Saturday, January 11, 2014

SỰ THẬT PHŨ PHÀNG: TÍNH VÔ CẢM VÀ SỢ HÃI CỦA NGƯỜI VIỆT.

Chu Tất Tiến.


Tác giả Chu Tất Tiến
Sau khi Website “Kháng Thư” chống Cộng Sản Việt Nam được thực hiện trên “tinhoathindon.com” để chuẩn bị gửi lên Liên Hiệp Quốc, trước ngày mà Cộng Sản Việt Nam phải trình bầy về vấn đề Nhân Quyền trước quốc tế, từ ngày 5 tháng 12 năm 2013 đến hôm nay, 10 tháng 1 năm 2014, đã có 31,740 lượt người vào xem. Nhưng điều đau lòng là số người ký mới chỉ ở con số khiêm nhượng là 444 vị! Tại sao vậy? Có phải vì Kháng Thư chưa đủ sức mạnh thuyết phục không? Hay là vì tác giả Website này không đủ uy tín để được đồng hương cộng tác? Hai lý do này không chính xác lắm, vì theo ý kiến những người đã ký tên, thì Kháng Thư là một trong những vũ khí nặng mà cộng đồng chống Cộng đã và đang thực hiện từ bao lâu nay. Cuộc chiến đấu chống Cộng cần nhiều phương thức, cần diện, cần điểm. Bên cạnh những cuộc biểu tình rầm rộ với vài chục ngàn đồng hương, hoặc bầy tỏ thái độ “chống Cộng, cứu nước”, hoặc để xua đuổi những tên văn công Cộng Sản ra khỏi đất nước tự do, những lễ nghi uy vũ trong các ngày lễ lớn, những lá cờ vàng rực rỡ tung bay trên xứ người, thì Kháng Thư là một mũi dao nhỏ bé, nhưng sắc cạnh, nhằm đâm thẳng vào tử huyệt của Cộng Sản. Qua phương pháp Petition-on-line, xin chữ ký của đồng hương trên Net, xin sự ủng hộ Kháng Thư, là một bản văn Anh Ngữ, dựa trên một tài liệu quan trọng nhất của Liên Hiệp Quốc: Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Từ văn bản này, kháng thư đã so sánh ý nghĩa từ mỗi mục A, B, C… của bản Tuyên Ngôn và thực tế xã hội của Việt Nam, được chứng minh bằng các hình ảnh Youtube hiện đại và chính xác, để thế giới thấy rõ các hình thức đàn áp nhân quyền tệ hại nhất mà Cộng Sản Việt Nam đang thi hành. Từ các chứng cứ này, mà Kháng Thư kết luận là Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam không xứng đáng được có mặt trong Ủy Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc. Đó là mục đích chính của Kháng Thư, còn mục tiêu phụ là thêm một lần nữa, vạch rõ cái nội dung láo lếu của cái chủ nghĩa quái quỷ Xã Hội Chủ Nghĩa là một chủ nghĩa không thể tồn tại trên trái đất. Chủ nghĩa Xã Hội là một chủ nghĩa không tưởng, không hề bao giờ được áp dụng. Những con người khoác cái mặt nạ Xã Hội Chủ Nghĩa, thực tế, chỉ là những tên cướp tàn nhẫn, vô lương tâm, chuyên sử dụng võ lực để đàn áp chính nhân dân của mình.
Thực tế phũ phàng cho thấy, sau hơn một tháng trình diện cùng đồng hương, mới chỉ có 444 người ký tên, trên tổng số 31,740 lượt người xem. Tại sao vậy?
Có hai lý do chính khiến đồng hương ngần ngại không dám ký: Tính vô cảm và sự sợ hãi.
1-Tính Vô Cảm: Sau 38 năm mài miệt chống Cộng bằng nhiều phương thức mà chưa thấy kết quả rõ rệt, một số lớn người Việt tị nạn đã muốn buông xuôi, mặc cho vận nước nổi trôi. Ngoài một số rất ít các đài phát thanh chống Cộng triệt để vẫn còn tiếp tục hoạt động, hầu hết các báo chống Cộng, các đài phát thanh chống Cộng, và các đài truyền hình chống Cộng đã giảm bớt các mục chống chủ nghĩa Cộng Sản, mà chỉ là những bài báo, những mục phát thanh, truyền hình nói về tệ nạn xã hội Việt Nam. Mà tệ nạn xã hội thì nước nào cũng có, ở đâu cũng có. Riết rồi, tin tức về xã hội và con người Việt Nam cũng trở thành ngang hàng với tin thường nhật của nước Mỹ, nước Pháp…, có đăng, có phát thanh, phát hình chỉ để câu độc giả tò mò mà thôi. Đọc nhật báo hay báo tuần, báo tháng, chúng ta