Nhà báo Phạm Chí Dũng:
'Đảng chỉ còn mang bóng hình
của các nhóm lợi ích'
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng.
DR
Sau luật gia Lê Hiếu Đằng, tối qua 05/12/2013, nhà báo tự do đồng
thời là nhà bình luận tên tuổi, tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng đã viết
bức tâm thư từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Kèm theo đó là hành động cụ
thể với lá đơn xin ra đảng gởi đến nơi đang làm việc là Viện Nghiên cứu
Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Bức thư bày tỏ nỗi thất vọng trước vai trò độc đoán về chính trị
của đảng, đã dẫn xã hội Việt Nam đến tình trạng như ngày nay. Quốc nạn
tham nhũng, sự cấu kết giữa các nhóm lợi ích và nhóm thân hữu chính trị,
hố phân hóa giàu nghèo, xã hội suy đồi toàn diện…chứng tỏ sự lãnh đạo
của đảng đã thất bại cay đắng.
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, đảng Cộng sản hiện thời chỉ còn mang
bóng hình và hơi thở của các nhóm lợi ích. Lời thề trung thành với đảng
của anh đã bị thực tế phủ nhận, đã đến lúc những người như anh cần phải
nhận chân rằng vai trò của đảng không phải là vĩnh viễn.
Anh cho rằng việc từ bỏ đảng Cộng sản là một trong những con đường
ngắn nhất để đến gần với nhân dân, và một công dân tốt có ý nghĩa hơn
nhiều so với một đảng viên tồi.
RFI Việt ngữ đã có hân hạnh được nhà bình luận Phạm Chí Dũng tiếp chuyện tối qua, ngay sau khi vừa viết xong bức tâm thư.
|
RFI : Xin
chào anh Phạm Chí Dũng. Thưa anh, vì sao anh lại quyết định từ bỏ đảng
Cộng sản Việt Nam, và theo như bức tâm thư thì đây là một quyết định khó
khăn trong đời phải không ?
Đây là một quyết định khó khăn trong đời tôi, khó thể nói là dễ
dàng được. Vì đối với những người hai mươi năm tuổi đảng như tôi, thì
tôi nghĩ cũng như nhiều người khác thôi, họ có một cái rào cản vô hình
nằm trong não trạng và có lẽ nằm cả trong tim nữa. Có một sự ràng buộc
vô hình mà khó dứt áo ra đi. Điều đó ăn sâu vào từ những năm tháng được
đào tạo trong môi trường của Nhà nước được gọi là Nhà nước xã hội chủ
nghĩa.
Và tôi cũng như nhiều người khác chịu một mối dây liên hệ, một mối
dây ràng buộc để khi quyết định rời bỏ môi trường cũ thì đó là một sự
khó khăn. Điều đó giải thích vì sao mà nhóm Kiến nghị 72 từ đầu năm 2013
đã đưa ra những kiến nghị có thể nói rất cải cách, mang tính chất động
trời như vậy, nhưng vẫn chưa hề diễn ra một hiện tượng thoái đảng theo
đúng nghĩa - điều mà nhiều người đang mong chờ và cho là cần thiết.
Còn đối với cá nhân tôi thì thực ra như tôi đã trình bày trong bức
tâm thư, lòng tin của tôi đối với đảng Cộng sản đã mất từ những năm
2000. Lúc đó tình hình đã xấu, suy thoái kinh tế và vấn đề đạo đức xã
hội đã lan tràn. Tất nhiên chưa tới mức như ngày nay, nhưng mà tình
trạng tham nhũng và lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng quyền hành trong
giới quan chức lúc đó đã khá phổ biến, và tham nhũng lúc đó đã đến mức
gần như không thể chống nổi nữa.
Sau thời Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, đến thời những Tổng bí thư
khác thì tôi không còn niềm tin nữa, và thấy công cuộc chống tham nhũng
gần như là thất bại. Khi đó niềm tin của tôi đối với quyền năng của đảng
đã gần như chấm dứt.
Nhưng từ đó đến nay đã mười năm mà không có một chút cải cách nào
khác, và tình hình thậm chí còn tệ hơn rất nhiều, như tôi đã trình bày
trong bức tâm thư.
Đây là một cuộc khủng hoảng sâu sắc, toàn diện, và suy đồi toàn xã
hội. Không còn niềm tin ở đảng Cộng sản, và đảng Cộng sản cũng không
xứng đáng với vị trí lãnh đạo đất nước, khi để đất nước tàn tạ như ngày
hôm nay. Thế thì trách nhiệm một đảng viên cần phải làm gì ? Giữ khư khư
quan điểm đối với đảng, hay giữ tuyệt đối lòng trung thành đối với đảng
chỉ trên danh nghĩa, và chỉ làm lợi cho cá nhân mình ?
Với cá nhân tôi, và tôi nghĩ có lẽ là với nhiều đảng viên khác, họ
không chấp nhận điều đó. Chỉ có khác nhau là có người thì lên tiếng, có
người im lặng, có người lựa lúc mà nói, và có những người về hưu rồi mới
nói. Hiện nay có khoảng từ 35 tới 40% số đảng viên về hưu không sinh
hoạt đảng. Đó là một hiện tượng mà chính con số của một số cơ quan đảng
trung ương đã phải thừa nhận.
Điều đó cho thấy là đảng không hấp dẫn, không thuyết phục người ta
bằng lý luận, và bị phản bác bởi thực tế. Thực tiễn quá khác với những
gì trong lý luận mà đảng vẫn thường nêu ra. Và thực tiễn ngày nay lại
càng trái khoáy với những điều mà giới triết gia của đảng Cộng sản đang
nêu ra.
Tôi cho rằng một sự trung thành mù quáng là không thể chấp nhận
được, và hơn nữa, khi biết sự thực hoàn toàn không trung thành với nhân
dân, là một sự trung thành giả dối. Cho nên tôi vẫn quan niệm là, thôi,
thà là một công dân tốt còn có ý nghĩa hơn rất nhiều lần so với một đảng
viên tồi.
Vì vậy thực ra trong tôi đã manh nha ý định xin ra khỏi đảng từ
lâu, từ những năm 2005-2006. Nhưng tôi vẫn bị ám ảnh bởi một sự ràng
buộc, một nỗi sợ hãi mơ hồ. Nỗi sợ hãi đó từ cấp trên xuống cấp dưới, từ
thượng tầng kiến trúc đi tới tận cơ sở, và người ta khó thoát ra được.
Nếu như không có sự việc anh Lê Hiếu Đằng chính thức từ bỏ đảng như
hôm 4/12, thì tôi cũng không biết là bản thân mình có thể quyết định
được vào lúc nào sẽ chính thức từ bỏ đảng. Nhưng tôi phải cám ơn anh Lê
Hiếu Đằng, và chiều nay cùng với một số anh em đi vào thăm anh Đằng, tôi
muốn hỏi anh coi như là ý chung quyết, vì anh là lớp người đi trước –
là tiền bối, tôi chỉ là hậu bối thôi. Và tôi thầm nghĩ ý kiến của anh sẽ
là chung quyết đối với tôi.
Khi thấy anh nói về việc anh từ bỏ đảng, và một giọt nước mắt long
lanh trong khóe mắt của anh, thì tôi quyết định ngay : thôi, tới lúc
rồi, và không thể chần chừ được nữa. Ít nhất cá nhân mình cũng phải bày
tỏ chính kiến về việc này. Và mình phải thể hiện, nếu không phải là
trách nhiệm của một công dân tốt, thì ít nhất cũng phải là một người
biết vượt qua được rào cản vô hình nào đó. Hay nói cách khác là vượt qua
được nỗi sợ hãi.
Và đó là một cách - như tôi trình bày - con đường ngắn nhất để có
thể đưa những đảng viên còn lương tâm đến gần gũi với nhân dân, với
những người dân nghèo và có thể chia sẻ với họ nhiều hơn. Như vậy còn
hơn là tình trạng vẫn sinh hoạt đảng nhưng sinh hoạt một cách giả tạo,
lời nói không đi đôi với việc làm.
RFI : Thưa
anh, có lẽ một trong những lý do khiến người ta dù không đồng tình
nhưng vẫn không muốn rời đảng là vì gắn liền với chức vụ và quyền lợi,
vì lâu nay tiêu chuẩn chính cho việc thăng tiến trong nghề nghiệp là
đảng viên chứ không phải năng lực ?
