Nguyễn Thế Thảo Chủ tịch Hà Nội cho biết đồ án quy hoạch trục Nhật Tân - Nội Bài được lập trên ý tưởng "Rồng đuổi ngọc".
Con nít VN có trò chơi Rồng Rắn Lên Mây, có lẽ ai trong chúng mình cũng
đã từng chơi qua. Một đứa trẻ làm thầy thuốc đối diện với đám trẻ rồng
rắn túm đuôi nhau. Đám rồng rắn vừa đi vòng vèo, vừa hát. Có hai lời
đồng dao cho trò chơi này, nhưng đều bắt đầu:
Rồng rắn lên mây. Có cây núc nắc. Có nhà hiển vinh. Thày thuốc có nhà không?
Nghe rồng rắn hỏi, nếu thích, thày trả lời không có nhà, cả bọn rồng rắn
lại phải đi vòng vèo tiếp, cho đến lúc thầy thích bảo có nhà, lúc đó
thày... bằng lòng tiếp dân!
Tiếp theo, hoặc là:
Thày thuốc: Có nhà, đến làm gì?
Đầu rồng, rắn: Cho tôi xin tí lửa.
-Lửa làm gỉ
-Lửa kho cá.
-Cá to hay cá bé?
-Cá bé.
-Cho xin khúc đầu.
-Cùng xương cùng sầu.
-Cho xin khúc giữa.
-Cùng máu cùng me.
-Cho xin khúc đuôi.
-Tha hồ mà đuổi!!
hoặc lời khác:
-Thầy thuốc: Thày thuốc có nhà, rồng rắn đi đâu?
-Rồng rắn: Rồng rắn đi lấy thuốc cho con.
-Con lên mấy?
-Con lên một.
-Thuốc chẳng ngon
-Con lên hai
-Thuốc chẳng ngon
....
Cứ cò cưa như thế cho đến
-Rồng rắn thưa: Con lên mười.
-Thầy thuốc: Thuốc ngon vậy, xin khúc đầu.
-Cùng xương cùng xẩu.
-Xin khúc giữa.
-Cùng máu cùng me.
-Xin khúc đuôi.
-Tha hồ mà đuổi.
Thầy ra sức đuổi bắt khúc đuôi. Đầu rồng cố sức dang tay cản thầy. Khi
thầy bắt được khúc đuôi thì khúc đuôi bị loại, hết khúc đuôi này đến
khúc khác...
Trò chơi này chẳng biết có từ bao giờ, nhưng sao nó hợp với Việt Nam
mình bây giờ quá; cũng hàng đoàn rồng rắn đến quan nha xin toàn thứ
thiết thân cho đời sống, nào lửa, nào thuốc. Thày ưng thì tiếp, không
ưng thì không có nhà. Thày vặn vẹo khó dễ đủ điều rồi bắt đầu đòi hỏi,
đôi co, mặc cả với dân. Rồi chạy, rồi đuổi, rồi bắt, rồi chộp dân cho
tới khi "Ô quan ăn, tàn dân, thu quân, bán ruộng."
Rồng là con vật huyền thoại bắt gặp trong nhiều nền văn hóa khác nhau.
Đối với văn hóa Việt Nam, rồng là đệ nhất trong tứ linh: Long, Lân, Quy,
Phụng. Con rồng là biểu tượng của vua, quyền quý, sang trọng. Rồng Âu
Châu hình tượng khác rồng ta, có cánh dơi, biểu tượng cho sự dữ, mang
tai họa đến cho loài người. Rồng Việt, Tàu, Nhật... lúc thăng, lúc
giáng, lúc cuốn nước, lúc phun nước, rồng Âu châu phun lửa hay khí độc.
Cầu Rồng Đà Nẵng, hình dạng rồng Việt Nam, bay ngang sông Hàn lại phun
lửa. Rồng Việt Nam đâu có phun lửa phì phì như vậy, thế là thủy hỏa xung
khắc, anh NBT bị phun lửa, thuốc độc chết ngay đứ đừ là phải. Các nhà
lãnh đạo Đà Nẵng coi chừng.