thử đếm xem còn lại bao nhiêu tác giả viết về sự tàn độc của chủ nghĩa cộng sản và yêu cầu phải xóa bỏ hoàn toàn cái chủ nghĩa quái quỷ này khỏi mặt đất? Người ta tránh né các đề tài chống Cộng triệt để, có thể vì muốn về Việt Nam, xây mộ tổ khổng lồ để lấy le, xây nhà cho vợ nhỏ, bồ nhí, mở các văn phòng dịch vụ, buôn bán thương mại, mong kiếm những lợi nhuận khổng lồ cũng từ sự vô cảm của người Việt ở trong nước. Người ta gác các vấn đề chính trị để lo gửi tiền về Việt Nam với số lượng kinh khủng: từ 2 tỉ, lên 4 tỉ, lên 8 tỉ, và năm nay, 11 tỉ đô la, một số tiền đủ để cả 80 triệu dân Việt ngồi ăn không mà sống cả vài tháng.
2-Tính sợ hãi: Nhà văn Dương Thu Hương, trước khi sang ngoại quốc sinh sống, đã viết về nỗi hèn nhát của dân Việt. Có hèn mới chịu để cho bọn Cộng sản đặt đâu ngồi đấy, mà không dám lên tiếng phản đối. Nhà văn Nguyễn Tuân thì thú nhận là phải Sợ mới sống được. Nhạc Sĩ Tô Hải thì viết lại cảm nghĩ của một “thằng hèn”. Hầu như toàn bộ các nhà văn, nhạc sĩ, nhà thơ từng chiến đấu cho sự Tự do cầm bút, đã biến thái thành những con sâu kèn, chui trong vỏ mong được yên thân, mặc dù biết rằng đã nằm trong vỏ vẫn bị kéo lê trên đường rầy sỏi đá. Nhà thơ, nhà văn Xuân Diệu, từng nhiều thập niên được văn học Việt Nam kính mến, đã trở thành một tên chạy cờ cho Cộng Sản, và cũng với những văn nô khác viết những bài thơ ghê tởm dưới sự chỉ đạo của Tố Hữu. “Giết! Giết nữa! Bàn tay không phút nghỉ! Cho ruộng đồng tươi tốt lúa đơm bông…”
Đó là tính Sợ Hãi của người Việt trên đất Việt, còn người hải ngoại thì sợ cái gì? Dĩ nhiên, không sợ Việt Cộng sai người đến thủ tiêu, cho đi mò tôm như năm 1945-54, nhưng sợ không về Việt Nam được, hoặc sợ sẽ bị khó dễ khi trình Visa cho công an tại cửa khẩu, sợ bị tố cáo là đã ký tên vào Kháng Thư và bị giữ Visa, sợ phải chi thêm tiền hối lộ mới được sống yên hàn tại Đồ Sơn, Hạ Long, Vũng Tầu, Nha Trang, Đà lạt.. những điểm hẹn của khách phong lưu nước ngoài. Trên hết, sợ không được nghe những tiếng gọi “anh, em” tha thiết, những giọng nói mật ngọt của các em chân dài mà ở Mỹ nằm mơ suốt quãng đời còn lại cũng không thấy.
Những con người mang chữ “Sợ” to tướng trước ngực, không thể hiểu nổi tại sao lại có những người con dũng cảm của đất nước không biết sợ. Một bà trung niên đứng gào giữa đường “chửi cha cái bọn Việt Cộng bán nước”, một phụ nữ điểm mặt công an chìm nổi mà chửi, một nhóm thanh niên nam nữ đàn hát bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” ngay trước cửa nhà tù, một thiếu nữ trẻ trung xinh xắn như một thiên thần dõng dạc trước Tòa những lời khẳng khái nặng như búa tạ chẻ vào đầu lũ quan tòa điếc đặc, một thanh niên ngoan cường nói: “Tôi chỉ chống Đảng Cộng Sản, không chống nước, mà chống Đảng Cộng Sản là không có tội!”…
Đó mới chính là những Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng, Quang Trung, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt hiện thân. Nhưng rất tiếc, số lượng những con người dũng cảm ấy nhỏ nhoi quá, trên một số 80 triệu dân trong nước, và 4,5 triệu người Việt ở hải ngoại. Như thế, thì tương lai đất nước Việt ra sao? Rừng già bị chặt chẩy máu ròng rã, các mỏ tài nguyên thiên nhiên trở thành những lỗ hổng khổng lồ, nước non, sông ngòi biến thành dòng nước độc đen ngòm, còn con người Việt Nam trở thành những robot múa nhẩy điên cuồng trong lời nhạc ca ngợi sự dẫy chết của Tổ Quốc dưới sự cai trị của các Thái Thú Tầu không có trái tim.
Người lính cô đơn.

