Friday, March 22, 2013

VỀ VẤN ĐỀ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP

Gần đây dư luận trong và ngoài nước, nhất là giới trí thức tả cũng như hữu, lên tiếng nhiều về việc sửa đổi hiến pháp hiện hành của Việt Nam.
Nay tôi xin có một vài ý kiến :
Đồng ý vấn đề sửa đổi hiến pháp là quan trọng, vì nó là luật căn bản của một quốc gia. Nhưng tôi không tin tưởng nhiều vào việc này, vì một số lý do sau đây :
I)  Giới lãnh đạo cộng sản, kẻ khởi xướng và chủ trương sửa đổi hiến pháp không có thành thật, vì Việt Nam cũng đã nhiều lần sửa đổi hiến pháp, sửa sai, tự sửa sai, từ lâu, chứ không phải một lần này, từ hồi Hồ chí Minh, Lê Duẫn, Đỗ Mười.
Trước cảnh đó, người Việt đã có câu : «  Sửa sai, rồi lại sửa sai. Sửa thì cứ sửa, sai thì cứ sai. »
Tôi nhìn cách hô hào sửa đổi hiến pháp lần này cũng chỉ là một lần nữa lừa bịp, dối trá dân, của cộng sản.
Dân tộc Nga có câu châm ngôn : «  Một lời nói sự thật nặng hơn quả địa cầu. » Chính câu này đã được những người như nhà văn hào Soljennytsine, nhà bác học Sakharov và giới trí thức, sinh viên học sinh Nga sô làm câu châm ngôn trong công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền của họ vào những năm 80.
Nhà bác học, kiêm triết gia Francis Bacon (1561-1626), người được coi như một trong những cột trụ tạo ra nền khoa học hiện đại, với phương pháp qui nạp của ông, đã nói :
«  Những chế độ, những lâu đài thành quách, có thể bị thời gian làm phai mờ và sụp đổ. Nhưng những lời nói sự thật, những công trình khoa học nghiên cứu về sự thật, những lời nói về tình thương, những câu vè, bài thơ, tiếng hát nói lên tình người, những thứ này thời gian không bao giờ có thể làm phai mờ được, vì sự thật và tình thương chính là nền tảng của văn hóa và văn minh. Như bài thơ của Homère, cách đây cả bao ngàn năm, mà vẫn vậy. »
Người xưa cũng có câu : «  Thành tâm, thiện ý, cách vật trí tri. « Đằng này, giới lãnh đạo, kẻ hô hào sửa đổi, nhưng không có thành tâm, chẳng thiện ý, thì công việc sẽ đi về đâu ?
II)  Lý đo thứ nhì, đó là : Hiến pháp là luật lệ căn bản của một quốc gia, nhưng trên hiến pháp còn có truyền thống đạo đức, truyền thống văn hóa, triết học, nhiều khi không thành văn. Chừng nào mà giới lãnh đạo cộng sản vẫn còn giữ nền tảng triết học Mác Lê, coi thường những giá trị văn hóa, đạo đức cổ truyền, ngày đó, việc sửa đổi hiến pháp chỉ là trò bịp bợm, lừa dối dân.
Nhìn vào lịch sử phát triển cận đại, suy nghẫm sự thất bại của mô hình phát triển cộng sản, Mác Lê, và sự thành công của những nước như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Thái Lan, người ta thấy, những nước phát triển và thành công, đó là những nước biết bảo tồn văn hóa tốt đẹp của mình, và thâu nhận hài hòa những phát minh sáng kiến của thế giới.
Văn hóa, văn minh của một dân tộc có thể ví như một cái cây, gồm có rễ cây là quá khứ, thân cây là hiện tại, và cành lá là tương lai. Rễ cây phải ăn sâu vào lòng đất để hút nhựa ; thân cây phải to lớn để chuyển nhựa ; cành lá phải rườm rà để hút tinh hoa của thập phương. Lý thuyết Mác Lê, chủ chương đoạn tuyệt với quá khứ, chẳng khác nào vứt bỏ rễ cây. Làm sao cây có thể sinh sống và lớn mạnh được.
Đây là một trong những lý do chính đưa đến sự sụp đổ của mô hình tổ chức nhân xã Mác Lê, cộng sản.
Sửa đổi hiến pháp, mà vẫn giữ nền tảng triết học Mác Lê, vừa là một sự mâu thuẫn, vừa là một trò hề, vì lý thuyết này chủ trương độc khuynh, độc đảng. Điều cần sửa chính là Lời mở đầu và điều 4 hiến pháp hiện hành theo chủ trương này. Nếu chỉ sửa những phần khác, thì chỉ là phụ thuộc, lừa bịp.
III )   Thể chế chính trị, hay nói một cách khác đi là mô hình tổ chức nhân xã của một cộng đồng dân tộc, ngoài việc bao gồm nguyên tắc căn bản đạo đức,  cách ứng xử với nhau, triết lý, văn hóa, luật lệ, hiến pháp, người ta còn phải kể đến vai trò của giai tầng lãnh đạo và giới sĩ phu, trí thức, vì những người này có nhiệm vụ truyền bá và thực hiện những nguyên tắc đạo đức, triết lý, luật lệ đó.