Anh kiến trúc sư Thế Thảo an thế, hay bốc phét như thế, rồng đuổi ngọc
cho Hà Nội. Xương sống rồng là tuyến cao tốc từ sân bay về trung tâm
thành phố. Đầu Rồng quay về sông Hồng-Hồ Tây. Sông Hồng, Hồ Tây thuộc
Thủy, đuôi rồng nằm về phía sân bay, sân bay thuộc Hỏa. Con rồng này
đang bị đốt đuôi hay bị nhúng nước sôi! Lại sân bay hướng bay lên giời,
con rồng này bay ngược, không xong rồi nhà phong thủy dở hơi Thế Thảo
ơi. Dân trong Nam kêu loại rồng này là rồng lộn.
Con rồng Việt, Tàu thường ngậm ngọc hay nắm viên ngọc trong tay, anh Thế
Thảo cho con rồng bị trụng nước sôi này đuổi ngọc là có ý gì đây? Con
rồng của anh đó, còn cục ngọc nơi mô? Anh muốn suốt đời con rồng đuổi
theo hòn ngọc tưởng tượng mà chẳng bao giờ tóm được, cũng như đảng bay
suốt đời cũng không đến XHCN. Anh này chắc gián điệp CIA cài vào, làm
phong thủy đểu hại đảng đây.
Bây giờ xin nói về con Rồng trong Sách Khải Huyền của Thiên Chúa Giáo.
Sách Khải huyền mạc khải những huyền nhiệm liên quan cuộc chiến thắng
con quỷ đỏ Satan, mang hình tượng con rồng đỏ, ngày tận thế và cuộc khải
hoàn của giáo hội Thiên Chúa Giáo. Xin trích lược phần chiến thắng con
rồng đỏ Satan như sau:
...Một con rồng to lớn màu đỏ, có bảy đầu, mười sừng và trên bảy đầu
ấy có đội bảy vương miện, đuôi nó kéo một phần ba tinh tú trên trời mà
quăng xuống đất.
Lúc ấy trên trời xảy ra cuộc giao chiến dữ dội, Tổng lãnh Thiên Thần
Mi-ca-e đánh nhau với rồng. Phe rồng đỏ không thắng nổi, chỗ của chúng
cũng không còn thấy trên trời nữa. Con rồng cùng phe nó bị quăng xuống
đất.
Để có được những thế lực hùng mạnh trợ giúp, con rồng trao quyền uy
cho hai con mãnh thú hung dữ. Một con từ biển đi lên,... Và con rồng đã
trao ngai báu và cả quyền bính lớn lao cũng như năng quyền cho nó... Con
mãnh thú thứ hai từ đất đi lên, con này có hai sừng giống con chiên,
nhưng nó nói năng như con rồng. Con mãnh thú này như là một trợ tá đắc
lực cho mãnh thú thứ nhất...
...nhưng cuối cùng một Thiên Thần từ trời xuống, tay cầm chìa khóa
vực thẳm và một xiềng lớn, Ngài chộp lấy con rồng… xiềng nó lại. Ngài
quăng con rồng xuống vực thẳm, khóa và niêm phong nó, để nó đừng còn mê
hoặc các dân..
Không biết có phải từ lúc đầu ý tưởng rồng đuổi ngọc đã được Hà Nội an
thế phong thủy dởm như vậy, hay chỉ mới vọt ra từ cái đầu đất sét của
anh chủ tịch Hà Nội, nhưng con rồng đỏ đã chình ình vắt ngang Hà Nôi.
Giống con rồng lửa bắc ngang sông Hàn, sự có mặt của con rồng đỏ báo
hiệu tai họa nó mang đến cho người dân và ngày tàn của nó.
0 comments:
Post a Comment