Điều đó hoàn toàn đúng trong xã hội Việt Nam và trong giới công
chức, viên chức Việt Nam. Thường đối với cấp sở, ngành, chuyên viên, cán
bộ bình thường có thể không phải đảng viên, nhưng từ cấp phó phòng trở
lên chắc chắn phải là đảng viên. Trong giới báo chí cũng vậy, đội ngũ
ban biên tập đương nhiên phải là đảng viên.
Và cũng đúng là thực tế có khá nhiều người – tôi cho là từ 70 đến
80% - bị phụ thuộc vào chức vụ và quyền lợi. Cho nên điều rất dễ thấy
trong hiện trạng xã hội Việt Nam hiện nay là rất nhiều người than thở,
bức xúc về đủ thứ, về chính cấp trên của họ và chính sách của Nhà nước.
Thậm chí họ có thể chỉ trích công khai đối với đảng – chỉ trích trong
các quán cà phê, cả trong cuộc họp nữa.
Nhưng bảo ra khỏi đảng thì họ không đồng ý. Họ không lên tiếng,
không có chính kiến về chuyện đó. Thâm tâm họ không muốn ra khỏi đảng vì
họ bị ràng buộc về quyền lợi và chức vụ như vậy.
Chúng ta cũng có thể thấy một hiện tượng rất đặc trưng là trong
việc bỏ phiếu cho Hiến pháp năm 2013 mới diễn ra cách đây không lâu, đã
gần như tuyệt đối 100% đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thuận. Cho những điều
mà trước đó thậm chí có nhiều đại biểu cho là bất công ! Chẳng hạn như
vấn đề thu hồi đất đối với các dự án kinh tế xã hội, hay vấn đề kinh tế
quốc doanh là chủ đạo - là một vấn đề cực kỳ bất hợp lý trong tình hình
hiện nay.
Nhưng mà họ vẫn bỏ phiếu thuận, vì sao ? Thứ nhất, vì họ bị thói
quen ràng buộc, não trạng trì trệ ràng buộc. Thứ hai, họ bị sự im lặng
lâu ngày ràng buộc. Và thứ ba, họ bị quyền lợi của họ ràng buộc. Đó là
quyền lợi đại biểu, dù là quyền lợi nhỏ ở cấp địa phương, cơ sở nhưng
vẫn là quyền lợi.
Và họ ngại. Họ sợ sự thay đổi, sợ va chạm. Sợ đụng độ với những thế
lực mới, và trong những hoàn cảnh mới bắt buộc họ phải thay đổi thói
quen của họ, và không còn đem lại, không còn giữ gìn được cho họ quyền
lợi như cũ nữa.
RFI : Thưa anh, như luật gia Lê Hiếu Đằng nói, có lẽ đảng Cộng sản đã trở thành một thứ tập đoàn lợi ích ?
Tôi cho là có nhiều nhóm lợi ích đang tồn tại trong đảng Cộng sản.
Và vô tình hay hữu ý, những người xưng danh nghĩa là cộng sản đang dung
dưỡng, nuôi dưỡng và thậm chí là tổ chức cho những nhóm lợi ích như vậy.
Cho nên trong bức tâm thư tôi mới nói là, nói tới đảng Cộng sản bây
giờ chúng ta chỉ thấy hình bóng và hơi thở của những nhóm lợi ích. Đó
là những nhóm lợi ích kinh tế, và trên nữa là những nhóm thân hữu về mặt
chính trị. Đặc biệt về sau này những nhóm lợi ích kinh tế và thân hữu
chính trị có khuynh hướng kết chặt với nhau càng ngày càng bền vững,
càng gắn chặt và càng trục lợi.
Hậu quả của sự trục lợi đó thì 90 triệu người dân Việt Nam phải
chịu. Và toàn bộ lực lượng vũ trang, bao gồm cả công an và quân đội,
cũng phải gánh chịu những đợt tăng giá vô tội vạ của những tập đoàn độc
quyền kinh tế Việt Nam. Chẳng hạn Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, hay Tập
đoàn Điện lực Việt Nam.
RFI : Theo
như những gì mà chính quyền nói và làm, có lẽ cái tên « Cộng sản »
không còn đúng nữa ; thực trạng Việt Nam hiện giờ rõ ràng là một nền
kinh tế theo kiểu tư bản ?
Cách đây hai mươi năm, từ thời mở cửa đã có một câu dân gian là «
Đảng viên nhan nhản, nhưng mà cộng sản không có bao nhiêu ». Còn về sau
này thì người ta không nói tới điều đó nữa, mà người ta nói thẳng ra là
không còn cộng sản nữa !
Có một số người vẫn phê phán chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, tôi
thấy hơi oan uổng. Tại vì thâm tâm tôi đánh giá là thế hệ già đã gần như
qua đi rồi. Những người tốt nhất, những người trung thành và chính
thống nhất của chủ nghĩa cộng sản thời chiến đã gần như đã đi qua. Nhiều
người đã đi vào cõi vĩnh hằng, những người còn lại thì đã rất lớn tuổi.
Số đó có thể họ có một não trạng khác biệt với một số quan điểm cởi
mở. Nhưng phải thừa nhận là trong số họ có nhiều người tốt. Họ tổt về
mặt đạo đức, họ giữ được đạo lý, và nếp sống của họ trong sạch hơn hẳn
so với nhiều cán bộ đảng viên cao cấp hiện nay.
Còn nhiều đảng viên cao cấp lại là một tầng lớp mới, mà người ta
gọi là « tư sản đỏ ». Tư sản đỏ vẫn là một khái niệm được duy trì cho
tới nay và không hề mờ nhạt, thậm chí còn được đề cao hơn nữa. Chẳng hạn
ở Trung Quốc người ta gọi là tầng lớp « thái tử », tức là còn hơn cả tư
sản đỏ. Đó là một tầng lớp vua chúa, một thứ vua chúa của thời hiện
đại.
Hiện nay nói về chủ nghĩa cộng sản hoặc chế độ cộng sản ở Việt Nam,
thì rất đau buồn là theo cá nhân tôi đánh giá, gần như không còn hình
bóng của những gì tốt đẹp nhất - nếu xét theo phương diện tốt nhất của
chủ nghĩa cộng sản, mà chỉ còn các nhóm lợi ích mà thôi, và những quyền
lợi riêng tư.
Hoặc những người được coi là tốt nhất hiện nay, nếu không dính dáng
về vấn đề vật chất, thì cũng bị che mờ bởi một bức màn giáo điều, kinh
viện. Họ gần như không thoát ra được điều đó. Và nếu không thoát ra
được, họ sẽ không gần gũi dân chúng. Do đó sự xa cách đối với người dân
càng làm cho vị trí của họ trở nên mờ nhạt trong lòng dân chúng, và làm
mất niềm tin của dân đối với chế độ.
RFI : Như vậy, như trong thư anh đã nói, đã đến lúc phải nhận chân vai trò của đảng Cộng sản không phải là vĩnh viễn ?
Tôi cho là như vậy ! Không có một đảng nào tồn tại vĩnh viễn, và đã
đến lúc người ta cũng cần thấy rằng – nói như một triết gia Hy Lạp cổ
đại – không thể đứng giữa hai dòng nước được.
Việt Nam không phải đứng giữa hai dòng nước mà giữa nhiều dòng
nước, giữa cả một dòng xoáy của thời đại. Nhà nước Việt Nam sẽ tồn tại
như thế nào trong dòng xoáy thời đại đó, khi trong lòng bản thân Nhà
nước cũng là một dòng xoáy khổng lồ ?
Có thể nói đó là cái thế nội công, ngoại kích mà Nhà nước Việt Nam
đang phải đối mặt, và đối mặt một cách hết sức nguy hiểm. Trong lòng dân
tộc, tình cảm phẫn nộ của dân chúng đang dâng lên như sóng triều, và có
thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Ở bên ngoài, Nhà nước Việt Nam không gặp được nhiều thuận lợi, hoặc
nói cách khác là rất ít thuận lợi trong các mối quan hệ quốc tế. Người
ta nhìn Việt Nam bằng con mắt xem thường. Xem thường về nhiều thứ, trong
đó đặc trưng là xem thường về bản lĩnh chính trị và đạo lý chính trị
đối với giới chính khách Việt Nam. Thế thì còn làm ăn gì được nữa.
Đó là một sự thay đổi mà Nhà nước Việt Nam cần phải có, nếu không
muốn bị người khác thay đổi. Nói tóm lại, những người đề cập tới việc
cần phải thay đổi điều 4 Hiến pháp của đảng Cộng sản Việt Nam, tôi cho
là có lý. Vì đã đến lúc cần xem xét, cần phải có một đối trọng chính trị
nào đó, để mọi thứ phải được kiểm soát lẫn nhau theo cơ chế tam quyền
phân lập.
Ít nhất là như vậy thì mới có thể chống tham nhũng được. Bởi nếu
không chống tham nhũng thì chắc chắn là đảng sẽ sụp đổ. Lúc đó sẽ không
ai giơ tay ra cứu đảng nữa, đặc biệt là dân chúng thì sẽ quay lưng với
đảng.
RFI : Thưa anh, nhưng cũng có quan điểm là phải còn ở trong hàng ngũ mới có thể đấu tranh được ?
Đó là một quan điểm tồn tại cách đây mươi, mười lăm năm. Người ta
cố gắng suy nghĩ rằng cần phải ở trong hàng ngũ, để đấu tranh. Và lúc đó
tôi cũng suy nghĩ như vậy ! Tôi cũng cho là có thể đấu tranh được, và
dù sao tiếng nói vẫn còn được cấp trên nghe tới. Tôi nhớ cách đây mười
lăm năm, một số ý kiến của tôi vẫn được cấp trên tiếp nhận và có xem
xét.
Nhưng mà cách đây mười năm thì đó là một sự vô vọng ! Đã không có
sự tiếp nhận một kiến nghị nào cả. Một số anh em đảng viên tâm huyết mà
tôi biết có kiến nghị nhiều, cũng như vậy. Lúc đó họ phải xem lại, một
số những người bạn tôi đã thoái đảng. Thực chất họ không xin ra khỏi
đảng nhưng không sinh hoạt đảng, coi như là một cách từ bỏ đảng, thế
thôi.
Còn đối với tôi thì lúc đó tôi phải suy nghĩ. Mình còn nằm trong
nội bộ, còn sinh hoạt đảng, nhưng mình không đóng góp được cái gì cả. Và
mình tiếp tục phải chịu trận những cuộc sinh hoạt đảng với không khí im
lặng hoàn toàn.
Tức là những buổi sinh hoạt hàng tháng vẫn phải duy trì thường
xuyên. Sau khi đọc bản nghị quyết và hỏi có đồng chí nào giơ tay có ý
kiến gì không, thì khá nhiều, hoặc hầu hết mọi người đều im lặng. Vì mọi
người đều biết rằng nghị quyết đã như thế, mọi thứ sẽ được thông qua,
sẽ không có gì thay đổi cả. Góp ý kiến cũng chẳng để làm gì. Và thế là
người ta im lặng. Im lặng hết từ cuộc họp này đến cuộc họp khác, và tôi
cũng vậy.
Tôi là người im lặng nhiều nhất. Tại vì tôi biết không để làm gì
cả. Đó là sự im lặng mà tôi cho là đã phủ trùm lên cả Quốc hội vào thời
nay. Đó là một thói quen im lặng, mà chỉ có những người ở trong nội bộ
mới hiểu được nguồn cơn sâu xa của sự im lặng đó đến từ đâu.
RFI : Anh có nghĩ là sẽ có những người hưởng ứng theo không ?
Tôi hy vọng là sẽ có những người đồng cảm với tôi. Tôi không biết
là họ có hưởng ứng hay không, tôi làm như thế vì ít nhất đây là vấn đề
của cá nhân tôi, tôi phải giải quyết. Phải thể hiện chính kiến, và tôi
cho đó là một cách để có thể dứt khoát theo con đường gần gũi với nhân
dân, với người dân nghèo nhiều hơn.
Nhưng theo tôi biết thì trong giới hưu trí hiện nay cũng rất bức
xúc, nhiều người bất mãn. Họ có nhiều lý do để họ bỏ sinh hoạt đảng,
thoái đảng hoặc từ bỏ đảng. Tôi cho nếu không phải là anh Lê Hiếu Đằng
thì sau này cũng sẽ có những người khác đi tiên phong trong việc nêu ra
thực tế vấn đề, nhận chân ra vấn đề, để thay đổi vấn đề.
Đừng nghĩ rằng ra khỏi đảng là hành vi chống đảng. Đó cũng là một
hành động bình thường theo điều lệ đảng Cộng sản Việt Nam mà thôi, hoặc
là bất cứ đảng phái chính trị nào trên thế giới. Đã có vào thì có ra,
chuyện đó hết sức bình thường. Nhưng mà ở Việt Nam, trong thể chế độc
tài chính trị thì đó lại là một điều phạm húy, cho nên người ta e sợ.
Nhưng nếu như có một số người cũng cùng làm điều này, cũng cùng
thoái đảng, từ bỏ đảng, cùng phát biểu chính kiến của mình và nêu rõ tại
sao mình làm như vậy đủ để thuyết phục những người khác, thì tôi nghĩ
sẽ trở thành một hiện tượng bình thường. Không phải là một hiện tượng
chính trị, mà đó sẽ là một hiện tượng xã hội, và thậm chí còn là một
hiện tượng văn hóa nữa.
RFI : Xin chân thành cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận trả lời RFI Việt ngữ.
TÂM THƯ TỪ BỎ ĐẢNG
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5 tháng 12 năm 2013
Tôi là nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, đảng viên từ năm 1993, viết tâm thư này nhằm khẳng định một quyết định khó khăn trong đời mình:
Tôi chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, được đào tạo từ môi trường quân đội và nhiều năm công tác trong hệ thống chính quyền, đảng cùng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, tôi đã từng tràn đầy nhiệt huyết đóng góp cho một đất nước xã hội chủ nghĩa công bằng và bác ái. Với trách nhiệm của một đảng viên, tôi đã chưa từng tham nhũng hoặc bị sa đọa lối sống.
Song tất cả những gì mà Đảng Cộng sản thể hiện vai trò “lãnh đạo toàn diện” trong ít nhất một phần tư thế kỷ qua đã khiến cho tôi, cũng như nhiều đảng viên khác, đi từ thất vọng đến tuyệt vọng về lý trí lẫn tình cảm.
Kết quả của cơ chế “lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản, mà thực chất là tư tưởng một đảng cố hữu, chính là nguồn cơn sâu xa và nguồn dẫn trực tiếp khiến cho xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng không thể khác hơn là thảm cảnh như ngày hôm nay.
Chưa bao giờ tham nhũng lại trở thành một quốc nạn ngập ngụa từ cấp trung ương đến tận cơ sở, từ trắng trợn đến vô liêm sỉ và dã man đến thế. Chưa bao giờ các nhóm lợi ích kinh tế và nhóm thân hữu chính trị, cũng như sự cấu kết giữa hai nhóm này lại biện chứng và sâu đậm đến mức bất chấp dân tình đến như vậy. Cũng chưa bao giờ hố phân hóa giàu nghèo trong xã hội ta lại thê thiết và tàn nhẫn như hiện thời.
Những độc đoán về chính trị đã tất yếu dẫn đến hậu quả nạn độc quyền, đặc quyền và đặc lợi, trục lợi. Hậu quả ấy đã đẩy nền kinh tế vào thế vong tồn và cạn kiệt hầu hết các nguồn tài nguyên của đất nước. Cuộc trục lợi không thương tiếc đó đã, đang và sẽ dồn ép hậu quả khủng khiếp của nó lên đầu 90 triệu người dân Việt và toàn bộ lực lượng vũ trang.
Chính vào lúc này, nền kinh tế Việt Nam đang đặt một chân vào vực thẳm khủng hoảng, và chỉ cần thêm ít năm nữa thôi, cơn ung hoại sẽ lan ra toàn thân để không thể một liều thuốc đặc trị nào còn tác dụng.
Ung hoại kinh tế lại đang phá nát cơ thể đạo đức xã hội. Xã hội suy đồi toàn diện. Chưa bao giờ đạo lý và văn hóa người Việt, dân tộc Việt lại trở nên thảm thương và bĩ cực như giờ đây. Tình người và mối dây ràng buộc lỏng lẻo còn lại giữa con người với nhau luôn và sẽ phải đối mặt với nguy cơ cắn xé lẫn nhau.
Ai và cơ chế nào đã gây ra thảm cảnh không thể cứu vãn như thế? Trong tâm trạng tuyệt vọng của một đảng viên, những người như tôi đã phải nhận chân rằng điều được xem là sự “lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản đã thất bại, thất bại một cách cố ý và quá cay đắng. Không những không hướng đến tinh thần công bằng và bác ái, làm tròn nghĩa vụ một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, Đảng Cộng sản hiện thời chỉ còn mang bóng hình và hơi thở của các nhóm lợi ích.
Lời thề trung thành với Đảng Cộng sản của tôi đã bị thực tế đau đớn thẳng thừng phủ nhận.
Đảng và những người như tôi, tất cả đều sinh ra từ nhân dân và vì nhân dân. Nhưng một khi Đảng đã không còn đại diện cho quyền lợi của đại đa số người dân, vì sao chúng tôi phải tiếp tục trung thành với Đảng?
Có sinh có diệt, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản ắt phải thấy quy luật trời đất đó đang ứng nghiệm vào chính họ. Bởi thái độ vô cảm, vô trách nhiệm và tư tưởng tư hữu bất chấp dân sinh, rất nhiều đảng viên cao cấp đã đẩy xã hội vào tâm thế phản lại ý nghĩa thiêng liêng của Tổ quốc.
Đã đến lúc những người như tôi cần nhận chân rằng vai trò của Đảng Cộng sản không phải là vĩnh viễn. Cũng không thể gìn giữ lòng trung thành tuyệt đối với một lý tưởng chỉ còn là câu chữ cửa miệng.
Không nhằm mục đích chống Đảng, tôi thành tâm cho rằng thái độ từ bỏ Đảng Cộng sản là một trong những con đường ngắn nhất để gần gũi hơn với nhân dân và quyền lợi người nghèo.
Trong tận cùng tâm thức, một công dân tốt có ý nghĩa hơn nhiều so với một đảng viên tồi.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng
Địa chỉ: 298/4 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 1, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh
ĐT: 01235459338
Email: vietleminhquan@gmail.com
ĐƠN XIN RA ĐẢNG
Kính gửi: Đảng ủy Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM
Tôi là Phạm Chí Dũng, đảng viên từ năm 1993, hiện công tác và sinh hoạt đảng tại Viện Nghiên cứu phát triển, trực thuộc Ủy ban nhân dân TP.HCM.
Tôi làm đơn này đề nghị Đảng ủy Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM hướng dẫn thủ tục và giải quyết cho tôi được ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lý do: Tôi tự nhận thấy Đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân, và điều đó đi ngược với tôn chỉ mục tiêu ban đầu của Đảng cùng lời thề của tôi khi vào Đảng. Do vậy tôi không còn phù hợp với vai trò và nghĩa vụ một đảng viên trong Đảng Cộng sản.
Trân trọng.
Ngày 5 tháng 12 năm 2013
Người làm đơn
Phạm Chí Dũng
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5 tháng 12 năm 2013
Tôi là nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, đảng viên từ năm 1993, viết tâm thư này nhằm khẳng định một quyết định khó khăn trong đời mình:
Tôi chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, được đào tạo từ môi trường quân đội và nhiều năm công tác trong hệ thống chính quyền, đảng cùng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, tôi đã từng tràn đầy nhiệt huyết đóng góp cho một đất nước xã hội chủ nghĩa công bằng và bác ái. Với trách nhiệm của một đảng viên, tôi đã chưa từng tham nhũng hoặc bị sa đọa lối sống.
Song tất cả những gì mà Đảng Cộng sản thể hiện vai trò “lãnh đạo toàn diện” trong ít nhất một phần tư thế kỷ qua đã khiến cho tôi, cũng như nhiều đảng viên khác, đi từ thất vọng đến tuyệt vọng về lý trí lẫn tình cảm.
Kết quả của cơ chế “lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản, mà thực chất là tư tưởng một đảng cố hữu, chính là nguồn cơn sâu xa và nguồn dẫn trực tiếp khiến cho xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng không thể khác hơn là thảm cảnh như ngày hôm nay.
Chưa bao giờ tham nhũng lại trở thành một quốc nạn ngập ngụa từ cấp trung ương đến tận cơ sở, từ trắng trợn đến vô liêm sỉ và dã man đến thế. Chưa bao giờ các nhóm lợi ích kinh tế và nhóm thân hữu chính trị, cũng như sự cấu kết giữa hai nhóm này lại biện chứng và sâu đậm đến mức bất chấp dân tình đến như vậy. Cũng chưa bao giờ hố phân hóa giàu nghèo trong xã hội ta lại thê thiết và tàn nhẫn như hiện thời.
Những độc đoán về chính trị đã tất yếu dẫn đến hậu quả nạn độc quyền, đặc quyền và đặc lợi, trục lợi. Hậu quả ấy đã đẩy nền kinh tế vào thế vong tồn và cạn kiệt hầu hết các nguồn tài nguyên của đất nước. Cuộc trục lợi không thương tiếc đó đã, đang và sẽ dồn ép hậu quả khủng khiếp của nó lên đầu 90 triệu người dân Việt và toàn bộ lực lượng vũ trang.
Chính vào lúc này, nền kinh tế Việt Nam đang đặt một chân vào vực thẳm khủng hoảng, và chỉ cần thêm ít năm nữa thôi, cơn ung hoại sẽ lan ra toàn thân để không thể một liều thuốc đặc trị nào còn tác dụng.
Ung hoại kinh tế lại đang phá nát cơ thể đạo đức xã hội. Xã hội suy đồi toàn diện. Chưa bao giờ đạo lý và văn hóa người Việt, dân tộc Việt lại trở nên thảm thương và bĩ cực như giờ đây. Tình người và mối dây ràng buộc lỏng lẻo còn lại giữa con người với nhau luôn và sẽ phải đối mặt với nguy cơ cắn xé lẫn nhau.
Ai và cơ chế nào đã gây ra thảm cảnh không thể cứu vãn như thế? Trong tâm trạng tuyệt vọng của một đảng viên, những người như tôi đã phải nhận chân rằng điều được xem là sự “lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản đã thất bại, thất bại một cách cố ý và quá cay đắng. Không những không hướng đến tinh thần công bằng và bác ái, làm tròn nghĩa vụ một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, Đảng Cộng sản hiện thời chỉ còn mang bóng hình và hơi thở của các nhóm lợi ích.
Lời thề trung thành với Đảng Cộng sản của tôi đã bị thực tế đau đớn thẳng thừng phủ nhận.
Đảng và những người như tôi, tất cả đều sinh ra từ nhân dân và vì nhân dân. Nhưng một khi Đảng đã không còn đại diện cho quyền lợi của đại đa số người dân, vì sao chúng tôi phải tiếp tục trung thành với Đảng?
Có sinh có diệt, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản ắt phải thấy quy luật trời đất đó đang ứng nghiệm vào chính họ. Bởi thái độ vô cảm, vô trách nhiệm và tư tưởng tư hữu bất chấp dân sinh, rất nhiều đảng viên cao cấp đã đẩy xã hội vào tâm thế phản lại ý nghĩa thiêng liêng của Tổ quốc.
Đã đến lúc những người như tôi cần nhận chân rằng vai trò của Đảng Cộng sản không phải là vĩnh viễn. Cũng không thể gìn giữ lòng trung thành tuyệt đối với một lý tưởng chỉ còn là câu chữ cửa miệng.
Không nhằm mục đích chống Đảng, tôi thành tâm cho rằng thái độ từ bỏ Đảng Cộng sản là một trong những con đường ngắn nhất để gần gũi hơn với nhân dân và quyền lợi người nghèo.
Trong tận cùng tâm thức, một công dân tốt có ý nghĩa hơn nhiều so với một đảng viên tồi.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng
Địa chỉ: 298/4 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 1, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh
ĐT: 01235459338
Email: vietleminhquan@gmail.com
ĐƠN XIN RA ĐẢNG
Kính gửi: Đảng ủy Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM
Tôi là Phạm Chí Dũng, đảng viên từ năm 1993, hiện công tác và sinh hoạt đảng tại Viện Nghiên cứu phát triển, trực thuộc Ủy ban nhân dân TP.HCM.
Tôi làm đơn này đề nghị Đảng ủy Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM hướng dẫn thủ tục và giải quyết cho tôi được ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lý do: Tôi tự nhận thấy Đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân, và điều đó đi ngược với tôn chỉ mục tiêu ban đầu của Đảng cùng lời thề của tôi khi vào Đảng. Do vậy tôi không còn phù hợp với vai trò và nghĩa vụ một đảng viên trong Đảng Cộng sản.
Trân trọng.
Ngày 5 tháng 12 năm 2013
Người làm đơn
Phạm Chí Dũng
0 comments:
Post a Comment