Bằng Phong Đặng Văn Âu | Ngày 2016.01.01 |
Lâu
nay, vì trăn trở chuyện nước non, tôi thường viết những bài tham luận
theo quan điểm cá nhân, thì có độc giả đồng ý và không đồng ý. Hôm nay,
một ngày đầu năm 2016 – 01 tháng Giêng – viết bài này, tôi tin chắc mọi
người sẽ xúc động, vì đây là một đề tài của tình yêu thương rất đáng
trân trọng.
Vào
một buổi sáng, tiết trời se se lạnh, sắc trời u ám vì những đám mây vần
vũ trên cao, một khung cảnh buồn rất ít khi thấy ở nơi tôi cư ngụ
thường thường chan hòa nắng thủy tinh và gió nhè nhẹ, bỗng nhiên tôi
nhận được điện thoại của một người bạn từ Bắc California gọi: “Âu ơi! Lê
Phước Cung đây, bạn còn nhớ Phan Khôi khóa moa không?”. Tôi đáp: “Nhớ!
Phan Khôi khóa của toa, nhưng học bay cùng khóa với moa. Mà sao? Có
chuyện gì quan trọng khiến toa gọi moa với vẻ cấp thiết như vậy?”
Ở
đây, tôi phải giải thích để độc giả khỏi ngỡ ngàng, trước khi kể nốt
câu chuyện. Những thanh niên gia nhập Không Quân, vào trường huấn luyện
quân sự Nha Trang năm 1961, được gọi là Khóa 61. Vì nhu cầu chiến
trường, qua năm 1962 một số sinh viên sĩ quan từ trường Bộ binh Thủ Đức
đã học xong phần quân sự được chuyển sang Không Quân, cũng vào căn cứ
huấn luyện Nha Trang học Anh ngữ để chuẩn bị được gửi đi du học Hoa Kỳ.
Cũng năm 1962, Tháng 4, Không Quân lại tuyển mộ thêm 90 thanh niên để
gửi ra Nha Trang vừa học quân sự vừa học Anh ngữ. Trong một năm có hai
khóa, nên những anh em từ Thủ Đức sang được gọi là Khóa 62A và 90 anh em
dân sự được gọi là Khóa 62B.
Phan Khôi thuộc Khóa 61 và tôi là thành phần của Khóa 62B.
Hai
tiêu chuẩn để được chọn đi học Hoa Kỳ trước hay sau là do kết quả thi
Anh ngữ và điều tra An Ninh. Sau vụ ném bom Dinh Độc Lập của hai phi
công Phạm Phú Quốc và Nguyễn văn Cử, vấn đề An Ninh được đặt ra khắt khe
hơn. Nhiều anh em đạt điểm cao Anh ngữ, nhưng lý lịch An Ninh cần sưu
tra thêm thì ưu tiên đi học Mỹ chậm. Hoặc An Ninh không có vấn đề, nhưng
điểm thi Anh ngữ thấp thì vẫn bị đi chậm. Tôi không rõ lý do nào, vì
Anh ngữ hay vì An Ninh, Phan Khôi Khóa 61 đi sang Mỹ học bay cùng lúc
với tôi (Khóa 62B) tại căn cứ Moody AFB, tiểu bang Georgia. Cho nên, nếu
tính từ trường quân sự Nha Trang thì Phan Khôi cùng khóa 61 với Lê
Phước Cung; còn nếu tính ở trường bay Moody AFB thì Phan Khôi cùng Khóa
63D-2 với tôi.
Xin
nói thêm một mẩu chuyện vui vui. Anh em Khóa 61 tất nhiên là Niên
trưởng Khóa 62B chúng tôi, nên họ có quyền “dợt” khóa đàn em muốn tắt
thở luôn. Nhưng khi cùng đi học bay một lúc, các bạn thuộc Khóa 61 không
lên mặt “Niên trưởng” với chúng tôi nữa. Và khi ở quân trường bị đàn
anh “huấn nhục” một cách quá đáng, tức tối cành hông, tưởng chừng sẽ trả
thù khi có cơ hội. Thế nhưng khi anh trước, em sau cùng lên đường học
một khóa, thì sự tức tối cũ bỗng nhiên tan biến. Vì có sự kiện nhặp
nhằng khóa trước “ắc ê” ở quân trường Nha Trang lại ra trường phi hành ở
Mỹ sau, nên chẳng biết ai là Niên trưởng của ai. Đó là chuyện vui đời
lính trước ngày Miền Nam sụp đổ năm 1975. Sau này, giã từ vũ khí, chẳng
còn ai đặt vấn đề Niên trưởng nữa, mà chỉ còn lại tấm lòng yêu thương
nhau thôi.
