Tuesday, November 19, 2013

Giáo Hội Công Giáo Hàn Quốc hỗ trợ cô dâu nước ngoài

Một cặp vợ chồng Việt - Hàn (DR)
Một cặp vợ chồng Việt – Hàn (DR)
Thời gian qua, tại Việt Nam, chuyện cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc đã trở nên quen thuộc. Bên cạnh đó, chuyện cô dâu Việt Nam gặp khó khăn trên đất người trong hội nhập hoặc do bị chồng hành hạ cũng dần trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, trên đất khách, các cô dâu Việt Nam nói riêng và cô dâu ngoại quốc nói chung đã bắt đầu được sự hỗ trợ của chính quyền sở tại, và của cả Giáo Hội Công Giáo. Nhìn nhận về sự giúp đỡ hiệu quả của Giáo Hội Công Giáo trong hồ sơ này, nhật báo La Croix đăng bài : « Tại Hàn Quốc, Giáo Hội hỗ trợ các bà vợ ngoại quốc ».
Người Hàn Quốc do bị ám ảnh bởi các cuộc chiến tranh xâm lược các nước lân cận, nên đã dần có tâm lý bài ngoại. Thế nhưng, dân số Hàn Quốc đứng trước nguy cơ lão hóa, tỷ lệ sinh hiện chỉ đạt 1,4 con/phụ nữ. Đàn ông Hàn Quốc, nhất là ở các vùng tỉnh lẻ, do thu nhập thấp, nên không thể cưới được vợ trong nước.
Hơn nữa, xã hội Hàn Quốc vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Nho Giáo là coi trọng vai trò của đàn ông trong việc phải có con để kế tục dòng họ. Tất cả những yếu tố trên khiến đàn ông Hàn Quốc có xu hướng đi kiếm vợ ở những nước nghèo hơn.
Tờ báo cho biết, các cô dâu lấy chồng Hàn Quốc thường có tuổi đời nhỏ hơn chồng rất nhiều, và phải chấp nhận hy sinh bản thân để giúp cha mẹ thoát nghèo. Thế nhưng, khi đến Hàn Quốc, những cô dâu này gặp nhiều trở ngại trong hội nhập do bất đồng ngôn ngữ và văn hóa. Vì thế họ bị gia đình chồng khinh rẻ và hành hạ. Ngay cả con cái của họ khi sinh ra cũng bị người Hàn Quốc nhìn bằng con mắt khác vì đó là những đứa con lai.
Để giúp đỡ cho những cô dâu ngoại quốc này, chính quyền Hàn Quốc đã nhập cuộc. Giáo Hội Công Giáo tại Hàn Quốc cũng tham gia. Tờ báo dẫn ra trường hợp một Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa tại Seoul. Trung tâm này được sự hỗ trợ tài chính của chính quyền địa phương, hiện có hai linh mục Công Giáo quản lý cùng với nhiều tín hữu và người dân tình nguyện. Mỗi ngày trung tâm đều có lớp học miễn phí dành cho các bà vợ ngoại quốc.
Chương trình « đào tạo » của trung tâm kéo dài 5 năm, bao gồm 3 giai đoạn : 1) Lớp dạy tiếng Hàn và dạy nấu ăn cho những người mới bắt đầu ; 2) Lớp trung cấp dạy cách đảm bảo quan hệ tốt với gia đình chồng, và cách giáo dục Hàn Quốc ; 3) Lớp cao cấp thiên về những thủ tục hành chánh và tìm việc làm.
Trung tâm ra đời năm 2007. Từ đó đến nay, trung tâm này đã “đào tạo” được hơn 250 cô dâu nước ngoài. La Croix dẫn ra trường hợp một cô dâu Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ hiệu quả của trung tâm. Cô dâu này cũng đã gặp khó khăn trong hội nhập và đã từng bị chồng hành hạ, đánh đập.
