Thursday, July 23, 2015

Bỏ đảng cộng sản để đấu tranh cho công nhân


Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-07-22



Sáng 31/3/2015, hàng chục ngàn công nhân tiếp tục ngừng việc sang ngày thứ 6, tổ chức tuần hành tại công ty Pouyuen sau đó kéo ra quốc lộ 1A. Công ty Pouyen nằm ở quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 80 ngàn công nhân. Báo laodong.com
Các nghiệp đoàn độc lập không chịu sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt nam đã và đang được thành lập dù không được sự chấp nhận của nhà cầm quyền Việt nam của đảng cộng sản. Nhân chuyến đi làm việc tại Washington, Hoa kỳ, ông Trần Ngọc Thành một trong những người thành lập Liên đoàn lao động Việt dành cho Kính Hòa cuộc phỏng vấn về những hoạt động nghiệp đoàn độc lập của công nhân Việt nam trong vài năm gần đây. Đầu tiên ông cho biết mục đích của mình trong chuyến đi đến thủ đô nước Mỹ.
Ông Trần Ngọc Thành: Có hai mục đích trong chuyến đi của tôi. Thứ nhất là đến Washington để gặp gỡ chính giới và các dân biểu quốc hội Hoa Kỳ để nói rõ tình trạng hiện nay của công nhân Việt nam. Hoa kỳ và Việt nam đang đàm phán Hiệp ước thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP. Chúng tôi muốn cho họ thấy rằng nếu không cho phép công đoàn độc lập Việt nam có tính chính danh và hoạt động công khai thì cuộc sống của người công nhân, cũng như là tình trạng bóc lột người công nhân sau khi Việt nam và Hoa Kỳ ký hiệp định TPP, nó sẽ không cải thiện bao nhiêu.
Điều thứ hai tôi muốn đi một vòng các thành phố của nước Mỹ và Canada để báo cáo với đồng bào mình những công việc mà Liên đoàn lao động Việt tự do đã làm trong chín năm qua. Và cũng kêu gọi đồng bào tiếp tay cho những anh em đấu tranh trong nước về việc thành lập nghiệp đoàn, cái quyền tối thiểu của người công nhân.
Kính Hòa: Ông có thể nhắc lại lịch sử hình thành và hoạt động của tổ chức do ông thành lập đến bây giờ?
Ông Trần Ngọc Thành: Năm 2006 thấy tình hình ở Việt Nam có những cuộc đình công mà không có sự hướng dẫn của ai cả thì một số anh em trong nước và nước ngoài thấy cần thiết là phải thành lập công đoàn độc lập. Ngày 20/10/2006 tại Hà nội đã tuyên bố thành lập công đoàn độc lập Việt nam. Và cũng kêu gọi chính phủ Việt nam cho phép công đoàn độc lập được hoạt động để giúp đỡ những người công nhân Việt nam.
Sau đó 1 tuần tại Warsaw, thủ đô nước Cộng hòa ba Lan, chúng tôi đã tổ chức hội nghị về quyền lao động quốc tế gồm trên 70 thành viên, gồm cộng đồng người Việt và khách quốc tế, trong nhà Quốc hội Ba Lan. Mục đích của cuộc họp đó để yểm trợ công đoàn độc lập trong nước. Và mang tên là Cơm áo và quyền lao động. Cuộc họp đó được chính phủ Ba Lan hết sức ủng hộ, ngồi ghế chủ tọa là ông Phó chủ tịch Công đoàn đoàn kết, và ông Chủ tịch hiệp hội tự do ngôn luận.
Nhưng có một điều đáng tiếc là sau khi Việt nam họ gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, và họ tổ chức thành công hội nghị APEC tại Hà nội thì họ nuốt lời hứa và quay ra đàn áp những người tranh đấu vì quyền nghiệp đoàn của công nhân. Những người sáng lập và cổ vũ cho nghiệp đoàn của công nhân như là Luật sư Lê Thị Công Nhân, Luật sư Nguyễn Văn Đài đều bị bắt. Anh Lê Trí Tuệ là Phó chủ tịch công đoàn độc lập bị truy đuổi và sau đó phải trốn chạy sang Cam Pu Chia, nhưng cũng bị nhà cầm quyền Việt nam bắt và đến nay không rõ tung tích.
Ông Trần Ngọc Thành một trong những người thành lập Liên đoàn lao động Việt trong ngày Đại Hội Kỳ I của Liên Đoàn Lao Động Việt tại Bangkok 2014
Năm 2008 một nhóm các an hem hoạt động dưới cái tên là Phong trào lao động Việt tiếp tục hoạt động bán công khai, giúp đỡ những người công nhân.
Cuối năm 2009, đầu năm 2010, chúng tôi tổ chức đại hội kỳ hai của Ủy ban bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt nam tại Kualalumpur, Mã lai. Nơi có rất đông công nhân Việt nam, trong đó điều kiện lao động là tệ hại nhất. Năm 2007, 2008 có 400 công nhân Việt nam bị tai nạn lao động và chết. Năm 2008 là 200 người..
Kính Hòa: 200 người bị chết vì tai nạn lao động?