Trở
lại cuộc điện đàm với Lê Phước Cung. Anh hỏi: “Toa còn nhớ Phan Khôi
gặp nạn năm 1966 trong một phi vụ biểu diễn (Air Show) trước sân cờ Bộ
Tư Lệnh KQ? Tôi đáp: “Nhớ chứ! Có chuyện gì mà toa nhắc tới Phan Khôi
vậy?” Cung cho tôi biết rằng vợ và con gái của Phan Khôi đã cất công 30
năm để đi tìm những người thầy, những bạn bè cùng khóa với Phan Khôi để
cho con gái biết về một thuở kiêu hùng của bố. Nghe tin đó, trong tôi
dậy lên một cảm giác vui mừng, xúc động. Vui mừng vì sẽ được trò chuyện
với chị Phan Khôi mà tưởng chừng như không bao giờ nghe được tin tức về
cuộc sống của người quả phụ có chồng ra đi khi còn quá trẻ. Xúc động vì
tự hỏi trên đời làm sao có sự lạ về người con gái mất bố lúc lên một (1)
tuổi mà lại dành suốt 30 năm cố tìm cho bằng được người thầy dạy bay vỡ
lòng và những bạn bè của bố. Cung cho tôi số điện thoại của chị Phan
Khôi.
Tôi
gọi điện thoại cho chị Ngọc Bích (vợ của Khôi). Phía bên kia điện
thoại, tôi nghe được tiếng reo vui của chị khi được nghe tôi nói tôi là
bạn cùng khóa bay với Khôi. Chị cho biết hiện chị đang ở San Diego, cách
nơi tôi ở chừng 2 giờ lái xe. Và hai ngày nữa chị sẽ đi Nebraska. Chị
kể sơ qua về gia cảnh: Khôi học trường Yersin ở Đà Lạt và chị học trường
đạo cũng ở Đà Lạt. Khôi Phật giáo, chị Công giáo. Dù khác tôn giáo, tín
ngưỡng, nhưng Thần Ái Tình đã xe duyên Khôi và Ngọc Bích. Lúc Khôi lâm
nạn mới mang lon Trung Úy, vợ chồng Khôi đã có ba con (một trai hai
gái). Cô con gái út mới một tuổi, là cô đã dành 30 năm đi tìm lại hình
ảnh của bố. Chị cho tôi số điện thoại của cô con gái út, cháu Erika. Sau
khi dứt cuộc điện đàm với chị Ngọc Bích, tôi gọi ngay cho cháu Erika.
Phía
bên kia điện thoại cũng vang lên tiếng cười vui sướng giống Mẹ, khi tôi
tự giới thiệu tôi là bạn của bố cháu. Tôi cho Erika biết rằng có một
người mang tên Khôi như bố cháu – Nguyễn Mộng Khôi – học cùng một thầy
với bố cháu và hiện cư ngụ tại một nơi không xa nơi bác đang ở. Erika
lại mừng hơn. Vì Erika lớn lên ở Mỹ, nên tiếng Việt nói không thạo. Hai
bác cháu trao đổi nhau bằng tiếng Anh. Erika thao thao kể công trình đi
tìm hình ảnh bố ra sao và thu thập được thành một cuốn Album, mà cháu
xem như là di sản của bố để lại. Nhân dịp các vị thầy dạy lái máy bay
(Pilot Instructors) sẽ có cuộc họp mặt hàng năm ở San Diego, Erika muốn
mời những bạn bè của bố về San Diego để cháu được gặp và để các bác gặp
lại thầy cũ của các bác.