Tuy nhiên, La Croix cũng cho biết thêm, Hàn Quốc còn phải làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ các cô dâu ngoại quốc, vì ước tính hiện tại ở nước này có đến 270 000 cô dâu ngoại quốc và 160 000 đứa con ra đời từ những cuộc hôn nhân như trên. Thêm vào đó, hội nhập được vào xã hội Hàn Quốc không phải dễ dàng gì.
Tờ báo dẫn lời một linh mục của Trung tâm nói trên cho biết về những đòi hỏi như sau: “Các cô dâu ngoại quốc phải rành ngôn ngữ và văn hóa Hoàn Quốc, phải biết lịch sử và thời sự của đất nước, phải biết hát quốc ca…” Chỉ bấy nhiêu thôi đã không phải là chuyện dễ. La Croix cho hay, ngoài giáo phận Seoul , nhiều trung tâm theo kiểu nêu trên cũng đang được dự tính thành lập ở những giáo phận khác.
Hủy bỏ trại lao giáo tại Trung Quốc: bình mới rượu cũ?
Nhìn sang Trung Quốc, La Croix quan tâm đến việc Hội nghị trung ương 3 khóa 18 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc vừa quyết định chấm dứt sự tồn tại của hệ thống các trại lao cải.
Tờ báo nhắc lại, hệ thống này được bắt đầu từ những năm 1950 dưới thời Mao Trạch Đông nhằm để đối phó với những người mà chính quyền xem là “kẻ thù của nhân dân”. Các trại lao giáo là nơi chứa tù nhân bị bắt vào đó để cải tạo bằng lao động. Hệ thống này đã cho phép chính quyền Trung Quốc lạm dụng để bắt bất kỳ ai mà không cần xét xử trong thời hạn tối thiểu là 4 năm.
Từ năm 2005, nhiều tiếng nói đã vang lên đòi nhà cầm quyền Trung Quốc hủy bỏ hệ thống lao giáo. Nhiều sự việc xảy ra tại Trung Quốc trong thời gian qua cũng cho thấy dư luận xã hội nước này ngày càng bất mãn với cái gọi là Trại lao giáo. Và từ khi ông Tập Cận Bình lên lãnh đạo đất nước, “niềm hy vọng” nhìn thấy hệ thống lao giáo sụp đổ ngày càng mãnh liệt.
Và trên phương diện chính thức, hệ thống Lao giáo đã bị hủy bỏ tại Trung Quốc. Thế nhưng, La Croix tỏ ra nghi ngờ quyết định này. Tờ báo dẫn lời một số chuyên gia về Trung Quốc cho rằng, có thể đó chỉ là chiêu bài xoa dịu quần chúng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng trong thực chất thì lại không thay đổi. Tức là họ nghi ngờ rằng nhà cầm quyền sẽ tìm ra một cái tên khác để thay cho từ “lao cải” trong khi bản chất của hệ thống này sẽ không thay đổi. Nói cách khác là “bình mới rượu cũ” vậy.
Chưa kể là quyết định nói trên của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể khó được thực thi một cách nghiêm túc ở các địa phương, do chính quyền địa phương thường tận dụng những tù nhân lao giáo làm lao động không công, và sử dụng hệ thống lao cải để trấn áp dưới danh nghĩa bảo vệ trật tự công cộng.
Philippines : 10 ngày sau bão Haiyan

Đến với tình hình Philippines hơn 10 ngày sau siêu bão Haiyan, nhật báo Le Monde đăng bài: “Người Philippines tạ ơn Thiên Chúa”.
Siêu bão Haiyan đã tàn phá nặng nề Philippines về người và của. Thế nhưng, đối với những người còn sống sót sau cơn bão, thì sự sống sót của họ qua cơn bão kinh hoàng vừa rồi quả thật là một ân huệ của Đấng siêu nhiên.
Đa phần người Philippines theo Công Giáo, bởi vậy tờ báo cho biết, hôm Chủ nhật vừa rồi, nhiều nạn nhân sống sót sau cơn bão đã tập trung vào các nhà thờ nằm trong khu vực cơn bão đi qua để cầu nguyện tạ ơn Thiên Chúa.