Ông Trần Ngọc Thành: Vâng. Sau khi những thước phim được chiếu tại Úc thì họ phải điều đình với mình. Họ hứa bồi thường cho 20 ngàn công nhân, trong đó có 8 ngàn công nhân Việt nam, 2000 đô la cho mỗi người.
Khi nhà máy giày Mỹ phong ở Trà Vinh quịt lương của công nhân, quịt bảo hiểm xã hội thì anh em đã hướng dẫn trên 10 ngàn công nhân đình công trong vòng một tuần. Giới chủ đã đáp ứng phần lớn yêu cầu của công nhân. Nhưng sau đó nhà cầm quyền bắt ba người hướng dẫn trực tiếp cho công nhân. Họ tuyên án anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng 9 năm tù. Cô Đỗ Thị Minh Hạnh, cũng như anh Đoàn Huy Chương bảy năm tù.
Ngoài ra chúng tôi cũng nói rõ cho thế giới biết rằng hiện nay Việt nam có Tổng liên đoàn lao động Việt nam nhưng họ là cánh tay nối dài của đảng cộng sản. Tổng liên đoàn lao động Việt nam từ khi ra đời từ năm 1946 đến giờ chỉ giữ vai trò thay mặt đảng để kiềm tỏa người công nhân chứ không tranh đấu cho quyền lợi của người công nhân.
Công việc của chúng tôi rất là thầm lặng. Anh em ở trong nước hoạt động hầu như là bí mật.
Từ năm 2004 chúng tôi nghĩ là phải thống nhất ba tổ chức, một là Công đoàn độc lập Việt nam. Hai là Phong trào lao động Việt, và thứ ba là Ủy ban bảo vệ người lao động. Hai tổ chức đầu là ở trong nước, tổ chức thứ ba là do anh em ở hải ngoại và một số người trong nước tham gia, thành lập một liên minh gọi là Liên đoàn lao động Việt tự do.
Chúng tôi đã viết thư gửi đến 12 thành viên những nước tham gia đàm phán Hiệp ước thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP. Chúng tôi nói rõ tình hình công nhân Việt nam trong một chế độ độc tài. Việt nam không có công đoàn độc lập dược phép hoạt động. Khi không còn hàng rào thuế quan nữa cho việc giao thương giữa các nước, thì nó có thể có lợi, có thể cứu được đảng cộng sản, nhưng nếu người công nhân không có quyền thành lập nghiệp đoàn, không được ai bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình thì họ vẫn là những người nô lệ.
Kính Hòa: Trong những diễn tiến của phong trào công nhân trong nước trong thời gian gần đây, gần 100 ngàn người để đòi sửa luật bảo hiểm xã hội thì cuộc đình công đó coi như thành công vì sau đó luật bảo hiểm được sửa đổi. Nhiều nhà quan sát trong nước có nói rằng cuộc đấu tranh của công nhân bây giờ có tổ chức hơn, và cái ý thức từ nhà cầm quyền có vẻ cũng dễ chịu hơn, ông có chia sẻ quan điểm đó không?
Ông Trần Ngọc Thành: Không phải dễ chịu hơn. Công nhân ý thức được rằng muốn quyền lợi của mình không bị xâm phạm một cách trắng trợn thì phải tranh đấu. Thì đó là biểu hiện sức mạnh của người công nhân.
Còn thời gian vừa qua nhà cầm quyền chẳng có ưu ái gì cả, họ đã xua hơn 1000 công an và dân phòng để dẹp cuộc đình công này. Ngay ông chủ tịch tổng liên đoàn cũng bảo rằng cuộc đình công do thế lực phản động xúi giục. Nhưng cuối cùng họ phải rút lui, họ không dám đàn áp. Và bản thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hứa với công nhân là phải thay đổi Luật bảo hiểm xã hội. Mà luật đó đã được quốc hội thông qua, không dễ gì mà họ thay đổi. Thì đó là một thắng lợi.
Kính Hòa:Xin ông câu hỏi cuối, hơi cá nhân một chút là được biết ông có học ở Ba Lan, thì với tương lai một du học sinh về nước có thể sẽ thành công, điều gì làm ông dân thân đấu tranh cho những người công nhân?
Ông Trần Ngọc Thành: Tôi sống ở Ba Lan, tôi chứng kiến tất cả những cuộc tranh đấu của người Ba Lan, từ trí thức đến giới công nhân Ba Lan. Tôi về Việt nam, tôi cũng đã vào đảng cộng sản. Sống trong đảng cộng sản tôi thấy những gì bất công, những gì đã xảy ra. Đây không phải là một đảng chính nghĩa mà giống như một băng đảng xã hội đen. Tôi quay lại Ba Lan lần thứ hai khi công đoàn Đoàn kết đã tranh đấu thành công, thì chúng tôi thấy rằng họ đã tranh đấu thành công, họ muốn cho giai cấp công nhân của họ có quyền làm người thì tại sao Người Việt nam không làm được cái đó? Tất cả những điều đó thúc đẩy tôi dần dần tụ họp cùng các anh em khác làm công việc này.
Kính Hòa: Xin cám ơn ông Trần Ngọc Thành.

0 comments:

Powered By Blogger