Từ
lâu, tôi vẫn ao ước gặp lại thầy dạy bay đầu đời của mình. Nhưng tôi có
điều tệ hại rất đáng trách, là không chuyên tâm đi tìm thầy cũ để nói
một lời cảm ơn. Cháu Erika cho biết vào ngày 12 tháng Giêng năm 2016 thì
cuộc hội ngộ thầy trò sẽ diễn ra tại thành phố San Diego. Tôi vội vàng
báo tin đó cho tất cả bạn bè xuất thân hai Khóa Phi hành 63-D1 và 63-D2
về cuộc họp mặt đó bằng email và bằng điện thoại cho người bạn ở gần
tôi: Sinh viên Sĩ quan Nguyễn Mộng Khôi. Được tin, Mộng Khôi cũng tỏ ra
vui mừng không khác gì tôi.
Qua
hôm sau, cháu Erika gọi điện thoại ngỏ ý muốn mời Khôi và tôi đi ăn để
gặp mặt ngay, vì không thể chờ tới ngày 12 tháng Giêng được. Chúng tôi
đều sung sướng nhận lời. Vợ chồng Mộng Khôi đến nhà tôi chờ hai mẹ con
cháu Erika đến để cùng đi ra tiệm ăn. Đúng giờ hẹn, hai mẹ con cháu
Erika đến. Vợ chồng Mộng Khôi và tôi ra tận bãi đậu xe trước nhà để đón.
Thật là vui mừng khôn xiết. Chị Ngọc Bích rất trẻ, khỏe mạnh. Cháu
Erika cao lớn gần bằng bố và hoạt bát. Trên tay cháu mang hai gói quà để
tặng hai người bạn của bố. Trong giây phút mừng vui đó, tôi ôm cháu
Erika mà có cảm tưởng như ôm đứa con gái của chính mình sinh ra. Tôi
nghĩ, dù bất cứ người nào có tâm hồn cứng rắn đến mấy, cũng không thể
giấu nỗi hân hoan khi ôm vào lòng mình đứa con gái của bạn đã kiên nhẫn
đi kiếm tìm cho kỳ được những người bạn đồng đội cũ của bố. Tôi đã ứa
nước mắt và nghèn nghẹn nói bên tai cháu: Bác cám ơn con! Món quà Giáng
sinh mà con vừa trao cho bác đã quý hóa; nhưng chính con mới là món quà
Giáng sinh đặc biệt của bố con cho bác hôm nay. Bác sẽ nhớ đời đời.
Erika
gọi những món ăn ngon nhất của nhà hàng và thức ăn la liệt trên bàn,
nhưng tôi quá đỗi vui sướng để nghe những mẩu chuyện do nàng kể, nên
chểnh mảng ăn uống. Đặc biệt một chuyện Erika kể liên quan đến tâm linh
làm tôi nhớ đến chuyện mà tôi đã kể trong sách Không Quân Ngoại Truyện.
Cháu nói: “Bác ạ! Sự thành công mà cháu đạt được ngày hôm nay là do vong
linh của bố cháu hướng dẫn. Bố cháu thiêng lắm bác!”. Bố tôi cũng linh
thiêng lắm. Một hôm, trong giấc mơ tôi thấy bố tôi hiện về và nói: “Ngày
mai, con đi bay phải hết sức cẩn thận. Rất có thể nguy đến tính mạng!”.
Tôi bèn phục xuống chân bố, van lơn: “Thầy cứu con! Vợ con còn quá trẻ,
các con của con còn dại! Con sợ vợ con không thể nuôi dạy các con của
con!”. Bố tôi nâng tôi dậy và nói: “Được rồi! Thầy sẽ ra sức cứu con!”.
Nói xong, bố tôi biến mất. Sau giấc mơ đó, tôi cứ trằn trọc mãi. Nhưng
sáng vào phi đoàn sửa soạn phi vụ thì tôi hoàn toàn quên hẳn giấc mơ
kinh hoàng đêm qua.
Đó
là phi vụ thả dù tiếp tế đạn trọng pháo cho Tiểu khu Bình Long, An Lộc
đang bị địch bao vây. Nơi mà nhiều phi cơ đủ loại từ quan sát đến trực
thăng, khu trục và vận tải đã gẫy cánh. Theo nguyên tắc phi hành, người
phi công phải giữ bàn đạp (flight rudder pedals) sao cho quả bi thăng
bằng nằm vị trí ở giữa, thì kiện hàng thả xuống mới rơi đúng mục tiêu.