Dù dân tộc đó có một truyền thống triết lý đạo đức tốt đẹp, có một hiến pháp hay ; nhưng giới lãnh đạo có thái độ ngồi xổm lên đạo đức, coi thường hiến pháp và luật pháp, giới sĩ phu, trí thức chỉ là những kẻ xu nịnh, nói leo, nói theo bạo quyền, thì kết quả vẫn là xấu xa, hiến pháp hay chỉ là tờ giấy lộn, nguyên lý đạo đức tốt đẹp cũng bị vùi dập dưới chân bạo quyền.
Ngày xưa Mạnh Tử có nói :
«  Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh «  có nghĩa : dân là cao quí, sau đến cơ chế chính trị, hiến pháp, luật pháp là thứ nhì ; sau cùng mới đến quan quyền. Đó là chế độ tốt. Hiện nay chế độ Cộng sản Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại : Trước nhất là quan quyền, sau mới tới hiến pháp, luật pháp và cuối cùng mới tới dân.
Trong bài trước của tôi, mang tựa đề «  Nước Tàu và Đặng tiểu Bình «, tôi có nhắc tới lời của ông Lưu Á Châu, Ủy viên Chính trị của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Trung quốc, theo đó :
« Dưới một chế độ tồi, thì người tốt cũng hành xử tồi. Dưới một chế độ tốt, thì người tồi cũng hành xử tốt. Dân chủ là một chế độ cần thiết, mà không có nó, sẽ không có sự trổi dậy bền vững. »
Nói đến giới lãnh đạo và hiến pháp, trong lịch sử cận đại, chúng ta không thể quên 2 nước Nhật và Đức, vì hiến pháp của 2 nước này được làm ra dưới sự cố vấn và khuyến cáo của phe Đồng minh (ngoại trừ Nga sô). Luật căn bản của Tây Đức được làm ra qua sự ủy quyền của Anh, Hoa kỳ và Pháp và Hiến pháp Nhật với Hoa kỳ.
Nói theo những người có đầu óc chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thì : «  Một hiến pháp do người ngoại quốc làm cố vấn và khuyến cáo thì không có giá trị và không hợp với truyền thống văn hóa, dân tộc v..v.. !« hay « Chỉ có người Việt mới thương người Việt «. Những người này không có đủ trí thức và đầu óc cởi mở để nhận biết rằng : người Việt cũng có người tốt và người xấu, người ngoại quốc cũng vậy. Người Việt xấu đó là những người trong lịch sử cận đại, đã đẩy cả triệu người Việt ra ngoài biển, lên trên rừng, vào trại tập trung ; có người đã phải sống cảnh xác mẹ bị vùi nông bên lề đường, xác cha bị chìm sâu trong lòng biển, vợ con bị hải tặc hãm hiếp. Người ngoại quốc tốt chính là những người đã cưu mang những thuyền nhân Việt Nam.
Ở đây tôi cũng không có ý cổ võ cho tinh thần vọng ngoại. Vấn đề chính, đó là nhìn nhận cho đúng vấn đề, đúng người, đúng việc. Nói như nhà thơ Nguyễn chí Thiện :
« Đời ta đã lầm lẫn nhiều lần và về nhiều vấn đề. Nhưng cái lầm to lớn và tai hại nhất, chính là lầm về cộng sản. »
Hai nước Nhật và Đức, từ lâu đã là cường quốc kinh tế phát triển thứ nhì, thứ ba trên thế giới, ngày nay mới bị tụt xuống thứ ba, thứ tư, tuy nhiên vẫn là hai nước có trình độ phát triển vững chắc, hài hòa. Hai nước này nếu gọi là hiến pháp, thì không có hiến pháp, mà chỉ có những luật lệ căn bản ( Les lois fondamentales), nước Nhật thì do tướng Hoa Kỳ Mac Arthur, tư lệnh quân đội chiếm đóng, trong và sau Đệ Nhị thế Chiến ( 1939-1945), làm ra ; nước Đức thì do Bộ tư lệnh quân đội chiếm đóng hướng dẫn làm ra những luật lệ căn bản này.
Về hiến pháp, có thể nói Nhật có 3 hiến pháp : hiến pháp lâu đời nhất là từ thời thái tử Shotoku, vào hậu bán thế kỷ thứ VI ; hiến pháp thứ nhì là vào thời Minh trị thiên Hoàng, từ năm 1847, và những luật lệ căn bản về sau này.
Trong quyển sách Mười Hai Người lập ra nước Nhật, tác giả là Sakaiya Taichi, dịch giả là Đặng lương Mô, thì :«  Trong số 12 người nói trên đây, không ai là vị vua khai thiên lập địa, cũng không ai là vị tướng tài đánh dẹp ngoại xâm. Mà là 12 người đã để lại ảnh hưởng sâu đậm đối với nước Nhật và người Nhật ngày nay. Họ là những người đã đưa ra quan niệm tôn giáo, tiêu chuẩn luân lý, phong cách xử thế, tức là những giá trị tinh thần của người Nhật, tới những cơ chế chính trị, kinh tế, xã hội còn tồn tại, hoặc vẫn còn ảnh hưởng tới ngày hôm nay. » ( Lời người dịch ).
