Đám đông thương tiếc người lãnh đạo quá cố. Ảnh chụp truớc nhà ông Nelson Mandela ở Johannesburg, sáng ngày 06/12/2013. REUTERS/Siphiwe Sibeko
Tú Anh
Di sản quan trọng nhất mà Nelson Mandela để lại cho thế hệ mai sau
của Nam Phi là giải phóng đất nước ra khỏi chính sách kỳ thị màu da và
xây dựng chế độ dân chủ bằng hòa giải hòa hợp dân tộc. Một nhiệm vụ ,
thoạt đầu có thể xem là bất khả sau nhiều thế kỷ áp bức.
Nam Phi vào đầu thập niên 1990, lúc Nelson Mandela vừa ra khỏi nhà tù
sau 27 năm lao lý, là một nước trải qua ba thế kỷ do người da trắng
thống trị trong đó có 40 năm chế độ Apartheid, một chính sách kỳ thị độc
nhất vô nhị trên trái đất.
Tuy nhiên, với uy tín truy luyện trong nhà tù, với một tinh thần lạc
quan và tha thứ vô biên, người tù thế kỷ đã chinh phục được vị tổng
thống gia trắng bấy giờ mà tương lai cho thấy là nguyên thủ da trắng
cuối cùng của Nam Phi, Frederik de Klerk một nhân vật có tinh thần cởi
mở.
Nhờ đó, Nelson Mandela đã từng bước nhanh chóng đưa Nam Phi vào tiến trình dân chủ hóa, công nhận quyền công dân của dân da màu.
Năm 1994, một năm sau khi cùng tổng thống Frederik de Klerk, Tổng
giám mục Desmond Tutu được ân thưởng giải Nobel Hòa bình, cựu tù Nelson
Mandela đắc cử tổng thống với nhiệm kỳ 5 năm qua cuộc bầu cử dân chủ đầu
tiên trong lịch sử Nam Phi.
Trong suốt thời gian sau đó, tổng thống Nelson Mandela đã liên tục
đưa ra những cử chỉ hòa giải với những người và với cộng đồng đã một
thời gian dài trấn áp đồng bào của ông và bản thân ông. Tổng thống
Nelson Mandela viếng thăm cựu tổng thống Pieter Botha, người tiền nhiệm
của tổng thống Frederik de Klerk mà nhiệm kỳ ghi dấu bằng chính sách đàn
áp cao độ nhất báo hiệu hoàng hôn sắp tàn. Ông đi thăm bà quá phụ
Hendrik Verwoerd mà người chồng là lý thuyết gia, là kiến trúc sư của
chính sách kỳ thị chủng tộc apartheid. Khi giám đốc sở mật vụ Niels
Barnard về hưu, tổng thống Nelson Mandela tổ chức tiệc lớn để tiển đưa.
Ngay chánh án Percy Yutar, người mà trong phiên xử năm 1963 kết cho ông
bản án chung thân và đày sang đảo Robben cũng được Nelson Mandela mời ăn
tiệc.
Chính sách apartheid không cho vận động viên da màu tham gia đội
tuyển quốc gia bóng bầu dục, môn thể thao lịch sử của dân Nam Phi… da
trắng . Thế nhưng tổng thống Nelson Mandela vẫn mặc chiếc áo của đội
tuyển quốc gia Springboks để chào mừng chiến thắng khi đội tuyển đoạt
cúp vô địch thế giới 1995 sau gần 30 năm bị tẩy chai. Hình ảnh vị tổng
thống da đen chia sẻ niềm hân hoan của cộng đồng da trắng đã làm nhiều
người dân Nam Phi xem đó là tột đỉnh của « hòa giải dân tộc ».
Phản ứng lại những lời công kích từ dư luận và báo chí da đen phê
bình tổng thống thiên vị quá trớn người da trắng, Nelson Mandela nhắc
nhở rằng : nếu hòa giải không được xem là chính sách cơ bản thì có lẽ đã
xảy ra biển máu ở Nam Phi.
Chính phủ đầu tiên và cho đến nội các hiện nay luôn luôn có bộ trưởng da trắng, da đen và người mang hai dòng máu.
Năm 2008, toàn dân Nam Phi đã hợp sức tổ chức thành công Cúp bóng đá
Thế giới và chào đón mỗi trận đấu bằng bài quốc ca phối hợp 5 thứ tiếng
và thổ ngữ của quốc gia đa chúng tộc này. Mặc dù tuổi cao sức yếu, đã
rời chính trường sau nhiệm kỳ đầu tiên, Nelson Mandela đã tham dự lễ
khai mạc và bế mạc với gương mặt rạng ngời niềm vui đạt thành ước nguyện
đưa Nam Phi vào trái tim của thế giới.
Trong một bài phát biểu, Nelson Mandela đã nhắc đến một câu châm ngôn
mà ông được học từ thuở bé : không có luật nào cho đa số áp đảo thiểu
số. Thiểu số không để cho đa số đè bẹp. Đây là câu kinh nhật tụng mà ông
đã nghiềm ngẫ trong suốt gần 27 năm lao tù.
Không để cho bị lôi kéo vào tâm lý thường tình lấy oán trả oán, Nam
Phi đã tổ chức một chương trình hỏa giải xóa bỏ hận thù. Ủy ban Hòa giải
Dân tộc lắng nghe lời khai và lời thú tội của hơn 30.000 người nạn nhân
cũng như thủ phạm. Đổi lại lời thú tội, thủ phạm được tha thứ.
Tuy nhiên, trên thực tế một bộ phận dư luận vẫn tiếc rẽ là tại sao
không trừng trị những kẻ có chức có quyền như bộ trưởng hay chỉ huy công
an thời apartheid.
Tại quốc gia mà Nelson Mandela vừa từ biệt, tình trạng kỳ thị màu da
vẫn tồn tại dưới hình thức khác. Hôn nhân dị chúng vẫn còn là chuyện
hiếm hoi.
Bản thân người hùng cũng đã tự cảnh giác : Hàn gắn vết thương của
quốc gia Nam Phi là một tiến trình lâu dài, không phải là một biến cố ».
0 comments:
Post a Comment