Thế mà trong giây phút phi cơ tôi trên mục tiêu, chẳng hiểu có một lực
gì đó khiến tôi vừa bỏ chân trái ra thì phát đạn phòng không bắn lên làm
nát bàn đạp, trổ lên trần phòng lái (cockpit) một lỗ lớn, khói mịt
mùng. Thật hú vía! Nếu phi cơ trên mục tiêu sớm vài “nano” giây thì viên
đạn phòng không đó sẽ trúng vào khoan chứa đạn đại bác, phi cơ của tôi
nổ tan tành trên không trung. Hoặc nếu chân trái của tôi không rời bàn
đạp thì làm sao điều khiển chiếc phi cơ bay trở về căn cứ? Tôi tin bố
tôi đã cứu mạng tôi và vì thế tôi tin linh hồn Phan Khôi đã dẫn dắt cho
cô con gái út gặp sự may mắn, thành công trên đường đời mới có phương
tiện để tìm thầy, tìm bạn của bố mình?
Như
một phản xạ, tự nhiên tôi nói: “Erika! Con là con của bố! Bố sẽ yêu quý
con hơn con đẻ của bố! Bố sẽ yêu quý con suốt đời! Trên đời này có
những đứa trẻ làm ăn thành đạt mà thờ ơ, để cho bố hoặc mẹ mòn mỏi trong
nhà già. Trái lại, con có tấm lòng hiếu thảo quá sức tuyệt vời!”. Lẽ ra
tôi phải xin phép chị Ngọc Bích mới được phép nói ra điều đó. Cháu
Erika đáp lại rất nhanh, không một giây lưỡng lự, suy nghĩ: “Vâng, từ
nay con sẽ là con của bố! Bố sẽ là bố nuôi của con!”. Tôi rưng rưng đáp:
“Bố không nuôi con ngày nào! Bố không đáng là bố nuôi của con! Đây là
món quà Giáng sinh đặc biệt mà bố Phan Khôi mang lại cho bố và bố xin
trân trọng nhận lãnh từ tay của bố con!”.
Erika
ngước mắt lên trần nhà, nhỏ nhẹ nói vào khoảng không: “Bố có nghe bố Âu
nói gì không? Bố Âu hứa sẽ thương yêu, quý mến con suốt đời đó!”. Tự
nhiên tôi nổi da gà, có cảm giác linh hồn Phan Khôi đang hiện diện trong
gian phòng. Nụ cười hiền lành, chiếc răng khểnh thật duyên ngày xưa còn
đó!
Kể
từ sau buổi gặp gỡ ấy, những người thầy Hoa Kỳ và một số anh em trong
khóa của Phan Khôi đều liên lạc nhau qua email. Không ngờ chị Ngọc Bích –
mẹ cháu Erika – rất sính thơ văn. Chị thường gửi cho chúng tôi xem
những mẩu chuyện tình của chị với chàng phi công trẻ tuổi. Chị làm một
bài thơ dài khi về Việt Nam thăm mộ của Phan Khôi vào năm 2013. Chị kể:
“Sau khi Phan Khôi mất, sang Hoa Kỳ năm 1975, có một chàng bác sĩ họ
Nguyễn yêu chị và thương ba đứa con riêng của chị, nên chi đồng ý lập
gia đình một lần nữa và sinh hạ ba người con. Cộng chung, chị Ngọc Bích
có 6 người con đều thành đạt trong xã hội. Mặc dầu chị luôn luôn nhớ
thương người chồng cũ, dạy cho các con hiểu Phan Khôi là người đàn ông
lý tưởng, nhưng bác sĩ Nguyễn không hề tỏ ra ghen tương. Chính vì thế mà
các con của chị mất cha lúc còn nhỏ, nhưng trong tâm trí các con chị
luôn luôn thần tượng người cha của mình. Tấm lòng rộng lượng của bác sĩ
Nguyễn rất đáng quý, luôn luôn cảm thông tình cảm của vợ đối với người
yêu đầu đời của nàng. Chúng tôi xin gửi đến bác sĩ Nguyễn sự mến phục.