Tờ báo cũng cho biết thêm, số tiền giúp đỡ của cộng đồng quốc tế đã trên 180 triệu euro. Liên Hiệp Quốc ước tính có trên 2,5 triệu người cần cứu trợ khẩn cấp. Úc, Indonesia, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Brunei, New-Zeland và Thái Lan đã gửi quân đến tiếp viện.
Nhật Bản đã tăng gấp 3 lần số tiền cứu trợ, lên mức 22,2 triệu euro, và cũng đã gửi đến khu vực 2 tàu chiến. Anh, Pháp, Mỹ cũng cử lực lượng hùng hậu đến tham gia tiếp tế nạn nhân và khắc phục hậu quả của cơn bão Haiyan.
Nhật Bản: tháo dỡ thanh nhiên liệu tại Fukushima
Cũng tại Châu Á, nhật báo Le Figaro quan tâm đến Nhật Bản với bài chạy tựa: “ Fukushima bắt đầu tháo dỡ các thanh nhiên liệu”.
Tờ báo cho biết, sáng hôm qua, Tập đoàn điện lực Tokyo (Tepco) đã bắt đầu cho tháo dỡ các thanh nhiên liệu ra khỏi bể chứa ở lò phản ứng số 4. Đây là lò phản ứng bị thiệt hại ít nhất trong 4 lò của nhà máy. Tổng số các thanh nhiên liệu phải tháo dỡ là hơn 1 500 đơn vị.
Công tác tháo dỡ sẽ kéo dài và rất nguy hiểm, bởi vì nếu trong điều kiện bình thường thì không có gì, nhưng do nhà máy hạt nhân Fukushima đã bị tàn phá nghiêm trọng bởi tai họa động đất-sóng thần-hạt nhân hồi năm 2011.
Vụ NSA : Các tập đoàn Internet Hoa K ỳ bị đe dọa
Các tập đoàn Internet Hoa Kỳ giữ vai trò “độc tôn” trên thị trường Internet thế giới. Thế nhưng, sự độc tôn này đang bị lung lai bởi xì căn đan nghe lén của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA). Nhật báo Le Monde đăng bài nhận định: “Sự kết thúc của Internet Hoa Kỳ”.
Tờ báo cho biết, các đại gia như Facebook hay Google đã tiết lộ rằng, không chỉ có chính quyền Hoa Kỳ yêu cầu họ cung cấp thông tin của các cá nhân, mà ngay cả các nước Châu Âu cũng có phần. Bài viết cho rằng, tiết lộ này càng cho thấy rõ mức độ rộng lớn của sự thông đồng giữa các tập đoàn Internet Hoa Kỳ với các chính phủ.
Từ đó, các nước bắt đầu có ý định thoát khỏi sự bao vây Internet của các tập đoàn Hoa Kỳ (ngoại trừ Trung Quốc và Iran vì hay nước này đã có hệ thống mạng riêng). Tổng thống Brazil, bà Dilma Rousseff dự định đưa vào luật Internet một điều khoản buộc các tập đoàn dịch vụ mạng phải nộp lưu chiểu tất cả những thông tin điện tử của người Brazil .
Theo tờ báo Đức Der Spiegel thì tập đoàn viễn thông Deutsche Telecom của Đức đang nghiên cứu khả năng thiết lập một mạng Internet nội bộ dành cho cộng đồng các nước Schengen và các thông tin mạng sẽ được lưu trữ ở các trung tâm lưu trữ địa phương.
Trong bối cảnh đó, các tập đoàn Internet Hoa Kỳ cảm thấy bất an và đang ra sức cứu vãn tình thế. Le Monde cho hay, các tập đoàn này sắp tới sẽ liên kết lại để yêu cầu chính quyền Obama sửa đổi luật Patriot Act, luật mở đường cho việc các cơ quan tình báo Mỹ thu thập thông tin của các cá nhân.
