Wednesday, November 6, 2013
Làm theo năng lực hưởng theo cái gì?
Từ những thập niên 80 của thế kỷ trước, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã được nghe đi nghe lại các thầy các cô dạy rằng: “Chủ nghĩa Tư bản đang giãy chết và tự đào hố chôn mình, còn Chủ nghĩa Cộng sản đang trên đà phát triển và tiến lên Thế giới đại đồng”.
Tôi cứ chăm chú lắng nghe và vô cùng thích thú mặc dù đã được nghe nhiều lần. Lúc đó tôi vô cùng tự hào vì gia đình tôi cũng đã có nhiều người đóng góp xương máu cùng với nhân dân Miền Bắc để giúp Đảng Cộng sản có được “hòa bình” và “thống nhất đất nước”. Tôi lại còn nghĩ rằng rất may mà Việt nam đã có một vị lãnh tụ tài ba như Hồ Chí Minh, người đã bôn ba để tìm ra và đưa về cho dân tộc Việt Nam một chủ nghĩa tuyệt vời. Tôi, như nhiều đứa trẻ khác, tin rằng chẳng bao lâu nữa Việt Nam sẽ tiến thẳng lên Chủ nghĩa Xã hội mà không cần phải đi qua Tư bản chủ nghĩa. Rồi đây người dân Việt Nam sẽ tha hồ hưởng thụ những thành quả cách mạng mà Đảng và Bác đem lại. Và các ước mơ cũng tràn lan: Người dân chúng tôi sẽ thực sự làm chủ đất nước của mình; Việt Nam sẽ trở nên lớn mạnh, sánh vai với các cường quốc; và dĩ nhiên nhân dân sẽ đạt tới lằn mức thiên đường của “Làm theo năng lực – Hưởng theo nhu cầu”.
Niềm tin đó cứ ấp ủ trong tôi suốt thời gian còn là học sinh cho tới năm 1990 khi tôi bước vào quân ngũ. Đó cũng là thời điểm Liên Bang Xô Viết và cả Khối Đông Âu bắt đầu xụp đổ. Nhưng quái lạ là ngay trong thời gian đó, tại những buổi học chính trị của đơn vị, tôi vẫn nghe các chính trị viên đơn vị tiếp tục giảng lại những gì tôi đã được nghe trong thời còn học phổ thông về chủ nghĩa Cộng sản, chủ nghĩa Xã hội. Nhưng lúc này tôi đã lớn hơn nhiều nên suy nghĩ cũng khác. Tôi không còn tin những gì đảng Cộng sản và hệ thống tuyên truyền của đảng rêu rao nữa. Tôi chán đến độ không muốn trở thành đảng viên, và đó cũng là lần đầu tiên tôi không còn cảm thấy tự hào về những hy sinh đóng góp của những người thân mình cho Cộng sản nữa. Có lẽ nhờ môi trường bộ đội mà tôi đã nhận ra sự bịp bợm dối lừa của cái chủ nghĩa nói thì hay nhưng làm lại ngược hẳn lại.
Từ đó tới nay khi phải chứng kiến những bất công trong xã hội, những nghịch lý trong cuộc sống tôi lại được nhắc nhở về nụ cười mếu máo của lời hứa: một thế giới đại đồng được xây dựng bởi bàn tay của những người Cộng sản.
Chỉ cần nhìn vào một số sự kiện liên tiếp xảy ra gần đây, như các tập đoàn kinh tế nhà nước Vinashin, Vinalines, Vina…x, Vina…y, bị những người Cộng sản ăn ruỗng đến tận xương; hay nhìn vào cảnh người dân oan bị những người cộng sản cướp đất cướp nhà cướp mọi phương kế sinh sống; hay nhìn những cháu bé chết chẳng kịp “giãy” vì những người cộng sản vẫn tự hào “chích cho là phúc rồi!”; hay nhìn mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Xuân ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa chết ngay trên bàn mổ vì những người cộng sản chưa nhận được phong bì; hay nhìn xác người dân tại các tỉnh miền Trung bị những người cộng sản bất ngờ xả lũ xuống đầu chết phình chết nổi hàng loạt; hay nhìn xác thân những liệt sĩ nay được những người cộng sản chuyển sang thành xương trâu xương lợn để kiếm lợi nhưng đổ hết tội lên đầu các nhà ngoại cảm; v.v… Nhiều người nay đã tự hỏi: Làm theo năng lực – Chết theo nhu cầu?
Còn lời tiên đoán về “Tư bản giãy chết” thì không hiểu tại sao không những họ vẫn còn tồn tại mà ngay cả các nước XHCN cũng bắt chước làm theo để sống sót? Theo tôi nghĩ thì một trong những lý do mà họ sống hùng sống mạnh là vì đã biết cột Tư Bản với Dân Chủ. Nhờ đó nói và làm của họ đi đôi với nhau. Nếu không làm được như đã nói thì người dân thay ngay bằng người khác. Họ có cơ cấu xã hội dân sự; nền chính trị của họ có tam quyền phân lập rõ ràng; kinh tế của họ phát triển vì khả năng trí tuệ của người dân được tôn trọng và có môi trường thuận lợi để phát huy; mọi đảng phái chính trị tự do hoạt động; các tổ chức dân sự được khuyến khích góp phần chăm sóc xã hội; …
Ngược lại, tại Việt nam, Tư Bản (với tên mới là Kinh tế Thị trường) lại bị cột với đối thủ truyền kiếp là chủ nghĩa Cộng sản để làm nền tảng cai trị bên dưới các lãnh tụ “tài tình” của Đảng Cộng sản. Hệ quả là những người có chức có quyền hầu hết là những người rất tài giỏi … trong ngành đấu đá nội bộ, gian xảo rất tinh vi với tất cả mọi cấp, và biết tận dụng khổ đau của người chung quanh làm vũ khí. Khi đạt đến mức này thì họ trở thành giai cấp được thực sự “Làm theo năng lực – Hưởng theo nhu cầu”. Họ không cần học hành đỗ đạt hay kiến thức gì cả. Năng lực tới đâu thì làm tới đó. Nếu có sai thì cứ “sai đâu sửa đấy” hoặc “đó là lỗi của cô thư ký, cậu đánh máy”. Nhưng nhu cầu của họ rất lớn nên phải ra sức hưởng nhiều, không những cho mình mà còn nặng gánh cho gia đình nữa. Đặc biệt trong 10 năm qua, nhu cầu đất của lãnh đạo ngày càng lớn nên đảng đã phải giải quyết trên căn bản: Một vài cá nhân chỉ được phép xử dụng đất đai mà thôi chứ toàn dân mới là chủ; Và đảng có trách nhiệm quản lý tài sản của toàn dân, bao gồm cả đất đai; Và đại diện cho quyền lợi và tiêu chí của toàn đảng là các lãnh tụ ở thượng tầng; Do đó lãnh đạo cưỡng chế đất từ tay một vài cá nhân là hoàn toàn đúng lôgích xã hội XHCN.
Điều đáng nói là các chế độ độc tài, đặc biệt độc tài cộng sản, từng “giãy” chết đều đã áp dụng cùng loại lôgích như vậy.
Thanh hóa 6/11/2013
© Nguyễn Trung Tôn
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment