bí thư. Lúc này, không còn là cuộc đua "song mã" nữa. Đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "đơn thân độc mã" tiến thẳng đến chiếc ghế Tổng Bí thư trong nhiệm kỳ tới.
Trước đây, trong một bài viết chúng tôi có nói rằng, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ đảm nhiệm chức Tổng Bí thư một nửa nhiệm kỳ, sau đó sẽ tìm người thay thế vì tuổi tác của ông (72 tuổi) không cho phép nắm giữ chức vụ được lâu. Tuy nhiên, từ những nguồn tin mà chúng tôi thu thập được mới đây cho thấy, rất có thể ông Trọng chỉ ngồi ghế Tổng Bí thư một năm, rồi nhường lại cho người khác. Người được ông Trọng giới thiệu vẫn còn là một ẩn số. Theo một số người, rất có thể sẽ là Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ công an mà sắp tới đây, sau khi Đại hội đảng CSVN lần thứ XII kết thúc, ông sẽ là tân Chủ tịch nước.
Ngày 20/1, trong phiên họp trù bị, Đại hội đảng CSVN lần thứ XII đã thông qua quy chế bầu cử. Đó là những gì mà liên tiếp trong những lần Hội nghị Trung ương 13, 14 đã được bàn thảo. Trong các lần hội nghị đó, ông Nguyễn Phú Trọng sử dụng tất cả các mánh khóe, thủ đoạn để loại đồng chí của mình- ông Nguyễn Tấn Dũng.
Tại Đại hội lần này, gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng có tất cả 3 người tham dự. Ngoài ông Dũng còn có Nguyễn Thanh Nghị- tân Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, Nguyễn Minh Triết, Tỉnh ủy viên- Bí thư Tỉnh đoàn Bình Định. Sự có mặt của những người con của ông Dũng không thay đổi được cục diện chính trị, vốn đã được định đoạt từ sau Hội nghị Trung ương lần thứ 14.


Phiên họp trù bị đã thông qua quy chế bầu cử với tuyệt đại đa số ý kiến đồng ý. Có rất nhiều những quy định mà mục đích của nó chỉ nhắm vào ông Nguyễn Tấn Dũng. Song, đáng chú ý nhất là tại Đại hội lần này các ủy viên Trung ương đương nhiệm sẽ không được đề cử nhân sự ngoài danh sách Trung ương đã chuẩn bị. Bên cạnh đó, những ủy viên Trung ương cũng không được nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách tái cử. Ông Dũng không nằm trong danh sách tái cử, trong khi ông Trọng lại nằm trong danh sách tái cử do Bộ Chính trị đề cử tại Hội nghị Trung ương 14.
Đọc vào quy chế bầu cử lần này cho thấy vi phạm nghiêm trọng điều lệ đảng CSVN, tước đi quyền của các đảng viên. Đó là quyền đề cử, quyền ứng cử và quyền bầu cử. Để loại trừ ông Dũng, ông Nguyễn Phú Trọng không ngại vi phạm điều lệ, nguyên tắc đảng thao túng, giành lấy tất cả quyền lực về cho mình.
Số phận của ông Dũng phần nào đã được định đoạt trước đó. Trên tờ báo Thanh Niên ra ngày 20/1 đưa tin, trước khi diễn ra phiên họp trù bị, đoàn đại biểu dự đại hội XII đến lăng viếng ông Hồ Chí Minh. Nếu tinh ý, độc giả sẽ nhận ra có sự khác biệt rất lớn trong cách sắp xếp thứ tự "Tứ trụ triều đình".
Báo Thanh Niên viết: "Các đại biểu đã tập kết từ rất sớm, dẫn đầu đoàn là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng". Tên ông Dũng còn bị xếp sau cả ông Trương Tấn Sang, ông Nguyễn Sinh Hùng.
Ở Việt Nam, việc sắp xếp thứ tự các ủy viên Bộ Chính trị trên các phương tiện truyền thông đại chúng luôn phải được chuẩn bị kỹ càng, có mục đích. Báo Thanh Niên là tờ báo lớn thứ 2 trên cả nước Việt Nam. Việc xếp ông Dũng ở vị trí cuối cùng, vốn xưa nay dành cho ông Nguyễn Sinh Hùng phần nào cho thấy vị thế của ông Dũng đã được định đoạt.
Người Quan Sát

------

0 comments:

Powered By Blogger