Trên phạm vi thế giới, các tập đoàn Internet của Mỹ cũng sẽ đề nghị các nước cải cách chính sách quản lý Internet để các thông tin cá nhân được bảo vệ tốt hơn.
Israel-Palestine: Pháp chọn ai?
Sau khi đến thăm lãnh thổ Palestine, hôm qua tổng thống Pháp François Hollande đã có bài diễn văn tai Quốc hội Israel . Nhật báo cánh hữu Le Figaro và nhật báo cánh tả Libération đều quan tâm đến sự kiện này.
Libération đăng bài: “Tại Israel , tổng thống Hollande nối bước cựu tổng thống François Miterrand”. Tờ báo nhắc lại, hồi năm 1982, tổng thống Pháp khi ấy là ông François Miterrand cũng đã đọc diễn văn trước Quốc hội Israel thể hiện lập trường của Pháp về việc ủng hộ giải pháp “Hai nhà nước sống cạnh bên nhau, lấy Jerusalem làm thủ đô”.
Đến lượt mình, hôm qua trước Quốc hội Israel , Tổng thống Hollande cũng đã nhắc lại lập trường này. Ông Hollande cũng chỉ trích việc Israel cho xây dựng thêm các khu dân cư trong khu vực nhạy cảm. Trước đó, khi đến thăm Palestine , tổng thống Hollande cũng ca ngợi mối quan hệ giữa Pháp và Palestine.
Nhiều hợp đồng kinh tế đã được hai bên ký kết. Đối với Iran, tổng thống Hollande nhắc lại lập trường của Pháp là chờ đến khi nào Iran có động thái đảm bảo việc chấm dứt chương trình hạt nhân thì cộng đồng quốc tế mới xem xét tháo dỡ lệnh trừng phạt.
Về phần mình, tờ báo cánh hữu Le Figaro cũng thuật lại những diễn biến như trên. Tuy nhiên tờ báo này cho rằng, tổng thống Hollande vừa muốn tái khẳng định lập trường của Pháp, nhưng cũng ra sức không làm mất lòng Israel.
Le Figaro cho biết thêm, nhiều chính khách Israel tỏ ra không mặn mà trong mối quan hệ với Pháp. Tờ báo dẫn lời một quan chức Israel đặc trách hồ sơ đàm phán với Palestine cho rằng: Quan hệ với Mỹ mới là quan trọng hơn, bởi thế điều cần kíp là cải thiện quan hệ với Mỹ.
Pháp : 2,5 triệu người mù chữ
Trong hồ sơ xã hội, nhật báo Les Echos đăng bài liên quan đến nước Pháp với dòng tựa: “Mù chữ len lỏi vào các doanh nghiệp”.
Tờ báo cho biết, theo số liệu thống kê mới nhất, nước Pháp có 2,5 triệu người mù chữ, trong đó 51% có việc làm. Con số này có tiến triển so với năm 2004 nhưng không đáng kể. Mù chữ ở Pháp được định nghĩa là: “Những người đã từng được đi học, nhưng hiện tại không đủ khả năng đọc tốt, viết tốt, và tính tốt để tự giải quyết các công việc liên quan trong cuộc sống thường nhật”.
Theo tờ báo, các doanh nghiệp Pháp đã ý thức được sự việc, và có những doanh nghiệp đã tiến hành các lớp nâng cao trình độ cho nhân viên. Bởi vì, những ông chủ Pháp hiểu rõ rằng, nhân viên dù làm việc gì, thiếu trình độ thì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của toàn công ty.
Chẳng hạn như theo một nghiên cứu tại bộ phận hậu cần của Tập đoàn nước khoáng Evian, thì việc thiếu kỷ năng căn bản của các nhân viên đã làm thiệt hại cho công ty đến 166 460 euro, và việc Evian cho mở lớp đào tạo đã giúp hạn chế được 75 000 euro trong số đó.

0 comments:

Powered By Blogger