Mới
đây, ngày 29-6-2015, nhiều tờ báo “nhà nước, đảng ta” loan tin hai cây
“đại thụ” của nền âm nhạc Việt Nam nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (91 tuổi) và
nhạc sĩ Phan Nhân (85 tuổi) rủ nhau cùng lúc giã từ trần thế, để lại bao
nỗi tiếc thương cho công chúng yêu nhạc Việt Nam.!? (1)
Qui luật tự nhiên, lá vàng thì rụng, không có gì lạ, có chăng ngạc nhiên là cái danh hiệu: "đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam”!?
khiến nhiều người không biết, phải tò mò cất công tìm hiểu xem những
“hoa quả, lá cành” sinh ra từ hai cây này nó sum xuê rực rỡ cao lớn tầm
cỡ nào mà báo chí “đảng ta” liệt vào hàng “đại thụ”!?.
Hai “đại thụ”: Phan Huỳnh Điểu (trái) và Phan Nhân
À, thì ra ông Phan Huỳnh Điểu là tác giả của cái ca từ mà cư dân miền
Nam, Sài Gòn, những ngày đầu, sau 30/4/75, thoạt nghe qua đài phát thanh
Hà Nội... phải rợn da gà, dựng tóc gáy: "Pháo anh lên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ..." (Hành khúc Ngày và Đêm) hoặc là: "Hồ
Chí Minh! Người nêu gương trọn đời hy sinh cho nhân dân, cho thế
giới hòa bình. Toàn dân ghi ân đức người dài lâu như núi sông.
Người như mưa rơi trên đồng khô, như ánh nắng ngày mùa" (Nhớ ơn
Hồ Chủ tịch,) hay như những bài ca “cách mạng” khác: Đoàn Giải phóng
quân, Tuyên truyền xung phong v.v... Và sau 1975 một số ca khúc tình cảm
rất “hòa bình”?!: Đất quê ta xanh xanh triền lá. Giặc nhảy vào lá hóa rừng chông. Nước quê ta dập dềnh tôm cá. Giặc lội vào nước dựng thành đồng (Anh ở đầu sông em cuối sông) v.v...
Còn ông Phan Nhân là tác giả của những lời ca mà nếu ai chưa biết thì khi hát lên là biết Mac, Lenin liền: "Đây suối Lê-nin, kia núi Mác. Hai tay gây dựng một sơn hà. Hang Pắc Bó Người dừng chân thương nước nặng tình dân". (Nhớ về Pắc Bó) và ...hàng cây mang công ơn Bác. Ơn Bác gieo bao mầm non, ơn Bác chăm bao chồi xanh. (Hàng cây ơn Bác) hay ...Ơi Thăng Long! Ngày nay chiến công rạng danh non sông, kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao (Hà Nội niềm tin và hy vọng).
Nhưng không biết có phải vì sợ bị “văng miểng” đại pháo của... (ông Phan Nhân) “kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao” hay sợ lạc đạn vì... "Pháo anh lên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ"
của (ông Phan Huỳnh Điểu) hay không? mà có rất ít ca sĩ trẻ đến viếng
đám tang 2 ông nhạc sĩ lớn này... đến nỗi báo chí phải than thở chạy tít
tin bài: "Rất ít ca sĩ trẻ đến viếng 2 nhạc sĩ lớn..." Một trang
báo mạng cử người đến nhà tang lễ để cập nhật thông tin về những người
đến viếng và họ cũng ngồi đếm view những thông tin liên quan tang lễ
được cập nhật, nhưng lượt view không cao bằng những thông tin giải trí
họ vẫn đưa lên thường nhật nên cả nhóm phóng viên xếp “đồ nghề” về nghỉ,
ca sĩ Ánh Tuyết thì bảo: Chị thấy buồn vì cả 2 nhạc sĩ từ trần này
đều là những “đại thụ” của làng nhạc nhưng không thấy bóng dáng những
người trẻ viếng các cụ lần cuối.(2)
Khi nói “nhạc sĩ lớn” tất nhiên phải có nhạc sĩ nhỏ, có “đại thụ” thì ắt
có “tiểu thụ” - Nhưng sao “đại thụ âm nhạc Việt Nam” Phan Huỳnh Điểu và
Phan Nhân lìa đời nhưng tang lễ thì: "không thấy bóng dáng những người trẻ viếng các cụ lần cuối”!? (ca sĩ Ánh Tuyết) (2)
Ngược lại đám tang 2 cây “tiểu thụ” (không thấy “nhà nước đảng ta” gọi
là đại thụ) thì rất khác. Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn khi từ trần báo chí
chạy tin:
“Ngày tiễn đưa Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn. Hàng chục ngàn người già trẻ
đã lặng lẽ trôi theo như "những dòng sông nhỏ" phía sau xe tang đưa
người nhạc sĩ tài hoa về địa đàng... Một cuộc tiễn đưa lạ kỳ, ngoài rất
nhiều nước mắt, rất nhiều bóng hồng, rất nhiều hoa trắng còn có tiếng
Xắc-xô-phôn tấu lên những giai âm buồn bã tuyệt đẹp, còn có dòng xe cộ
đông như mắc cửi lại qua trên nhiều đường phố Sài Gòn bỗng dừng cả lại,
người người ngả nón và lặng đi. Một đám tang khiến báo chí quốc tế phải
giật mình” (Báo điện tử VTC news) (3)
Đồng bào Sài Gòn đưa tiển Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Những bài hát của người nhạc sĩ này dư âm mênh mang bồng bềnh mãi như
mây bốn phương trời để mỗi người Việt Nam (có cả ca sĩ ngoại quốc) hình
như ít nhất ai cũng phải thuộc một vài lời ca từ nhạc Trịnh...