Chu Tất Tiến.
Tháng Giêng, 2014.

----00----
Ý kiến độc giả:

Thật tình, khi thấy số người tham gia ít ỏi thì mọi kẻ có lòng với quốc gia dân tộc đều cảm thấy buồn. Tôi cũng mang một tâm trạng như vậy nhưng không thể vì vậy mà đặt lòng tin tưởng vào những websites hô hào việc gởi “kháng thư” hay “thỉnh nguyện thư” đến một cơ quan hay cấp chính quyền nào đó, vì ai cũng biết rằng những gì thuộc về thế giới ảo của Internet đều chẳng có gì an toàn và đáng tin cậy.
Sự tin cậy cần phải được bảo vệ bởi một hệ thống an ninh, chẳng hạn khi dùng Thẻ Tín Dụng để mua hàng trên mạng, tuy rằng hệ thống bảo an của Credit Card rất cao độ nhưng lắm lúc cũng bị kẻ gian đắnh cắp những tin tức trong account của mình để lấy tiền. Vậy làm sao những trang mạng bình thường lại không có “kẻ gian” lợi dụng để đánh cắp những tin tức của những người ký vào thỉnh nguyện thư ? Tuy những tin tức về cá nhân mình cũng chẳng có gì nguy hại đến an ninh của mình, nhưng dù sao khi biết mình đưa những tin tức cá nhân đó cho kẻ gian thì chắc chắn ai cũng không thích làm, vì chẳng có ích gì mà lại có thể đưa đến những điều phiền toái.
Một điều thực tế hơn là tôi chưa từng thấy kết quả thực tiển của những thư thỉnh nguyện hay kháng thư trên website gửi đến một cơ quan mà có được một hồi đáp cụ thể. Tất cả đều là im lặng, cơ quan đó chẳng thèm trả lời trả vốn gì về sự quan tâm của họ khiến người ta đâm nghi ngờ rằng việc xin chữ ký trên mạng chỉ là một kế sách để thăm dò và thu lượm tin tức từ người dân chứ chẳng hề có thực tâm nào. Tại sao Trúc Hồ đã làm được thỉnh nguyện thư với trên 54,000 chữ ký ? Ấy là vì người tỵ nạn đã biết Trúc Hồ và Nguyễn Đình Thắng là ai cho nên họ tin tưởng là mình không bị gạt, hơn nữa phần lớn họ đã được ký trên giấy trắng mực đen trước mặt của đám đông thân hữu chứ không phải mơ hồ trong thế giới ảo của Internet.
Thiết nghĩ rằng, nếu tên người ký thỉnh nguyện thư được mã hóa theo kiểu Password, chỉ cơ quan tiếp nhận mở ra và đọc được chứ không để cho cả thế giới dòm ngó thì lúc đó sẽ tạo sự an tâm cho người tham gia khi trao phó tên và địa chỉ của mình vào trong thỉnh nguyện thư .
Bao giờ những thỉnh nguyện thư hay kháng thư kêu mời người tham gia ký vào trên mạng chứng minh được sự hữu hiệu và sự an toàn của nó, là phục vụ lý tưởng quốc gia, thì lúc đó chắc chắn sẽ có hàng hàng lớp người ký tên vào mà chẳng cần phải mời gọi.
Hãy cố gắng thiết kế một thứ thỉnh nguyện thư hay kháng thư mà người tham gia biết rõ rằng thư đó thực sự đến cơ quan tiếp nhận và không bị ném vào sọt rác.

Trường Sơn

0 comments:

Powered By Blogger