Giáng
sinh vừa rồi – 2015 – chị Ngọc Bích gửi thiệp Noel cho anh em chúng tôi
với lời chúc tụng hết sức ân cần. Tôi thay mặt anh em trong khóa, viết
đôi dòng gửi đến chị để bày tỏ sự quý mến và ngưỡng mộ một người phụ nữ
Việt Nam. Thư viết như sau:
“Thưa chị Ngọc Bích, bà quả phụ của phi công Phan Khôi,
Năm
nay anh em trong khóa chúng tôi nhận được một món quà Giáng Sinh và Năm
Mới hết sức đặc biệt. Món quà không được trao từ Ông Già Noel, mà là
món quà được trao từ chị Ngọc Bích – bà quả phụ Phan Khôi. Và món quà ấy
là cháu Erika.
Chúng
tôi rất đỗi vui mừng và cảm động khi được tin cháu Erika – cô con gái
út của Phan Khôi, bạn cùng trường bay, cùng khóa – dành 30 năm để tìm
người Thầy, những người bạn của Bố đã một thời trai trẻ lên đường chiến
đấu cho Tự Do.
Cháu
làm được điều này là do tình yêu rất nồng nàn, mãnh liệt của chị đối
với người chồng phi công của chị thì chị mới có khả năng gây ấn tượng
cho cháu Erika về hình ảnh đẹp, hào hùng về người Bố của con mình.
Đây
là câu chuyện đặc biệt về giai thoại của một cô nữ sinh trường Đạo từ
xứ hoa Anh Đào Đà Lạt yêu chàng trai mây trời bay vào cõi khác trong
tuổi thanh xuân. Chàng đã lưu lại ba tác phẩm, cháu Erika là một trong
những tác phẩm tuyệt vời mà chúng tôi được biết.
Ngày
12 tháng Giêng tới đây, anh em chúng tôi sẽ có dịp gặp lại những người
Thầy cũ, những người đã dạy cho đàn chim từ những bước chập chững đến
lúc có thể tự mình tung mây lướt gió. Nếu không có chị và cháu Erika thì
chúng tôi sẽ không có dịp gặp lại những người Thầy năm xưa để bày tỏ
lòng biết ơn và niềm tự hào.
Phan Khôi đang hiện ra trước mắt chúng tôi, sống động, hiền hòa và nụ cười bất hủ như ngày nào.
Bản
thân tôi, tuy mang tín ngưỡng Phật Giáo, nhưng cũng rất tin Đức Bác Ái
của Đức Chúa Trời đã cho chúng tôi sống sót trong cuộc chiến kinh hoàng
để chiêm ngưỡng một tác phẩm tuyệt vời của Thiên Chúa, của anh chị Phan
Khôi. Đó là cháu Erika.
Cháu là tấm gương sáng cho tất cả những người con Việt Nam phải biết tìm cội nguồn của mình.
Tạ ơn Thiên Chúa,
Tạ ơn Chị Ngọc Bích – bà quả phụ Phan Khôi – và cháu Erika.
Thân thương,
Bằng Phong Đặng văn Âu – một người bạn cùng khóa với Phan Khôi.”
Vào
ngày 12 tháng Giêng năm 2016, chúng tôi gồm: Lê Phước Cung, Ngô Xuân
Nhựt, Nguyễn Mộng Khôi và Đặng văn Âu sẽ gặp chị Ngọc Bích từ Nebraska,
cháu Erika đi công tác từ Brésil về và những người thầy dạy bay vào năm
1962 sẽ gặp gỡ nhau tại San Diego.
Có thể tôi sẽ tường trình cuộc hội ngộ sau 53 năm rời mái trường phi hành tại căn cứ Moody AFB.
Cám ơn chị Ngọc Bích,
Cám ơn Con Gái đã cho bố niềm tin yêu và niềm hy vọng vào phép lạ ở tương lai.
Tôi
tin rằng nếu tất cả người Việt Nam bất kể ý thức hệ, bất kể chính kiến
nếu kiên tâm đi tìm tổ tiên, nòi giống của mình như cháu Erika đã đì tìm
những người thầy, những người bạn của bố thì đất nước Việt Nam sẽ là
mảnh đất tuyệt vời cho dòng giống Lạc Hồng vẻ vang cùng thế giới.
Thầy Bill Mobly và cháu Erika “khoe” bức họa do Phan Khôi vẽ tặng thầy Ruff Doyle năm 1963.
0 comments:
Post a Comment