Ướt Mi, Hạ Trắng, Diễm Xưa, Biển nhớ, Như Cánh Vạc Bay, Tuổi Đá Buồn,
Biển nghìn thu ở lại, Chiếc Lá Thu Phai, Chiều Một Mình Qua Phố, Cho Một
Người Vừa Nằm Xuống, Còn Tuổi Nào Cho Em, Hoa Vàng Mấy Độ, Em Còn Nhớ
Hay Em Đã Quên? Một Cõi Đi Về, Nắng Thủy Tinh, Nghe Những Tàn Phai, Ru
Ta Ngậm Ngùi, Sóng Về Đâu?, Tình Nhớ v.v... và Nhạc Sĩ Phạm Duy từ trần
thì báo mạng trong và ngoài nước cùng đưa tin “Ngàn người rơi lệ tiễn
đưa nhạc sĩ Phạm Duy”
“Ca sĩ Ánh Tuyết, Đức Tuấn, Quang Linh, Quang Dũng, Cẩm Vân, Khắc
Triệu... đã túc trực tại nhà nhạc sĩ. Cùng Ca sĩ Thái Hiền, Thái Thảo,
Tuấn Ngọc cùng với ca sĩ Ý Lan, cháu ruột của ca sĩ Thái Hằng (vợ quá cố
của nhạc sĩ Phạm Duy) Một số bạn hữu, nhân sĩ trí thức cũng đã có mặt
để nhìn ông lần cuối”. (Vietnamnet) (4)
Rất đông nghệ sĩ và đồng bào Sài Gòn đưa tiển Nhạc Sĩ Phạm Duy
Giống như các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, không cần phải đi sâu vào ca
từ mà ngay đọc cái tên từng bài hát thôi của Phạm Duy cũng khiến mọi
người ngậm ngùi thương nhớ tiễn đưa vị nhạc sĩ của lòng người này...
“Tình ca, Về miền Trung, Tình hoài hương, Bà mẹ quê, Hẹn hò, Cỏ hồng,
Ngày đó chúng mình, Phượng yêu, Kiếp nào có yêu nhau, Đừng xa nhau, Mưa
rơi, Đường em đi, Tôi còn yêu tôi cứ yêu, Trả lại em yêu, Giết người
trong mộng... Mùa thu chết, Giọt mưa trên lá, Tiễn em, Đi đâu cho thiếp
theo cùng, Mẹ ta, Nước mắt rơi, Những gì sẽ đem theo về cõi chết, Phố
buồn, Biển khúc, Em hát, Khúc ru tình, Nỗi nhớ vô thường….”
Một hiện tượng khách quan, trong rừng cây có những “đại thụ” (cây đa cây
đề) to lắm, chục người ôm không hết nhưng gỗ của nó thì làm guốc mộc
cho người mang tạm vào chân, thiên hạ còn chê... Nhưng cây mai, cây quế,
cây trầm nhỏ thôi thì người ta phải lặn lội trèo non vượt suối đi tìm,
bởi: Hữu xạ thì tự nhiên hương...
Biết rằng: “kính lão đắc thọ” chạm vào bậc cao niên khi còn sống đã phải
tương kính thì với người nằm xuống lại càng nên kiệm lời.
Tuy nhiên có lúc phải “bất khả từ” khi nhìn cái hình ảnh dân tộc Việt
Nam ngày nay là quốc gia duy nhất trên thế giới, trong 197 quốc gia
thành viên LHQ, không có một nước nào (kể cả 4 nước CS) chỉ riêng Việt
Nam là “cô đơn” (đúng nghĩa chỉ có một mình) là mang cái danh hiệu lạc
hậu “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa” mà nhân loại đang khinh bỉ, thì không
thể không nói nên cái phi lý từ những công cụ phục vụ (văn nghệ tuyên
truyền) cho cái chủ nghĩa XH/CS xấu xa đầy tội ác mà thiên hạ đang chôn
lấp này.
3/07/2015
_______________________________________
Chú thích:
0 comments:
Post a Comment