Mười hai người đó bắt đầu bằng thái tử Shotoku, vào thế kỷ thứ 6, sau tây lịch, người đã khai xướng tư tưởng «  Gộp Đạo : Thần-Phật-Nho « .
« Đây là tư tưởng tôn sùng cùng một lúc ba giáo lý : đó là Thần đạo hay tôn giáo dân gian của Nhật bản, Phật giáo hay tôn giáo phát sinh ra ở Ấn độ, rồi truyền qua Trung hoa, rồi bán đảo Triều tiên và vào Nhật, Nho giáo phát sinh ra ở Trung hoa tức là những qui phạm đạo đức làm khuôn mẫu cho cách xử thế. »
Thực ra Việt Nam chúng ta xưa kia cũng đã có tư tưởng Tam giáo đồng qui và sau này cũng dễ dàng chấp nhận những tôn giáo khác như Thiên chúa giáo, Tin lành, Cao Đài v.v… Đó là tư tưởng đa khuynh, khác hẳn với tư tưởng độc khuynh cộng sản.
Về chính trị, ngay từ thời vua Bảo Đại đã có đa đảng, khác với độc đảng cộng sản ngày hôm nay.
Trong khuôn khổ bài này tôi không thể đi vào chi tiết quyển sách, tôi chỉ xin nêu ra rằng người đứng thứ 10 là tướng Mac Arthur. Và tôi chỉ xin trích những đọan liên quan đến hiến pháp, đề tài của bài này :
«  Sau đó, về hình thức chính trị, ông ( tướng Mac Arthur – lời người viết bài này) đã cho xây dựng chủ nghĩa dân chủ nghị viện ở Nhật bản, dựa trên hình thức dân chủ do đầu phiếu của Mỹ. Tuy nhiên, khác với Mỹ, ông đã không áp đặt chế độ tổng thống, mà đã nhìn nhận chế độ thiên hoàng tượng trưng, không được tham gia vào chính trị. Chính trị là việc của các nghị viên được bầu ra, của thủ tướng do các nghị viên bầu ra. »
Không nói đâu xa, trở về Việt Nam trước năm 1975, thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng hòa, nếu chúng ta nghiên cứu 2 bản hiến pháp của 2 nền cộng hòa này, chúng ta thấy chúng cũng không dở. Có thể nói 2 nền cộng hòa non trẻ này, đã làm cho miền Nam Việt Nam lúc đó trở thành phát triển và tương đối dân chủ ở trong vùng, tất nhiên còn nhiều thiếu xót, so với những nước dân chủ từ lâu. Miền Nam lúc đó về thể chế chính trị, về phát triển kinh tế, xã hội không thua gì những nước chung quanh, ngay cả Nam Hàn. Thế rồi cộng sản vào cưỡng chiếm, đạp đổ tất, không những hiến pháp, thể chế chính trị, giá trị đạo đức tốt đẹp cổ truyền, và ngay cả hạ tầng cơ sở kinh tế. Những nhà kinh tế cộng sản như Lê đăng Doanh, khi vào miền Nam, sau 1975, đã sửng xốt thấy hạ tầng cơ sở kinh tế phát triển, mà ông đã thú nhận trên đài BBC.
Cộng sản phá hủy tất, đảo ngược xã hội, để đến nỗi người dân phải than lên :
«  Năm đồng đổi lấy một xu, người khôn đi học, thằng ngu làm thầy. »
Tình trạng này vẫn kéo dài cho tới ngày hôm nay, qua tham nhũng, hối lộ, đàn áp dân thấp cổ bé họng; và để duy trì chế độ, cộng sản tìm đủ mọi cách, trong đó có việc tiếp tục cho dân ăn bánh vẽ, mà  «  Góp ý kiến để sửa đổi hiến pháp «  là một trò trong vở tuồng lừa dân, hại nước, đã được trình diễn hàng thế kỷ nay bởi đảng cộng sản.
Có người cho rằng, mặc dầu đây chỉ là bánh vẽ, nhưng chúng ta cũng cần lợi dụng nó, biến nó thành phong trào, đi xâu vào quần chúng và sẽ có những kết quả bất phục hồi, tốt đẹp mai sau. Ý kiến này không phải là sai. Tuy nhiên cũng đừng quá hy vọng, vì bản chất của người cộng sản vẫn không thay đổi, vẫn chỉ là «  tuyên truyền và nói láo «, như ông Gorbatchev, lãnh đạo cuối cùng của Liên bang Sô viết, đã nói.(1)
Paris ngày 22/03/2013
Chu chi Nam
(1)  Xin đọc thêm những bài về cộng sản, trên : http://perso.orange.fr/chuchinam/

0 comments:

Powered By Blogger